04/06/2017, 23:23

Nhân ngày 20-11 kể lại một kỉ niệm đáng nhớ giữa em và thầy cô giáo cũ (Bài 11)

Điểm lại tất cả những thầy và cô giáo đã dạy tôi suốt 11 năm học phổ thông (hồi đó trẻ con chỉ học 11 thôi), 4 năm đại học, 2 năm cao học, rồi đến những giáo sư hiện giờ mà tôi đang theo học, tôi có ấn tượng cảm động nhất về cô giáo chủ nhiệm của tôi thời lớp 2 và lớp 3. Lớp Vỡ lòng là lớp đầu ...

Điểm lại tất cả những thầy và cô giáo đã dạy tôi suốt 11 năm học phổ thông (hồi đó trẻ con chỉ học 11 thôi), 4 năm đại học, 2 năm cao học, rồi đến những giáo sư hiện giờ mà tôi đang theo học, tôi có ấn tượng cảm động nhất về cô giáo chủ nhiệm của tôi thời lớp 2 và lớp 3.

Lớp Vỡ lòng là lớp đầu tiên tôi đi học. Tôi còn nhớ như in ngày đầu tiên đến trường. Tôi đội một chiếc mũ nan mới mua, mẹ mặc quần lụa đen, đội nón dắt tôi đến lớp. Bọn tôi học trong một ngôi chùa, mái thủng tứ tung, nắng chiếu cả vào bảng. Một phần ba của ngôi chùa dành cho lớp học và sân chơi, một phần ba còn lại nơi làm việc của Tổ phục vụ của mấy bà già bán nước sôi, một phần ba còn lại để dùng làm… đồn công an. Sư sãi của chùa được "ưu tiên" vào nơi ẩn khuất nhất trong chùa. Nghe qua cứ tưởng như là chuyện ở một làng quê hẻo lánh nào đó. Nhưng sự thật là tôi sống ở một phường có đời sống và giáo dục tốt nhất ở quận Hai bà Trưng, giữa thủ đô Hà nội. 

Lúc đó chương trình giáo dục phổ thông là Vỡ lòng + 10. Tức là trẻ con học Vỡ lòng và sau đó là từ lớp 1 đến lớp 10. Tổng cộng 11 năm. Tôi vào ngay lớp 2 sau khi học Vỡ lòng chứ không phải lớp 1 bởi vì nhà nước bắt đầu áp dụng chương trình giáo dục phổ thông 12 năm. Sau Cải cách giáo dục, trẻ con học ngay lớp Một, ai đã học Vỡ lòng rồi thì vào ngay lớp 2. Thành ra tôi vẫn chỉ học 11 năm thôi chứ không phải 12 năm như trẻ con bây giờ. 

Cô giáo chủ nhiệm lớp 2 tương đối lớn tuổi so với bố mẹ tôi. Bà khoảng gần 50, đã có rất nhiều năm kinh nghiệm dạy trẻ con cấp 1. Cô giáo rất nghiêm khắc. Nếu ai không làm bài tập về nhà, hoặc bị điểm kém thì sẽ bị quật vào tay. Tôi không nhớ là tôi có hay làm bài tập về nhà không, cũng không nhớ rõ là điểm của mình kém thế nào, nhưng tôi nhớ như in là tôi bị ăn quật rất nhiều lần. Những lần tôi nhớ nhất xảy ra vào mùa Đông, vì bị đau hơn rất nhiều so với mùa Hè. Cô không bao giờ quật vào lòng bàn tay, mà bắt phải úp xuống để đánh vào mu bàn tay. 

Nếu nghe qua có thể thấy hơi "rùng rợn" đối với trẻ em hiện nay ở Hà nội, lại càng xa lạ so với giáo dục ở Hoa kỳ. Tuy nhiên, tôi điểm lại thì thấy cô không bao giờ quật nhiều roi, mỗi lần cô chỉ "ra đòn" một thước thôi. Cái thước cô dùng cũng là một hình ảnh tôi nhớ mãi. Nó là loại thước gỗ, dài 30 phân. Do dùng đã lâu nên cái đầu thước hơi bị tròn lại chứ không còn vuông thành sắc cạnh nữa. Mỗi khi kỷ luật học sinh như vậy cô không bao giờ dùng lời lẽ miệt thị hay dọa nạt. Nếu không làm bài, hoặc bị điểm kém, là ăn một thước. Rất chính xác. 

Ngoài việc kỷ luật học sinh bằng thước thì cô còn những biện pháp khác để những trẻ "có vấn đề" học chăm hơn. Một cách mà cô làm thường xuyên nhất là đưa những trẻ đó về nhà ngay sau giờ học để chúng làm hết những bài tập còn bỏ dở, và hướng dẫn thêm nếu như những học sinh đó không tự hoàn thành được bài tập. Thời gian này thường kéo dài một đến vài giờ mỗi lần. Sau khi làm bài xong bọn trẻ phải ngồi đợi cho đến khi nào có bố, mẹ, hoặc người nhà đến đón mới được về. Xin nói rõ đây là việc cô giáo tự nguyện làm chứ không hề đòi hỏi học phí gì cả. 

