Người cô đơn tìm thấy nguồn an ủi trong các nhân vật truyền hình
Đừng nghĩ rằng việc tìm đến các nhân vật trong “Mất tích” hay “Anh chị em” để thoát khỏi nỗi cô đơn chỉ là điều hoang tưởng – nghiên cứu mới đây đã chỉ ra rằng những mối quan hệ ảo đó có thể giúp con người chống lại cô đơn và buồn chán. Các đối tượng trong một nghiên ...
Đừng nghĩ rằng việc tìm đến các nhân vật trong “Mất tích” hay “Anh chị em” để thoát khỏi nỗi cô đơn chỉ là điều hoang tưởng – nghiên cứu mới đây đã chỉ ra rằng những mối quan hệ ảo đó có thể giúp con người chống lại cô đơn và buồn chán.
Các đối tượng trong một nghiên cứu đã nhanh chóng chuyển từ buồn bã vì nghĩ tới những khoảng thời gian bị chối bỏ sang tâm trạng vui vẻ khi viết về các nhân vật và chương trình truyền hình ưa thích của họ. Đây là một minh chứng cho “thuyết thay thế xã hội”, ở đó ứng dụng công nghệ mang lại cho con người cảm giác được kết nối với người khác trong khi họ thiếu các mối quan hệ thực tế.
“Cảm giác bị chối bỏ thường có tác động kinh khủng đối với chúng ta, bởi con người là một động vật mang tính xã hội rất cao”, theo Shira Gabriel, nhà tâm lí học thuộc trường Đại học Buffalo, New York, người đã tiến hành 4 nghiên cứu về đề tài này. “Nhưng với những show truyền hình yêu thích, chúng ta sẽ không còn cảm giác buồn chán nữa.”
Một vài nghiên cứu
Trong giai đoạn đầu của lĩnh vực nghiên cứu này, hầu hết các kết quả dựa trên các bản báo cáo của các sinh viên đại học. Tuy nhiên, bốn nghiên cứu mới hơn được tiến hành sau này đã chỉ ra rằng thậm chí các mối quan hệ với những nhân vật tiểu thuyết không có thực cũng có thể ảnh hưởng tới con người theo những cách rất thực.
Các kết quả có thể lí giải cho việc một số show truyền hình có thể làm khán giả mê mẩn đến thế nào – điều đã khiến các nhà tâm lí học và các bậc phụ huynh lo lắng về các hệ quả xã hội. Ngay cả nhà viết tiểu thuyết khoa học Ray Bradbury cũng đã nói rằng cuốn truyện nổi tiếng của ông nói về nạn sao chép sách, “Fahrenheit 451,” thật ra nói về vấn đề say mê mù quáng truyền hình nhiều hơn là về công tác kiểm duyệt.
Thực tế, nhân vật Midlred trong “Fahrenheit” thích dành thời gian cho “gia đình” tivi của cô hơn là với người chồng sống bên cạnh mình. “Ôi tội nghiệp, tội nghiệp gia đình của tôi, mất hết rồi”, Mildred đã than khóc như vậy khi cô ta mất đi “gia đình” (tức chiếc tivi) của mình.
Có thể nêu ra rất nhiều dẫn chứng cho thấy trong thế giới thực này con người bị hấp dẫn bởi các nhân vật tiểu thuyết trên truyền hình, trong sách vở và trong các trò chơi video đến thế nào. Sự cuồng nhiệt đối với một số truyện, từ tiểu thuyết “Kiêu hãnh và định kiến” của Jane Austen tới truyện tranh và phim Batman (“Người dơi”) có thể nói lên tất cả.
“Nếu một buổi tối bạn chợt cảm thấy cô đơn hay tâm trạng không tốt, bạn có thể cầm một cuốn Harry Porter lên, bạn sẽ cảm thấy như thể mình đang ở bên Harry hay Hermione hay Ron,” Gabriel phát biểu với tờ LiveScience. Cô so sánh điều này cũng giống như dùng một viên thuốc trong thời kì ăn kiêng để thoát khỏi cảm giác đói, còn trong trường hợp này là để thoát khỏi nỗi thiếu vắng tình cảm đồng loại.
Các sinh viên trong một nghiên cứu của Gabriel đã kể lại việc họ bật xem kênh truyền hình yêu thích để ngăn cảm giác cô đơn. Và những sinh viên viết một bài luận 10 phút về chương trình truyền hình yêu thích thể hiện ít cảm giác cô đơn hơn so với những sinh viên viết về các chương trình không yêu thích hay về thành tích học tập.
Các nhà nghiên cứu trong ba hay bốn nghiên cứu cũng đã tác động tới cảm giác xã hội của các sinh viên, sau đó sử dụng các bản tự đánh giá để đo trạng thái cảm xúc của họ. Những sinh viên dành thời gian suy nghĩ về các chương trình truyền hình yêu thích dường như có xu hướng không bị tổn thương lòng tự trọng hoặc không bị rơi sâu hơn vào tâm trạng không tốt.
Điều này phù hợp với các nghiên cứu trước đây đã kết luận rằng có mối liên hệ giữa tâm trạng buồn với xem tivi nhiều hơn, cho dù người ta chưa biết được chiều hướng tác động trong mối liên hệ này là tốt hay xấu.
Các bước tiếp theo
Gabriel và các mối đồng nghiệp của bà đã bắt đầu tiến hành một nghiên cứu về: việc truyện hư cấu đáp ứng được nhu cầu quan hệ xã hội có ảnh hưởng như thế nào tới cảm xúc của con người trong thế giới thực. Công trình của họ được kì vọng sẽ đem lại nhiều kết quả hơn cho các nhà nghiên cứu đang cố tìm ra mối liên hệ giữa các mối quan hệ xã hội trong thế giới thực và sự liên hệ với thế giới ảo.
Đôi khi ngay cả những người hâm mộ tivi cũng không thể tin được là họ bị ảnh hưởng bởi những truyện hư cấu đến thế nào, Gabriel nói.
“Họ nghĩ rằng điều này gần như phi lí – bạn xem một chương trình hoặc đọc một cuốn sách và chắc chắn bạn sẽ nghĩ ‘Thật ngu ngốc, những con người này thậm chí không tồn tại,’” Gabriel nói. “Nhưng đó lại là điều tốt đẹp nhất trong sự thấu cảm của con người.”
Nghiên cứu đầy đủ sẽ được nói chi tiết trong ấn bản tháng 5 tới của tờ Tập san thử nghiệm tâm lí xã hội.
Con người có thể tìm thấy niềm an ủi thoát khỏi nỗi cô đơn trong các chương trình truyền hình ưa thích – theo các nghiên cứu của Đại học Buffalo, New York. (Ảnh: Dreamstime) |