Những khối "ngọc trai kỷ Jura" đổi màu khi trời mưa ở Siberia
Nằm dưới một hầm mỏ Siberia cách mặt đất 30 m, những khối cầu đá tròn nhẵn kỳ lạ được mệnh danh là "ngọc trai kỷ Jura" hay "viên bi của người khổng lồ". Theo The Siberian Times, mười khối cầu đá có kích thước lớn bằng một nửa người trưởng thành và đường kính khoảng một mét, tròn trịa và ...
Nằm dưới một hầm mỏ Siberia cách mặt đất 30 m, những khối cầu đá tròn nhẵn kỳ lạ được mệnh danh là "ngọc trai kỷ Jura" hay "viên bi của người khổng lồ".
Theo The Siberian Times, mười khối cầu đá có kích thước lớn bằng một nửa người trưởng thành và đường kính khoảng một mét, tròn trịa và trơn nhẵn. Đặc biệt, màu sắc của chúng thay đổi sau khi trời mưa.
Những khối cầu nằm gần nhau được một nhà khai quật tìm thấy ở mỏ than đá Sereulsky tại quận Nazarovo thuộc vùng Krasnoyarsk, Siberia.
Các chuyên gia loại trừ khả năng các khối cầu do con người tạo ra và khẳng định chúng tồn tại từ kỷ Jura.
Những khối cầu đá kỳ lạ này được hình thành do một quá trình tự nhiên tương tự như cách ngọc trai ra đời.
Được gọi là khối kết hạch, các quả cầu đá hình thành trên lớp đá trầm tích do sự lắng đọng của một lượng lớn vật liệu có nguồn gốc hữu cơ như lá, vỏ sò, hóa thạch quanh một nhân cứng.
"Những khối cầu hình thành theo cách tương tự như ngọc trai, khi một hạt cát lọt vào bên trong con trai và nó cố đẩy hạt cát ra. Nước chảy qua đá trầm tích để lại nhiều khoáng chất giúp kết dính cát, bùn hoặc vật chất khác thành khối khổng lồ. Các khối kết hạch này rất hiếm gặp", Olga Yakunina, nhà khoa học ở Bảo tàng Địa chất Miền trung Siberia, cho biết.
Lý do màu của chúng nhạt đi sau khi trời mưa là do oxit sắt trong thành phần cấu tạo.