28/05/2017, 14:56

Nghị luận xã hội về tình yêu quê hương đất nước – Văn mẫu lớp 9

Nghị luận xã hội về tình yêu quê hương đất nước – Bài làm 1 Chắc chẳn mỗi người sinh ra đều có một quê hương để sinh ra, lớn lên và để trở về. Chúng ta đọc được những dòng cảm xúc chân thành, mộc mạc, tình yêu quê hương tha thiết của các nhà thơ nhà văn. Còn đối với bạn, bạn hiểu thế nào về ...

Nghị luận xã hội về tình yêu quê hương đất nước – Bài làm 1 Chắc chẳn mỗi người sinh ra đều có một quê hương để sinh ra, lớn lên và để trở về. Chúng ta đọc được những dòng cảm xúc chân thành, mộc mạc, tình yêu quê hương tha thiết của các nhà thơ nhà văn. Còn đối với bạn, bạn hiểu thế nào về tình yêu quê hương? Tình yêu quê hương là gì? Là tình gắn gắn bó, yêu mến, vun đắp, dựng xây quê hương ngày càng giàu mạnh, đóng góp một ...

Nghị luận xã hội về tình yêu quê hương đất nước – Bài làm 1

Chắc chẳn mỗi người sinh ra đều có một quê hương để sinh ra, lớn lên và để trở về. Chúng ta đọc được những dòng cảm xúc chân thành, mộc mạc, tình yêu quê hương tha thiết của các nhà thơ nhà văn. Còn đối với bạn, bạn  hiểu thế nào về tình yêu quê hương?

Tình yêu quê hương là gì? Là tình gắn gắn bó, yêu mến, vun đắp, dựng xây quê hương ngày càng giàu mạnh, đóng góp một phần sức lực của mình cho công cuộc dựng xây quê hương. Tình yêu quê hương không phải là tình cảm trừu tượng, nó được biểu hiện rất cụ thể và rõ nét. Đó là dạng tình cảm đã được cụ thể hóa bằng hành động.

Quê hương là cái nôi đầu tiên đón nhận tiếng khóc chào đời, những bước đi chập chững, gắn với kí ức tuổi thơ không thể nào quê. Đó là nơi mà cuối cùng ai cũng muốn trở về và gắn bó.

Tình yêu quê hương luôn gắn liền với yêu gia đình, làng xóm, luôn mong ngóng về quê hương dù ở nơi xa xôi. Mỗi con người sau khi lớn lên, trưởng thành, vươn mình đến những vùng đất mới nhưng tấm lòng luôn hướng về nơi mình đã sinh ra và lớn lên.

Biểu hiện của tình yêu quê hương thực sự rất nhiều, ngay trong chính hàng động của mỗi người. Là nỗi nhớ thường trực mỗi lần xa quê, là háo hức, mong chờ khi sắp được lên chuyến xe mang tên trở về, là lòng thổn thức, lưu luyến khi phải rời xa quê. Đó là tình cảm xuất phát từ tim.

Tình yêu quẻ hương còn là yêu những gì thuộc về mảnh đất mà mình sinh ra ấy, yêu làng xóm, yêu những con đường sỏi đá, yêu nắng, yêu gió dù thời tiết khắc nghiệt. Hơn hết là yêu những con người thuộc về mảnh đất đó, thương dáng mẹ tảo tần nắng mưa, thương dáng cha nhọc nhằn sớm hôm.

Quê hương gắn với những con người, những gương mặt mà đi đâu cũng nhớ về.

Khi đất nước ngày càng phát triển, quá trình xây dựng nông thôn mới cũng được đẩy mạnh. Tình yêu quê hương đã được hiển hiện thành hành động. Có nhiều người thành đạt, xa quê trở về quyên góp tiền bạc và sức lực để cùng xây dựng trạm xá, làm đường, trồng cây để giúp cho quê hương thoát nghèo. Đó đều là những biểu hiện thiết thực nhất của tình yêu quê hương, làng xóm.

