Ngữ văn lớp 6: Phân tích Bài học đường đời đầu tiên
Ngữ văn lớp 6: Phân tích Bài học đường đời đầu tiên Để học tốt môn Ngữ văn lớp 6 Phân tích Bài học đường đời đầu tiên dưới đây được VnDoc sưu tầm và giới thiệu với các bạn để tham khảo giúp học tập tốt ...
Ngữ văn lớp 6: Phân tích Bài học đường đời đầu tiên
Phân tích Bài học đường đời đầu tiên
dưới đây được VnDoc sưu tầm và giới thiệu với các bạn để tham khảo giúp học tập tốt môn Ngữ Văn lớp 6 chuẩn bị cho bài giảng của học kỳ mới sắp tới đây của mình.
Phân tích Bài học đường đời đầu tiên
1. Bố cục của bài văn và nội dung từng đoạn
- Bài văn có thể chia thành hai đoạn như sau:
+ Đoạn 1 (Từ đầu đến "đứng đầu thiên hạ rồi"): Miêu tả ngoại hình, hành động và tính nết của chàng Dế Mèn cường tráng.
+ Đoạn 2 (phần còn lại): Là câu chuyện về bài học đường đời đầu tiên đối với Dế Mèn.
- Toàn bộ đoạn trích (cũng như toàn tác phẩm) là lời tự kể của Dế Mèn - ngôi thứ nhất (tôi). Đoạn văn có chức năng liên kết câu chuyện của Dế Mèn là đoạn văn gồm bốn câu, từ "Chao ôi" đến "làm lại được".
2. Hình ảnh Dế Mèn trong phần đầu của đoạn trích
a. Các chi tiết miêu tả ngoại hình và hành động của Dế Mèn.
- Ngoại hình của Dến Mèn được khắc họa rất sinh động qua các chi tiết:
+ "Đôi càng ... mẫm bóng".
+ "Những cái vuốt ở chân, ở khoeo cứ cứng dần và nhọn hoắt".
+ "... cả người... rung rinh một màu nâu bóng mỡ soi gương được và rất ưa nhìn".
+ "Đầu ... to ra và nổi từng tảng, rất bướng".
+ "Hai cái răng đen nhánh lúc nào cũng nhai ngoàm ngoạp như hai lưỡi liềm máy làm việc".
+ "Sợi râu... dài và uốn cong một vẻ rất đỗi hùng dũng".
- Hành động của Dế Mèn cũng được bộc lộ qua các hình ảnh sống động:
+ "Thỉnh thoảng, muốn thử sự lợi hại của những chiếc vuốt, tôi co cẳng lên đạp phanh phách vào các ngọn cỏ".
+ "Cứ chốc chốc tôi lại trịnh trọng và khoan thai đưa cả hai chân lên vuốt râu".
+ "Thỉnh thoảng, tôi ngứa chân đá một cái..."
- Nhận xét về trình tự và cách miêu tả của nhà văn: Vừa tả hình dáng vừa chọn lọc những chi tiết tiêu biểu của con dế; vừa miêu tả ngoại hình vừa diễn tả cử chỉ, hành động để bộc lộ vẻ đẹp sống động, cường tráng và cả tâm tính của một chú dế mới lớn, mới được bố mẹ cho phép sống tự lập: Khờ khạo, kiêu căng, điệu bộ.
b. Đây là một đoạn văn miêu tả hết sức đặc sắc và độc đáo. Việt sử dụng hệ thống tính từ để miêu tả hình dáng và tính cách Dế Mèn góp phần quan trọng khắc họa hình ảnh của chàng Dế Mèn có vẻ đẹp cường tráng, đầy kiêu ngạo và tự phụ: Mẫm bóng, nhọn hoắt, hủn hoẳn, dài bóng mỡ, đen nhánh, ngoàn ngoạp...Giả sử, nếu em cố tìm một số tính từ đồng nghĩa hoặc gần nghĩa để thay thế, chắc chắn sẽ khó lột tả chính xác, sống động hình ảnh chàng Dế Mèn như nhà văn Tô Hoài đã khắc họa.
c. Tính cách của Dế Mèn
Cái tài của nhà văn là qua việc miêu tả ngoại hình và hành động của Dế Mèn còn bộc lộ được tính nết và thái độ của "nhân vật". Đằng sau các chi tiết, hình ảnh và trong giọng kể của Dế Mèn về bản thân, ta nhận thấy cụ thể chàng Dế Mèn có vẻ đẹp cường tráng nhưng cũng thấy được cả vẻ kiêu căng, tự phụ rất... thanh niên của chàng Dế (đến mức nghĩ mình "có thể sắp đứng đầu thiên hạ rồi", ngộ nhận về sức mạnh của mình: "Mỗi bước đi, tôi làm điệu dún dẩy các khoeo chân, rung lên rung xuống hai chiếc râu", "Tôi đã quát mấy chị Cào Cào... ngứa chân đá một cái, ghẹo anh Gọng Vó..."). Những nét chưa đẹp trong tính cách của Dế Mèn đương nhiên dẫn đến những hậu quả khó lường. Câu chuyện ở phần sau của đoạn trích là hệ quả của thói hung hăng, xốc nổi ở Dến Mèn.
