13/01/2018, 10:28

“Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang không hay không, dân tộc …” – Văn hay lớp 8

“Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang không hay không, dân tộc …” – Văn hay lớp 8 "Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang không hay không, dân tộc…" – Bài làm số 1 của một bạn học sinh giỏi văn tỉnh Đồng Tháp Tục ngữ Việt Nam có nhiều lời khuyên về học tập như: "Đi một ...

“Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang không hay không, dân tộc …” – Văn hay lớp 8

"Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang không hay không, dân tộc…"  – Bài làm số 1 của một bạn học sinh giỏi văn tỉnh Đồng Tháp

Tục ngữ Việt Nam có nhiều lời khuyên về học tập như: "Đi một ngày học một sàng khôn", "Học ăn, học nói, học gói, học mở". Truyền thống hiếu học là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta thế nhưng thời Pháp thuộc, đa số nhân dân ta sống trong tăm tối, mù chữ do chính sách ngu dân của thực dân Pháp. Do vậy, sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, trong ngày khai trường năm học đầu tiên của chế độ mới, Bác Hồ đã ân cần nhắn gửi học sinh:

   "Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang không hay không, dân tộc Việt Nam có được vẻ vang sánh vai với cắc cường quốc năm châu hay không, chính là một phần lớn ở công học tập của các cháu"

 Lời dạy của Bác quả có nguyên cớ và ý nghĩa sâu xa.

 Thực vậy, trước hết, Bác đã cho ta rõ mối quan hệ chặt chẽ giữa việc học tập của học sinh và tiền đồ của đất nước. Thế nào là một đất nước vẻ vang? Đó là một đất nước độc lập và giàu mạnh về kinh tế, quân sự, văn hóa. Ta thường nghe dân giàu nước mạnh. Dân giàu có ắt phải ấm no, đầy đủ cả vật chất lẫn tinh thần, tiến bộ về văn hóa, xã hội an ninh, lành mạnh. Đó là một đất nước phát triển, một đất nước vẻ vang.

Tiếp theo, niềm mơ ước của Bác được nhấn mạnh gắn liền với hình ảnh sánh vai với các cường quốc năm châu. Đây là một chuẩn mực cụ thể hơn, gần gũi hơn cho chúng ta suy ngẫm. Đã có rồi các cường quốc trên năm châu, ta chưa sánh vai cùng họ, ta còn thua kém họ. Ta tự hỏi họ hơn ta những gì? Đó là nền kinh tế giàu mạnh, khoa học kĩ thuật và văn hóa tiên tiến, vừa tiếp nhận tinh hoa nhân loại vừa góp mình vào trong sự phát triển của thế giới, về mặt tình cảm, đó là ước mơ, về mặt lí trí, đó là chỉ tiêu phấn đấu, là cái đích cao đẹp mả nhân dân ta cần nỗ lực vươn tới.

 Tại sao Bác không nêu rõ vấn đề như ta vừa giải thích trên đây? Tại sao lại nói: chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu?

Xuất phát từ tầm nhìn xa trông rộng, Bác cho rằng sự nghiệp lớn lao như vậy cần huy động sức lực của toàn dân trong một thời gian dài. Điều đó có ý nghĩa Bác nhấn mạnh: thực hiện việc đổi mới đất nước ấy là lớp thanh thiếu niên, học sinh, những thế hệ làm chủ đất nước tương lai.

Hơn thế nữa, Bác còn nhìn thấy sự chênh lệch giữa đất nước ta và đất nước phát triển khác. Đất nước ta vừa trải qua hàng nghìn năm phong kiến, hàng trăm năm nô lệ thực dân, chiến tranh liên miên, đất nước mới độc lập nên còn nghèo nàn lạc hậu. Trong khi đó, các nước phát triển trên thế giới đã tiến bộ vượt bậc về khoa học kĩ thuật. So với các nước tiên tiến, ta thua kém xa. Muốn theo kịp họ, sánh vai cùng họ, ta phải nỗ lực học tập, học theo cách làm của họ, kinh nghiệm của họ, kho kiên thức khoa học mới mẻ của họ và những cuộc cách mạng từng giờ trên thế giới văn minh.

