Những thói quen kỳ lạ của thiên tài Albert Einstein và bài học ẩn sau đó
Không biết nếu tập theo những thói quen này mình có thể trở thành thiên tài như Einstein không nhỉ? Các thiên tài khoa học trên thế giới đều có một điểm chung, đó là sở hữu cho mình ít nhất một thói quen kỳ cục. Với Nikola Tesla, ông có thói quen tự bóp ngón chân của mình liên tục, ...
Không biết nếu tập theo những thói quen này mình có thể trở thành thiên tài như Einstein không nhỉ?
Các thiên tài khoa học trên thế giới đều có một điểm chung, đó là sở hữu cho mình ít nhất một thói quen kỳ cục.
Với Nikola Tesla, ông có thói quen tự bóp ngón chân của mình liên tục, khoảng 100 lần mỗi bên, và cho rằng phương pháp đó có thể kích thích não bộ hoạt động. Hay nhà toán học nổi tiếng Paul Erdos thì liên tục sử dụng chất kích thích amphetamine tới 20 tiếng/ngày.
Thomas Edison thường nói, thiên tài chỉ là 1% bẩm sinh, 99% là từ nỗ lực. Khoa học thì chứng minh được rằng 40% não bộ phát triển dựa trên môi trường xung quanh. Điều đó khiến chúng ta phải đặt ra giả thuyết: phải chăng những thói quen kỳ lạ của các thiên tài đã giúp họ có được bộ não siêu việt đến vậy?
Chưa biết là đúng hay sai, hãy thử điểm qua một vài thói quen kỳ dị của Einstein - một trong những thiên tài nghìn năm có một của nhân loại.
1. Ngủ đến 10 tiếng, nhưng chỉ chợp mắt vài phút
Từ trước đến nay chúng ta luôn biết giấc ngủ rất tốt cho bộ não và Albert Einstein dường như tuân thủ điều này nghiêm túc hơn người bình thường.
Khi ta ngủ, bộ não sẽ bước vào chu kỳ hoạt động. Trung bình cứ khoảng 90-120 phút, bộ não sẽ dần chuyển từ trạng thái "ngủ lơ mơ", đến "ngủ sâu" rồi sẽ chuyển sang giai đoạn triển khai những giấc mơ. Giai đoạn này được gọi là Rapid Eye Movement (REM) - có vai trò dẫn đầu trong việc hình thành trí nhớ.
Nhưng ngủ quá lâu thì khác. Einstein ngủ đến 10 tiếng/ngày và điều đó chưa hẳn đã tốt cho não bộ. Có điều, ông còn có một phương pháp khác giúp kích thích não bộ cực kỳ tốt: chợp mắt.
Cụ thể, phương pháp của Einstein cho phép cơ thể rơi vào trạng thái mơ màng trong giây lát, nhưng sau đó ngay lập tức tỉnh dậy. Để làm được điều này, mỗi lần chợp mắt trên ghế bành Einstein cầm trên tay một chiếc thìa và đặt một chiếc đĩa bằng kim loại ngay dưới. Khi cơ thể hoàn toàn thả lỏng, chiếc thìa rơi xuống đập mạnh vào chiếc đĩa khiến ông tỉnh dậy.
2. Đi bộ hàng ngày
Einstein rất coi trọng việc đi bộ. Khi còn làm việc ở Đại học Princeton, mỗi ngày Einstein đi bộ khoảng 2,5km. Được biết, hoạt động này được Einstein thực hiện học theo Charles Darwin - người mỗi ngày đi bộ ít nhất 3 lần, mỗi lần 45 phút.
Việc đi bộ sẽ làm não xao nhãng nhiều hơn và sự tập trung lên đôi chân sẽ được gia tăng. Việc này sẽ làm giảm bớt hoạt động của một số bộ phận trong não, đặc biệt là thùy trán - xử lý các chức năng trí nhớ, phán đoán và ngôn ngữ.
Tuy nhiên, việc đưa bộ não hoạt động theo một hướng khác có thể khơi dậy nhiều phương pháp suy nghĩ mới lạ mà ta không thể nghĩ ra khi ngồi tại bàn làm việc. Đây là một hoạt động có ích khi vừa kết hợp hoạt động thể chất lẫn trí tuệ.
3. Ăn mỳ Ý
Bộ não là một kẻ tham lam, chiếm tới 20% năng lượng, dù khối lượng so với cơ thể chỉ là 2%.
Não lại rất "thích ăn vặt", đặc biệt là các loại đường như glucose được giải phóng từ carbon hydrates. Tuy nhiên não lại không có khả năng tích trữ loại hợp chất này. Do đó muốn "nuông chiều bộ não", lượng glucose phải được nạp vào liên tục.
Tuy nhiên điều gì cũng có mặt trái nếu sử dụng không đúng cách. Lượng carbon hydrate được nạp vào để giải phóng glucose không nên vượt quá 25g, tức khoảng 37 sợi mỳ, nếu không sẽ phản tác dụng.
Có lẽ chính vì biết được điều này, mà Einstein thường xuyên ăn mỳ ý. Mà cũng có thể đó đơn giản chỉ là một sở thích vô tình giúp trau dồi công suất của bộ não thiên tài.
4. Không bao giờ đi tất
Einstein chẳng bao giờ đi tất. Mà có lẽ, trên thế giới chưa có ai ghét bỏ những đôi tất như Albert Einstein.
Khi còn nhỏ, Einstein từng viết một bức thư cho người em họ rằng ngón chân cái luôn khiến những đôi tất bị rách, và ông sẽ không bao giờ đi tất nữa.
Từ đó về sau, Einstein luôn đi dép, và thậm chí có lần từng đi dép của vợ khi quá gấp gáp không tìm thấy đôi dép của mình.
Đáng tiếc là hiện chưa có lời giải thích khoa học nào chứng minh được sự liên kết giữa việc không đi tất và trở thành một thiên tài, nhưng điều này không ít thì nhiều cũng ảnh hưởng đến phong cách sống, môi trường sống và ảnh hưởng tới suy nghĩ một con người.
Sau khi đọc xong bài này chắc hẳn bạn cũng muốn thử một lần sinh hoạt theo phương pháp của một thiên tài chứ? Cứ thử một vài lần, biết đâu lại có hiệu quả, "đành" phải trở thành thiên tài thì sao nhỉ?