những đóng góp của các nhà xã hội học đầu tiên trong lịch sử hình thành và phát triển của nền Xã hội học thế giới.

4.1. Đóng góp của A. Comte (1798 – 1857) – Đóng góp về lý thuyết: + Auguste Comte là nhà triết học thực chứng, nhà Xã hội học người Pháp. Những tác phẩm chính có liên quan đến Xã hội học của ông bao gồm: * Hệ thống thực chứng luận * Giáo trình triết học thực chứng (6 tập) * Chính trị thực ...

4.1. Đóng góp của A. Comte (1798 – 1857)
– Đóng góp về lý thuyết:
+ Auguste Comte là nhà triết học thực chứng, nhà Xã hội học người Pháp. Những tác phẩm chính có liên quan đến Xã hội học của ông bao gồm:

* Hệ thống thực chứng luận
* Giáo trình triết học thực chứng (6 tập)
* Chính trị thực chứng
+ Theo ông, Xã hội học là khoa học nghiên cứu về các quy luật của tổ chức xã hội và có nhiệm vụ đáp ứng nhu cầu nhận thức và giải thích sự biến đổi xã hội góp phần thiết lập lại trật tự xã hội. Ông là người đầu tiên đã đưa ra thuật ngữ “xã hội học” và là người đầu tiên cho rằng trong nghiên cứu các vấn đề xã hội cần phải dung các phương pháp của khoa học tự nhiên, đặc biệt là của vật lý. Vì vậy lúc đầu ông gọi ngành khoa học này là vật lý học xã hội.
+ Lý thuyết Xã hội học của A. Comte về xã hội thể hiện cách nhìn về xã hội và khoa học của ông. Ông cho rằng xã hội luôn luôn ở 2 trạng thái: tĩnh và động và tương ứng với chúng là Xã hội học tĩnh và Xã hội học động.
– Xã hội học tĩnh: nghiên cứu XH ở trạng thái tĩnh với các tiêu chí như: cơ cấu xã hội, trật tự xã hội, mối quan hệ cá nhân, gia đình và xã hội. Đặc biệt là trong quan niệm của ông về cơ cấu xã hội. Theo ông, cơ cấu xã hội lớn được tạo nên từ các tiểu cơ cấu xã hội. Do đó hiểu cơ cấu xã hội là nắm bắt được các đặc điểm, các thuộc tính, các mối liên hệ của các tiểu cơ cấu. Cơ cấu xã hội phát triển theo con đường tiến hoá từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp. Cách nhìn này thể hiện rõ quan điểm tiến hoá luận trong nhìn nhận xã hội của Auguste Comte.
–  Xã hội học động: Ông đi tìm xem cái gì là động lực phát triển xã hội. Ông cho rằng động lực của sự phát triển xã hội là sự phát triển của tư duy. Ông chia lịch sử thành 3 giai đoạn (thần học: là giai đoạn thống trị của tôn giáo; siêu hình học: là thời kỳ thống trị của tư duy lý luận; và thực chứng: là thời kỳ các nhà khoa học sẽ thay thế các thầy tu và các nhà quan sự để quản lý xã hội). Người ta gọi sự phân chia lịch sử như vậy là sự phân chia theo quy luật 3 giai đoạn.
– Đóng góp về phương pháp luận và phương pháp:
+ Comte cho rằng Xã hội học có thể phát hiện, chứng minh và làm sáng tỏ các quy luật tổ chức và biến đổi xã hội bằng phương pháp luận của chủ nghĩa thực chứng. Ông coi Xã hội học giống như khoa học tự nhiên (vật lý, sinh học), vì vậy ông đã sáng lập ngành vật lý học xã hội.
+ Ông đã sử dụng phương pháp quan sát trong nghiên cứu xã hội học. Theo ông quan sát phải gắn với lý thuyết, phải có mục đích và tuân theo quy luật của hiện tượng.
+ Ông cũng đã sử dụng phương pháp thực nghiệm, ông cho rằng thực nghiệm là một phương pháp khó tiến hành nhất là đối với cả hệ thống xã hội, nhưng trong từng hiện tượng cụ thể nhà Xã hội học có thể can thiệp, tác động vào hiện tượng nghiên cứu tạo ra các điều kiện nhân tạo để xem xét tình huống của chúng.
+ Ngoài ra ông còn sử dụng các phương pháp như so sánh, phân tích lịch sử. So sánh được ông coi là quan trọng, vì khi so sánh với xã hội hiện tại và xã hội quá khứ cũng như các loại xã hội khác nhau người ta có thể nhìn thấy sự giống nhau và khác nhau giữa chúng.

