Nghị luận xã hội về trách nhiệm của con cái đối với cha mẹ
Nghi luan xa hoi ve trach nhiem cua con cai doi voi cha me – Đề bài: Cha mẹ là người có công sinh thành, vất vả cả đời để lo cho con cho cháu. Em hãy viết bài văn nghị luận về trách nhiệm của con cái đối với cha mẹ. “Công cha như núi Thái Sơn Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra Một ...
Nghi luan xa hoi ve trach nhiem cua con cai doi voi cha me – Đề bài: Cha mẹ là người có công sinh thành, vất vả cả đời để lo cho con cho cháu. Em hãy viết bài văn nghị luận về trách nhiệm của con cái đối với cha mẹ. “Công cha như núi Thái Sơn Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra Một lòng thờ mẹ kính cha Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con” (Ca dao) Từng chữ, từng từ trong mỗi câu thơ cho ta thấy công ơn lớn lao của cha mẹ, người đã sinh ra ta, không ...
– Đề bài: Cha mẹ là người có công sinh thành, vất vả cả đời để lo cho con cho cháu. Em hãy viết bài văn nghị luận về trách nhiệm của con cái đối với cha mẹ.
“Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”
(Ca dao)
Từng chữ, từng từ trong mỗi câu thơ cho ta thấy công ơn lớn lao của cha mẹ, người đã sinh ra ta, không quản ngại khó khăn vất vả nuôi ta khôn lớn. Công lao bằng trời bằng bể này của cha mẹ, những người con không bao giờ được quên mà phải ghi nhớ suốt đời, đồng thời phải chăm sóc phụng dưỡng cha mẹ. Đây chính là trách nhiệm mà mỗi người con đều phải ghi nhớ.
“Mẹ thương con có hay chăng, thương từ khi thai nghén trong lòng”, đúng như lời bài hát, từ khi còn nằm trong bụng mẹ mình, mỗi người con đã nhận được sự chăm sóc của cha và tình yêu thương của mẹ, và rồi khi sinh ra, những người con lớn lên bằng dòng sữa mẹ ngọt ngào, đi vào giấc ngủ say nồng bằng những lời ru êm ái của mẹ. Cha mẹ trông mong con mình từng ngày để đến “ba tháng biết lẫy”, “bảy tháng biết bò”; rồi đến “chín tháng lò dò biết đi”, những bước đi đầu đời còn chập chững, con ngã con khóc, cha mẹ lại dỗ dành vỗ về con. Rồi đến lúc con bập bẹ tập nói cả nhà cũng như đang tập nói theo con. Thời gian trôi nhanh lắm, những người con cứ dần dần lớn lên rồi đi học đồng nghĩa với việc cha mẹ lại vất vả hơn, chăm lo cho con từ việc ăn mặc đến học hành. Dù lúc nào đi nữa cha mẹ cũng yêu thương, chăm lo con cái hết mực. Không có cha mẹ nào là không yêu thương con mình cả.
Công lao của cha mẹ có thể sánh được với trời và biển, như thiên nhiên bao la rộng lớn. Chính vì vậy con cái cần có nghĩa vụ và trách nhiệm đối với cha mẹ của mình.
“Công cha nghĩa mẹ cao vời
Nhọc nhằn chẳng quản suốt đời vì ta
Nên người con phải xót xa
Đền đáp nghĩa nặng như là trời cao
Đội ơn chín chữ cù lao
Sanh thành kể mấy non cao cho vừa”
(Ca dao)
Khi còn nhỏ, ta chưa đủ sức để giúp đỡ bố mẹ làm việc nhưng phải chăm ngoan, nghe lời cha mẹ, cố gắng siêng năng đạt thành tích cao trong học tập, như vậy dù chưa làm được việc gì giúp cho cha mẹ đỡ vất vả, nhọc nhằn nhưng như cũng đủ làm cho cha mẹ vui lòng. Không có đứa trẻ nào là không ham chơi, bỏ quên lời dặn của cha mẹ nhưng khi phạm lỗi rồi hãy biết nhận lỗi và sửa sai. Đây chính là lời xin lỗi gửi đến cha mẹ mình. Con cái ngày càng lớn lên, trưởng thành bao nhiêu thì cha mẹ ngày càng già yếu bấy nhiêu. Đây mới chính là thời gian mà mỗi người cha người mẹ cần đến sự báo đáp của con cái nhất. Sự báo đáp ở đây không phải là người con chỉ cần kiếm ra thật nhiều tiền để cho cha mẹ mình sống một cuộc sống sung sướng.
