15/01/2018, 10:54

Những biện pháp giúp học sinh Tiểu học tập trung nghe giảng

Những biện pháp giúp học sinh Tiểu học tập trung nghe giảng Cách xử lý học sinh làm việc riêng, nói chuyện riêng trong lớp 7 biện pháp giúp học sinh Tiểu học tập trung nghe giảng Bạn là một giáo viên ...

Những biện pháp giúp học sinh Tiểu học tập trung nghe giảng

7 biện pháp giúp học sinh Tiểu học tập trung nghe giảng

Bạn là một giáo viên tiểu học và bạn cảm thấy chán nản mỗi khi đứng lớp thì học sinh lại mất trật tự, nói chuyện riêng dù có nghiêm khắc hơn thế nhưng tình trạng vẫn không được cải thiện. Vậy thì hãy cùng VnDoc tìm hiểu về những biện pháp giúp học sinh tiểu học tập trung nghe giảng và không nói chuyện riêng sau đây nhé!

1. Linh hoạt trong việc sắp xếp chỗ ngồi

Đối với bất cứ một cấp học nào cũng vậy, chọn chỗ ngồi trong lớp luôn được xem là việc hết sức quan trọng và nếu không sắp xếp một chỗ ngồi thích hợp và khoa học cho học sinh thì có thể gây ra những hậu quả không mong muốn. Bởi lẽ, điều này không chỉ liên quan đến vấn đề nói chuyện riêng của học sinh, ảnh hưởng đến khả năng tập trung trong giờ học mà còn kéo theo nhiều yếu tố khác nữa. Tùy theo giới tính, cá tính, năng lực học tập, thể chất của học sinh, giáo viên có thể xếp chỗ ngồi cho học sinh theo các hướng sau đây:

- Xếp những em hiếu động, hay nói chuyện riêng ngồi cùng dãy với những em trầm tính, ngoan và không nói chuyện, các bàn đều xen kẽ nam và nữ (nhằm mục đích bình đẳng giới, hạn chế học sinh làm việc riêng, dung hòa cá tính hiếu động của học sinh nam).

- Xếp học sinh theo nhóm đối tượng: học sinh giỏi ngồi một dãy, khá một dãy, trung bình một dãy để dễ hoạt động hoặc giao bài vở theo nhóm cá thể hoá. (Lưu ý giáo viên không để học sinh biết cách chia theo nhóm trình độ để tránh gây mặc cảm cho em học chưa tốt hoặc sự tự kiêu cho các em học giỏi).

- Sắp xếp học sinh khá, giỏi ngồi cùng học sinh trung bình và yếu: nhằm mục đích để học sinh khá giỏi giúp đỡ bạn, chia sẻ với bạn các câu hỏi, bài tập khó.

2. Giữ trật tự lớp học thông qua những câu chuyện kể

Những biện pháp giúp học sinh tiểu học tập trung nghe giảng

Đối với trẻ thơ, thế giới cổ tích luôn là điều hấp dẫn nhất. Những câu chuyện thần bí, những chi tiết ly kỳ cùng những nhân vật hài hước, những cô bé, cậu bé ngoan được tiên giúp đỡ,... trong các câu chuyện cổ tích bao giờ cũng có sức hút mạnh mẽ đối với tất cả các em trong độ tuổi này. Các giáo viên nên tận dụng điểm này để rèn cho các em thói quen trật tự chú ý trong khoảng thời gian dài. Những giờ rảnh rỗi hay các tiết sinh hoạt lớp chính là thời điểm thích hợp nhất để giáo viên kể chuyện cho học sinh, hay cũng có thể lồng ghép vào các tiết học nếu như câu chuyện có liên quan đến môn học đó.

Mặt khác, giáo viên cũng có thể tổ chức cho các em được đóng vai theo câu chuyện để tạo thêm sự phấn khích. Chắc chắn rằng quá trình này sẽ giúp được cho các em có thói quen tập trung chú ý trong khoảng thời gian lâu hơn. Thông qua đó, học sinh giữ được trật tự trong suốt tiết học mà không bị gò bó hay gượng ép. Và một khi đã khắc phục được tình trạng mất trật tự hay nói chuyện riêng trong giờ học, học sinh sẽ trở nên ngoan hơn, học tập tốt hơn. Bài học được các em tham gia sôi nổi trong nề nếp nghiêm túc. Chính vì thế, chất lượng ngày càng được nâng cao, hiệu quả giáo dục sẽ ngày càng được cải thiện.

3. Xây dựng nội dung bài giảng sao cho thật hấp dẫn, lôi cuốn

Nội dung học tập nhàm chán, thiếu hấp dẫn cũng là điều dễ khiến các em đâm ra chán nản, chỉ biết nói chuyện cho nhanh hết giờ. Để học sinh luôn chú ý trong học tập, không ồn ào, gây mất trật tự thì trong các tiết học đòi hỏi người giáo viên phải nỗ lực và thật sáng tạo trong cách giảng bài của mình. Nếu cứ gõ thước và nhắc “Các em im lặng đi, các em không được nói chuyện, rồi gọi tên liên tục: Mai, Bình, Nam.” thì sẽ không có hiệu quả mà ngược lại giáo viên sẽ bị mất thời gian, từ đó có thể tạo thêm không khí căng thẳng trong giờ học.