4.2. Đóng góp của K. Marx (1818 – 1883)

– Đóng góp về lý thuyết:
+  K. Marx là một luật sư, một nhà triết học, nhà kinh tế học. Ông chưa bao giờ thừa nhận mình là nhà xã hội học, mặc dầu vậy K. Marx là người có nhiều đóng góp trong Xã hội học được các nhà Xã hội học phương Tây đánh giá rất cao. Những vấn đề lý luận và phương pháp luận mà Marx đưa ra có ý nghĩa to lớn trong việc xây dựng tri thức Xã hội học. Những đóng góp về lý thuyết Xã hội học của ông thể hiện qua các tác phẩm sau đây:
* Tư bản
* Góp phần phê phán khoa học kinh tế chính trị
* Tuyên ngôn Đảng cộng sản
* Gia đình thần thánh.v.v…
+ Đóng góp quan trọng nhất trong lý thuyết Xã hội học của ông thể hiện ở chỗ ông là người đã chỉ ra quy luật phát triển của lịch sử xã hội loài người thông qua việc xây dựng học thuyết về hình thái kinh tế – xã hội. Bằng các khái niệm: hình thái kinh tế – xã hội, phương thức sản xuất, lực lượng sản xuất, quan hệ sản xuất, Marx đã chỉ ra rằng xã hội luôn luôn vận động và phát triển theo các quy luật khách quan và đã trải qua các hình thái kinh tế – xã hội khác nhau. Và “sự thay thế của các hình thái kinh tế – xã hội là một quá trình lịch sử – tự nhiên”. Lý thuyết của ông đã bác bỏ các nhìn duy tâm về sự vận động và phát triển xã hội của các quan niệm tôn giáo.
+ K. Marx đã cung cấp cho Xã hội học một phương pháp luận trong nghiên cứu các sự kiện xã hội thông qua quan niệm duy vật và biện chứng của ông. Ông cho rằng khi phân tích các hoạt động của cá nhân các nhóm xã hội cần phải xuất phát từ điều kiện thực tế của họ để giải thích về con người.
+ Khi nghiên cứu về xã hội cần coi xã hội là một hệ thống có nhiều bộ phận có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Cơ cấu giai cấp là một hình thức quan trọng của cơ cấu xã hội. Xã hội học cần phân tích cơ cấu xã hội để chỉ ra ai là người bị thiệt, ai là người có lợi từ cách thức tổ chức xã hội và cơ cấu xã hội hiện có.
+ Marx quan niệm rằng bản chất con người và xã hội của con người bắt nguồn từ trong quá trình sản xuất thực của xã hội, trong hoạt động làm ra của cải vật chất. Vì vậy cần phân tích con người đã sản xuất ra các phương tiện như thế nào? Những điều kiện nào cản trở năng lực sáng tạo của con người (Chế độ sở hữu tư nhân, sự phân tầng xã hội, bất bình đẳng xã hội).
+ Marx là một trong những người có đóng góp lớn trong việc hình thành lý thuyết xung đột và nguồn gốc của các xung đột xã hội trong Xã hội học thông qua học thuyết giai cấp và đấu tranh giai cấp của ông. Ở đây, Marx đã đưa ra một quan niệm mới về xã hội đó là cách nhìn duy vật và biện chứng về giai cấp đấu tranh giai cấp: Marx xuất phát từ quan niệm cho rằng mọi sự bất bình đẳng trong xã hội, mọi sự phân chia giai cấp, người giàu người nghèo, người có quyền, kẻ không có quyền xét đến cùng là do nguyên nhân kinh tế, là do có sự chiếm hữu tư nhân về tư liệu sản xuất. Để giải quyết sự bất bình đẳng trong xã hội chỉ có một con đường là đấu tranh giai cấp, xoá bỏ sự chiếm hữu tư nhân về tư liệu sản xuất.
– Đóng góp về phương pháp:
+ Ông đã sử dụng phương pháp quan sát, phương pháp toán học trong nghiên cứu XH.
+ Đặc biệt Marx là người đã sử dụng phương pháp phỏng vấn nhóm, dùng bảng tự khai để viết các tác phẩm của mình như bộ “Tư bản”.

