Người bố tôi yêu quí và kính trọng
Báo chí phương Tây gọi Stephen Hawking là người của Thiên Niên kỷ. Ông là nhà khoa học nổi tiếng trong các nhà khoa học hiện nay, là cha đẻ của “Thuyết thời gian”. Hawking và Việt Nam Khi được biết cuốn sách của ông cũng có mặt ở Việt Nam, ông rất vui. À, và một điều thú vị, ông ...
Báo chí phương Tây gọi Stephen Hawking là người của Thiên Niên kỷ. Ông là nhà khoa học nổi tiếng trong các nhà khoa học hiện nay, là cha đẻ của “Thuyết thời gian”.
Hawking và Việt Nam
Khi được biết cuốn sách của ông cũng có mặt ở Việt Nam, ông rất vui. À, và một điều thú vị, ông có một cô con gái nuôi người Việt Nam. Đó là bạn Thu Nhàn, nhân 1 chuyến sang thăm và ở cùng ông gần tháng, ông đã từ một nhà khoa học trở thành một người bố bình dị như thế nào. Hãy nghe lời tâm sự của Thu Nhàn nhé!
…
Những ngày này được sống cùng bố S.Hawking là những ngày hạnh phúc tôi không bao giờ quên được. Ông bị bệnh tật cướp đi sức sống cơ thể nhưng bù lại ông đầy nghị lực và giàu tình cảm. Tôi rất yêu quí kính trọng bố.
Tôi đến Anh vào khoảng cuối tháng 7 năm 2000. Lúc ấy thời tiết ở bên Anh đã lạnh. Lần đầu tiên tôi xuất ngoại và đã gặp trục trặc giấy tờ. Rất may mọi sân bay tôi dừng chân đều biết có con nuôi của S. Hawking đi nên tôi được họ giúp đỡ rất nhiều. Tôi đến Anh chậm mất một ngày. Mẹ nuôi đưa tôi về nhà.
Đó là một ngôi nhà rộng, kiểu biệt thự, có vườn xung quanh rất đẹp. Vừa vào đến cửa tôi đã thấy ông ngồi trên xe đẩy đón tôi. Y tá nói ông đã nghỉ việc cả ngày để đợi tôi. Tôi thấy mình muốn trào nước mắt. Người bố rất gầy, lại bị bộ quần áo to rộng che lấp. Nhưng tôi vẫn thấy đôi mắt bố sáng lấp lánh đầy niềm tin.
Khi mới tới, tôi nghĩ có lẽ ông không làm việc nhiều lắm. Nhưng sau tôi mới biết ông làm việc không nghỉ. Buổi tối ông luôn làm việc tới 2 giờ đêm, còn buổi sáng khi tôi thức dậy lúc 6h30 đã nghe tiếng xe của ông lạch cạch trong bếp. Ông quả là con người có sức chịu đựng phi thường, hằng ngày ông uống không biết bao nhiêu là thuốc và cơn bệnh hành hạ ông ngay cả lúc ăn, nhưng tôi thấy ông lúc nào cũng vui cười. Ông không muốn làm ai phải phiền lòng vì mình cả.
Mọi người xung quanh đều kính nể ông. Tôi có được đi xem một cuộc triển lãm về ông tổ chức tại London. Các bạn cùng lớp (tôi được đi học tiếng Anh tại trường Oxford) và các thầy cô giáo khi được biết tôi là con nuôi của S. Hawking đều đối xử với tôi rất đặc biệt. Tuy vậy, không thấy có chuyện nhà báo săn lùng, săm soi chuyện đời tư của ông và ông cũng không thích mọi người quá chú ý đến mình.
Gần một tháng sống với bố, tôi đã thấy được tình cảm nơi con người ông. Ông luôn gần gũi với tôi. Mỗi buổi tối, dù tôi đang làm gì, cứ đến 20h ông lại bắt tôi đi ngủ. Ông bảo đi ngủ sớm có lợi cho sức khỏe. Có hôm mải học quên giờ ngủ, lại thấy bố nhắc: “Thu Nhàn! Go to bed!”. Sau đó tôi hôn và chúc bố ngủ ngon. Hôm nào quên, y như rằng sáng hôm sau đã thấy tiếng xe của ông ở dưới chân cầu thang đợi tôi. Hằng ngày ông cũng dành 1 tiếng để chơi game với tôi. Đó là những lúc bố cười nhiều nhất. Biết tôi thích ăn sôcôla, ngày nào đi làm về ông cũng lấy cho tôi một túi sôcôla hình con giống. Khi tôi sắp về, bố đích thân đưa tôi đi mua sắm quần áo. Tất cả quần áo mà tôi, các cô y tá, mẹ chọn bố đều không thích. Rồi chính ông tự đi chọn cho tôi, tôi thấy ông có vẻ mệt liền bảo ông nghỉ nhưng ông nhất quyết tự đi làm. Tất cả váy, áo ông chọn cho tôi đều màu xanh. Tối hôm ấy tôi phải mặc thử tất cả những bộ quần áo ấy ông mới vui lòng.
Thời gian quả thật trôi qua rất nhanh. Vừa kịp quen với nhịp sống, thức ăn và mọi người thì tôi phải về. Lần ông bà sang Việt Nam thăm tôi, khi ra về hai mẹ con ôm nhau khóc không dứt ra được. Lần này cả hai ông bà đưa tôi ra sân bay. Bố, mẹ và tôi cùng đi trên con đường nhỏ trước cửa nhà, dưới hai hàng cây cao vút. Bố trông rất buồn. Sợ phải khóc trước mặt mọi người tôi chào vội bố mẹ và cô y tá kéo tôi lên xe. Qua lớp cửa kiếng mờ sương, tôi thấy mẹ lấy khăn tay lau mắt cho bố. Tôi cứ dán mắt vào cửa xe nhìn lại bóng hai người trên con đường nhỏ, mãi tới khi xe đi khuất.
Tôi nhớ lại tất cả chuyện thấy như một giấc mơ. Tôi nhớ nhất đêm tôi đi xem phim với các bạn cùng lớp về muộn. Hôm ấy trời rét lắm, vừa đến cửa đã thấy bố và cô y tá đợi để đón tôi. Tôi hỏi sao bố phải đón làm gì, bố bảo: “ Con gái ạ, đây là một điều bình thường mà người bố nên làm!“
Vậy đấy, tôi không thấy ở ông một nhà khoa học nổi tiếng mà xa lạ. Với tôi, bố là bố bình thường như bao người bố khác.