Nếu giáo viên biết kết hợp các phương pháp, hình thức dạy học một cách linh hoạt, mềm dẻo, phù hợp thì sẽ thu hút học sinh vào bài học, có thể khắc phục được tình trạng mất trật tự, nói chuyện riêng của học sinh một cách nhanh chóng. Trong chương trình đổi mới phương pháp giáo dục hiện nay có khá nhiều hình thức tổ chức tiết học rất hay chẳng hạn như: tổ chức trò chơi, thi đua tổ, thi đua cá nhân, thảo luận nhóm,… Với các hình thức tổ chức các tiết học như vậy sẽ tạo không khí sôi nổi, hưng phấn cho học sinh. Thông qua trò chơi học tập, thảo luận nhóm,... sẽ thoả mãn được nhu cầu chơi và giao tiếp của trẻ.

4. Áp dụng hình thức thi đua

Những biện pháp giúp học sinh tiểu học tập trung nghe giảng

Thi đua, khen thưởng cũng là một hình thức có thể cải thiện một cách rõ rệt tình trạng nói chuyện riêng của học sinh. Giáo viên có thể cho các tổ trong lớp thi đua xem trong tuần tổ nào học nghiêm túc nhất, giữ trật tự trong giờ học tốt nhất. Sau mỗi buổi học thì sẽ tiến hành bình chọn, tổ nào nhất sẽ được thưởng một phần quà nào đó và sẽ được tổng kết vào giờ sinh hoạt lớp cuối tuần. Hình thức thi đua như thế này vừa mang tính tập thể lại vừa mang tính cá nhân, từ đó đem lại hiệu quả thiết thực. Ngoài ra, thông qua việc thi đua giữa các tổ tạo cũng có thể tạo cho các em có tinh thần “Mình vì mọi người, mọi người vì mình”.

5. Cho học sinh ngồi thoải mái, không gò bó

Có một vài trường hợp, giáo viên yêu cầu học sinh ngồi nghiêm hệt như những bức tượng trong giờ học vì nghĩ rằng các em sẽ trật tự hơn khi nghe giảng, thế nhưng, điều đó lại gây căng thẳng, mệt mỏi, làm cho các em "buộc" phải cựa quậy, nói chuyện riêng cho "miệng được vận động". Thế nên, giáo viên cứ cho học sinh ngồi thoải mái, không gò bó (chẳng hạn như: không nên bắt các em khoanh tay đặt lên bàn,...); trong tiết học, nên dành một vài phút cho học sinh vận động với những bài thể dục tại chỗ thích hợp.

6. Khả năng bao quát lớp

Nếu không chú ý đến điều này thì quả thật là thiếu sót một khi giáo viên đang mong muốn khắc khục được tình trạng mất trật tự, nói chuyện riêng của lớp mình. Đa số các giáo viên chỉ chú ý đến một số học sinh phía trên gần bục giảng, những em ngồi phía sau thì ít được chú ý hơn, thậm chí nhiều giáo viên cứ quay lưng với lớp viết bảng, giảng giải.... Khi ít được chú ý, những em này sẽ lợi dụng thời cơ để nói chuyện riêng. Chính vì thế, giáo viên cần có cái nhìn bao quát toàn bộ lớp học, nhất là những em hay nói chuyện riêng. Giáo viên nên "ra tín hiệu" rằng "cô biết hết tất cả", thể hiện sự quan tâm nhưng nghiêm khắc của mình. Đặc biệt, giáo viên nên hạn chế hiện tượng quay lưng về phía các em.

7. Trở thành tấm gương sáng cho học sinh noi theo

Với học sinh, không một tấm gương nào tốt hơn là giáo viên chủ nhiệm - người trực tiếp giảng dạy, chăm sóc, giáo dục, theo sát quá trình học tập cũng như rèn luyện của các em trong suốt một năm học. Bao giờ cũng thế, người thầy tốt sẽ sản sinh ra những học trò tốt. Giáo viên hãy là tấm gương trong mọi lĩnh vực: học tập (không thể dạy các em chăm học trong khi cô thì không chăm chỉ nghiên cứu, tìm tòi), sinh hoạt (giao tiếp, ăn mặc lịch sự, biết giữ vệ sinh môi trường,…), đạo đức (có lòng nhân ái mà trước hết là đối với học sinh lớp mình, trung thực trong dạy học, trong cuộc sống,…). “Lớp học thân thiện” chỉ có được khi giáo viên có tấm lòng nhân hậu, bao dung, hết lòng vì học sinh thân yêu của mình. Có một giáo viên chủ nhiệm như vậy thì chắc chắn học sinh sẽ chăm ngoan, tích cực, ham học, thích đi học và đương nhiên tình trạng nói chuyện riêng hay mất trật tự trong lớp cũng được giảm thiểu phần nào.

0