Nỗi sợ hãi khi... sống lại trong huyệt mộ
Lịch sử ghi nhận nhiều người bị đem chôn khi chưa thực sự lìa đời. Các nạn nhân đáng thương đã chết đầy oan ức vì bị đem chôn sống. Khi họ tỉnh dậy dưới nấm mồ, mọi chuyện đã quá muộn. Kết quả cuối cùng của một chuỗi những sai lầm đó, thường mang đến thảm họa. Những bằng chứng thương tâm ...
Lịch sử ghi nhận nhiều người bị đem chôn khi chưa thực sự lìa đời. Các nạn nhân đáng thương đã chết đầy oan ức vì bị đem chôn sống.
Khi họ tỉnh dậy dưới nấm mồ, mọi chuyện đã quá muộn. Kết quả cuối cùng của một chuỗi những sai lầm đó, thường mang đến thảm họa.
Những bằng chứng thương tâm
Chôn sống nạn nhân cho đến chết, một cực hình gợi người ta nhớ lại thời trung cổ tàn bạo hoặc những kẻ man rợ, sát nhân máu lạnh. Nhưng bạn có lẽ sẽ phải kinh ngạc nếu biết rằng, ngay trong cuộc sống hàng ngày, con người từng phải chứng kiến nhiều vụ việc tương tự như vậy chỉ đơn thuần vì… nhầm lẫn. Do sự ngộ nhận, nhiều nạn nhân đã bị đem chôn khi chưa thực sự chết. Những khám phá tình cờ sau đó đã giúp người sống nhận ra sai lầm chết người của mình, và hình dung ra được cái chết “thật” đầy oan ức và tức tưởi của người thân.
Cô thiếu nữ Mary Norah Best, người Pháp theo mẹ đến Ấn Độ và mắc phải căn bệnh dịch tả đang hoành hành tại đây. Sau vài ngày ngắn ngủi chống chọi với bệnh tật, cô bé 17 tuổi này được các bác sĩ kết luận là đã chết, khi không thể bắt được mạch của em. Chỉ vài giờ sau, Mary đã được chôn cất một cách nhanh chóng tại nghĩa trang dành cho người Pháp tại thành phố Calcutta (Ấn Độ). Gia tộc cô có một hầm mộ tại đây và quan tài của cô được đặt trong đó chứ không phải chôn sâu xuống lòng đất theo cách thông thường. Đó là năm 1871, và dịch tả đang tàn sát hàng nghìn người Ấn Độ mỗi ngày. Các nạn nhân đều được chôn rất nhanh sau khi được xác định là đã chết, để ngăn chặn sự lây truyền mầm bệnh.
Nhưng mười năm sau, khi hầm mộ được mở ra để tiếp nhận quan tài một người chú mới qua đời của Mary, những người có mặt đã phải chứng kiến một cảnh tượng hãi hùng: Nắp quan tài của Mary, vốn đã được đóng đinh chắc chắn, nay bị lật tung và nằm trên sàn hầm mộ. Bộ xương của cô gái ở tư thế một nửa còn trong áo quan, một nửa nhoài ra ngoài. Xương sọ chạm đất, và bên phải hộp sọ có một vết nứt lớn. Các xương ngón tay bị uốn cong như thể đang níu chặt một cái gì đó, còn quần áo khâm niệm bị xé rách.
Mary chưa chết khi được người thân bỏ vào quan tài và đem xuống hầm mộ. Các nạn nhân của bệnh dịch tả thường rơi vào tình trạng hôn mê và Mary cũng vậy. Bác sĩ và gia đình đã lầm tưởng rằng cô đã chết. Thiếu nữ đáng thương này đã bị đem “chôn sống”. Vài giờ hoặc vài ngày sau, cô gái tỉnh dậy và kinh hoàng nhận ra mình đang ở trong quan tài đậy kín. Từ hầm mộ sâu, những tiếng la hét của cô không vang được đến tai ai cả. Trong lúc hoảng loạn và ngạt thở, cô đã tự tay xé bỏ quần áo trên người và tìm cách tự cứu mình bằng việc cố gắng đẩy tung nắp quan tài. Khi tấm ván này bung ra, Mary chồm người ra ngoài, nhưng lúc này cô cũng đã hoàn toàn kiệt sức. Đầu cô bị đập mạnh xuống đất. Có lẽ cô gái tội nghiệp này đã chết ngay lập tức sau chấn thương nặng ấy, hoặc còn thoi thóp thêm một chút nữa trước khi chính thức lìa đời. Những gì đã diễn ra dưới hầm mộ được hình dung ra là như vậy. Một cái chết oan ức đầy đau đớn và kinh hãi.
Thảm kịch xảy ra với Mary, tiếc thay, không phải là duy nhất. Cho đến tận thế kỷ 20, phương pháp xác định cái chết đáng tin cậy vẫn là áp một chiếc bánh mì nóng vào lòng bàn chân để kiểm tra phản ứng của người hấp hối. Nếu họ không có động tĩnh gì thì coi như đã chết và những người sống sẽ bắt đầu chuẩn bị cho một đám tang. Trong một cuốn sách xuất bản năm 1905, hai bác sĩ người Anh đã tổng hợp lại những trường hợp bị “chôn sống” như vậy trên khắp thế giới, dựa theo báo chí của nhiều nước.