4.3. Đóng góp của H. Spencer (1820 – 1903)

– Đóng góp về lý thuyết:
+ Spencer là nhà sinh học, nhà Xã hội học người Anh. Những đóng góp của ông được thể hiện qua các tác phẩm sau:
* Nghiên cứu xã hội học
* Các nguyên lý của xã hội học
* Xã hội học mô tả
* Tĩnh xã hội học
+ Theo Spencer, Xã hội học là khoa học về các quy luật và các nguyên lý tổ chức của xã hội. Xã hội được hiểu như là các “cơ thể siêu hữu cơ”. Xã hội là một cơ thể có nhiều bộ phận hợp thành, mỗi bộ phận đảm nhiệm những chức năng xã hội  nhất định nhằm duy trì sự sống của cơ thế đó. Giữa chúng luôn luôn tồn tại mối liên hệ, gắn kết qua lại với nhau. Với quan điểm nhìn nhận xã hội như vậy , Spencer là nhà Xã hội học theo trường phái cơ cấu – chức năng. Tương tự như cơ thể sống, xã hội có hàng loạt các nhu cầu cho sự phát triển và tồn tại đòi hỏi phải xuất hiện các cơ quan hoạt động theo nguyên tắc chuyên môn hoá để đáp ứng các nhu cầu của cơ thể xã hội. Theo ông, xã hội chỉ có phát triển lành mạnh khi các cơ quan chức năng của xã hội đó đảm bảo thoả mãn các nhu cầu của xã hội. Đây là tư tưởng chức năng luận đầu tiên trong Xã hội học. Ông so sánh cơ thể sống với cơ thể – siêu hữu cơ (xã hội), Spencer đã chỉ ra những điểm giống nhau và khác nhau rất quan trọng giữa chúng: Cả hai loại đều có khả năng sinh tồn và phát triển, nhưng xã hội gồm các bộ phận có khả năng ý thức và tác động lẫn nhau một cách gián tiếp, thông qua ngôn ngữ, ký hiệu.
+ Một trong những nguyên lý cơ bản nhất của xã hội học là nguyên lý tiến hoá. Ông cho rằng các xã hội trong lịch sử nhân loại đều phát triển tuân theo quy luật tiến hoá từ xã hội có cơ cấu nhỏ, đơn giản, chuyên môn hoá thấp, không ổn định, dễ phân rã đến xã hội lớn, có cơ cấu phức tạp, chuyên môn hoá cao, ổn định, liên kết bền vững. Điều này đã thể hiện nguyên lý tiến hoá xã hội.
+ Ông chỉ ra có 3 loại tác nhân đối với quá trình tiến hoá xã hội: Tác nhân chủ quan (các đặc điểm về trí tuệ, thể lực và các trạng thái cảm xúc), tác nhân bên ngoài (đặc điểm khí hậu, đất đai, sông ngòi), tác nhân tự sinh (bắt nguồn từ các điều kiện bên trong và bên ngoài như quy mô dân số, mật độ dân số, mối liên hệ giữa các xã hội với nhau).
+ Ngoài ra ông còn có nhiều đóng góp khác như nghiên cứu về loại hình xã hội và thiết chế xã hội, khuynh hướng phát triển xã hội.v.v…
– Đóng góp về phương pháp:
+ Ông chú trọng nghiên cứu định lượng (sử dụng nhiều loại số liệu, thu thập nhiều số liệu ở nhiều thời điểm và địa điểm khác nhau).
+ Để nghiên cứu có hiệu quả, cần phải tuân thủ các quy tắc, các tiêu chuẩn, các kỹ thuật nghiên cứu.

4.4. Đóng góp của E. Durkheim (1858 – 19717)

