Nhà văn Đức F.Sile có nói: Tình yêu là niềm say mê làm cho người khác hạnh phúc. Anh (chị) nghĩ gì về ý kiến đó và về vai trò tình yêu trong...
Nghị luận xã hội lớp 12 – Nhà văn Đức F.Sile có nói: Tình yêu là niềm say mê làm cho người khác hạnh phúc. Anh (chị) nghĩ gì về ý kiến đó và về vai trò tình yêu trong cuộc sống con người?. Tình yêu – chỉ hai chữ đơn giản vậy mà đã làm hao tổn bao giấy mực của những nhà văn, những thi sĩ, những ...
Có ai trên đời chưa một lần nếm “trái đắng” của tình yêu, dẫu biết “yêu là chết ở trong lòng một ít” (Xuân Diệu)?
Tình yêu – chỉ hai chữ đơn giản vậy mà đã làm hao tổn bao giấy mực của những nhà văn, những thi sĩ, những triết gia… từ xưa đến nay. Nó đã trở thành đề tài muôn thuở của con người. V.Hugo đã khẵng định: “Tình yêu là bông hoa, cuộc đời là mật ngọt”. Vai trò của tình yêu lớn lao như vậy nhưng bản chất của nó là gì? Bàn về vấn đề này, F.Sile – nhà văn Đức thế kỉ XVIII cho rằng: “Tình yêu là niềm say mê làm cho người khác được hạnh phúc”.
Cho đây là tình yêu với nghĩa hẹp là tình yêu nam nữ là trước hết, cơ bản là chuyện con tim. Tình yêu lứa đôi của trai gái là một thứ tình cảm đặc biệt. Không nói đến trường hợp nó nảy sinh đột ngột như sét đánh, bình thường nó là một sự cảm thông dần dần, một sự thẩm thấu có quá trình.
Bắt đầu bằng sự gần gũi, bằng những cử chỉ, ánh mắt, nụ cười, sự ngượng ngùng rồi quen thân, rồi thương vì nết, trọng vì tài. Cái tài ăn nói có duyên, cái nụ cười như thể hoa ngâu… đều có vai trò mở đường vào con tim. Thế là tình yêu đến lúc nào không hay.
Vậy tình yêu là gì?
Cùng với F.Sile, biết bao nhà văn đã nói về tình yêu, Stendal nói: “’Một nửa và là một nửa đẹp nhất của cuộc đời vẫn là khép kín với những ai chưa từng yêu say đắm’’. V.Hugo viết: “Thế giới không có người biết yêu thì mặt trời sẽ tắt”. Và Tôn-Xtôi thì khẳng định: “Tình yêu biến những điều vô nghĩa của cuộc đời thành có ý nghĩa, làm cho những bất hạnh thành hạnh phúc”. Còn Dostoievski hùng hồn tuyên bố: “Tình yêu là sức mạnh toàn năng đến mức nó tái sinh chính bản thân ta”. Nhưng cũng có một nhà thơ cổ điển Pháp từng nói: “Tình yêu là điều mà con người không thể hiểu nổi”. Xuân Diệu cũng đã viết: “Làm sao cắt nghĩa được tình yêu”.
Tự nhiên như hơi thở, cần thiết như cơm ăn áo mặc hàng ngày, thế nhưng tình yêu là gì thì khó ai giải thích nổi. Sức quyến rũ ghê gớm của nó có lẽ là ở chỗ đó chăng? Chi tiết: “từ lúc yêu nhau hoa nở mãi”. Thấy người mình yêu đẹp hơn. Cuộc sống của mình có ý nghĩa hơn.
Vẻ đẹp trong trắng của nàng Giu-li-ét đã gọi Rô-mê-ô đến với nàng trong tiếng hót của chim dạ loan, bất chấp ngang trái cách ngăn của hai dòng họ. Tình yêu mạnh lắm, mạnh hơn cả oán thù.
Dáng dấp “phong nhã, hào hoa” của Kim Trọng đã khiến nàng Kiều phải “ghé theo’’ dù “khách đà lên ngựa”. Và bước chân nàng Kiều “xăm xăm băng lối vườn khuya một mình” đến tình tự với người yêu đến nay còn làm cho bao kẻ giật mình.
Hiểu nhau càng sâu thì độ dày của tình yêu càng tăng, hoa tình yêu càng nở đẹp. Và bây giờ thì hai người như đã hòa làm một. Yêu và nhớ là hai mặt của tình yêu. Yêu say đắm thì nhớ tha thiết. Người xưa có câu: “Nhất nhật bất kiến như tam thu hề”. (Một ngày không gặp nhau dài tựa ba năm). Ca dao cũng nói: “Gió sao gió mát sau lưng. Dạ sao dạ nhớ người dưng thế này”. Khi yêu nhau, người ta luôn có mong muốn được gặp nhau, gần nhau:
“Nơi nào em cũng nghĩ
Hướng về anh – một phương”
(Xuân Quỳnh).
Những kẻ đang yêu bao giờ cũng hướng về nhau, dành cho nhau những tình cảm, ý nghĩ tốt đẹp. Họ là mặt trời suốt đời soi sáng và sưởi ấm cho nhau.
Tình yêu gắn với niềm say mê là sự đam mê cháy bỏng mãnh liệt, không giới hạn. Nó không chấp nhận sự hững hờ, lạnh nhạt. Nét đặc trưng nhất của tình yêu là vậy. Trương Chi nổi sóng tình trước nhan sắc kiều diễm của Mỵ Nương, Kim Trọng cũng sóng tình lai láng trước vẻ đẹp nghiêng nước nghiêng thành của Thúy Kiều. Và người bình dân thì “yêu nhau tam tứ núi cũng trèo…”.
