25/05/2018, 14:19

Núi trường bạch

Núi Trường Bạch, còn gọi là núi Bạch Đầu, là một núi dạng núi lửa nằm trên biên giới giữa Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên và Trung Quốc, tại tọa độ 42°00′24″B 128°03′18″Đ. Với độ cao 2.744 m, nó là đỉnh cao nhất trong dãy núi ...

Núi Trường Bạch, còn gọi là núi Bạch Đầu, là một núi dạng núi lửa nằm trên biên giới giữa Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên và Trung Quốc, tại tọa độ 42°00′24″B 128°03′18″Đ. Với độ cao 2.744 m, nó là đỉnh cao nhất trong dãy núi cùng tên là dãy Trường Bạch ở phía bắc và dãy Baekdudaegan ở phía nam. Nó cũng là đỉnh núi cao nhất trên bán đảo Triều Tiên và khu vực Mãn Châu.

Tên gọi trong tiếng Triều Tiên 백두산, 白頭山, Baekdu-san (phiên âm Hán-Việt là Bạch Đầu Sơn), nghĩa là "núi đầu trắng". Tên gọi trong tiếng Trung 長白山, 长白山, Changbai và trong tiếng Mãn Golmin Šanggiyan Alin đều có nghĩa là "núi trắng vĩnh cửu". Tên gọi cũ của núi này trong tiếng Trung là 太白山 (Thái Bạch sơn). Trong tiếng Việt, người ta biết đến ngọn núi này như là núi Trường Bạch nhiều hơn.

Một hồ miệng núi lửa lớn, gọi là hồ Thiên Trì (천지, 天池), nằm trong một hõm chảo núi lửa trên đỉnh ngọn Trường Bạch.

Núi Trường Bạch là một núi lửa tầng mà nón của nó bị cắt cụt bởi một hõm chảo núi lửa lớn có kích thước dài rộng khoảng 5 km (3,1 dặm Anh) và sâu 850 m (2.789 ft), một phần của nó tạo thành hồ Thiên Trì[1]. Hõm chảo núi lửa này được tạo ra sau lần phun trào khoảng năm 969 (± 20 năm)[2]. Tro núi lửa từ đợt phun trào này được tìm thấy xa tới tận miền nam của Hokkaidō thuộc Nhật Bản. Hồ này có chu vi khoảng 12 tới 14 km (7,5-8,7 dặm Anh), với độ sâu trung bình là 213 m (699 ft) và độ sâu tối đa đạt 384 m (1.260 ft). Từ khoảng giữa tháng 10 năm trước tới giữa tháng 6 năm sau thì mặt hồ thường bị băng tuyết che phủ.

Phần trung tâm của ngọn núi này được nâng lên khoảng 3 mm mỗi năm, do mực macma đang dâng lên ở phía dưới phần trung tâm của núi. Mười sáu đỉnh trên 2.500 m (8.200 ft) bao quanh mép hõm chảo xung quanh hồ Thiên Trì. Đỉnh cao nhất, gọi là đỉnh Tướng Quân (Janggun) trên lãnh thổ Triều Tiên, bị tuyết che phủ khoảng 8 tháng mỗi năm. Đỉnh cao nhất trên lãnh thổ Trung Quốc là đỉnh Bạch Vân, cao 2.691 m. Các sườn núi tương đối thoải cho tới độ cao khoảng 1.800 m (5.905 ft).

Nước chảy ra khỏi hồ ở phía bắc và gần lối thoát ra là một thác nước cao 70 m (230 ft). Núi này là nguồn của các con sông như Tùng Hoa, Đồ Môn và Áp Lục.

Thời tiết trong khu vực núi có thể rất thất thường. Nhiệt độ trung bình hàng năm trên đỉnh núi là khoảng -8,3 °C (17 °F). Trong mùa hè, nhiệt độ khoảng 18 °C (64 °F) có thể đạt được, còn trong mùa đông nhiệt độ có thể xuống tới -48 °C (-54 °F). Nhiệt độ trung bình là -24 °C (-11 °F) trong tháng 1, 10 °C (50 °F) trong tháng 7, nằm dưới điểm đóng băng trong 8 tháng của năm. Tốc độ gió trung bình là 11,7 m/s, đạt tới trung bình là 17,6 m/s trong tháng 12. Độ ẩm tương đối trung bình là 74 %. Trong mấy thập kỷ gần đây, có sự ấm lên đáng kể của khí hậu trên núi. Lượng tuyết che phủ trong mùa hè trên đỉnh núi bị giảm mạnh trong thời gian này.

