28/02/2018, 13:44

Những hiện tượng kỳ quái nhất trên Trái Đất

Sự tích tụ dung nham với tốc độ chóng mặt bên dưới núi lửa tại Bolivia, những vòng tròn đồng tâm ở sa mạc Sahara là vài hiện tượng địa chất mà giới khoa học chưa thể giải thích. Những hiện tượng thiên nhiên kỳ bí trên thế giới Baldy là tên của núi cát cao nhất ở rìa phía nam của hồ ...

Sự tích tụ dung nham với tốc độ chóng mặt bên dưới núi lửa tại Bolivia, những vòng tròn đồng tâm ở sa mạc Sahara là vài hiện tượng địa chất mà giới khoa học chưa thể giải thích.

Những hiện tượng thiên nhiên kỳ bí trên thế giới

Baldy là tên của núi cát cao nhất ở rìa phía nam của hồ Michigan tại Mỹ. Chiều cao của nó lên tới 370m. Người ta dùng từ "đụn cát sống" để mô tả Baldy vì nó dịch chuyển từ 100 tới 200cm mỗi năm. Đụn cát bắt đầu di chuyển khi du khách nhổ cỏ - thứ giúp cho các lớp cát gắn kết với nhau. Gió là thủ phạm khiến núi Baldy dịch chuyển. Tuy nhiên, khả năng nuốt người của nó mới là vấn đề khiến giới khoa học sửng sốt.


Du khách trèo lên núi Baldy ở rìa phía nam của hồ Michigan

Vào tháng 7/2013, Nathan Woessner – một cậu bé 6 tuổi – gặp nạn trên núi cát Baldy do một hố bất ngờ xuất hiện bên dưới. Độ sâu của hố lên tới 3m. Mọi người phải mất tới 3 giờ để lôi Nathan ra khỏi hố. Một tháng sau, hố thứ hai xuất hiện. Đây là hiện tượng bí ẩn bởi hố không thể hình thành trong cát. Mỗi khi một hố nào đó xuất hiện, cát sẽ tràn vào ngay lập tức và hố sẽ biến mất.

"Dường như chúng ta đang chứng kiến một hiện tượng địa chất mới", Erin Argyilan, nhà địa chất đang nghiên cứu đụn cát Baldy, phát biểu.

Erin cho rằng trong quá trình dịch chuyển, đụn cát đã lấp khá nhiều cây. Những cây đó thối rứa bên dưới cát và giải phóng khí. Hố xuất hiện vì khí thoát ra ngoài từ bên dưới. Người ta từng khai thác Baldy để lấy cát cho hoạt động sản xuất kính. Vì thế rất có thể hoạt động khai thác là nguyên nhân khiến các hố hình thành.

Những vòng tròn đồng tâm giữa sa mạc Sahara


Một ảnh về "mắt của Sahara" do vệ tinh nhân tạo chụp

"Mắt của Sahara" là một khu vực hình tròn có đường kính tới 50km trong sa mạc nóng nhất thế giới. Nó bao gồm nhiều hình tròn đồng tâm màu xanh dương. Nếu ngồi trong một phi thuyền trên quỹ đạo trái đất, bạn có thể thấy nó. Trong suốt một thời gian dài, giới khoa học nghĩ "mắt của Sahara" là kết quả của vụ va chạm giữa một thiên thạch với trái đất. Song một nghiên cứu gần đây cho thấy giả thuyết này không hợp lý. Nếu thiên thạch rơi xuống trái đất, áp lực và nhiệt độ của vụ chạm sẽ để lại nhiều hợp chất như coesite, một dạng của silicon dioxide.

Núi lửa kỳ lạ ở châu Mỹ

Uturuncu, núi lửa có chiều cao 6.000m ở phía tây nam Bolivia, phun trào lần cuối từ 300.000 năm trước. Các ảnh vệ tinh cho thấy cho thấy dung nham đang hình thành với tốc độ rất cao bên dưới núi lửa trong vòng 20 năm qua. Theo tính toán của một số nhà địa chất, thể tích dung nham tăng tới 1m3 mỗi giây. Vì thế khu vực xung quanh núi lửa – có chiều rộng lên tới 70km – đang phồng lên với tốc độ vài cm mỗi năm, Newscientist đưa tin.


