Nguyên nhân khiến con người nhìn thấy ma
Nghiên cứu mới của các nhà thần kinh học Trung Quốc chỉ ra trục trặc cục bộ trong hoạt động của não là nguyên nhân lớn nhất dẫn đến hiện tượng nhìn thấy ma. Hiện tượng nhìn thấy ma có thể là kết quả từ trục trặc trong hoạt động của bộ não. (Ảnh: Mirror.) Với giả định phần lớn trường hợp ...
Nghiên cứu mới của các nhà thần kinh học Trung Quốc chỉ ra trục trặc cục bộ trong hoạt động của não là nguyên nhân lớn nhất dẫn đến hiện tượng nhìn thấy ma.
Hiện tượng nhìn thấy ma có thể là kết quả từ trục trặc trong hoạt động của bộ não. (Ảnh: Mirror.)
Với giả định phần lớn trường hợp gặp ma là ảo ảnh thị giác thay vì thực sự nhìn thấy người chết, nhóm nghiên cứu đứng đầu là giáo sư Wang Wei ở Viện Sinh học Thượng Hải phát hiện hầu hết các trường hợp xảy ra khi não hiểu sai những tín hiệu truyền đến từ mắt, South China Morning Post hôm qua đưa tin.
Hình ảnh xuất hiện trong não sau khi một lượng lớn photon (hạt lượng tử ánh sáng) được thu thập nhờ hàng triệu thụ thể trong võng mạc. Tiếp đó, chúng được chuyển thành tín hiệu điện, nén lại và truyền dọc theo dây thần kinh đến trung khu thị giác của não. Nghiên cứu trước đây chỉ ra những mẩu thông tin nhỏ bị mất đi trong quá trình truyền có thể góp phần gây ra ảo ảnh thị giác.
Nhóm nghiên cứu của giáo sư Wei yêu cầu tình nguyện viên nhìn vào hình ảnh mang tên ảo ảnh Pinna (ảo ảnh về hai vòng tròn chuyển động ngược nhau khi người quan sát tiến đến gần hoặc ra xa ảnh). Ảo ảnh này được tiến sĩ Baingio Pinna, nhà khoa học thị giác kiêm họa sĩ ở Italy, tạo ra vào những năm 1990. Các nhà nghiên cứu đo lại hoạt động não của tình nguyện viên bằng phương pháp chụp cộng hưởng từ chức năng (fMRI).
Tiếp theo, tình nguyện viên được yêu cầu ngồi yên khi những vòng tròn trên thẻ bài chuyển động và nhóm nghiên cứu phân tích để tìm hiểu có khác biệt quan trọng nào trong cách não họ phản ứng trước kích thích hay không.
Kết quả lúc đầu không giúp đưa ra kết luận và không đáp ứng mong đợi của các nhà thần kinh học. Họ không thể tìm ra điều bất thường nào trong tín hiệu não, cho thấy não người xử lý ảo ảnh thị giác và hình ảnh thật theo cùng một cách.
Tuy nhiên, bản quét não tình nguyện viên hé lộ chỉ một phần trung khu thị giác của họ - khu vực vỏ não chịu trách nhiệm về thông tin hình ảnh - được kích hoạt để xử lý tín hiệu thị giác thô. Để phân biệt rõ ràng hình ảnh thật và giả, tình nguyện viên cần kích hoạt một bộ phận khác của não mang tên vùng thùy thái dương giữa, nơi đánh giá và xử lý thông tin về khoảng cách.
Bộ phận này không được kích hoạt khi tình nguyện viên tiến lại gần và ra xa hình ảnh. Kết quả là não họ thất bại trong việc phân biệt giữa thay đổi ở khoảng cách và thay đổi trong chuyển động xoay khi xử lý tín hiệu hình ảnh từ việc quan sát ảo ảnh Pinna. Nói cách khác, họ trải qua trục trặc tạm thời trong tương tác giữa mắt và bộ não.
Nghiên cứu của các nhà khoa học Trung Quốc chỉ ra não người vẫn mắc lỗi trong quá trình hoạt động dù trải qua hàng triệu năm tiến hóa. Yếu điểm kiểu này có thể dễ dàng khiến não hiểu sai nghĩa và dẫn tới những trải nghiệm siêu nhiên như nhìn thấy ma.