Có 5 loài thực vật đã biết sinh sống trong hồ trên đỉnh núi và khoảng 168 loài dọc theo các bờ hồ. Khu vực núi Trường Bạch là nơi sinh sống của hổ, gấu, báo hoa mai, chó sói, và lợn rừng. Loài hươu nai sinh sống trong các khu rừng, che phủ núi Trường Bạch tới độ cao khoảng 2.000 m, là chủng hoẵng Bạch Đầu sơn. Nhiều loài chim hoang dã như gà gô lia (Tetrao tetrix), cú và gõ kiến cũng sinh sống trong khu vực. Các khu rừng bên phía Trung Quốc là nguyên sinh và gần như không bị con người biến đổi. Bạch dương là chủ đạo gần đường cây gỗ còn thông thì ở dưới hơn, hỗn tạp với các loài cây khác. Trong vài thập niên gần đây, sự ấm lên đáng kể của khí hậu đã làm thay đổi cấu trúc các cánh rừng nguyên sinh trên các phần phía trên của sườn núi, với sự thay đổi nghiêng về phía các loài thông cũng như làm dày thêm tầng tán của rừng. Hiện tại quá trình tàn phá làm mất rừng ở các phần thấp của sườn núi bên lãnh thổ Triều Tiên vẫn đang diễn ra.

Núi Trường Bạch được người dân quanh đó sùng kính trong suốt chiều dài lịch sử. Cả người Triều Tiên lẫn người Mãn đều coi nơi này như là nơi bắt nguồn tổ tiên của họ.

Triều Tiên

Người Triều Tiên coi núi Bạch Đầu như là nơi bắt nguồn tổ tiên của họ và là một ngọn núi linh thiêng, một trong ba núi “thần thánh”; nơi được đề cập tới trong sự ra đời huyền thoại của đất nước Triều Tiên. Từ lịch sử thuở ban đầu cho tới các thời kỳ Tam Quốc, hay các triều đại Cao Ly và vương quốc Triều Tiên thì người Triều Tiên đều có điểm tựa tinh thần là ngọn núi “linh thiêng” này.

Truyền thuyết về khởi đầu của vương quốc đầu tiên của Triều Tiên (Cổ Triều Tiên, 2333 TCN–108 TCN) cho rằng nhà nước này được thành lập tại đây. Nhiều vương quốc sau này của Triều Tiên, như Phù Dư, Cao Cấu Ly, Bột Hải, Cao Ly và vương quốc Triều Tiên đều coi núi này là linh thiêng và đều duy trì các nghi lễ tế tự ngọn núi này[3][4].

Vương triều Cao Ly (935–1392) lần đầu tiên gọi núi này là Bạch Đầu[5], ghi nhận rằng người Nữ Chân vượt qua sông Áp Lục để sinh sống ngoài khu vực núi Bạch Đầu. Thời kỳ Vương quốc Triều Tiên (1392–1910) người ta đã ghi nhận các lần phun trào núi lửa vào các năm 1597, 1668, và 1702. Thế kỷ 15, Thế Tông Đại Vương đã cho củng cố công sự dọc theo các sông Đồ Môn và Áp Lục, làm cho ngọn núi này trở thành ranh giới tự nhiên với các dân tộc phương bắc[6].

Các khu rừng rậm rạp xung quanh núi là căn cứ cho các lực lượng vũ trang Triều Tiên chống lại sự xâm chiếm của người Nhật, cũng như là căn cứ cho các lực lượng du kích cộng sản trong chiến tranh Triều Tiên. Người Triều Tiên tuyên bố rằng Kim Nhật Thành đã tổ chức lực lượng du kích của ông tại đây để chống lại quân đội Nhật và Kim Jong-il sinh ra tại đây, mặc dù các hồ sơ ghi chép ngoài Triều Tiên chỉ ra rằng các sự kiện này diễn ra tại khu vực trong một khoảng cách ngắn từ biên giới với Liên Xô.

Trung Quốc

Núi Trường Bạch lần đầu tiên được ghi nhận trong Sơn Hải Kinh với tên gọi Bất Hàm Sơn (不咸山) hay Thần Tiên Sơn (即神仙山, núi của thần tiên). Nó cũng được gọi là Đan Đan Đại Lĩnh (單單大嶺) trong Hậu Hán thư phần Đông Di liệt truyện. Trong Tân Đường thư quyển 219-Bắc Địch Bột Hải truyện, người ta gọi nó là Thái Bạch Sơn (太白山)[7]. Tên gọi hiện tại trong tiếng Trung là Trường Bạch Sơn (長白山) lần đầu tiên được sử dụng vào thời nhà Liêu (907-1125)[8] và sau đó là nhà Kim (1115-1234)[9].

Nhà Kim (1115–1234) phong cho thần núi Trường Bạch tước hiệu là "Hưng quốc Linh ứng vương" (興國靈應王) vào năm 1172 và sau này phong là "Khai thiên Hoành thánh đế" (開天宏聖帝) vào năm 1193. Trong thời kỳ nhà Thanh, hoàng đế Khang Hi gọi núi Trường Bạch như là nơi sinh truyền thuyết của hoàng gia nhà Ái Tân Giác La sau một cuộc nghiên cứu, mặc dù hiện nay nó không còn được ủng hộ nữa. Ông đặt ra một khu vực cấm quanh núi, mặc dù hiện nay vẫn còn tranh cãi rằng nó là một phần của Triều Tiên hay của Trung Quốc. Nhà Thanh duy trì các nghi lễ tế tự hàng năm đối với ngọn núi này, cũng giống như nhà Kim trước đây.

0