 Muốn quốc phòng vững mạnh và kinh tế phát triển, ta phải nói đến khoa học, kĩ thuật. Thật vậy, đồng ruộng và tài nguyên chưa phải là tất cả. Muốn có năng suất cao, muốn khai thác tài nguyên, phải có kĩ thuật tiến bộ. Có kĩ thuật mới mong có năng suất cao và sản phẩm đẹp. Muốn nắm vững khoa học kĩ thuật không gì khác hơn học tập để có kiến thức vững vàng, có trình độ cao. Không học tập, làm sao có trình độ văn hóa cao?

Tóm lại, Bác đã khẳng định nhiệm vụ học tập cho các thanh thiếu niên, học sinh là rất quan trọng đối với tương lai của đất nước ta. Bác không chỉ quan tâm đến hiện tại mà còn có đôi mắt nhìn xa trông rộng tới tương lai.

Hiểu được lời dạy của Bác, ta thấy hết trách nhiệm của người học sinh trong việc học tập. Vì vậy ta cần xác định đúng đắn mục đích và động cơ học tập. Học để nắm vững kiến thức khoa học kĩ thuật, làm cho dân giàu nước mạnh. Ta phải kiên trì, vượt qua mọi khó khăntrong học tập. Ta phải có phương pháp học tập tốt. Cuối cùng, yêu nước, muốn đất nước sánh vai cùng với cường quốc năm châu, em tự nhù phải vượt khó trong học tập hôm nay.

"Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang không hay không, dân tộc…"  – Bài làm số 2

Nhân dân ta vốn có truyền thống hiếu học, học để làm người, học để giúp đỡi, giúp nước… Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, nước nhà độc lập, việc học tập càng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Vì thế, ngay trong năm học đầu tiên dưới chế độ mới, Bác Hồ gửi thư cho học sinh đă có những lời căn dặn:

“Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”.

Lời dạy ấy có nghĩa là gì?
 
Trong lời dặn dò trên đây, Bác Hồ đã nêu bật mối quan hệ và tác dụng to lớn của việc học tập đối với tiền đồ đất nước.
 
Thế nào là một đất nước vẻ vang? Nói chung, một đất nước muốn được vẻ vang thì trước hết phải là một đất nước độc lập, giàu mạnh. Đất nước nô lệ thì không thể vẻ vang. Nhưng muốn giữ nền độc lập thì phải có nền quốc phòng vững mạnh, thì phải có nền kinh tế vững mạnh, phát triển.
 
Ta thường nói nước mạnh, dân giàu. Đó là hai điều song song tồn tại của một đất nước phát triển. Dân có giàu nước mới mạnh. Nói dân giàu tức là nói nhân dân được ấm no đầy đủ về đời sống vật chất, được hưởng các quyền tự do dân chủ về mặt tinh thần, được học hành để mở mang trí tuệ, có một đời sống văn hóa tiến bộ, một nếp sống xã hội văn minh lành mạnh.
 
Một đất nước như thế sẽ được các dân tộc khác trên thế giới yêu mến, kính trọng, một đất nước như thế gọi là đất nước vẻ vang.
 
Bác Hồ lại nói: “dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu” nghĩa là như thế nào? Nói như vậy, Bác Hồ có ý nhấn mạnh đển sự phấn đấu để đưa nước nhà lên ngang tầm những đất nước giàu mạnh và tiên tiến trên thế giới. Muốn thế, ngoài việc phải có một nền kinh tế vào loại giàu mạnh, Việt Nam còn phải có một nền khoa học kĩ thuật tiên tiến, một nền văn hóa tiên tiến, không những có thế tiếp nhận được tinh hoa của nhân loại mà còn góp phần mình vào phát triển chung của nhân loại.

Đó là cái đích phải đạt tới mà Bác Hồ đã đặt ra cho nhân dân ta ngay sau ngày đất nước vừa thoát vòng nô lệ. Đó cũng là mục tiêu phấn đấu cuối cùng mà dân tộc ta hằng ấp ủ qua mấy chục năm không ngừng lao động và chiến đấu cho tới ngày nay.

Vì sao tất cả những điều đó lại “chính là nhờ phần lớn ở công học tập của các em”?