Yêu quê hương còn phải có trách nhiệm với quê hương, đó là trách nhiệm bảo vệ, dựng xây. Trách nhiệm ấy không của riêng ai mà của tất cả mọi người.

Tuy nhiên hiện nay vẫn có những người quên đi cội nguồn, quên đi quê hương. Họ đi xa lập nghiệp, quên mất tiếng quê. Có nhiều người khi trở về quê hương mang theo thứ ngôn ngữ “lạ” để nói chuyện với người dân quê. Điều này thật đáng buồn. Người ta bảo “Chém cha không bằng pha tiếng”. CHính bản thân họ đã đánh mất đi tình yêu đáng trân trọng và thiêng liêng ấy.

Mỗi người đều có một quẻ hương để nhớ, để tìm về. Vậy thì ngay từ bây giờ, khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường chúng ta hãy là những người có ích, học tập tốt để mai sau có thể đóp góp sức mình đựng xây quê hương. Đó là tình yêu lớn lao nhất.

Nghị luận xã hội về tình yêu quê hương đất nước – Bài làm 2

Đã có thời trong xã hội chúng ta quan niệm một cách đơn giản về lòng yêu quê hương chỉ gắn với tình cảm công dân, ý thức trách nhiệm đối với Tổ quốc. Vì vậy những bài thơ lãng mạn trong phong trào Thơ Mới được xem là tiếng nói tình cảm cá nhân ủy mị, tiêu cực. Tuy nhiên, cùng với những thành quả đổi mới đất nước, những tác giả tác phẩm lãng mạn được đưa vào trong chương trình phổ thông. Tiếp xúc với các tác phẩm của Hàn Mặc Tử, Xuân Diệu, Huy Cận, Anh Thơ, chúng ta chợt nhận ra lòng yêu quê hương có nội dung phong phú đa dạng hơn nhiều.

Những bài thơ gắn với tiếng nói cá nhân vẫn ẩn bên trong một tình cảm yêu nước kín đáo, bộc lộ qua tình yêu với con người, cảnh vật, quê hương. Hình ảnh quê hương đất nước hiện lên trong các bài thơ đem lại những cảm nhận rất riêng nhưng lại rung cảm bao thế hệ độc giả. Một địa danh thôn Vỹ đi vào nỗi nhớ, gắn kết ân tình với xứ Huế trong Đây thôn Vỹ Dạ của Hàn Mặc Tử, làm ta yêu hơn cái trong trẻo  nắng hàng cau, cái huyền ảo của bến sông Trăng, cái bâng khuâng sương khói mờ nhân ảnh của mảnh đất cố đô. Không gian của buổi chiều thu cho đôi lứa tìm đến nhau trong Thơ Duyên cũng khiến ta cảm nhận sắc thái thiên nhiên hoà hợp quấn quít trên cây cỏ, chim muông, trên con đường nhỏ nhỏ, sắc nắng trở chiều, màu mây biếc và bâng khuâng với “con cò trên ruộng cánh phân vân”. Ta ngỡ ngàng khi phát hiện những vui buồn của con người gửi cả vào trong sắc thái mùa thu ở Đây mùa thu tới, một rặng liễu, một sắc “áo mơ phai dệt lá vàng”, “nàng trăng tự ngẩn ngơ”, những hình ảnh mùa thu rất quen và rất lạ được nói lên qua hồn thơ say đắm của Xuân Diệu. Quê hương còn hiện lên qua nỗi buồn mang tầm vóc vũ trụ, của chàng thi sĩ Huy Cận đứng trên quê hương mà vẫn cảm thấy “thiếu quê hương”, chuyển tải bao tâm sự nỗi niềm của người dân mất nước, khi đối diện Tràng giang: nỗi “sầu trăm ngả” lan toả trên sóng nước, con thuyền, cành củi, cánh bèo, “sông dài trời rộng bến cô liêu” kết lại thành nỗi niềm “lòng quê dợn dợn vời con nước – không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà” gợi dậy tình yêu giang sơn Tổ quốc. Quê hương còn đẹp giản dị trong Chiều xuân của Anh Thơ, làng quê Việt Nam đẹp một cách nao lòng trong cỏ xanh, mưa xuân, đàn bò đủng đỉnh, cô yếm thắm…qua những rung cảm trong trẻo của tâm hồn thiếu nữ. Tất cả những bài thơ ấy viết về con người, cảnh vật, làng quê…đều gặp nhau ở một điểm: tình cảm yêu nước kín đáo.

