Nhật Bản từ năm 1945 đến năm 1952
Nhật Bản từ năm 1945 đến năm 1952 Sự thất bại trong Chiến tranh thế giới thứ hai đã để lại cho Nhật Bản những hậu quả hết sức nặng nề. ...
Nhật Bản từ năm 1945 đến năm 1952
Sự thất bại trong Chiến tranh thế giới thứ hai đã để lại cho Nhật Bản những hậu quả hết sức nặng nề.
Sự thất bại trong Chiến tranh thế giới thứ hai đã để lại cho Nhật Bản những hậu quả hết sức nặng nề.
Khoảng 3 triệu người chết và mất tích; 40% đô thị, 80% tàu bè, 34% máy móc công nghiệp bị phá hủy; 13 triệu người thất nghiệp; thảm họa đói, rét đe dọa toàn nước Nhật.
Sau chiến tranh, Nhật Bản bị quân đội Mĩ, với danh nghĩa lực lượng Đồng minh, chiếm đóng từ năm 1945 đến năm 1952, nhưng chính phủ Nhật Bản vẫn được phép tồn tại và hoạt động.
Về chính trị, Bộ Chỉ huy tối cao lực lượng Đồng minh (viết tắt theo tiếng Anh là SCAP) đã loại bỏ chủ nghĩa quân phiệt và bộ máy chiến tranh của Nhật Bản. Tòa án Quân sự Viễn Đông đã xét xử tội phạm chiến tranh Nhật Bản (kết án tử hình 7 tên, tù chung thân 16 tên). Hiến pháp mới do SCAP tổ chức soạn thảo (có hiệu lực từ ngày 3-5-1947), quy định Nhật Bản là nước quân chủ lập hiến, nhưng thực chất là theo chế độ dân chủ đại nghị tư sản. Hiến pháp mới vẫn duy trì ngôi vị Thiên hoàng song chỉ mang tính tượng trưng, không còn quyền lực đối với Nhà nước; xác định Nghị viện gồm hai viện, do nhân dân bán ra, là cơ quan quyền lực tối cao giữ quyền lập pháp; Chính phủ nắm quyền hành pháp do Thủ tướng đứng đầu. Nhật Bản cam kết từ bỏ việc tiến hành chiến tranh, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế; không duy trì quân đội thường trực, chỉ có lực lượng phòng vệ dân sự bảo đảm an ninh, trật tự trong nước.
Về kinh tế, SCAP đã thực hiện ba cuộc cải cách lớn: một là, thủ tiêu chế độ tập trung kinh tế, trước hết là giải tán các “Daibátxư” (tức là các tập đoàn, công ti tư bản lũng đoạn còn mang tính chất dòng tộc); hai là, cải cách ruộng đất, quy định địa chủ chỉ được sở hữu không quá 3 hécta ruộng, số còn lại Chính phủ đem bán cho nông dân; ba là, dân chủ hóa lao động (thông qua việc thực hiện các đạo luật về lao động). Dựa vào sự nỗ lực của bản thân và viện trợ của Mĩ, đến khoảng năm 1950-1951, Nhật Bản đã khôi phục kinh tế, đạt mức trước chiến tranh.
Trong chính sách đối ngoại, Nhật Bản chủ trương liên minh chặt chẽ với Mĩ. Nhờ đó, nước Nhật sớm kí kết được Hiệp ước hòa bình Phranxixcô (8-9-1951), chấm dứt chế độ chiếm đóng của Đồng minh (1952). Cùng ngày, Hiệp ước an ninh Mĩ-Nhật được kí kết, đặt nền tảng mới cho quan hệ giữa hai nước. Theo đó, Nhật Bản chấp nhận đứng dưới “chiếc ô” bảo hộ hạt nhân của Mĩ, để cho Mĩ đóng quân và xây dựng căn cứ quân sự trên lãnh thổ Nhật Bản.