Những lý giải bí ẩn về nụ hôn
Hôn không phải là hành vi chung của tất cả loài người mà chỉ tồn tại ở gần một nửa các nền văn hóa trên thế giới. Con người có khứu giác kém hơn con vật, nên hôn là cách con người tiếp xúc gần nhất để có thể cảm nhận mùi hương và đánh giá bạn tình. Lý giải bí ẩn nụ hôn ...
Hôn không phải là hành vi chung của tất cả loài người mà chỉ tồn tại ở gần một nửa các nền văn hóa trên thế giới. Con người có khứu giác kém hơn con vật, nên hôn là cách con người tiếp xúc gần nhất để có thể cảm nhận mùi hương và đánh giá bạn tình.
Lý giải bí ẩn nụ hôn
Theo ước tính của các nước phương Tây, nụ hôn lãng mạn có ở 90% các nền văn hoá trên thế giới. Nhưng nghiên cứu mới chỉ ra rằng con số này chỉ là 46% trong 168 nền văn hoá được nghiên cứu.
Nụ hôn lãng mạn giữa một đôi nam nữ. (Ảnh: BBC)
Nhiều nhóm người săn bắn-hái lượm không có biểu hiện hôn hay mong muốn hôn. Thậm chí họ còn coi hôn là ghê tởm. Những bộ tộc này có quan hệ gần gũi với người hiện đại nhưng sống cuộc sống theo phong cách tổ tiên chúng ta. Điều này cho thấy tổ tiên loài người không có hành vi hôn nhau.
Dường như hôn chỉ là sản phẩm của xã hội phương Tây, được truyền từ một thế hệ cho những thế hệ sau chứ không phải là hành vi chung của con người, tác giả chính của nghiên cứu William Jankowiak từ trường đại học Nevada, Las Vegas, Mỹ cho biết.
Để giải thích được bản chất của việc hôn, các nhà khoa học đã dựa vào bằng chứng lịch sử từ các ghi chép và quan sát hành vi của các loài động vật.
Hôn như chúng ta làm ngày nay có vẻ là một phát minh khá mới so với lịch sử loài người, giáo sư Rafael Wlodarski, trường Đại học Oxford, Anh nói. Ông đã rà soát nhiều ghi chép để tìm ra bằng chứng về sự phát triển của việc hôn.
Bằng chứng cổ đại nhất xuất phát từ kinh Vệ Đà bằng tiếng Phạn của đạo Hindu từ 3500 năm trước. Trong kinh Vệ Đà, từ “hôn” không được sử dụng thay vào đó là từ "ngửi" và "chạm" bằng mồm. Ngoài ra, trong các hình vẽ của người Ai Cập cổ xưa, con người gần gũi bằng cách ép môi vào nhau.
Hôn ở các loài động vật
Họ hàng gần gũi của loài người, tinh tinh và vượn Bonobo có hành vi hôn nhau. Nhà linh trưởng học Frans de Waal đến từ trường đại học Emory, Atlanta, Georgia, Mỹ từng chứng kiến nhiều trường hợp tinh tinh ôm, hôn lẫn nhau sau xung đột. Đối với tinh tinh, hôn là một hình thức hoà giải và thường phổ biến giữa các con đực hơn giữa các con cái. Nói cách khác, đây không phải là hành vi mang tính lãng mạn.
Tinh tinh hôn và ôm sau khi mâu thuẫn. (Ảnh: C.O. Mercial/Alamy)
Vượn Bonobo hôn thường xuyên hơn, chúng thường dùng lưỡi khi hôn. Điều này không mấy ngạc nhiên vì vượn Bonobo có hành vi tình dục cao. Khi con người gặp nhau, chúng ta bắt tay còn vượn bonobo giao phối. Đối với chúng đó là một cách bắt tay. Chúng giao phối trong nhiều tình huống khác nhau. Vì vậy, nụ hôn của chúng không hẳn là nụ hôn lãng mạn.
Ngoài hai loài trên, các loài khác không hôn nhau. Chúng có thể cọ mũi hoặc chạm mặt nhưng không hôn hít. Theo BBC, động vật không cần hôn do khứu giác phát triển.
Ví dụ loài lợn rừng hoang dã, con đực tạo mùi hương nồng khiến con cái thấy hấp dẫn. Hoá chất quan trọng trong việc tạo mùi là một loại kích thích tố có tên Androstenone. Chất này làm con cái có mong muốn được giao phối. Con đực càng có nhiều Androstenone càng khoẻ mạnh. Khứu giác của lợn cái rất nhạy nên chúng không cần phải tới gần để hôn.
Điều này đúng với các loài động vật có vú khác. Chuột vàng cái toả ra mùi hương kích thích con đực. Chúng dựa vào mùi để tìm bạn đời có gien khác, giảm nguy cơ giao phối cận huyết.
Không chỉ ở động vật có vú, nhện goá phụ đen đực có thể dựa vào kích thích tố của con cái để biết được nhện cái có đang đói hay không. Nhện đực chỉ giao phối với nhện cái khi nó không đói để tránh bị ăn thịt.
Nhện goá phụ đen. (Ảnh: Visuals Unlimited/NPL)
Ngược lại, khứu giác của con người không nhạy bén, vì vậy cần cảm nhận mùi ở khoảng cách gần hơn. Mùi hương không phải là yếu tố duy nhất để đánh giá thể lực, nhưng các nghiên cứu chỉ ra rằng nó đóng vai trò quan trọng trong việc lựa chọn bạn đời.
Theo một nghiên cứu năm 1995, phụ nữ giống như chuột vàng, thích mùi của người đàn ông có gien khác họ, những người không gần huyết thống sẽ có con cái khoẻ mạnh hơn.
Năm 2013, Wlodarski làm thí nghiệm đánh giá sở thích hôn một cách chi tiết. Ông hỏi hàng trăm người xem điều gì là quan trọng nhất khi hôn. Làm cách nào để ngửi được mùi đặc trưng một cách rõ nét nhất. Tầm quan trọng của mùi hương tăng lên khi người phụ nữ ở vào thời điểm dễ thụ thai nhất.
Thí nghiệm chỉ ra rằng đàn ông cũng tạo ra một kích thích tố mà lợn rừng cái thấy hấp dẫn. Kích thích tố này tồn tại trong mồ hôi của đàn đông, khi phụ nữ tiếp xúc với nó mức độ hưng phấn của họ tăng nhẹ.
Kích thích tố đóng vai trò quan trọng trong việc tìm bạn đời ở động vật, Wlodarski nói. Dù con người tiến hoá hơn nhưng chúng ta thừa hưởng toàn bộ phần sinh học từ động vật có vú.
Theo cách nhìn này, hôn là một cách văn hoá để tới gần đối phương, đánh giá kích thích tố của họ. Từ đó, ở một số nền văn hoá, việc lại gần để ngửi mùi trở thành tiếp xúc môi. Khó có thể nói biến đối này xảy ra ở thời điểm nào trong lịch sử nhưng cả hai hành vi đều có cùng mục đích.