Từ những bài thơ ấy, ta chợt hiểu ra yêu quê hương trước hết phải là yêu thương gắn bó với mảnh đất – con người quê hương, biết rung động trước những vẻ đẹp của thiên nhiên đất nước, vui buồn với vận mệnh dân tộc. Tình yêu quê hương bắt đầu từ những điều nhỏ nhặt hàng ngày, những tình cảm đôi lứa, tình yêu sự gắn bó với gia đình, làng quê, đó là tình cảm trong sáng nhất, cao cả và góp phần làm thanh lọc tâm hồn con người. Đó cũng là tình cảm gắn kết cá nhân với cộng đồng, tạo nên sự đồng cảm, sự lắng đọng sâu sắc và thường trực trong trái tim con người. Chính sự gắn kết ấy làm nên sức mạnh đoàn kết dân tộc, thành ý chí bất khuất, sức mạnh chiến đấu, quyết tâm bảo vệ đất nước, đánh đuổi ngoại xâm, ý thức xây dựng đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn.

Nếu chỉ hiểu đơn giản yêu quê hương là tình cảm công dân, với ý thức trách nhiệm đặt lên hàng đầu mà không quan tâm giáo dục tình yêu ấy bắt đầu từ những điều nhỏ nhặt thì tâm hồn con người sẽ trở nên chai sạn biết bao. Chưa kể rằng, có những kẻ hô hào khẩu hiệu, nhưng thực tế lại sống giả tạo. Không thể yêu đất nước, yêu dân tộc mà không xuất phát từ tình cảm yêu mến, gắn bó với nơi chôn nhau cắt rốn, gia đình, làng xóm, yêu những con người gần gũi quanh ta. Đúng như Tố Hữu nói: “Ôi Tổ quốc ta yêu như máu thịt – Như mẹ cha ta, như vợ như chồng”, mở rộng ra tình cảm ấy còn là tình yêu đôi lứa, là cơ sở để “người yêu người, sống để yêu nhau”. Tình yêu ấy không hẳn chỉ thể hiện qua hành động đứng lên đánh lại kẻ thù, mà trước tiên phải xuất phát từ nỗi đau buồn khi nước mất nhà tan, nỗi uất nghẹn khi quê hương bị kẻ thù giày xéo. Không thể có tình yêu dân tộc chung chung nếu không xuất phát từ tình yêu con người cụ thể. Từ nhận thức đến tình cảm, từ suy nghĩ đến hành động luôn thường trực tình cảm yêu quê hương đất nước.

Bản thân mỗi học sinh chúng ta cũng phải luôn xác định quan niệm đúng đắn về lòng yêu quê hương, bằng cách luôn trau dồi tu dưỡng những tình cảm nhân văn, phải sống đẹp với mọi người, biết rung động trước cái đẹp cuộc sống  quanh ta. Khi còn là học sinh, biết yêu mến con người và mảnh đất mà ta đang sống, đang tiếp xúc hàng ngày, biến tình cảm thành hành vi ứng xử hàng ngày, có mục đích, có hoài bão vun trồng tài năng để sau này cống hiến cho đất nước, thiết tưởng cũng là ươm mầm cho lòng yêu quê hương đất nước ngày càng phát triển bền vững hơn.