Khói, bụi bốc lên từ núi lửa Uturuncu

Câu hỏi đầu tiên là: Quá trình phồng lên đã diễn ra trong bao nhiêu năm? Các nhà khoa học đã nghiên cứu khu vực xung quanh núi lửa, song họ chưa thể tìm ra đáp án. Uturuncu sẽ như thế nào trong tương lai cũng là một bí ẩn nữa. Shan de Silva, một chuyên gia núi lửa của Đại học Oregon tại Mỹ, đã nghiên cứu Uturuncu từ năm 2006. Shan dự đoán nó có thể trở thành siêu núi lửa. Các nhà địa chất khác không tìm thấy chứng cứ đáng thuyết phục để ủng hộ dự đoán của Shan. Mặc dù vậy, 300.000 năm là khoảng thời gian trung bình giữa những lần núi lửa phun trào ở phía tây bắc Bolivia. Vì thế, rất có thể Uturuncu sắp tạo ra một sự kiện lớn.

Hẻm núi Grand Canyon, Mỹ


Sông Colorado chảy qua khe núi Grand Canyon. (Ảnh: Bloomsbeat.)

Grand Canyon là một là một hẻm núi dốc ở bang Arizona, Mỹ. Nó là một trong số những kiến tạo địa chất nổi tiếng nhất trên trái đất và cũng là đối tượng nghiên cứu hàng đầu của các nhà khoa học. Một nhóm các nhà khoa học cho rằng, sông Colorado cắt ngang và tạo ra khe núi Grand Canyon. Trong khi đó, nhóm khác khẳng định, khe núi đã tồn tại từ rất lâu và sông Colorado chỉ "vô tình" chảy qua. Sự tranh cãi về Grand Canyon còn xoay quanh thời gian mà nó hình thành. Một số người cho rằng Grand Canyon xuất hiện cách đây khoảng 6 triệu năm trong khi nhiều người khác tin con số đó là 70 triệu năm.

Sắc hồng độc đáo của nước hồ Hillier, Australia


Nhìn từ trên cao xuống, hồ Hillier trông giống như một miếng kẹo cao su màu hồng. (Ảnh: Amusing Planet)

Mặc dù Hillier không phải là hồ nước màu hồng duy nhất trên thế giới, nhưng chắc chắn nó ẩn chứa nhiều bí ẩn nhất. Người ta đã phát hiện ra hồ Hillier vào năm 1802 trên một hòn đảo lớn thuộc quần đảo Recherche, miền tây Australia.

Không giống như các hồ nước màu hồng khác như hồ Retba và hồ muối ở Vịnh San Francisco, các nhà khoa học vẫn chưa xác định nguyên nhân khiến nước hồ Hilier có màu hồng. Một số người cho rằng, hồ có màu hồng là do sự kết hợp giữa loài tôm và các vi sinh vật như halobacteria hay dunaliella salina. Nhiều người lại phỏng đoán chính lớp tảo đã khiến hồ biến sắc. Trong khi đó, nhiều người đồng tình với khả năng phản ứng của muối trong hồ là nguyên nhân khiến hồ có sắc hồng. Sắc nước của hồ Hillier cũng không phải là tác phẩm từ ánh sáng mặt trời, bởi người ta đã lấy một thùng nước từ hồ và di chuyển nó tới nhiều nơi, song màu nước vẫn giữ nguyên. Cho dù giới khoa học chưa xác định rõ nguyên nhân chính xác nhưng sắc hồng quyến rũ của hồ đã điểm tô thêm vẻ đẹp của thiên nhiên vốn tươi đẹp ở Australia.

Lớp phủ bên ngoài đá sa mạc


Lớp vỏ đá sa mạc có màu hồng và đen. (Ảnh: Listverse.)

Một lớp chất mỏng màu hồng và đen tồn tại bên ngoài những hòn đá trên sa mạc. Bằng cách cạo lớp phủ, người cổ đại đã tạo ra các bức chạm khắc độc đáo. Mặc dù đá sa mạc xuất hiện khắp nơi trên trái đất, song nguyên nhân khiến lớp phủ ngoài của chúng hình thành vẫn là một điều bí ẩn.

Lớp sơn được cấu thành chủ yếu từ đất sét. Trong khi đó, sắt và mangan – hai chất quyết định màu sắc và sự bí ẩn của đá - chiếm khoảng 1/3. Các thí nghiệm đã chỉ ra rằng, vi sinh vật có thể tạo ra các hợp chất này. Tuy nhiên, một giả thuyết khác cho thấy, vi khuẩn cũng có thể tạo ra lớp sơn bên ngoài đá sa mạc với tốc độ rất nhanh. Căn cứ vào thành tố của lớp sơn gồm nhiều chất silica, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, bụi trong không trung là nguyên nhân khiến lớp vỏ đá có màu hồng và đen. Trong khi đó, theo giả thiết gần đây nhất, lớp sơn này được tạo thành từ các vi sinh vật theo một hình thái sinh học hoàn toàn xa lạ. Bí ẩn về lớp vỏ bên ngoài đá sa mạc sẽ tiếp tục là đề tài để các nhà nghiên cứu khám phá và suy xét.

0