Năm 1887, tại Pháp, một người đàn ông trẻ được mang đi chôn cất. Ngay sau khi hạ huyệt, các phu mộ bất ngờ nghe được tiếng gõ từ dưới nắp quan tài. E ngại điều này sẽ tạo ra một sự hoảng sợ của những người đưa tang, đám thợ vẫn tiến hành việc mai táng bình thường, vì họ cho rằng đó chỉ là ảo giác. Nhưng khi người thân của nạn nhân bắt đầu thả những cục đất đầu tiên lên nắp quan tài, âm thanh này lặp lại rõ đến mức tất cả những người có mặt đều nghe thấy. Nhưng thay vì ngay lập tức mở cỗ áo quan ra, đám đông này lại chờ viên chức chính quyền đến kiểm tra, bởi việc xâm phạm quan tài người chết là một trọng tội. Khi đại diện chính quyền có mặt và ra lệnh mở cỗ áo quan ra thì đã quá muộn: người đàn ông này đã chết vì ngạt thở ngay trước đó. Toàn cơ thể nạn nhân rúm ró lại, các móng tay, móng chân bị rách bươm do cào cấu vào gỗ, và nét kinh hoàng vẫn còn hiện diện trên khuôn mặt.
Không ai muốn mình tỉnh dậy trong một cỗ quan tài lạnh lẽo bị vùi sâu dưới lòng đất. (Ảnh minh họa).
Kinh doanh nhờ “nỗi sợ”
Trước đây, khi xảy ra những vụ việc như vậy, người ta thường cho rằng những kẻ cướp mộ đã mở nắp quan tài và gây ra cảnh lộn xộn của thi hài nạn nhân. Nhưng khi kỹ thuật pháp y phát triển, không khó để tìm được nguyên nhân gây ra cái chết thực sự cho những nạn nhân này. Họ chết, đơn giản vì bị đem chôn khi vẫn còn sống. Việc xác định cái chết đã đến với nạn nhân hay chưa chỉ dựa vào những phương pháp hết sức thô sơ, như kiểm tra nhịp đập của tim hay hơi thở còn hay dứt là nguyên nhân khiến nhiều người từ “chết giả” thành chết thật.
Dù những trường hợp “chôn sống” nhầm ghi nhận được gần đây nhất cũng đã hàng thế kỷ, nhưng sự ám ảnh về cái chết kinh hoàng kiểu đó vẫn khiến con người thời hiện đại phải lo nghĩ nhiều về những giây phút cuối đời của mình. Một số vì quá khiếp sợ trước mối lo này, nên đã để lại những bản di chúc… quá khó cho con cháu: phải cắt đứt cuống họng, hoặc đâm xuyên tim họ trước khi đem chôn, để dẫu chưa chết thật thì họ cũng sẽ… chết hẳn. Không ai muốn mình tỉnh dậy trong một cỗ quan tài lạnh lẽo bị vùi sâu dưới lòng đất cả.
Nắm bắt được tâm lý này, một anh chàng thợ mộc người Bỉ tên là Michel de Karnicé-Karnicki đã chớp thời cơ làm giàu khi phát minh ra thiết bị báo động từ trong quan tài. Nó trông giống như một quả bóng thủy tinh, được đặt trên ngực của tử thi. Nếu lồng ngực của tử thi phập phồng - dấu hiệu người đó còn thở, tức chưa chết – quả bóng sẽ lăn, kích hoạt một cái chuông bên trong nó phát ra tiếng báo động.
Một hãng chuyên tổ chức an táng cũng giới thiệu mẫu quan tài “công nghệ cao” cho phép người bên trong có thể nhấn nút báo động khẩn cấp nếu tỉnh lại. Sóng điện thoại di động được sử dụng để truyền tín hiệu lên mặt đất. Các thiết bị tương tác được lắp đặt bên trên nấm mồ này sẽ kích hoạt hàng tá các thiết bị cứu hộ khác như gọi đến số máy của người thân nạn nhân, số máy cảnh sát… để báo tin, đồng thời các lá cờ xung quanh mộ sẽ đứng bật dậy, cùng hệ thống loa phát ra tiếng kêu cứu cài sẵn… Tất cả nhằm thu hút những người có mặt trong khu vực nghĩa trang, nhằm đem lại cơ hội được cứu sớm nhất có thể cho người đang bị chôn sống.
Hiện, tại Đức đã có hẳn một tổ chức đang vận động cho phong trào “an táng từ từ”. Theo tuyên truyền của tổ chức này, người thân của những người được cho là đã chết không nên chôn cất thân nhân sớm hơn 48 giờ kể từ khi dấu hiệu cuối cùng về sự sống của họ được ghi nhận. Điều này sẽ giúp tránh được thảm họa chôn sống người thân do sự nhầm lẫn về cái chết gây ra.
Nạn nhân may mắnTrường hợp bị chôn sống may mắn duy nhất được biết đến là cô Sarah Ann Dobbins ở hạt Hereford (Anh). Năm 1879, Sarah được xác định là đã chết sau 3 tuần hôn mê. Cô được khâm liệm và đặt vào áo quan, nhưng tang lễ sẽ cử hành vào ngày hôm sau. Sau một đêm, người thân phát hiện có dấu hiệu thi hài cô bị dịch chuyển. Kiểm tra kỹ lại, họ bàng hoàng nhận thấy người cô đang ấm trở lại với nhịp thở yếu ớt. Bác sỹ lập tức có mặt và sau những biện pháp cấp cứu kịp thời, cô gái trẻ này đã may mắn sống lại. Đám tang dự kiến của Sarah biến thành một bữa tiệc tưng bừng mừng cô từ cõi chết trở về. Nhưng ký ức kinh hãi về lần chết hụt này đã không ngừng ám ảnh Sarah, và rốt cuộc cô đã nhảy xuống sông tự tử sau 14 năm chịu đựng những căng thẳng tinh thần đến tột cùng. |