28/02/2018, 11:02

Nhiều chuyến bay cùng thời điểm, vì sao chỉ QZ8501 gặp nạn?

Nhiều chuyến bay khác hoạt động trong không phận có điều kiện thời tiết xấu và cùng thời điểm máy bay của AirAsia gặp nạn hôm 28/12, song chúng vẫn hạ cánh an toàn. Theo News, vào thời điểm máy bay mang mã hiệu QZ8501 của hãng AirAsia gặp nạn, một máy bay Airbus A380 thuộc hãng hàng không ...

Nhiều chuyến bay khác hoạt động trong không phận có điều kiện thời tiết xấu và cùng thời điểm máy bay của AirAsia gặp nạn hôm 28/12, song chúng vẫn hạ cánh an toàn.

Theo News, vào thời điểm máy bay mang mã hiệu QZ8501 của hãng AirAsia gặp nạn, một máy bay Airbus A380 thuộc hãng hàng không Emirates trong lộ trình từ Melbourne, Australia tới Kuala Lumpur, Malaysia và một chuyến bay khác của hãng AirAsia Indonesia từ Denpasar tới Singapore, đã hạ cánh an toàn.

Trong khi đó, tại cuộc họp báo ở sân bay Soekarno-Hatta, Jakarta, Indonesia hôm 29/12, ông Bambang Cahyono, Phó Giám đốc Cơ quan Dịch vụ bay quốc gia Indonesia (AirNav) cho biết 6 máy bay khác di chuyển cùng độ cao và thời điểm QZ8501 gặp nạn. Đó là các máy bay của hãng Garuda Indonesia, Lion Air và Emirates.


QZ8501 chỉ là một trong nhiều chuyến bay di chuyển trên không phận có thời tiết xấu vào sáng 28/12. (Ảnh: FlightRadar24)

QZ8501 chỉ là một trong số nhiều chuyến bay khác di chuyển trong cùng một khu vực có điều kiện thời tiết xấu hôm 28/12.

Vậy tại sao chỉ QZ8501 gặp sự cố?

News cho hay phi công của QZ8501 đã yêu cầu thay đổi hướng bay để tránh thời tiết xấu, song nhân viên trạm không lưu đã không chấp thuận để tránh va chạm với máy bay khác trong vùng.

QZ8501 cũng gặp thêm bất lợi khác khi trạm không lưu tại Jakarta phải mất tới 30 phút mới phát thông báo về sự cố mất kết nối với QZ8501 cho phía Singapore. Sau đó, phải mất vài tiếng nhà chức trách mới có thể triển khai một cuộc tìm kiếm, chủ yếu do thời tiết xấu.

Chuyên gia an ninh hàng không của Australia, ông Des Ross, nhận định các phi công trên QZ8501 không phát tín hiệu cấp cứu là do họ đang tập trung vào việc điều khiển máy bay. “Ưu tiên hàng đầu của phi công là lái máy bay và đảm bảo an toàn cho mọi người trên đó. Cũng có thể, họ gặp sự cố chập điện và sóng radio bị đứt”, ông Des nói.

Tuy nhiên, chuyên gia hàng không lại cảm thấy khó hiểu với chi tiết tín hiệu thiết bị định vị khẩn cấp, vốn dĩ được thiết kế để tự động phát tọa độ của máy bay trong trường hợp tai nạn xảy ra, lại không phát tín hiệu trong trường hợp của QZ8501. “Những thiết bị định vị nhỏ bé này thường rất đáng tin cậy, nhưng hiện tại chúng ta vẫn không có thông tin về chúng”, ông Ross nói.

Trong khi đó, giám đốc Ủy ban An toàn Giao thông Indonesia, ông Tatang Kurniadi biết, thiết bị có thể bị hỏng hoặc máy bay có thể đã đâm vào núi khiến tín hiệu bị chặn.


Thông tin cơ bản về chuyến bay QZ8501. (Đồ họa: Channel News Asia/Hồng Duy)

Hôm 29/12, ông Wisnu Darjono, Giám đốc an an toàn và tiêu chuẩn của Cơ quan dịch vụ vận tải hàng không Indonesia, tiết lộ đoạn hội thoại giữa phi cơ trưởng và nhân viên kiểm soát không lưu trước thời điểm máy bay gặp nạn, với tờ JakartaPost.

“Yêu cầu nâng độ cao” - cơ trưởng Iriyanto, 53 tuổi, phát tín hiệu. “Dự tính nâng cấp độ mấy?” – nhân viên không lưu đáp. Theo Wisnu, phi công nói rằng ông dự định tăng độ cao của máy bay lên 38.000 ft (11.500m) nhưng không giải thích lý do tại sao. Đài kiểm soát không lưu Jakarta đã liên lạc với đối tác của họ tại sân bay quốc tế Changi, Singapore để phối hợp thực hiện theo yêu cầu của phi công.

"Chúng tôi đã mất từ 2 đến 3 phút để kết nối với phía Singapore. Chúng tôi nhất trí để máy bay tăng độ cao, nhưng chỉ tới 34.000 feet, vì tại thời điểm đó một máy bay khác đang di chuyển ở độ cao 38.000 ft, ông Wisnu nói. Tuy nhiên, khi nhân viên không lưu trả lời yêu cầu của phi công lúc 06h14, chúng tôi không thấy hồi âm", ông Wisnu cho hay.

0