03/06/2017, 23:19

Nước ta có nhiều tấm gương vượt lên số phận, học tập thành công (như anh Nguyễn ngọc kí, ...)Lấy nhan đề là "Những người không chịu thua số phận", em hãy viết bài văn nêu suy nghĩ của mình vế những con người ấy. (Bài 6)

M.Goocki đã từng nói: "Mỗi số phận đều là mỗi trang đời kì diệu". Thật vậy, chúng ta đều xúc động và cảm phục khi lật giở từng trang đời của những con người bất hạnh như: Nguyễn Ngọc Kí, Trần Văn Thức, Đỗ Trọng Khơi,... Họ có thể khác nhau về hoàn cảnh sống nhưng tất cả đều có chung ý ...

M.Goocki đã từng nói: "Mỗi số phận đều là mỗi trang đời kì diệu". Thật vậy, chúng ta đều xúc động và cảm phục khi lật giở từng trang đời của những con người bất hạnh như: Nguyễn Ngọc Kí, Trần Văn Thức, Đỗ Trọng Khơi,... Họ có thể khác nhau về hoàn cảnh sống nhưng tất cả đều có chung ý chí, nghị lực vượt lên số phận, cố gắng học tập, lao động và đóng góp hết sức mình cho cộng đồng, xã hội.

Nguyễn Ngọc Kí là cái tên rất quen thuộc đối với bao thế hệ thanh niên Việt Nam và tấm gương đó đã trở thành biểu tượng của sự kiên trì, nhẫn nại và ý chí vượt lên số phận. Cậu bé Kí bị liệt cả hai tay khi mới bốn tuổi. Hai cánh tay cậu thõng xuống như hai cái dây quàng bên vai. Không được may mắn như những bạn nhỏ khác, cậu chỉ dám đứng ngoài cửa lớp nghe lỏm cô giáo giảng bài. Vì quá thương tình cậu bé tật nguyền mà rất hiếu học, cô giáo đã cho cậu vào lớp. Từ đó, Kí bắt đầu quãng thời gian luyện tập vô cùng vất vả, khó khăn, luyện viết bằng chân. Có những lúc bàn chân đau đớn, co quắp vì chuột rút, có những lúc ngón chân sưng phồng, rớm máu nhưng cậu vẫn kiên trì tập viết. Những gian nan ấy không hề làm cậu học trò chùn bước và cậu đã đạt danh hiệu vở sạch chữ đẹp cấp trường rồi đến cấp quận. Thành tích đó thật đáng nể! Nhưng chưa dừng lại ở đó, Nguyễn Ngọc Kí đã vào được giảng đường đại học và trở thành thầy giáo trên giảng đường đại học và bây giờ thầy giáo Nguyễn Ngọc Kí đã sáng tác được chín đầu sách. Hàng ngày, thầy vẫn sử dụng đôi chân để thay đôi bàn tay với biết bao khó khăn, vất vả từng bước viết ra huyền thoại về cuộc đời chính bản thân mình.
 
Anh Trần Văn Thước bị tai nạn lao động và liệt toàn thân. Nhưng không nản chí và lùi bước trước cuộc đời, anh đã cố gắng sống, học tập và viết văn.
 
Năm 2005, cả nước không ai là không biết đến Nguyễn Công Hùng - người thuộc xã Nghi Diên, huyện Nghi Lợi, tỉnh Nghệ An. Anh bị bại liệt bẩm sinh và bị bệnh viêm phổi hành hạ. Chàng trai 23 tuổi, năng 12 cân với cơ thể teo tóp đã chăm chỉ học tin học và được Nhà nước phong danh hiệu "Hiệp sĩ tin học" vì những đóng góp không vụ lợi cho xã hội. Tháng 5 năm 2005, anh đã được kỉ lục Guiness Việt Nam công nhận vào danh mục những người tật nguyền đầu tiên làm giám đốc trung tâm tin học và trung tâm đào tạo ngoại ngữ,...
 
