Nguyễn Ái Quốc ở Trung Quốc (1924 - 1925)
Nguyễn Ái Quốc ở Trung Quốc (1924 - 1925) Sau một thời gian ở lại Liên Xô học tập và nghiên cứu kinh nghiệm xây dựng đảng kiểu mới. ...
Nguyễn Ái Quốc ở Trung Quốc (1924 - 1925)
Sau một thời gian ở lại Liên Xô học tập và nghiên cứu kinh nghiệm xây dựng đảng kiểu mới.
Sau một thời gian ở lại Liên Xô học tập và nghiên cứu kinh nghiệm xây dựng đảng kiểu mới, cuối năm 1924 Nguyễn Ái Quốc về Quảng Châu (Trung Quốc). Người đã tiếp xúc với các nhà cách mạng Việt Nam có mặt tại đây, cùng một số thanh niên mới từ trong nước sang để thành lập Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên, trong đó tổ chức Cộng sản đoàn làm nòng cốt (6 - 1925).
Nguyễn Ái Quốc trực tiếp mở nhiều lớp huấn luyện chính trị để đào tạo một số thanh niên Việt Nam trở thành những cán bộ cách mạng. Báo Thanh niên được xuất bản (1925) làm cơ quan tuyên truyền của Hội. Các bài giảng của Người trong các lớp đào tạo cán bộ ở Quảng Châu sau đó được tập hợp lại và in thành sách Đường Kách mệnh (đầu năm 1927), vạch ra những phương hướng cơ bản của cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam. Một số người được chọn đi học trường Đại học Phương Đông ở Liên Xô, một số được cử đi học quân sự ở Liên Xô hay Trung Quốc, còn phần lớn lên đường về nước hoạt động.
Tác phẩm Đường Kách mệnh, báo Thanh niên đã được bí mật chuyển về trong nước, đúng vào lúc phong trào yêu nước và dân chủ đang sôi nổi từ Nam ra Bắc trên cơ sở giai cấp công nhân đang lớn mạnh nên càng có điều kiện đi sâu vào quần chúng. Đến trước Đại hội đại biểu lần thứ nhất (5 -1929), Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đã có tổ chức cơ sở ở hầu khắp cả nước. Ngoài ra, một số đoàn thể quần chúng như Công hội, Nông hội, Hội học sinh. Hội phụ nữ... cũng được tổ chức.
Năm 1928, Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên có chủ trương “vô sản hoá” - đưa hội viên vào các nhà máy, hầm mỏ, đồn điền cùng sống và lao động với công nhân để tự rèn luyện, đồng thời truyền bá chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tổ chức và lãnh đạo công nhân đấu tranh.