Đất nước Việt Nam ta đã trải qua cả ngàn năm chế độ phong kiến và gần trăm năm thuộc địa rồi liên tục chiến tranh. Nhân dân ta đứng trước một gia tài vừa nghèo nàn vừa lạc hậu. Trong khi đó trên thế giới, khoa học kĩ thuật có những bước tiến khổng lồ, mọi mặt đời sống cũng nhảy vọt, so với những nước tiên tiến, ta đi chậm hơn đến hàng trăm năm. Muốn đuổi kịp họ, ta không cách nào khác ngoài con đường học tập, học cách mà người ta đã làm, học thật nhanh để rút ngắn dần khoảng cách giữa ta với họ. Muốn có quốc phòng vững mạnh, thì chí con người chưa đủ, phải có khoa học kĩ thuật. Nói đển kinh tế, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp là nói đển kĩ thuật, vì đồng ruộng mênh mông, tài nguyên vô tận, không thể tự nhiên tạo ra nhiều sản phẩm. Đời sống văn hóa cũng chỉ có thế phát triển trên cơ sở một nền kinh tế không ngừng phát triển.
 
Để có kĩ thuật phải có khoa học. Muốn nắm được khoa học và kl thuật tiên tiến thì phải có kiến thức cơ bản, phải có văn hóa. Không ai có thể thấy điều ấy cho ta. Nếu không học, không có kiến thức, làm sao mà củng cố được quốc phòng, phát triển được kinh tế, nâng cao được văn hóa?
 
Khi Bác Hồ nói: “Chính là nhờ phần lớn ở công học tập của các em” là Bác còn nhấn mạnh đến vai trò tương lai của thế hệ thanh thiếu niên. Cách mạng mới thành công, cuộc chiến đấu để giữ nước đang gian khổ, nhưng mười, mười lăm năm sau thế hệ học sinh hôm nay sẽ là người chủ của đất nước, là lực lượng chủ yếu để dựng nước, phát triển kinh tế và mở mang văn hóa. Vì thế, nhiệm vụ của người đang ngồi trên ghế nhà trường càng trở nên quan trọng và nặng nề. Bác vĩ đại vì Bác không chỉ lo cho cuộc chiến đấu trước mắt mà còn nghĩ đến tương lai lâu dài của đất nước.
 
Mỗi chúng ta cần hiểu sâu lời dạy của Bác để ra sức rèn luyện, phấn đấu trong những ngày còn ngồi trên ghế nhà trường. Từ lời dạy chân tình và tha thiết của Bác, chúng ta phải thấy hết trách nhiệm của người học sinh trong việc học tập. Để học tập tốt, trước hết chúng ta phải xác định đúng đắn mục đích và động cơ học tập: học tập để nắm vững kiến thức văn hóa, khoa học nhằm làm cho đất nước và dân tộc giàu mạnh, hùng cường. Muốn vậy, phải phấn đấu kiên trì, vượt qua mọi trở ngại, khắc phục mọi khó khăn để học tập đạt kết quả cao nhất. Phải có phương pháp học tập tốt. Kết hợp chặt chẽ học với hành. Phải học chò toàn diện, không phải chí biết có học chữ mà phải biết học làm người, phấn đấu trở thành con người mới xã hội chủ nghĩa.
 
Cuộc chiến đấu giữ nước của nhân dân ta phải qua ba mươi năm mới giành được thắng lợi hoàn toàn. Trước mắt chúng ta có vô vàn khó khăn. Để đi tới một tương lai tươi sáng cho Tổ quốc trở nên vẻ vang, cho dân tộc Việt Nam bước tới đài vinh quang để sánh vai các cường quốc năm châu như lòng Bác Hồ hằng mong ước, chúng ta phải gắng sức học tập, học tập không ngừng.

"Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang không hay không, dân tộc…"  – Bài làm số 3

“Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có được sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không chính là nhờ một phần lớn ở công lao học tập của các cháu”. Em hiểu lời nói đó như thế nào?