Nghị luận xã hội về tình yêu quê hương đất nước – Bài làm 3

Tại sao anh yêu xứ sở của anh? Câu hỏi ấy chẳng làm nẩy nở trong tâm trí mọi người biết bao nhiêu câu trả lời? Tôi yêu xứ sở của tôi vì mẹ tôi sinh trưởng ở đấy, vì nguồn máu trong huyết quản của tôi đều là của người, vì tất cả những người quá cố mà mẹ tôi thương, mà cha tôi trọng, vì cái đất mà tôi sinh, thứ tiếng tôi nói, quyển sách tôi học, các em tôi, chúng bạn tôi và một dân tộc lớn chung sống với tôi, cảnh đẹp của tạo hóa bao bọc chung quanh tôi… Tóm lại tất cả những sự vật mà tôi đã trông thấy, tất cả những cái gì mà tôi yêu, tất cả những cái gì mà tôi quý nhất đều thuộc về xứ sở của tôi cả.

Khi du lịch ở xa về, một buổi sáng, đứng tựa thành tàu tự nhiên bạn thấy ở chân trời một dãy núi xanh của xứ bạn hiện ra, bấy giờ bạn sẽ thấy tràn lệ cảm ở trong lòng và miệng buột ra những tiếng kêu mừng rỡ. Bạn sẽ cảm thấy tình yêu nước khi bạn ở nước ngoài chợt nghe thấy một người trong đám thợ thuyền nói tiếng nước bạn, tự nhiên bạn đến hỏi chuyện người thợ không quen ấy. Bạn sẽ cảm thấy tình yêu nước, khi bạn nghe thấy người ngoại quốc lăng mạ xứ sở bạn, lòng tức giận sẽ làm cho bạn nóng mặt. Bạn sẽ cảm thấy tình yêu nước mạnh mẽ và vĩ đại hơn nữa, nếu một ngày kia, nước địch vô cớ giày xéo vào đất ta, lúc ấy bạn sẽ thấy nào cha hôn con khuyên câu “dũng cảm”, nào mẹ tiễn con hẹn lúc “khải hoàn”. Bạn sẽ cảm thấy tình yêu nước khi bạn trông thấy những đội quân vất vả trở về với những khúc ca chiến thắng. Bạn sẽ cảm thấy tình yêu nước khi bạn trông thấy lá đỏ sao vàng bị bắn tả tơi đi đầu một toán người nghĩa dũng, ai nấy đều phô cao cái trán buộc băng hay cái tay bị bó, trong đám đông dân chúng hoan hỉ, người ta ném hoa mừng và hô những lời chúc tụng. Bây giờ bạn đã hiểu thế nào là lòng yêu Tổ quốc. Đó là một điều rất to tát, rất thiêng liêng. Ví một ngày kia, cha trông thấy bạn về trận được an toàn, nhưng được tin bạn lẩn trốn để tránh cái chết, thì người cha vẫn đón bạn lúc đi học về bằng tiếng cuời vui vẻ, bấy giờ sẽ đón bạn bằng những tiếng khóc xót xa.

Trong cuộc sống bộn bề, nhiều người cảm thấy quê hương là cái gì đó rất xa vời, coi như chuyện bảo vệ biên cương đất nước là chuyện của ai đó chứ không phải là mình, vì mình còn phải lo đủ chuyện cho công việc, cho gia đình, cho con cái, cho ngày mai… Nhưng quê hương cũng là một cái gì đó rất gần gũi thân thương, khi xem trên truyền hình thấy những cảnh lụt lội, thấy những cảnh bà mẹ già, lần từng bước một đến chiếc tủ thờ, thắp mấy nén nhang cho những đứa con trai mình đã hy sinh. Hình ảnh đó làm rung động trái tim ta, ta biết yêu thương đồng bào ta cũng chính là yêu quê hương đất nước.

“Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta mà tự hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay”. Cho dù là trải qua hết chế độ này đến chế độ khác, mỗi chế độ có cái hay cái dở, nhưng suy cho cùng thì chúng ta vẫn hãnh diện vì mình là người Việt Nam, có tiếng nói riêng, có chữ viết riêng, có nền văn hóa riêng đậm đà bản sắc dân tộc.