– Đóng góp về lý thuyết:
+ E. Durkheim là nhà Xã hội học người Pháp. Ông đã có nhiều đóng góp lớn cho xã hội học thế giới thông qua các tác phẩm:
* Sự phân công lao động xã hội
* Tự tử
* Những quy tắc của phương pháp Xã hội học
* Những hình thức sơ đẳng của đời sống tôn giáo
+ Theo Durkheim, Xã hội học là khoa học nghiên cứu về sự kiện xã hội. Sự kiện xã hội được hiểu theo 2 nghĩa: Các sự kiện xã hội vật chất như các nhóm dân cư và các tổ chức xã hội. Các sự kiện xã hội phi vật chất như hệ thống giá trị, chuẩn mực, phong tục tập quán, các sự kiện đạo đức… Ông chủ trương lấy hiện tượng xã hội này để giải thích cho hiện tượng xã hội khác, lấy tổng thế này giải thích cho tổng thể khác.
+ Ông coi xã hội tồn tại bên ngoài cá nhân, có trước cá nhân với nghĩa là cá nhân sinh ra phải tuân thủ các chuẩn mực xã hội. Vì vậy Xã hội học cần xem xét hệ thống xã hội, cơ cấu xã hội, hiện tượng xã hội với tư cách là sự vật, sự kiện. Xã hội vận động, biến đổi từ đơn giản đến phức tạp.
+ Ông nghiên cứu nhiều về mối quan hệ giữa con người và xã hội. Mối quan hệ ấy được thể hiện qua các kiểu đoàn kết xã hội. Theo ông có 2 loại đoàn kết xã hội:
* Đoàn kết cơ giới: Xuất hiện trong xã hội kém phát triển, ở đó sự phân công lao động chưa cao, quan hệ cá nhân còn rời rạc, sự khác nhau giữa các cá nhân chưa mấy rõ ràng.
* Đoàn kết hữu cơ: Xuất hiện trong xã hội phát triển, có sự phân công lao động cao, con người như một mắt xích liên kết chặt chẽ với nhau.
+ Khi nghiên cứu về hiện tưởng tự tử, ông đã chia làm ba loại:
* Tự tử vị kỷ: Chỉ nghĩ đến mình.
* Tự tử vị tha: Nghĩ đến người khác.
* Tự tử vô tổ chức: Trải qua biến động trong đời sống cá nhân hoặc xã hội.
Ông bác bỏ tự tử vì nguyên nhân tâm lý, ông cho rằng ở đâu liên kết xã hội tốt thì ở đó số người tự tử giảm.
+ Về phương diện khái niệm ông đưa ra một số khái niệm như: đoàn kết xã hội (hội nhập xã hội), đoàn kết cơ giới, đoàn kết hữu cơ.
– Đóng góp về phương pháp: Ông sử dụng các phương pháp: quan sát, giải thích sự kiện xã hội, phương pháp chứng minh (cách hồi quy gia biến)/

4.5. Đóng góp của M. Weber (1864 – 1920)

– Đóng góp về lý thuyết:
+ Đóng góp trên phương diện lý thuyết Xã hội học của M. Weber được thể hiện qua các tác phẩm sau:
* Đạo đức tin lành và tinh thần chủ nghĩa tư bản
* Kinh tế và xã hội
* Xã hội học về tôn giáo
* Tôn giáo Trung Quốc.v.v…
+ Theo Weber, Xã hội học là khoa học về hành động xã hội. Ông viết: “Xã hội học… là khoa học cố gắng giải nghĩa hành động xã hội và … tiến tới giải thích nhân quả về đường lối và hệ quả của hành động xã hội”.
+ Hành động xã hội theo định nghĩa của ông là hành động được chủ thể gắn cho nó một ý nghĩ chủ quan nào đó, là hành động có tính đến hành vi của người khác, và vì vậy được định hướng tới người khác, trong đường lối và quá trình của nó. Như vậy, một hành động có tính chất xã hội khi nó liên quan đến những người khác.
+ Ông giải thích sự định hướng của hành động xã hội thông qua việc phân chia hành động xã hội làm 4 loại:
* Hành động cảm xúc gắn với các yếu tố tâm lý
* Hành động theo truyền thống
* Hành động thuần lý giá trị
* Hành động thuần lý mục đích
+ Ông nghiên cứu mối quan hệ giữa tôn giáo với kinh tế và thông qua đó để nhìn nhận về vai trò của tôn giáo và văn hoá đối với sự phát triển của xã hội. Ông cho rằng sự phát triển của xã hội không chỉ do động lực kinh tế mà ngoài ra còn do yếu tố tôn giáo, văn hoá…
+ Về quan điểm quyền lực xã hội và bất bình đẳng xã hội, ông cho rằng yếu tố kinh tế không phải là yếu tố quyết định (khác với K. Marx) mà các yếu tố như uy tín, dòng dõi, dân tộc, chủng tộc, sắc đẹp… cũng là những nguyên nhân làm nên sự bất đẳng và quyền lực trong xã hội. Ngoài ra trong xã hội hiện đại, các yếu tố như cơ may cuộc sống và khả năng tiếp cận thị trường của các cá nhân có ý nghĩa lớn trong việc xác định địa vị xã hội và tạo ra những bất bình đẳng trong xã hội.
– Đóng góp về phương pháp: Ông đã để lại nhiều kinh nghiệm trong việc sử dụng phương pháp quan sát, giải thích, giải nghĩa và phương pháp thực nghiệm.

0