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chăm lo đến sự nghiệp nuôi dưỡng, đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ. Bác rất quan tâm việc học hành của các cháu thiếu nhi trong cả nước, ngay sau ngày đất nước giành được tự do, Bác đã kí quyết định thành lập Nhà bình dân học vụ. Và cũng trong bức thư gửi học sinh nhân ngày khai trường năm học đầu tiên sau Cách mạng tháng Tám 1945, Người viết: “Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có được sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không chính là nhờ một phần lớn ở công lao học tập của các cháu" lời dạy của Người gợi cho chúng ta nhiều suy ngẫm.
 
Cách mạng tháng Tám thành công đưa đất nước ta từ thân phận của những nô lệ đứng lên làm chủ đất nước. Tên đất nước Việt Nam đã hiển thị trên bản đồ thế giới từ thời khắc Bác đọc bản Tuyên ngôn Độc lập tại quảng trường Ba Đình vào ngày mồng 2 tháng 9 năm 1945. Nhưng cũng có một sự thật là hơn tám mươi năm nô lệ dưới ách thống trị của thực dân Pháp đã biến nước ta trở thành một nước lạc hậu về mọi mặt. Kinh tế sa sút, què quẹt. Hơn chín mươi phần trăm (90%) dân số mù chữ, nhiều tệ nạn xà hội đã đang bóp nghẹt nền văn hóa đất nước: nghiện hút, nghiện rượu, mê tín dị đoan,… Không những thế, nhiều kẻ thù chính trị còn đang lăm le tái chiến nước ta: Pháp, Tường, Anh,… Chính quyền ta vừa thành lập còn non trẻ và gặp nhiều nguy hiểm. Tương lai dân tộc sẽ ra sao? Trước thực tế đó, Bác Hồ đặt ra một câu hỏi thức tỉnh trách nhiệm của mỗi người dân đối với đất nước: “Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có được sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không”
 
Đất nước vừa giành được độc lập còn vô cùng non trẻ với những tàn tích của chế độ phong kiến – thực dân đế lại liệu có thể đứng vững hay không? Có thể trở nên vẻ vang, khẳng định mình trước bạn bè năm châu được hay không? Cách mạng tháng Tám là một cuộc cách mạng vĩ đại và vẻ vang. Nhưng vinh quang qua đi ta phải biết sống cho hôm nay và sống cho tương lai, phải biết khẳng định mình trong thời bình. Để phát triển đất nước không gì hơn là phải học tập, chiến đấu, lao động sản xuất ra của cải vật chất làm giàu cho xã hội; tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, chấn hưng văn hóa nước nhà. Vậy thì nhiệm vụ ấy không thuộc về ai khác mà chính là tuổi trẻ. Bởi vậy Bác viết: “chính là nhờ một phần lớn ở công lao học tập của các cháu”. Thế hệ cha anh hôm nay sẽ gắng sức lao động, chiến đấu để giữ gìn đất nước, các cháu phải biết học tập để mai này dựng xây đất nước.
 
Khoa học kĩ thuật của thế giới đang ngày càng phát triển. Những nước phát triển trên thế giới đều lấy học thức làm nền tảng cho mình. Nhật, Mĩ, Anh, Hàn Quốc, Trung Quốc,… các “cường quốc năm châu” đã và đang đầu tư vào nền giáo dục của mình rất lớn. Lực lượng chất xám khổng lồ của họ lại quay lại phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước. Các nhà kinh tế chiến lược, các nhà quân sự tài ba, các doanh nhân thành đạt, các nhà bác học, giáo sư,.. những con người mang vinh quang về cho những đất nước ấy đều là sản phẩm của nền giáo dục phát triển, đều là những con người đã và đang học tập không ngừng. Những tấm gương ngời sáng ấy đã khẳng định một chân lí: Muốn phát triển phải dựa vào thế hệ trẻ với vốn học thức sâu rộng, uyên thâm. Vậy lời nói của Bác chẳng những là một lời khuyên dạy mà còn là một chân lí sáng ngời: Đất nước muốn phát triển được thì tuổi trẻ phải ra sức thi đua học tập.
 
Thấm nhuần tư tưởng và lời dạy của Bác Hồ, học sinh chúng em biết mình cần cố gắng học tập nhiều hơn nữa. Lớp lớp cha anh tổ tiên đã dùng xương máu để tạo nên nền tảng vững chắc của đất nước thì hôm nay chúng em sẽ dùng mồ hôi và công sức để mang những viên gạch tri thức xây dựng đài vinh quang để đưa đất nước vươn lên “sánh vai với các cường quốc năm châu” như Bác từng mong ước.

"Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang không hay không, dân tộc…"  – Bài làm số 4

Bác Hồ kính yêu đã dành cho thế hệ trẻ Việt Nam bao tình cảm thiết tha sâu nặng "Ai yêu các nhi đồng bằng Bác Hồ Chí Minh". Tình yêu đằm thắm ấy được biểu hiện qua nhiều bức thư Bác gửi các cháu nhân ngày khai trường hoặc Tết Trung thu:
 
" Trung thu trăng sáng như gương
Bác Hồ ngắm cảnh nhớ thương nhi đồng"
 
Trong thư gửi học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên sau Cách mạng tháng Tám Hồ Chủ tịch có viết:
 
… "Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có được vẻ vang sánh vai các cường quốc năm châu được hay không, chính là một phần ở công học tập của các cháu".
 
Hơn nửa thế kỉ trôi qua, trên đất nước Việt Nam yêu quý của chúng ta đã có bao đổi thay lớn lao, bao biến cố lịch sử trọng đại, nhưng câu nói của Bác vẫn sáng ngời giá trị giáo dục và khích lệ tuổi trẻ trên mọi miền Tổ quốc.
 
Ý tưởng sâu sắc của Bác Hồ được diễn đạt bằng một câu văn giàu hình tượng và cảm xúc. Vế thứ nhất Bác hỏi: "Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có được vẻ vang sánh vai các cường quốc năm châu được hay không, có nghĩa  là Bác hỏi về tiền đồ của Tổ quốc ta, tương lai của dân ta có được tốt đẹp, vẻ vang, có trở nên giàu mạnh, văn minh như các cường quốc Anh, Nga, Pháp, Mĩ, Nhật,… hay không? Vế thứ hai là sự gợi ý, là cách trả lời của Bác: "chính là nhờ phần lớn ở công tập của các cháu", hay nói một cách khác, Bác nêu lên nghĩa vụ học tập của học sinh đối với Tổ quốc và dân tộc. Qua câu văn ấy, Bác giáo dục học sinh về học tập, trách nhiệm nặng nề, vẻ vang đối với tương lai tươi sáng của non sông Việt Nam, của dân tộc Việt Nam".
 
Học tập là nghĩa vụ vẻ vang của học sinh đối với Tổ quốc và dân tộc. Học sinh mầm non, là tương lai của gia đình và dân tộc; là thế hệ nối bước cha anh để xây dựng và bảo vệ đất nước "mười lần đẹp hơn" như Bác Hồ mong muốn. Bằng tính cần cù sáng tạo và chí dũng cảm, bằng tâm hồn và trí tuệ, tài năng, học sinh – thanh thiếu niên nhi đồng – sẽ đảm đương sứ mệnh lịch sử vẻ vang mà Bác Hồ giao phó.
 
Muốn hoàn thành nghĩa vụ ấy, học sinh phải đủ đức, tài. Muốn có đức tài chỉ có con đường học tập và rèn luyện để nâng cao trình độ văn hóa, khoa học kĩ thuật, trở thành công dân tốt, người lao động giỏi, những chuyên gia… tài năng, giàu nhiệt huyết để phục vụ Tổ quốc, đóng góp một phần lớn vào mục tiêu dân giàu nước mạnh, mới kì vọng làm cho non sông trở nên vẻ vang… dân tộc Việt Nam được trở nên vẻ vang…. dân tộc Việt Nam được vẻ vang sánh vai với các cường quốc năm châu.
 
Học tập là trách nhiệm nặng nề nhưng vô cùng vẻ vang của học sinh. Sau gần một thế kỉ bị thực dân Pháp thống trị, "nhà tù nhiều nước ta xơ xác tiêu điều, dân ta đói khổ, hơn 90% dân số bị mù chữ! Việt Nam là một trong những nước lạc hậu trên thế giới. Thanh toán quá khứ nặng nề ấy, diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm là nhiệm vụ của toàn dân, nhưng học sinh phải là những chiến sĩ xung kích, như Bác dạy "chính một phần lớn là nhờ ở công học tập của các cháu".
 
