25/05/2018, 08:47

Những nhân tố ảnh hưởng tới ý nghĩa thể của phó từ đã trong tiếng Việt

TS. Trần Kim Phượng Đặt vấn đề Trong hệ thống các phó từ biểu hiện ý nghĩa thời-thể cho vị từ tiếng Việt (như: đã, đang, từng, vừa, mới, sẽ, sắp …), đã là phó từ phức tạp nhất. Nó phức tạp trước hết là ...

TS. Trần Kim Phượng

Đặt vấn đề

Trong hệ thống các phó từ biểu hiện ý nghĩa thời-thể cho vị từ tiếng Việt (như: đã, đang, từng, vừa, mới, sẽ, sắp…), đã là phó từ phức tạp nhất. Nó phức tạp trước hết là bởi nó đồng âm với một loạt những từ đã khác, trong đó có đã với tư cách là một tính từ, đã với tư cách là tình thái từ. Đã còn rắc rối ở chỗ nó có thể đứng trong một loạt những kết hợp với các từ khác, chẳng hạn: nếu… thì đã, vừa… đã, mới… đã, chưa… đã Với mỗi kết hợp, đã lại biểu hiện một sắc thái nghĩa khác nhau. Hơn thế, đã còn phức tạp ở chính cách tri nhận thời gian của người Việt, để rồi vẫn mang ý nghĩa quá khứ, đã lại có thể xuất hiện trong các câu chỉ thời gian hiện tại, tương lai. Cuối cùng, dưới ảnh hưởng của các nhân tố vị từ, bổ ngữ, chủ thể và ngữ cảnh, đã khi thì diễn đạt một sự tình kết thúc, khi thì lại biểu hiện một sự tình chưa kết thúc.

Bài viết này đề cập tới phó từ đã trên khía cạnh biểu đạt đặc trưng diễn tiến của hành động và kết quả của hành động, gọi chung là ý nghĩa thể. Vấn đề này cũng đã từng được đề cập đến rải rác trong các sách báo bàn về thời-thể tiếng Việt song chưa thành hệ thống và chưa đầy đủ. Ở đây, chúng tôi sẽ trình bày cụ thể những ảnh hưởng của năm nhân tố tới việc biểu hiện cấu trúc bên trong của sự tình mà phó từ đã tham gia biểu thị. Đó là: nhân tố vị từ, nhân tố chủ thể, nhân tố bổ ngữ, nhân tố trạng ngữ và nhân tố ngữ cảnh.

Hy vọng những kết quả khảo sát bước đầu này sẽ có ích trong việc đi tìm lời giải đáp cho mối quan tâm của nhiều người: Trong tiếng Việt có tồn tại phạm trù thời hay không?

Kết quả nghiên cứu

ý nghĩa thể của “đã” dưới ảnh hưởng của nhân tố vị từ.

Việc phân biệt các loại vị từ được chúng tôi tiến hành dựa trên khung lý luận của S. Dik (1978), theo tiêu chí tính động tính chủ ý. Theo đó, vị từ tiếng Việt được chia làm 4 loại:

  1. Vị từ hành động: +động, +chủ ý (chạy, nhảy, đấm)
  2. Vị từ tư thế: -động, +chủ ý. (nằm, ở, ngồi, ngã)
  3. Vị từ quá trình: +động, -chủ ý (rơi, phai, mưa, nắng)
  4. Vị từ trạng thái:-động. –chủ ý. (đau, to, lo lắng, sớm, muộn, yêu)

Trong khi kết hợp với phó từ đã, các loại vị từ này có thể khác nhau ở cách biểu hiện ý nghĩa thể.

Như chúng ta đã biết, từ đã có khả năng là một thực từ, cụ thể là tính từ. Lúc này đã mang nghĩa: hết cảm giác khó chịu, do nhu cầu sinh lý hoặc tâm lý nào đó đã được thoả mãn đầy đủ. Chẳng hạn: Ăn cho đã thèm, ngủ cho đã mắt. (Trong những câu kiểu như: Mấy hôm rồi tớ thức khuya quá, hôm nay mới được bữa ngủ cho đã mắt.) Trong trường hợp này, câu chứa đã có tiền giả định là trước đó không được thoả mãn. Chúng tôi cho rằng nét nghĩa được thoả mãn, được đáp ứng đầy đủ có ảnh hưởng tới vấn đề thể hoàn thành khi đã chuyển sang vai trò là một phụ từ, bổ sung ý nghĩa cho vị từ tiếng Việt. Và thông thường thì đã biểu hiện một sự tình kết thúc.

Có thể quy các trường hợp sử dụng đã về ba loại sau:

Đã biểu hiện hành động, trạng thái bắt đầu và kết thúc hoàn toàn trong quá khứ của thời điểm phát ngôn.