Nghị luận xã hội về tình yêu quê hương đất nước – Bài làm 4

Điển tích Trung Hoa có nói về trường hợp: “Cáo chết ba năm quay đầu về núi”. Dẫu cho đó là hiện tượng vận động trong lòng trái đất sinh ra, nhưng cũng hàm ý niềm thiết tha hướng về quê cha đất tổ. Câu chuyện cảm động ấy làm ta suy nghĩ đến bổn phận của mình đối với nơi “chôn nhau cắt rốn”: quê hương, Mỗi người có cách yêu quê hương khác nhau, nhìưng sự chân thành thì không bao giờ khác, trong đó các thi nhân Việt Nam hiện đại: Nguyễn Đình Thi, Tế Hanh, Đỗ Trung Quân cũng không ngoại lệ.

Hình như cả nhân loại cùng một cách hiểu quê hương là nơi mình sinh ra, nơi có những người thân thiết ruột rà nhất, mà ai cũng thương cũng nhớ — nhớ cho đến hết kiếp người. Người Trung Hoa gọi “hương” là làng mạc. Người Việt Nam nói “quê” là đồng nghĩa với “hương' của Trung Hoa nhưng ghép vào thành hai tiếng “quê hương” cho sắc điệu trữ tình thêm đậm đà. Đi bên cạnh chiều dài lịch sử đất nước, dân tộc chúng ta có một nền văn minh lúa nước khá có bề sâu. Cho nên hình ảnh cánh đồng, mà đặc biệt những buổi chiều quê đã đi sâu vào tâm thức của con dân Lạc Việt. Cái hình ảnh bình dị nhưng thân thương đến nao lòng “Trên đồng cạn, dưới đồng sâu; Chồng cày vợ cấy, con trâu đi bừa”, mà từ thủa nằm nôi, đứa trẻ nào cũng được nghe và rưng rưng nhớ mẹ ở “đồng xa”, rồi êm đềm đi vào giấc ngủ. Ngày nay đất nước có biết bao nhiêu thành thị, có bao người sinh ra ở thành thị, nhưng cái gốc sâu xa trong mỗi chúng ta đều là một người nhà quê. Mất cái điều ấy là vong bản, nên Nguyễn Bính mới năn nỉ cô gái quê đỏng đảnh: “Nói ra sợ mất lòng em; Van em, em hãy giữ nguyên quế mùa”. Có bức tranh nào yên bình và mơn man lòng người bằng hình ảnh “gõ sừng mục tử lại cô thôn” trong một buổi chiều muộn! Bởi nó gợi trong mỗi chúng ta niềm xúc cảm lạ thường về hồn quê, xứ sở.

Trong lòng kẻ xa quê, Tế Hanh vẫn canh cánh nỗi niềm thương nhớ dòng sông tuổi thơ có nước gương trong “soi bóng những hàng tre”. Cái màu xanh của trúc tre bát ngát và thân cây mềm mại ôm ấp xóm làng như cha mẹ che chở, âu yếm đứa con ngoan. Dòng nước trong veo của như tấm lòng trong trẻo thật thà của bác nông phu, người ngư phủ. Trong tâm tưởng Nguyễn Đình Thi có lẽ sâu đậm thân thương nhất cũng là một niềm quê. Nhìn xứ sở bị tàn phá: cánh đồng quê bị giày xéo như thân người chảy máu; buổi chiều quê u ám, tan hoang trong lửa đạn chiến tranh, ông thảng thốt kêu lên một tiếng “ôi” xé lòng! Với Đỗ Trung Quân, nhà thơ thời hậu chiến của lớp thanh niên xung phong sau đại thắng mùa xuân 1975 cũng có cái tình quê bình dị mà sâu thẳm vô cùng: Mẹ, chiếc cầu tre nho nhỏ và chiếc nón lá nghiêng nghiêng theo mẹ về nhà. Chỉ thế thôi mà thành thơ, thành nhạc, thành lẽ sống cho cả đời người. Quê hương bắt đầu từ những điều tưởng chừng đơn sơ như vậy đấy. Thế nhưng, nó là những dòng sữa đầu tiên nuôi ta khôn lớn, để mai kia ta càng thấy quê hương thiêng liêng thêm, bao la hơn và không bao giờ được hững hờ lúc nhớ lúc quên! Nhà bác học L. Pasteur từng nói: Học vấn không có quê hương, nhưng người học phải có Tổ quốc”. Tổ quốc là khái niệm trừu tượng được cụ thể bằng những hình ảnh từ giản dị đến cao lớn, như một dòng sông, mái đình, bến nước, những đêm trăng ra đồng cấy lúa, những điệu hò và nỗi nhớ, một ngọn núi, hay đôi khi chỉ là một chú mục đồng ngủ gà, ngủ gật trên lưng trâu,… thế mà tất cả đi vào tâm tưởng mỗi người thành một tình yêu thiêng liêng. Tổ quốc là vậy đấy! Quê hương là vậy đấy!