Nhà cô giáo nằm trên tầng 2 của một tòa biệt thự từ thời Pháp để lại. Các biệt thự loại này đều được cắt nhỏ ra và phân cho các công chức nhà nước mỗi nhà một buồng. Vì thế tuy gọi là ở trong biệt thự nhưng nhà nào cũng rất chật chội. Nhà cô giáo tôi là một môi trường giáo dục tốt. Chồng cô cũng là một nhà giáo. Ông có cây đàn guitar, thỉnh thoảng đem xuống vừa đánh vừa hát. Tôi chưa từng được nghe đàn trực tiếp bao giờ nên mỗi lần như vậy đều rất thích thú. Con trai lớn của họ đang học đại học (ngày đó ở khu phố của tôi, mà có lẽ khắp nơi đều thế cả, nhà nào có con học đại học là rất ngoại lệ), chị thứ hai là học sinh giỏi cấp 3, cô em út hơn tôi một tuổi, cũng là học sinh giỏi. Mọi thứ trong nhà đều rất sạch sẽ và cực kỳ ngăn nắp. Một điều tương đối xa lạ với tôi. 

Kể đến đây chắc các bác không phải đoán nhiều rằng để có một ký ức rõ như vậy tôi chắc chắn là một trong những "vị khách mời" thường xuyên nhất tại nhà cô giáo. Tôi không thực sự nhớ là tôi học kém đến mức nào mà bị xếp vào loại "học sinh cá biệt" như vậy. Nhưng điểm lại một số gương mặt "đồng bọn" cũng thường xuyên phải "tá túc" tại nhà cô chủ nhiệm sau giờ học thì tôi thấy đúng là mình đã từng "có vấn đề". Hai "phần tử" mà tôi nhớ mặt nhất, là những đứa trẻ cùng lớp mà tôi thường xuyên "giao du" nhất, cũng "có mặt" thường xuyên tại nhà cô giáo như tôi. Cả hai thằng đều hơn tôi một tuổi vì bị lưu ban ngay từ lớp 1. Một thằng về sau chỉ học hết lớp 5 rồi bỏ học, chuyên đi ăn cắp vặt trong khu phố, rồi bị công an phường cho đi trại cải tạo vô thời hạn. Tay này bị (đánh) chết trong trại cải tạo lúc 18 tuổi. Một thằng khác, khá hơn, học hết lớp 7 mới bỏ học, sau này mở tiệm rửa xe máy, rồi sau đó là quán bia. Nghe nói hiện giờ hắn kiếm rất khá từ doanh nghiệp bia bọt. 

Hồi đó ngày 20 tháng 11 gọi là "Ngày Hiến chương các Nhà giáo". Chắc là một số nước lúc đó vận động Liên hiệp Quốc để có một ngày trong năm vinh danh các nhà giáo trên toàn cầu. Sau này Việt nam đổi ngày đó thành "Ngày Nhà giáo Việt nam", có lẽ do chẳng có mấy nước mặn mà tham giam. Buổi tối ngày 20/11 năm đó tôi và mẹ đến nhà cô giáo để thăm hỏi và biếu quà. Vì cả cô và chồng đều là nhà giáo nên trong nhà có rất nhiều hoa. Tôi chưa từng nhìn thấy trong nhà ai có nhiều hoa như vậy. Tuy nhiên căn phòng tương đối thiếu sáng do chỉ có một ngọn đèn điện vàng lờ mờ. Những năm đó điện thành phố rất yếu và hay bị cắt do chỉ có một nhà máy điện Yên phụ từ thời Pháp để lại, mà lại chưa có thủy điện Hòa bình. 

Mẹ tôi không mua hoa, chắc là bà vừa nghĩ rằng hoa quá đắt trong ngày đó, lại chỉ là thứ không thiết thực. Mẹ biếu cô giáo một hộp dầu cao con hổ của Trung quốc. Loại này tốt hơn nhiều cao Sao vàng của Việt nam. Cái hộp dầu cao đó tương đối nhỏ, chỉ to bằng đồng xu, nhưng rất đẹp. Hai phần vỏ sắt được sơn mầu đỏ bóng, trên nắp in hình một con kỳ lân màu vàng rất rõ nét và tinh xảo. Mẹ bảo đây là dầu cao chính hiệu của Trung quốc gửi sang Việt nam trong chiến tranh, bây giờ còn thừa trong kho mới bán ra. Lúc đó hộp cao đó chắc là quí hiếm lắm vì tôi chưa thấy ai có cả. Nói thế để thấy chắc mẹ tôi trọng cô giáo lắm. 

Hết năm lớp 2, cô giáo lại tiếp tục làm chủ nhiệm bọn tôi một năm nữa. Có lẽ tôi học đã khá lên và ít mải chơi hơn vì tôi không phải thường xuyên đến "ở tù" tại nhà cô sau giờ học nữa. Sau đó nhiều năm gia đình tôi vẫn đến thăm cô. Về sau chúng tôi chuyển đi một chỗ khác nên từ đó tôi không gặp lại cô nữa. 

Đến tận bây giờ thỉnh thoảng bố tôi vẫn nhắc đến những lần ông phải đến "nhận con" sau giờ học tại nhà cô chủ nhiệm. Ông vẫn nhắc lại rằng mỗi lần ông đến gõ cửa nhà cô giáo để đón tôi thì bọn trẻ hàng xóm quanh đó, như một thói quen thường lệ, chạy túm đến để xem mặt những đứa được "ra tù", trong đó thường xuyên có tôi. Tôi thật may mắn hơn thằng bạn xấu số kia, chỉ là "tù nhân" của cô giáo thôi chứ không phải là tù nhân của trại cải tạo sau này. 

0