28/02/2018, 10:23

Người có thể bay như chim trên mặt trăng sao Thổ

Con người có thể bay như chim trên bề mặt của mặt trăng sao Thổ chỉ đơn giản bằng cách chạy trong một bộ trang phục có cánh, nhưng kèm điều kiện bắt buộc là chúng ta phải đạt tốc độ chạy của Usain Bolt - người nhanh nhất hành tinh, theo nghiên cứu của các sinh viên vật lý Anh. Trong tất cả các ...

Con người có thể bay như chim trên bề mặt của mặt trăng sao Thổ chỉ đơn giản bằng cách chạy trong một bộ trang phục có cánh, nhưng kèm điều kiện bắt buộc là chúng ta phải đạt tốc độ chạy của Usain Bolt - người nhanh nhất hành tinh, theo nghiên cứu của các sinh viên vật lý Anh.

Trong tất cả các thiên thể thuộc Thái dương hệ của chúng ta, mặt trăng Titan của sao Thổ là gần giống Trái đất nhất, với chất lỏng ổn định trên bề mặt và bầu khí quyển đậm đặc, giàu nitơ.

Tuy nhiên, Titan vẫn có những điểm khác biệt, chẳng hạn như các hồ được hình thành từ methane hay nhiệt độ trên hành tinh luôn duy trì ở mức lạnh cực điểm -178 độ C. Hành tinh này còn có trọng lực thấp hơn và áp suất bề mặt mạnh hơn so với Trái đất.


Với tốc độ chạy 11m/s, một người có thể tự cất cánh từ bề mặt hành tinh Titan như chim với bộ quần áo có cánh kích thước thông thường. (Ảnh minh họa: Word Press)

Hannah Lerman, sinh viên chuyên ngành vật lý thuộc Đại học Leicester (Anh), cho biết, cô thường đọc được rất nhiều tuyên bố trên mạng về việc có thể bay trên Titan chỉ khi có khả năng chạy xuyên qua địa hình xa lạ với đôi cánh gắn trên cánh tay. Cô và các bạn học đã tiến hành kiểm nghiệm ý tưởng này.

Nhóm của Lerman đã xem xét mật độ không khí trên bề mặt Titan, trọng lực và tỉ lệ đường đi của không khí phía trên so với phía dưới đôi cánh. Họ đã tính toán được rằng, một người sẽ cần phải chạy với vận tốc 11m/s nếu muốn bay như chim trong bộ đồ có cánh kích thước bình thường, trải rộng 1,4m2.

Việc đạt được tốc độ chạy đó dường như bất khả thi với nhiều người, vì "tia chớp Jamaica" , người đàn ông nhanh nhất hành tinh, cũng chỉ vượt qua mức vận tốc đó đôi chút, khoảng 12m/s.

Theo nhóm nghiên cứu, để có thể cất cánh bằng cách chạy với vận tốc dễ đạt hơn (6m/s), một người sẽ cần khoác lên mình bộ đồ có cánh cồng kềnh hơn nhiều, với sải rộng gấp 3 lần kích thước thông thường.

Toàn bộ khám phá của nhóm Lerman đã được đăng tải trên Tạp chí Chuyên đề vật lý của Đại học Leicester. Tạp chí này có nhiệm vụ đăng tải các bài viết ngắn của sinh viên nhằm giúp họ làm quen với quá trình bình duyệt.

Nhiều bài báo đã kiểm nghiệm các ý tưởng kỳ lạ hoặc lấy nguồn cảm hứng từ các tác phẩm khoa học viễn tưởng, chẳng hạn như việc du hành trong siêu không gian sẽ như thế nào hay Người nhện có thể phóng lưới tơ chặn đứng một đoàn tàu đang chạy nếu tơ của anh ta dai chắc như tơ của nhện Darwin's Bark.

0