Tuy nhiên, quê hương không dừng lại ở cái mái đình, bến nước, con đường làng của xóm A xóm B mà cả lãnh thổ này, cả văn hiến ngàn năm của giống nòi; của lịch sử ngàn năm dựng xây bờ cõi. Vì thế, khi đất nước lâm nguy thì mọi người cùng ra trận. Khi một người Lạc Việt ốm đau thì cha, ông ta liền bảo “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”, để rồi cụ thể hơn “Người trong một nước phải thương nhau cùng”… tất cả những hình ảnh, hành động, nghĩa cử ấy là thể hiện tình yêu quê hương và khái quát hơn là đất nước, Tổ quốc! Hiểu như thế để loại bỏ thái độ “cục bộ địa phương” – người làng tôi nên tôi nâng đỡ, người làng anh, anh tự gánh gồng.

Đất nước ngày nay đang trong những ngày tháng thanh bình và giàu có chưa từng thấy trong lịch sử giống nòi. Có ngày hôm nay, là đã có biết bao nhiêu máu xương của tiền nhân, cha anh ngã xuống. Họ ngã xuống vì điều gì, có khi nào ta tự vấn? Họ ngã xuống cho đất nước trường tồn, cho hậu sinh an vui hưởng thái bình. Họ ngã xuống vì lòng yêu quê hương, đất nước. Hãy nghĩ thế để chứng ta rèn luyện nhân cách và trân trọng tại sao ta được sống yên bình!

Nghị luận xã hội về tình yêu quê hương đất nước – Bài làm 5

Ai quên cho được mái tranh nâu 

Luống đất bờ ao với nhịp cầu 

Mồ mả ông chôn giữa đất 

Lòng người, lòng đất cảm thông nhau.

(Tình quê tình nước — Kiên Giang)

Con người, bất cứ ai, sinh ra, lớn lên cũng đều gắn mình với một mái ấm tình thương, một bờ ao, một luống đất, một dòng sông, một khu phố, một con đường… với biết bao tình cảm mến thương khăng khít. Chính tình yêu đối với những sự vật nhỏ bé cụ thể ấy góp lại trở thành tình yêu quê hương, dất nước. Thật đúng như lời nhà văn Xô Viết I-li-a Ê-ren-bua nối: "Dòng suối đổ vào sông, sông đổ vào đại trường giang Von-ga, con sông Von -ga đi ra biển. Lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê trở nên lòng yêu Tổ quốc” Câu nói nổi tiếng này có ý nghỉa sâu sắc như thế nào?

Ai cũng biết, tình yêu đất nước là một khái niệm trừu tượng khó hình dung. Người ta có thể tỏ bày tình yêu đất nước, Tổ quốc của mình bằng ước mơ hoài bão. Thế nhưng hiểu cụ thể, đầy đủ, rõ ràng thế nào là lòng yêu đất nước thì thật là khó khăn. Bởi vậy, ở đây, nhà văn giúp chúng ta hiểu thấu được khái niệm trên bầng một hình ảnh so sánh sinh động và cụ thể: đó là hình ảnh “dòng suối đổ vào sông, sông đổ vào đại trường giang Von- ga, con sông Von-ga đi ra biển" cùng chẳng khác chi: “Lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê trở nên lòng yêu Tổ quốc".