Dường như khi yêu, trong con người cháy lên ngọn lửa thiêu đốt những cái tầm thường để những người đang yêu gần nhau hơn, kính trọng nhau, vì nhau hơn. Tình yêu chân chính không chấp nhận sự tính toán vị kỉ, nhỏ nhen, chỉ có sự quên mình, hi sinh cho nhau. Khi yêu, người ta mang đến cho nhau hạnh phúc. Đó là sự sung sướng, sự thỏa mãn. Và người ta cảm thấy mình sống có ích, cuộc đời của mình thật ý nghĩa.
Hạnh phúc đến với Thúy Kiều thì hồn thơ dào dạt thành: “’Tay tiên gió táp mưa sa”, chỉ một giây thành một lời châu ngọc. Hạnh phúc khiến cho nàng trổ tài nghề mọn mà khi thì tiếng tơ thành tiếng sắt tiếng vàng, khi thì thành lời thủ thỉ, quyến rũ của tiếng chim yêu đương, mời gọi… hạnh phúc cho Kim Trọng được thưởng thức tài nghệ của người yêu và cảm thấy mình may mắn tột đỉnh khi được sánh vai với một thiếu nữ tài sắc vẹn toàn như Thúy Kiều.
Một lứa đôi gắn bó từ độ sâu của tâm hồn như thế, nếu được chung sống với nhau, họ sẽ đem lại cho nhau biết bao hạnh phúc! Người ta lo lắng cho nhau, đón trước ý nghĩ của nhau để làm một cái gì đó đem lại niềm vui cho người mình yêu trong cuộc sống hằng ngày. Trước kia, Kim Trọng: “Rắp mong treo ấn từ quan – Mấy sông cũng lội, qua ngàn cũng qua” để làm gì, nếu không tìm cho được Thúy Kiều để đền lại chuyện lỡ làng! Chúng ta nhớ tới chuyện Tú Xương dán đôi câu đối tết để bà Tú khen ông mà cũng thấy sướng trong lòng: “Rằng hay thì thực là hay – Không hay sao lại đỗ ngay tú tài?!”.
Tình yêu đến độ chín sẽ thành niềm say mê chân chính – niềm say mê làm cho người khác được hạnh phúc – là vậy.
Ở đời, không phải không có những niềm say mê chỉ dừng lại ở mức ích kỉ bởi tình yêu tầm thường. Ghen bóng, ghen gió, hiểu lầm đến giết chết tình yêu, người yêu. Hoặc mạo danh tình yêu để vụ lợi, không nghĩ đến đau khổ, đến tan vỡ hạnh phúc của người khác. Tình yêu chân chính sẽ làm cho người ta thêm yêu cuộc sống, thôi thúc ước mơ, nâng người mình yêu lên một giá trị cao hơn, để hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn. Lênin đã nói về tình yêu: “tình yêu là ngọn lửa nồng nhiệt, đừng để nó thiêu cháy sự nghiệp, cũng là lời nhắc nhở các cô gái, chàng trai đang yêu”.
Tuy vậy, tình yêu không chỉ giới hạn trong phạm vi nam nữ. Con người cần có tình yêu lớn: yêu gia đình, bạn bè, cuộc đời, quê hương đất nước. Chính đặt trong tình yêu lớn, ý nghĩa của tình yêu lứa đôi, hạnh phúc gia đình mới thật sự cao đẹp, lớn lao, như nhà thơ Xuân Quỳnh trong bài thơ Sóng đã viết:
Làm sao được tan ra
Thành trăm con sóng nhỏ
Giữa biển lớn tình yêu
Để ngàn năm còn vỗ.
Người xưa nói rằng đất cũng có tình yêu say mê sự sống. Lúa nổi ở Đồng Tháp Mười là quà của đất tặng con người, không đòi hỏi con người một chút mồ hôi gieo trồng. Được người chăm sóc, đất say mê kết trái cho đời, không bao giờ ngừng nghỉ. Còn cuộc sống con người cần tình yêu biết bao! Con người không có tình yêu chẳng khác chi trái đất không có ánh mặt trời, tình yêu say mê của các nhà khoa học là sự hi sinh sức lực, thời gian cả một đời để nghiên cứu, phát minh, sáng tạo ra những điều tốt đẹp đem lại hạnh phúc cho con người. Tình yêu của người chiến sĩ đem lại thanh bình cho đất nước. Người chiến sĩ hiểu rất rõ rằng: tính mạng đáng quý, tình yêu rất đẹp, nhưng nếu vì tự do họ có thể hy sinh cả hai thứ đó. Tất cả đều bắt nguồn từ tình yêu lớn, từ sự say mê làm cho người khác được hạnh phúc. Tình yêu là qui luật muôn đời. Tuy câu nói của F.Sile cách đây đã hai thế kỉ nhưng ý nghĩa nhân sinh của nó vẫn rất mới mẻ và sâu sắc. Quan điểm này không chỉ có giá trị trong phạm vi tình yêu lứa đôi mà còn có giá trị trong đời sống tinh thần của cả cộng đồng. Nó khá gần gũi với quan điểm đạo lí Á Đông nên dễ hiểu và dễ chấp nhận. Mỗi chúng ta hãy coi bài học về lòng vị tha và đức hi sinh trong tình yêu là bài học lớn trong cuộc đời.