Ngón chân cái quyết định quá trình tiến hóa người
Một nghiên cứu mới công bố của các nhà khoa học Canada và Mỹ đăng trên tạp chí "Sự tiến hóa" đã đưa ra kết luận trái ngược với nhiều giả thuyết khoa học trước đó về sự phát triển của cấu trúc cơ thể con người. Không như nhiều người nghĩ rằng sự phát triển của ngón tay cái to hơn các ngón tay ...
Một nghiên cứu mới công bố của các nhà khoa học Canada và Mỹ đăng trên tạp chí "Sự tiến hóa" đã đưa ra kết luận trái ngược với nhiều giả thuyết khoa học trước đó về sự phát triển của cấu trúc cơ thể con người.
Không như nhiều người nghĩ rằng sự phát triển của ngón tay cái to hơn các ngón tay khác và có thể chạm vào các ngón tay khác là đặc điểm tiến hóa khác biệt giữa con người và tổ tiên chúng ta trước đây hàng triệu năm.
Nghiên cứu mới cho biết chính sự phát triển của ngón chân cái dài hơn và to hơn, trong khi các ngón chân còn lại ngắn đi để giúp con người đi lại dễ dàng bằng 2 chân mới là đặc điểm quan trọng nhất trong quá trình tiến hóa của con người.
Theo nghiên cứu mới, chính sự biến đổi cấu trúc của ngón chân cái đã gây "hiệu quả phụ" lên sự phát triển của các ngón tay và ngón chân khác.
Các giả thuyết trước đây về sự tiến hóa của con người thường tập trung nhiều hơn đến sự phát triển của bàn tay có khả năng cầm, nắm nhưng lại quên thực tế rằng các ngón chân và ngón tay có các đặc điểm rất giống nhau và chúng có thể cùng tiến hóa song song trong thời kỳ sơ khai của con người.
Nhà sinh vật học Campbell Rolian, người đứng đầu nhóm nghiên cứu, cùng các cộng sự đã phân tích và so sánh cấu trúc xương bàn chân, bàn tay của con người ngày nay với loài tinh tinh.
Bằng những tính toán chính xác về sự phát triển của xương chắc chắn phải diễn ra như thế nào, họ đã tìm ra mối liên hệ giữa sự tiến hóa của các ngón chân và các ngón tay.
Các nhà nghiên cứu cho rằng sự phát triển "ngoại cỡ" của ngón chân cái không chỉ có ý nghĩa quan trọng giúp con người đi lại được bằng 2 chân mà còn có tác động đến cấu trúc gen và làm thay đổi các ngón đối xứng với chúng ở bàn tay là ngón tay cái.
Sự thích nghi của mỗi ngón chân dẫn đến sự thích nghi tương đồng ở mỗi ngón tay đối xứng.
Các loài vượn từ lâu đã có thể dùng tay để cầm, nắm và thực hiện các hành động khéo léo khác, nhưng nhờ sự phát triển của các ngón chân tác động đến sự tiến hóa của bàn tay mà con người có khả năng điều khiển và nắm ngón tay cái cùng các ngón tay khác lại với nhau một cách dễ dàng hơn loài tinh tinh./.