Với hình ảnh so sánh này nhà văn cho rằng lòng yêu đất nước được hình thành trên cơ sở biểu hiện hết sức cụ thể, từ những việc làm nhỏ nhặt nhất góp lại. Nói rõ hơn tình yêu Tổ quốc cụ thể là “lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê” góp lại. Cách “định nghĩa” của nhà văn Ê-ren-bua thật dễ hiểu. Con người, bất cứ ai cũng hiểu được là mình đã và đang yêu đất nước mình, Tổ quốc mình, bởi vì như đã nói ở bên trên, ai chẳng có một tình yêu đối với mái tranh nâu, với luống đất, bờ ao, nhịp cầu mồ mả ông bà, những người thân thuộc, nghĩa xóm tình làng và một miền quê gắn bó không rời cùng ta từ thuở lọt lòng đến khi khôn lớn. Đúng như một nhà văn đã nối: “Người ta có thể tách bước khỏi quê hương, nhưng không thề nào tách rời con tim mình khỏi quê hương được".

Như thế, yêu nhà, yêu làng xốm, yêu miền quê, là tình cảm hết sức tự nhiên của con người. Nhưng do đâu mà nói là yêu Tổ quốc? Điều này thật dễ hiểu.

Con người, bất cứ ai – cùng sinh ra, lớn lên trong một môi trường cụ thể là gia đình, làng xóm, miền quê. Đó là những con người, những cảnh vật gần gũi, gắn bó máu thịt. Bởi vậy, nếu mỗi chúng ta không có tình yêu đối với các bậc sinh thành mình thì làm sao có được tình yêu đối với nhân dân rộng rãi. Không có chút xúc động nào trước cảnh vật: mái tranh nâu, bờ ao, luống đất, nhịp cầu… khăng khít với mình suốt tuổi bé thơ và trong cả cuộc đời thì làm gì có được tình yêu đất nước, tình yêu Tổ quôc. Bác Hồ nặng lòng yêu xứ Nghệ (đến độ trước phút đi xa, Bác còn thèm nghe một câu hò ví dặm) yêu mảnh đất “xứ dân gầy” non xanh nước biếc như tranh họa đồ nên Bác mới một đời tận tụy hi sinh, đấu tranh vì độc lập tự đo của đất nước, vì hạnh phúc ấm no của nhân dân: “Ôi lòng Bác vậy cứ thương ta. Thương cuộc đời chung thương cỏ hoa. Chí biết quên mình cho hết thảy. Như dòng sông chảy phù sa'" (Bác ơi – Tố Hừu). Nhà thơ trẻ Đỗ Trung Quân cùng từng định nghĩa tình yêu quê hương:

Quê hương là chùm khế ngọt 

Cho con trèo hái mỗi ngày 

Què hương là đường đi học 

Con về rợp bướm vàng bay

Quê hương là con diều biếc

Tuổi thơ con thả trên đồng 

Quê hương là con đò nhỏ 

Em đềm khua nước ven sông… 

Chính tình yêu đối với chùm khế ngọt, đường đi học, con diều biếc trên đồng, con đò nhỏ ven sông… góp lại trở thành tình yêu một miền quê, tình yêu đất nước và tình yêu Tố quốc.

Nhà văn nói “lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê” là “yêu Tố quốc” cùng có ý phê phán một thứ lòng yêu nước chung chung, mơ hồ rỗng tuếch mà không biểu hiện bằng những tình cảm, những việc làm cụ thể, thiết thực và gần gũi.

“Ai yêu nước Việt hơn người Việt 

Nhau rốn chôn sâu giữa đất lành”“.

