Những chuyện "không ngờ" xảy ra khi bạn nằm trong bụng mẹ
Chắc chắn ai cũng sẽ vô cùng kinh ngạc khi biết rằng ngày từ khi ở trong bụng mẹ bạn đã có nhiều khả năng kỳ diệu mà bạn không ngờ đến, và nó là bằng chứng cho sự màu nhiệm của sự sống. Với tất cả chúng ta, 9 tháng 10 ngày là con số mang một ý nghĩa vô cùng cao cả. Đó ...
Chắc chắn ai cũng sẽ vô cùng kinh ngạc khi biết rằng ngày từ khi ở trong bụng mẹ bạn đã có nhiều khả năng kỳ diệu mà bạn không ngờ đến, và nó là bằng chứng cho sự màu nhiệm của sự sống.
Với tất cả chúng ta, 9 tháng 10 ngày là con số mang một ý nghĩa vô cùng cao cả. Đó chính là quãng thời gian dài mẹ bạn mang thai, bạn nằm trong bụng mẹ, được ngắm nhìn cả thế giới dưới góc nhìn đặc biệt.
Đó cũng là giai đoạn bạn trải qua quá trình phát triển từ phôi thai để trở thành một con người hoàn chỉnh. Trong quá trình này, có biết bao câu chuyện thú vị đã xảy ra mà bạn gần như không bao giờ nhớ lại được…
1. Hậu môn "mọc ra" đầu tiên
Bạn đã bao giờ tự hỏi trong bụng mẹ, bộ phận nào của cơ thể mình phát triển đầu tiên hay chưa - não bộ, trái tim hay bộ phận sinh dục…? Tất cả đều không đúng, bởi câu trả lời chính là hậu môn.
Dưới góc nhìn khoa học, con người cùng với các loài hải sâm, nhím... thuộc nhóm động vật có miệng thứ sinh được gọi là deuterostome. Bản thân thuật ngữ trên xuất phát từ tiếng Hy Lạp cổ, có nghĩa là "cái miệng thứ hai". Cái tên này khái quát đặc điểm chung của nhóm sinh vật trên, bao gồm cả con người - đó là khi còn là phôi thai, hậu môn hình thành trước tiên.
Cụ thể ở người, trong giai đoạn đầu tiên, phôi thai hình thành một dạng túi, cho phép các tế bào bên trong di chuyển, phát triển gọi là gastrula. Sau đó, tại mép của chiếc túi này, các tế bào dần hình thành nên lỗ hậu môn, rồi mới tới miệng ở mép túi đối diện.
2. Ngủ rất nhiều... cả khi chưa có mí mắt
Giấc ngủ là một trong những bản năng tự nhiên của con người. Một ngày người trưởng thành cũng chỉ ngủ khoảng 8 tiếng để đảm bảo sức khỏe. Thế nhưng, thai nhi trong bụng mẹ thì khác. Bất chấp ánh sáng, các bé vẫn có thể ngủ và ngủ rất nhiều dù cho chưa hề có mí mắt.
Trên thực tế, theo dõi quá trình phát triển của thai nhi, các nhà khoa học phát hiện ra rằng, ở cuối tuần thứ 12 của thai nhi, mắt em bé đã gần như phát triển đầy đủ chức năng.
Trong khi đó, phải tới tháng thứ 5 (tuần thứ 20), mí mắt mới bắt đầu xuất hiện. Rõ ràng, em bé không thể nhắm mắt suốt gần 2 tháng liền. Tuy nhiên, các bé vẫn có thể ngủ và thời gian ngủ càng ngày càng tăng dần.
Tới tuần thứ 32 của thai kỳ, thời gian ngủ tăng lên tới mức kỷ lục. Giới chuyên gia đã rất ngạc nhiên khi biết rằng, các bé ngủ tới 90 - 95% thời gian thay vì chơi đùa với dây rốn, nhào lộn trong nước ối hay mút tay... Trong đó, có những lúc, bé chìm trong giấc ngủ sâu, nhưng cũng có những - trạng thái ngủ mắt đảo liên tục giống như người lớn vậy.
3. Ruột để ngoài da
Câu thành ngữ trên có lẽ sẽ chính xác về nghĩa đen nếu xem xét quá trình phát triển của một thai nhi. Ít ai biết rằng, ruột của một đứa trẻ lại phát triển ở ngoài cơ thể của chúng.
Vào tuần thứ 6 của thai kỳ, đường ruột của bé bắt đầu hình thành trong dây rốn và nối trực tiếp với nhau thai. Hệ thống tiêu hóa của bé lúc ấy rất đơn giản, gồm 3 phần là ruột trước, ruột giữa và ruột sau.
Phần ruột giữa sẽ phát triển mạnh nhất, từ một đường ống tách làm hai, sau đó cả 2 ống bắt đầu lớn lên, vươn ra bên ngoài cơ thể vào bên trong dây rốn. Dần dần, ống ruột bắt đầu xoắn lại và cuối cùng trở về với bụng em bé khi phần nối với nhau thai tiêu biến hoàn toàn.
4. Bơi trong nước tiểu
Thai nhi nằm trong tử cung của người mẹ và được bao bọc xung quanh bởi nước ối, đó là kiến thức mà ai cũng biết. Nhưng có một điều sẽ khiến nhiều người ngạc nhiên: đó là nước ối - môi trường giàu chất dinh dưỡng, đóng vai trò quan trọng cho sự sống và phát triển của thai nhi lại được cấu thành chủ yếu từ chính nước tiểu của các em bé.
Trên thực tế, nước ối có một phần nguồn gốc từ màng ối, từ người mẹ và quan trọng nhất, từ nước tiểu được thai nhi bài tiết ra từ tuần tuổi thứ 16.
Tới tuần tuổi thứ 20, em bé bắt đầu quá trình tái hấp thu nước ối bằng cách nuốt vào và hấp thu qua da. Đầu tiên, bé nuốt một chút nước ối rồi nước ối này được lọc qua thận, sau đó thì thải trở lại tử cung. Quá trình này cứ thế lặp đi lặp lại. Thai từ 34 tuần tuổi trở đi nhận mỗi ngày tới 300 - 500ml nước ối vào cơ thể. Mặc dù có nguồn gốc là nước tiểu nhưng nước ối đóng vai trò vô cùng quan trọng cho sự sống của mỗi đứa trẻ.
Nước ối giúp cân bằng dịch trong cơ thể bé, giúp ruột tạo ra phân su. Đồng thời, nước ối bên ngoài tạo môi trường phát triển bình thường cho thai nhi, tránh những va chạm không cần thiết trong bụng mẹ. Khi trẻ ra đời, nước ối như chất dịch bôi trơn giúp thai nhi dễ dàng chui ra, tránh nhiễm khuẩn trong tử cung của người mẹ.
5. Thở trong nước
Em bé của bạn bắt đầu "hít thở" khi bé vẫn còn đang nằm trong tử cung, mặc dù lúc đó phổi của bé không hề tiếp nhận khí oxy. Vào khoảng 27 tuần tuổi, buồng phổi chứa đầy dịch của bé sẽ bắt đầu nở ra và nén lại dựa trên sự co thắt nhịp nhàng của cơ hoành và cơ ngực, quá trình này sẽ giúp bé phát triển các cơ bắp và động mạch cần thiết cho việc hít thở thực sự về sau.