  • đã đánh bạn.

Hành động đánh trong câu trên đã diễn ra và kết thúc trước thời điểm nói.

Đã thường biểu hiện ý nghĩa này khi kết hợp với các vị từ chỉ hành động.

Tư liệu thống kê cho thấy đây là trường hợp có tần số xuất hiện lớn nhất trong ba trường hợp diễn tả ý nghĩa thể, cho nên có thể kết luận: thông thường, đã diễn đạt một sự tình kết thúc (hữu kết). Vì vậy, trong những trường hợp đã không xuất hiện mà sự tình trong câu là sự tình hữu kết thì có nhiều khả năng là động từ vị ngữ chính được dùng ở thời quá khứ. Ví dụ:

  • Cổng thiên đường khép lại với đội tuyển M.U.

(Báo Bóng đá)

Tương đương với: Cổng thiên đường đã khép lại.

Đặc biệt, nếu như đã kết hợp với các vị từ biểu hiện một biến cố điểm tính, (nghĩa là những biến cố xảy ra rất nhanh, được coi như không có chiều dài trong thời gian) như: chớp, loé, phụt, vọt, bắt đầu, chấm dứt... thì biểu hiện này của đã lại càng rõ ràng hơn. Sự tình mà đã biểu hiện luôn bắt đầu trong quá khứ và kết thúc trong quá khứ. (Ví dụ: Nó đã chấm dứt quan hệ với cô ta. Nghĩa là cái quan hệ ấy đã hoàn toàn kết thúc trước thời điểm phát ngôn). Tất nhiên, những biến cố này phải được thực hiện khi chủ thể là một người hoặc vật duy nhất.

Đã biểu hiện hành động bắt đầu trước thời điểm phát ngôn nhưng chưa kết thúc vào thời điểm phát ngôn.

Các vị từ tĩnh (gồm vị từ tư thế, vị từ trạng thái như: ngồi, ở, cầm, giữ, nóng, lạnh, biết, thấy, già, lớn...) khi kết hợp với phó từ đã biểu hiện một trạng thái, tư thế, tính chất bắt đầu trước thời điểm phát ngôn và vẫn tiếp tục tồn tại trong thời điểm phát ngôn.

- Nó đã ngồi đây được 2 tiếng rồi. (Tư thế ngồi chưa kết thúc).

- Nó đã ngủ say. (Việc thằng bé ngủ bắt đầu trong quá khứ và kéo dài, chưa biết đến bao giờ nó mới thức dậy.

- Hai người xuống đến đầu dốc Bách Thảo thì mọi sự đã yên ắng như chưa hề có sự ồn ã vừa xảy ra.

(Lê Lựu – Hai nhà -tr125)

Trạng thái yên ắng đã bắt đầu trong quá khứ (trước thời điểm hai người xuống đến đầu dốc Bách Thảo) và hiện tại nó vẫn còn đang yên ắng.

  • Ông ấy đã già rồi.

(Khẩu ngữ)

Ông ấy được nhận định là già trước thời điểm nói và sau thời điểm nói, ông ấy vẫn đang trong trạng thái này.

Về cơ bản, khi đã kết hợp với các vị từ tĩnh như nóng, lạnh, gầy, béo... thì thường biểu hiện một sự tình chưa có kết thúc (vô kết). Trong khi kết hợp với vị từ động, đã lại không có tính chất này. So sánh:

  • Anh đã ăn cơm chưa?
  • Tôi ăn rồi. (Hành động ăn đã kết thúc).
  • Anh đã khoẻ chưa? (Hỏi khi biết người đối thoại trước đó bị ốm).
  • Tôi (đã) khoẻ rồi. (Hiện nay tôi vẫn đang trong trạng thái khoẻ)

Với động từ , chúng tôi cho rằng, khi kết hợp với đã, nó thường biểu hiện một sự tình chưa kết thúc, cụ thể hơn, sự tình ấy bắt đầu trong quá khứ và kéo dài đến hiện tại. Chẳng hạn:

  • Tôi đã người yêu.

(Khẩu ngữ)

Việc tôi đã có người yêu bắt đầu từ trước khi tôi nói ra điều này và hiện nay tôi vẫn đang trong tình trạng như vậy. Hay Tôi đã có tiền, nghĩa là hiện nay tôi vẫn đang có tiền.

Những trường hợp này rất khác với trường hợp sử dụng thời Past simple trong tiếng Anh. Nếu nói: I loved you (Tôi đã yêu em) thì có nghĩa là việc ấy đã diễn ra trong quá khứ, bây giờ tôi không còn yêu em nữa, hay chí ít là người ta không còn quan tâm đến việc đó nữa. Trong khi đó, ở tiếng Việt, một câu như: Tôi đã yêu em vẫn có thể hiểu theo hai cách, tuỳ từng ngữ cảnh cụ thể.