Ngoài ra, còn có anh Hoa Xuân Tứ bị cụt tay, dùng vai để viết; nhà thơ Đỗ Trọng Khơi bị liệt cả hai chân sống quanh quẩn trong nhà và trình độ vãn hoá mới đến lớp ba nhưng luôn có một tâm hồn thơ bay bổng, ca vang. Nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu bị mù cả hai mắt nhưng vẫn dùng thơ ca của mình để khơi dậy lòng yêu nước của nhân dân và vạch trần tội ác của quân thù khi nước Nam bị giặc Pháp đô hộ; hay anh Bạch Đình Vinh làm biên tập cho tạp chí "Thế giới vi tính" và là một học sinh xuất sắc của Trường Chuyên Hà Nội - Amsterdam cho dù bị bệnh tai biến mạch máu não... Không thể kể hết những khó khăn, những giọt nước mắt của họ khi phải vượt lên số phận nghiệt ngã của bản thân và một ý chí quyết tâm thật đáng nể phục đế chứng minh mình có thể tàn nhưng không phế.
 
Họ có thể bị khuyết tật do bệnh, lao động hay bẩm sinh. Không ít người trong số đó đã không thể vượt lên hoàn cảnh mà sống. Đúng vậy, những người bị tàn tật rất dễ bị mặc cảm, tự ti khi đứng trước người bình thường và suy nghĩ lo lắng rằng mình có thế trở thành gánh nặng của gia đình, xã hội. Vậy điều gì đã khiến những con người kể trên có thế dẹp bỏ những suy nghĩ ấy để đứng dậy và cố gắng đạt đến thành công như ngày hôm nay? Đó chính là suy nghĩ lạc quan rằng mình chỉ đặc biệt hơn người khác một chút mà thôi. Họ không muốn sống phụ thuộc vào người khác. Họ có niềm tin vào cuộc sống, lạc quan vào tương lai. Họ hiểu hơn bất kì một ai hết “Cuộc sống chỉ thất bại khi con người ta không có sự cố gắng". Hơn hết, bên cạnh họ có gia đình, bạn bè, người thân luôn khích lệ, động viên để họ có niềm tin, chỗ dựa tinh thần vững chắc trong cuộc đời.
 
Cuộc đời của những con người tàn tật ấy thật không may và nhiều trở ngại. Vậy mà họ vẫn sống, vẫn tồn tại, đóng góp cho xã hội. Còn chúng ta, chúng ta đã làm được những gì? Chúng ta sinh ra có đầy đủ chân tay, cơ thể khoẻ mạnh, gia đình đầm ấm, thế giới hoà bình. Có thể chúng ta chưa giàu có, không tài giỏi như ai nhưng điều kiện hơn hẳn rất nhiều người. Tuy thế, chúng ta vẫn chưa biết trân trọng những gì mình có, lúc nào cũng than vãn khi thấy người khác hơn mình cái gì đó. Học sinh thì đa phần vẫn còn mải chơi, học qua loa, đối phó. Những lúc ấy có bao giờ chúng ta nghĩ có bao nhiêu bạn học trò nhỏ đang đứng ngoài cửa lớp nghe lỏm cô giáo giảng bài với niềm khao khát học tập mãnh liệt. Mỗi người chúng ta hãy nhìn vào những tâm gương sáng đã vượt lên số phận này để tự soi vào chính bản thân mình. Chúng ta hãy cố gắng khắc phục những khiếm khuyết của bản thân dể đạt tới thành công bởi "trên con đường dẫn tới thành công không có bước chân của kẻ lười biếng". Hãy chọn một con đường để đi và đạt tới mục đích cuối cùng để đến một ngày nào đó nhìn lại ta không phải hối hận.
 
Nhìn vào những tâm gương trên, ta thấy thật cảm phục họ. Vậy mà không hiểu sao vẫn có những người khi nhìn thấy họ thì cười khinh miệt và buông ra những lời bất nhẫn mà không biết rằng mình còn không bằng một nửa của người ta. Vì thế hãy tôn trọng người tật nguyền, cố gắng hết sức để giúp đỡ họ khi họ cần. Và nếu có điều kiện, chúng ta hãy sẵn sàng giúp họ phát huy hết khả năng của mình.
 
Cuộc sống không mỉm cười với tất cả mọi người. Vì thế mỗi người hãy biết chấp nhận và vượt qua những thiếu sót và khó khăn để đi tới thành công trong cuộc sống. "Trong cuộc đời này không có số phận chỉ có những quyết định của con người tạo nên số phận mà thôi". Chúng ta hãy ghi nhớ câu này trong tâm trí mình suốt cuộc đời để tạo nên sô' phận tốt nhất cho bản thân.

0