Mà mỗi người con cần là một chỗ dựa tinh thần vững chắc cho cha mẹ mình khi về nhà. Ông cha ta có câu “Trẻ cậy cha, già cậy con” là như vậy. Cha mẹ chúng ta khi về già thường cảm thấy rất cô đơn vì con cái đều bận rộn với công việc riêng của mình, không có nhiều thời gian dành cho cha mẹ. Nên để trở thành một chỗ dựa tốt cho cha mẹ mình, thì bên cạnh việc chăm lo đầy đủ về vật chất để cha mẹ không phải sống một cuộc sống cực khổ, những người con cần dành thời gian “chăm sóc” cuộc sống tinh thần cho cha mẹ mình hơn, từ việc thu xếp thời gian để tâm sự, trò chuyện hay đơn giản như từ chối một cuộc hẹn với bạn bè để về ăn bữa cơm gia đình cùng cha mẹ, như vậy cũng làm cho cha mẹ cảm thấy bớt cô đơn hơn. Hay những việc làm có ý nghĩa như vào những ngày lễ của cha của mẹ hoặc một dịp nào đó có ý nghĩa đặc biệt với gia đình thì bạn hãy mua một món quà dành tặng cho cha mẹ mình dù không phải là món quà có giá trị cao về vật chất mà chỉ đơn giản là một bó hoa thôi nhưng cũng có ý nghĩa về tinh thần rất lớn.
Tuy nhiên không phải người con nào cũng làm được như vậy, có những người họ chỉ nghĩ báo đáp công ơn của cha mẹ bằng cách đưa cho cha mẹ thật nhiều tiền, rồi lao vào công việc, vào những cuộc chơi với bạn bè nhưng họ đâu biết rằng điều những người cha người mẹ mong muốn ở con mình không phải như vậy. Dẫu biết rằng, sống ở đời ai cũng phải có sự nghiệp và bạn bè nhưng cũng đừng đam mê quá mà bỏ quên người đã mang ơn sinh thành, nuôi dưỡng ta khôn lớn, những người mà trong cuộc đời ta chỉ có một mà thôi. Thực tiễn cuộc sống cho thấy, nhiều người con cho rằng cha mẹ già là gánh nặng của họ mà không ngần ngại cho đưa cha mẹ mình vào viện dưỡng lão – nơi mà đáng lẽ ra chỉ có những người neo đơn, không nơi nương tựa mới phải ở, vậy mà những người cha, người mẹ có gia đình đấy, có con cái đấy mà vẫn phải vào đây, tuy cuộc sống có ăn, mặc đầy đủ nhưng thiếu thốn về đời sống tinh thần. Và còn rất nhiều những trường hợp ngược đãi cha mẹ khác chỉ về vấn đề tài sản hay những giá trị vật chất tầm thường khác. Đúng như người xưa đã nói:
“Cha mẹ nuôi con bằng trời bằng biển
Con nuôi cha mẹ con kể từng ngày”.
Công ơn của cha mẹ là rất lớn lao mà cho dù có đi hết cả cuộc đời, những người con vẫn không báo đáp nổi. Vì vậy, khi còn có thể hãy đền đáp ơn nghĩa này cho cha mẹ mình từ những việc đơn giản nhất, hãy là chỗ dựa vững chắc nhất cho cha mẹ chúng ta khi về già. Đây chính là nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi người con đối với cha mẹ mình.
Theo: Ngọ Thị Quỳnh