Đã biểu hiện hành động bắt đầu trong quá khứ, kết thúc trong quá khứ nhưng kết quả còn lưu lại

Xét các trường hợp sau:

  • đã thành bác sĩ rồi.
  • Cô ấy đã vào đại học.
  • Cây cau đã trồng trước sân rồi.
  • Bức tranh đã treo trên tường.

Việc nó thành bác sĩ, cô ấy vào đại học, hay cây cau được trồng trước sân, bức tranh treo trên tường đã diễn ra trước thời điểm phát ngôn, và hiện nay, việc này đã kết thúc. Tuy nhiên, kết quả của nó vẫn còn lưu lại trong hiện tại. Nghĩa là trong lúc này, nó vẫn đang là bác sỹ, hiện nay cô ấy vẫn đang học đại học, cây cau thì vẫn được trồng trước sân…

Song, ở đây có một điểm cần lưu ý là các vị từ vào, thành, trồng, treo là những vị từ tĩnh, không chủ ý. Nếu chuyển thành vị từ động, chủ ý thì ý nghĩa này sẽ mất đi. Ví dụ:

  • Anh ấy đã trồng cây cau này trước sân.
  • Anh ấy đã treo bức tranh lên tường.

Các hành động: trồng, treo đã hoàn toàn kết thúc trước thời điểm nói.

Tóm lại, việc một sự tình được xem là kết thúc hay chưa phụ thuộc phần lớn vào nhân tố vị từ. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, điều này còn bị chi phối bởi nhân tố bổ ngữ của vị từ, nhân tố chủ thể, và ngữ cảnh.

ý nghĩa thể của “đã” dưới ảnh hưởng của nhân tố bổ ngữ.1Bổ ngữ ở đây được hiểu theo quan niệm của Nguyễn Kim Thản (7, tr463)

Xét hai trường hợp sau đây:

  1. đã ngủ say.
  2. đã ngủ được một giấc.

Trong câu a, trạng thái ngủ chưa hoàn toàn kết thúc trước thời điểm nói. Còn trong câu b, rất có thể là lúc này nó đã thức dậy.

Rõ ràng là sự khác nhau giữa các trường hợp trên đây không phải do các vị từ quy định (vị từ trong cả hai trường hợp đều là ngủ) mà là do các bổ ngữ của vị từ (say, một giấc) quy định. Nói cách khác, chính bổ ngữ đã tham gia vào việc xác định sự tình là hữu kết hay vô kết.

ý nghĩa thể của “đã” dưới ảnh hưởng của nhân tố trạng ngữ.2Trạng ngữ ở đây được hiểu theo quan niệm của Nguyễn Kim Thản (7, tr565)

Trong các trường hợp sau đây, không thể khẳng định rằng đã diễn tả một sự tình kết thúc hay chưa kết thúc nếu chỉ căn cứ vào vị từ đi sau đã. Bởi chính trạng ngữ mới là nhân tố quyết định điều này.

* Trường hợp thứ nhất:

  1. Tôi đến nơi thì thấy anh ấy đã ngồi ở đó.
  2. Anh ấy đã ngồi ở đó nhiều lần.

Trong cả hai câu trên, phó từ đã đều bổ nghĩa cho vị từ ngồi. Tuy nhiên, ý nghĩa thể của hai câu hoàn toàn khác nhau. Câu a nói về một sự tình đã diễn ra trước thời điểm tôi đến và vẫn chưa kết thúc. Còn câu b lại nói về một sự tình đã diễn ra và kết thúc trước thời điểm phát ngôn. Sự khác nhau này là do các trạng ngữ (ở đónhiều lần) chi phối.

* Trường hợp thứ hai:

  • Mẹ cháu có nhà không?
  • Mẹ cháu đã đi Huế rồi ạ! (Mẹ cháu đã đi Huế được ba tháng rồi ạ! Hay: Mẹ cháu đã đi Huế từ ba tháng nay rồi ạ!)

Những câu này có nghĩa là mẹ cháu đã đi và hiện nay chưa về, nói cách khác là mẹ cháu vẫn đang ở Huế. So sánh với câu:

  • Mẹ cháu đã đi Huế nhiều lần rồi.

Căn cứ vào trạng ngữ nhiều lần, ta có thể xác định được rằng câu này thể hiện ý nghĩa là mẹ cháu đã đi Huế và đã trở về.