(Tình quê tình nước — Kiên Giang)

Là người Việt Nam, chúng ta yêu đất nước Việt Nam của chúng ta hơm ai hết, dù đất nước này còn nghèo nàn, thiếu thốn. Chiến tranh đã đi qua hơn hai mươi năm, nhưng hậu quả của bom đạn tàn phá xưa đâu phải đã hết. Nhân dân ta xây dựng chủ nghĩa xã hội từ một cơ sở vật chât yếu kém, lạc hậu, nên với sự nỗ lực phi thường của toàn Đảng, toàn dân từ ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, đặc biệt là với công cuộc đổi mới do Đảng lãnh đạo, thực hiện từ mười năm nay – đã bù đắp phần nào mất mát, hàn gắn lại các vết thương chiến tranh xưa, và đem lại một số thành tựu đáng kể. Tuy nhiên, một số mặt tiêu cực trong quản lí kinh tế, trong đời sống xã hội chưa thề khắc phục ngay được. Trong tình hình ấy, tinh thần yêu nước của mỗi người chúng ta, hơn bao giờ hết, phải được thể hiện bằng những tình cảm, những việc làm cụ thể, thiết thực góp phần đổi mới và xây dựng đất nước, chứ không thể nói chung chung, phải biến tình cảm cao quý thiêng liêng này thành một vật báu trưng bày trong tủ kính chứ đừng cất giấu kĩ trong rương, trong hòm như trong bài “Tinh thần yêu nước của nhân dân ta” Hồ Chủ tịch đã nói.

Rất đỗi tự hào về truyền thống anh hùng của dân tộc, tinh thần nồng nàn yêu nước của biết bao thế hệ người Việt Nam và tin tưởng vững chắc vào sự lãnh đạo của Đảng trong công cuộc đổi mới đất nước hiện nay, mỗi người học sinh chúng ta phải làm gì đế thể hiện một cách cụ thể, sinh động tinh thần yêu nước nồng nàn của mình? Chúng ta hãy yêu thương những người thân gần gũi nhất của mình là ông bà, cha mẹ, họ hàng nội ngoại, thầy cô giáo, bạn hữu và thế hiện lòng yêu thương ấy bằng thái độ chăm sóc, vâng lời, lễ độ, giúp đỡ nhau… Phải biết vị tha, không nên chỉ đòi hỏi mọi người phải đặc biệt quan tâm chăm sóc đến riêng mình một cách vị kỉ. Ngoài ra, chúng ta còn phải biết yêu quý với ý thức giừ gìn các vật dụng bình thường nhất, gần gũi nhất trong đời sống của mình: đồ dùng trong gia đình, tài sản công cộng, biết gắn bó với làng xóm, khu phố mình đang sống.

Trong thời đại chúng ta, đặc biệt đất nước chúng ta hôm nay, yêu Tổ quốc chính là yêu chủ nghĩa xã hội, hòa mình vào mọi hoạt động đổi mới và xây dựng đất nước làm cho dân giàu nước mạnh.

Khi còn là học sinh, tình yêu quê hương đất nước của chúng ta phải biểu hiện cụ thể bằng những việc làm thiết thực như chăm học, chăm làm, tu dưỡng rèn luyện mình để mai sau trở thành một người công dân tốt, phải biết yêu quý gìn giữ của công, tham gia tích cực vào mọi hoạt động xã hội công ích do nhà trường và địa phương tổ chức. Chính trên cơ sở đó, tình yêu đất nước nhân dân của chúng ta sẽ được bồi dưỡng thêm ngày càng sâu sắc hơn với một nhận thức rõ rệt là lòng yêu Tố quốc ngày nay phải gắn chặt với việc xây dựng đất nước giàu mạnh, xã hội công bằng, văn minh, tiên tiến.

Tóm lại, lòng yêu Tổ quốc là tình cảm thiêng liêng, cao quý của mỗi con người chúng ta được nhà văn Ê-ren-bua nêu lên bằng những biểu hiện cụ thể nhằm nhắc nhở chúng ta tình yêu ấy phải gắn liền với những hành động và việc làm cụ thể trong các hoàn cảnh cụ thể.

Mỗi học sinh chúng ta cần hiểu sâu sắc câu nói nổi tiếng này của nhà văn để ra sức rèn luyện, tu dưỡng, phấn đấu trong những ngày còn ngồi trên ghế nhà trường dể biểu hiện một cách cụ thể lòng yêu Tổ quốc của mình.

Từ khóa từ Google

0