Câu nói trên đây là lời dạy, là tấm lòng, là tình thương của Bác đối với học sinh. Bác mong các cháu phải gắng sức, phải siêng năng học hành, biết học tập một cách thông ninh sáng tạo. Có học tốt, học giỏi mới thành tài, có học vấn cao, có tri thức tiên tiến hiện đại. Có học tập tốt mới thực hiện được ước mơ, hoài bão của mình.
 
Bác giáo dục thế hệ trẻ Việt Nam phải có mục tiêu, động cơ học tập đúng đắn. Học để làm gì? Học tập không phải để làm quan, để vinh thân phi gia, mà là vì một mục đích cao cả: học tập để làm người, có nhân cách, văn hóa, đem tài năng phục vụ sự nghiệp hiện đại hóa, công nghiệp hóa đất nước, góp phần xây dụng Tổ quốc Việt Nam.. giàu mạnh, văn minh.
 
Câu nói trên biểu lộ một phần tin yêu sâu sắc của lãnh tụ đối với thế hệ trẻ Việt Nam. Lời của Bác là lời non nước. Bác thay mặt nhân dân nói lên tiếng nói của Tổ quốc để động viên, khích lệ học sinh ra sức thi đua học tập giỏi. Bác chỉ cho học sinh thấy con đường sáng đi tới ngày mai. Hạnh phúc của tuổi trẻ gắn liền với tiền đồ, tương lai sáng lạn của đất nước và của dân tộc. Bác tin yêu học sinh – con em của một dân tộc cần cù và dũng cảm, thông minh và hiếu học.
 
Sau gần 30 năm chiến tranh giải phóng, Tổ quốc đã giành được độc lập, hòa bình, Việt Nam là một trong những nước kém phát triển, chúng ta đã ngẩng cao đầu bước vào thế kỉ XXI. Các kì thi quốc tế về toán, lí, hóa,… học sinh Việt Nam đã giành được nhiều thành tích vẻ vang. Chặng đường đi tới để dân tộc ta, đất nước ta vang sánh các cường quốc năm châu đâu thuận lợi, dễ dàng, một sớm một chiều mà thực hiện được? Cho nên câu nói của Bác vẫn mang ý nghĩa thời sự nóng bỏng, có giá trị giáo dục và động viên các thế hệ học sinh Việt Nam vươn lên.
 
Suốt đời Bác Hồ chỉ có "một ham muốn, ham muốn tột bậc là nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành". Bác đã dạy: "Vì lợi ích mười năm phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm phải trồng người". Trong thư Trung thu, Bác đã viết:
 
"Các cháu hãy xứng đáng
Cháu Bác Hồ Chí Minh".
 
Ôn lại những lời dạy của Bác Hồ, đọc lại bức thư gửi học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên sau Cách mạng tháng Tám, chúng ta vô cùng cảm động trước sự thương yêu, chăm sóc, giáo dục của Người đối với thế hệ trẻ Việt Nam.
 
Còn gì hạnh phúc hơn được học tập và đem tài năng phục vụ Tổ quốc, làm vẻ vang cho dân tộc. Thi đua học tập tốt là chúng ta đã tự giác làm đúng lời Bác dạy. Câu nói trên là tình yêu lớn tỏa sáng tâm hồn tuổi thơ. Học tập là yêu nước.

Hồng Loan tổng hợp

Bài viết liên quan

  • Tả chú gà trống – Văn hay lớp 2
  • Phân tích trích đoạn Cảnh ngày xuân – Văn hay lớp 9
  • Phân tích tác phẩm Hồn Trương Ba, da hàng thịt (Lưu Quang Vũ) – Văn hay lớp 12
  • Phân tích tác phẩm Hịch tướng sĩ – Văn hay lớp 8
  • Kể về một ngày hoạt động của mình – Văn hay lớp 6
  • Phân tích tác phẩm Khóc Dương Khuê – Nguyễn Khuyến – Văn hay lớp 11
  • Phát biểu cảm nghĩ về bài Con Rồng cháu Tiên – Văn hay lớp 6
  • Giải thích và bình luận câu tục ngữ “Ta về ta tắm ao ta, …” – Văn hay lớp 7
0