ý nghĩa thể của “đã” dưới ảnh hưởng của nhân tố chủ thể

Với một chủ thể duy nhất, những vị từ động, có tính chất điểm tính luôn cùng với đã diễn đạt một sự tình đã xảy ra và đã kết thúc hoàn toàn trong quá khứ. Vd: Bom đã nổ., nổ diễn ra trong khoảnh khắc, kết thúc rất nhanh. Song với từ hai chủ thể trở lên, sự tình chưa hẳn đã kết thúc. Vd: Bom đã nổ đì đùng khắp nơi. (Từ bom trong trường hợp này được coi là mang ý nghĩa số nhiều bởi một quả bom thì không bao giờ có thể nổ đì đùng được). Như vậy, nhân tố chủ thể ở đây, kết hợp với nhân tố bổ ngữ và trạng ngữ, đã chi phối ý nghĩa thể của vị từ. Nói chính xác hơn là chi phối toàn bộ phát ngôn.

ý nghĩa thể của “đã” trong quan hệ với nhân tố ngữ cảnh

Xét câu sau đây:

  • Mẹ cháu đã đi Huế rồi ạ.

Nếu tách khỏi ngữ cảnh, ta không thể xác định được việc đi Sài Gòn của mẹ cháu là đã kết thúc hay chưa. Câu này có thể xuất hiện trong hai kiểu ngữ cảnh.

Ngữ cảnh 1: Đây là câu trả lời của một cô bé khi có một người đến tìm gặp mẹ mình và hỏi: Mẹ cháu có nhà không? Trường hợp này phải hiểu câu đó có nghĩa là mẹ cháu đã đi Huế và hiện nay chưa về.

Ngữ cảnh 2: Đây là câu trả lời cho câu hỏi: Nhà mình đã có ai đến Huế chưa?Huế đẹp lắm! Trường hợp này phải hiểu là mẹ cháu đã (từng) đi và đã trở về.

Một phát ngôn như: Mẹ đã may áo cho em rồi đấy., thông thường được xem như một sự tình kết thúc. Song trong một ngữ cảnh cụ thể nào đó, chẳng hạn bà mẹ tranh thủ những lúc rỗi may áo cho hai chị em, cô em rất sốt ruột chờ đợi việc mẹ may áo cho mình sau khi đã may xong áo cho cô chị, thì việc may này có thể là một hành động bắt đầu trước thời điểm phát ngôn nhưng chưa kết thúc ở thời điểm phát ngôn.

Như vậy, việc xem một sự tình là đã kết thúc hay chưa còn phụ thuộc vào ngữ cảnh cụ thể của phát ngôn nữa.

Kết luận

Thông thường, đã diễn tả một sự tình đã diễn ra và kết thúc trước một thời điểm mốc nào đó. Đây chính là căn cứ để nhiều người cho rằng đã là chỉ tố của thời quá khứ. Tuy nhiên, việc đã có diễn tả ý nghĩa quá khứ hay không, cũng như việc đã có diễn tả một sự tình kết thúc hay không còn phụ thuộc vào rất nhiều nhân tố. Qua những khảo sát trên, có thể đi đến kết luận vị từ, bổ ngữ, trạng ngữ, chủ thể và ngữ cảnh luôn có ảnh hưởng nhất định tới ý nghĩa thể của đã, trong đó ảnh hưởng mạnh mẽ nhất là nhân tố vị từ.

Việc tách rời các nhân tố để phân tích như trên chỉ là một thủ pháp làm việc. Trong thực tế, ý nghĩa thể của phó từ đã có thể cùng một lúc bị chi phối bởi nhiều nhân tố.

[1] Comrie Berrnad, 1978. Aspect. London, New York, Melbourne: Cambridge University Press.

[2] Dik S.C, 1978. Functional Grammar. Dordrecht: Foris c.p. Third, revised edition.

[2] Nguyễn Đức Dân, 1998. Lôgic và tiếng Việt, NXB GD, H.

[3] Đinh Văn Đức, 2001. Ngữ pháp tiếng Việt, NXB ĐHQG HN.

[4] Cao Xuân Hạo 1998. Về ý nghĩa thì và thể trong tiếng Việt. Tạp chí Ngôn ngữ, số 5. (tr1-33)

[5] Panfilop. V. X., 1993. Cơ cấu ngữ pháp tiếng Việt,ĐHQG Xanh Peterburg, (Thuỷ Minh dịch).

[6] Nguyễn Thị Quy, 1995. Vị từ hành động tiếng Việt và các tham tố của nó (so sánh với tiếng Nga và tiếng Anh), Nxb KHXH, Tp Hồ Chí Minh.

[7] Nguyễn Kim Thản, 1997. Nghiên cứu về ngữ pháp tiếng Việt, NXB Giáo dục, H.

[8] Nguyễn Minh Thuyết 1995. Các tiền phó từ chỉ thời – thể trong tiếng Việt. Tạp chí Ngôn ngữ, số 2, tr1-10.

0