3. Thái độ của Dế Mèn đối với Dế Choắt
- Thái độ của Dế mèn đối với Dế Choắt ở đầu đoạn 2 là thái độ coi thường, trịch thượng. Điều này thể hiện qua các chi tiết sau:
+ Đặt tên cho anh bạn hàng xóm cùng tuổi nhưng yêu đuối, gầy gò là Dế Choắt một cách chế giễu và trịch thượng.
+ Cách xưng hô kể cả - gọi Dế Choắt là chú mày, giọng điệu khinh rẻ, nhạo báng: "Chú mày sinh sống quá cẩu thả, chú mày có lớn mà chẳng có khôn, chú mày hôi như cú mèo, in cái điệu hát mưa dầm sùi sụt ấy đi, gương mắt ra xem tao trêu con mụ Cóc đây này...".
+ Thái độ ngông nghênh, không coi ai ra gì: Hếch răng lên, xì một hơi rõ dài (khi Dế Choắt nhờ Dế Mèn); quắc mắt, mắng Dế Choắt (khi Dế Choắt biết sợ, không dám trêu tức chị Cóc cùng Dế Mèn);...
- Sở dĩ Dế Mèn có thái độ như vậy cũng bởi vì Dế Mèn tự phụ, huênh hoang về ngoại hình và sức lực của mình. Nếu đem so sánh cách Dế Mèn nhìn ngoại hình Dế Choắt (đoạn "Cái chàng Dế Choắt... ngơ ngơ") với thái độ "tự ngắm nghía" một cách thái quá của Dế mèn (phần đầu đoạn trích) ta sẽ nhận ra hai "nhân vật" này được nhà văn miêu tả trong tương quan đối lập: Nếu Dế Choắt gầy gò, ốm yếu, nhìn cái cũng sợ thì Dế mèn hung hăng, ngỗ nghịch. Thái độ của Dế Mèn là thái độ của kẻ không coi ai ra gì.
4. Diễn biến tâm lí của Dế Mèn (trong tình huống Dế Mèn trêu chị Cốc để dẫn đến cái chết thảm thương của Dế Choắt).
a. Dế Mèn trêu chị Cóc vì hai lí do: Ngỗ nghịch và chứng tỏ cho Dế Choắt biết mình chẳng sợ ai. Ở sự việc này, nhà văn miêu tả tâm lí Dế Mèn rất tinh tế, sinh động, hợp lí theo các bước sau:
- Lúc đầu, Dế Mèn huênh hoang trước Dế Choắt: "Sợ gì? Mày bảo tao sợ cái gì? Mày bảo tao còn biết sợ ai hơn tao nữa!".
- Run sợ khi thấy chị Cóc "trợn tròn mắt, gương cánh lên", liền "chui tọt ngay vào hang"; khiếp sợ "nằm im thin thít" khi nghe chị Cóc mổ Dế Choắt (do tưởng Dế Choắt trêu chọc chị ta); biết chị Cóc đi rồi mới "mon men bò lên".
- Thấy tình cảnh Dế Choắt thoi thóp thì hoảng hốt và hối hận.
b. Tuy ngỗ nghịch, hung hăng trước kẻ yếu, khiếp sợ trước kẻ mạnh nhưng Dế Mèn không phải là kẻ ác. Trêu chị Cóc là vậy nhưng Dế Mèn không ngờ hậu quả lại dẫn đến cái chết thảm thương của Dế Choắt. Dế Mèn rất hối hận về hành động xốc nổi của mình, "đứng lặng giờ lâu" trước mộ Dế Choắt, nghĩ về "bài học đường đời đầu tiên": Không được cậy khỏe bắt nạt yếu, hung hăng bậy bạ; trước khi làm việc gì cũng phải suy nghĩ cận thận kẻo mang vạ vào thân. Đó là điều đáng quý. Chúng ta tin rằng "bài học đường đời đầu tiên" từ lời khuyên và cái chết của Dế Choắt sẽ giúp Dế Mèn sống tốt hơn trong những chặng đời tiếp theo.
* Đoạn trích miêu tả chàng Dế Mèn cường tráng nhưng kiêu căng, xốc nổi. Vì kiêu căng nên Dế Mèn trêu chị Cóc, vô tình gây ra cái chết của Dế Choắt. Dế Mèn hối hận và rút ra bài học cho mình. Đoạn trích minh chứng cho tài miêu tả loài vật của nhà văn Tô Hoài rất sinh động, cách kể chuyện tự nhiên, hấp dẫn, ngôn ngữ chính xác, giàu tính tạo hình.