Nghị luận xã hội về câu nói: Văn học là nhân học – Văn mẫu lớp 12
Nghị luận xã hội về câu nói: Văn học là nhân học – Văn mẫu lớp 12 Nghị luận xã hội về câu nói: Văn học là nhân học – Bài số 1 Trên đời này, ngoài con người ra, còn có hai điều rất khó hiểu và khó hiểu đúng. Đó là tình yêu và văn chương. Có ai dám nói rằng mình hiểu tình yêu và ...
Nghị luận xã hội về câu nói: Văn học là nhân học – Văn mẫu lớp 12
Nghị luận xã hội về câu nói: Văn học là nhân học – Bài số 1
Trên đời này, ngoài con người ra, còn có hai điều rất khó hiểu và khó hiểu đúng. Đó là tình yêu và văn chương. Có ai dám nói rằng mình hiểu tình yêu và cũng có ai dám nói rằng mình định nghĩa được văn chương? Văn chương cũng như tình yêu vậy, có rất nhiều màu sắc. Chính vì thế nó không phải là những vật thể bất dịch có thể nắm bắt bằng tay, ngửi bằng mũi hay nhìn bằng mắt được. Người ta nói về văn chương nhiều lắm, đẹp lắm! Còn Goóc-ki, với ông: văn học là nhân học – súc tích như bản chất của văn chương.
Cái định nghĩa văn học gồm năm chữ ấy ngắn gọn về số lượng ngôn từ nhưng các mặt ý nghĩa lại chẳng ngắn gọn chút nào. Văn học là nhân học, văn học là bộ môn học về con người, không phải chỉ là cái con người sinh học với đầy đủ chân, tay, mắt, mũi, tim, gan… mà đó là những con người với cuộc sống tinh thần phong phú và đa dạng của họ. Học văn là để hiểu sâu hơn tâm hồn con người, và đồng thời cũng là để học cách làm người. Phải chăng đó chính là điều Goóc-ki muốn nói với chúng ta – những người đã phần nào đặt chân vào ngưỡng cửa văn chương?
Câu nói của Goóc-ki dường như đã được hun đúc lại từ chính cuộc đời cầm bút của ông. Đó là một phát hiện mới mà lại không mới; là câu nói ngắn gọn mà lại không ngắn gọn. Đối với những người chỉ coi văn chương là một thứ phù phiếm thì câu nói ấy của ông cũng sớm héo úa như những bông hoa chưa kịp nở đã tàn.
Với văn chương, chất liệu đầu liên để cấu thành tác phẩm là ngôn từ nhưng yếu tố cuối cùng quyết định sự sống còn của tác phẩm lại không phải là ngôn từ. Đó chính là hình tượng nhân vật. Nhân vật văn chương không ai khác chính là những con người của cuộc sống. Đọc tác phẩm ta nhận ra mình qua mỗi nhân vật ở từng ngõ ngách nội tâm hiểu đúng hơn và hiểu nhiều hơn về cái thế giới tinh thần phong phú bí ẩn bị bề ngoài bao phủ.
Học văn hay làm văn, viết văn cũng vậy thôi. Cũng là để nhận thức đúng đắn hơn về cuộc sống và con người. Bản chất của cuộc sống cũng là bản chất của con người. Mỗi người khi chấp nhận con đường về nghiệp văn tức là đã chấp nhận đương đầu với thử thách. khó khăn để sống đúng và hiểu đúng hơn về con người, về cuộc đời. Chính vì thế mà văn học đã lựa chọn cuộc đời làm người bạn đồng hành tri âm của mình. Và cũng chính vì lẽ đó mà văn học phài là nhân học, chứ không nào khác được.
Nhưng nếu chỉ như vậy thôi thì đã đủ chưa? Văn học cung cấp bấy nhiêu mảnh đời, bấy nhiêu số phận không đơn giản chỉ để mỗi độc giả nhận ra mình qua từng mảnh đời, số phận đó. Văn học là nhân học và vì thế văn học không chỉ thực hiện chức năng nhận thức, còn phải làm tốt cả chức năng giáo dục. Học văn là học cách làm người. Và học cách làm người tức là học về cái tốt, cái đẹp và cái thật không phải lúc nào văn học cũng đề cao cái tốt đẹp. Cũng có lúc trong văn học xuất hiện những thằng cơ hội như Xuân tóc đỏ (Sốđỏ – Vũ Trọng Phụng), lưu manh như Chí Phèo (Chí Phèo – Nam cao), nham hiểm như Bá Kiến (Chí Phèo) và thậm chí dâm ô, trụy lạc như Nghị Hách (Giông tố – Vũ Trọng Phụng). Nhưng điều tác phẩm văn học muốn đề cập đến qua những nhân vật ác là con người phải biết loại bỏ, căm ghét và chống lại cái xấu, đừng để những cái xấu, cái ác như thế tồn tại trong cuộc đời. Điều đó cũng có nghĩa là văn học giúp người đọc hướng thiện và đi tới sự hoàn thiện mình.
Có thể nói Gorki đã đúng đắn khi đưa ra một định nghĩa về văn chương như vậy. Trở lại với ý kiến ban đầu của bài viết rằng đây là một phát hiện mới mà không mới của Goóc-ki. Nói không mới vì câu nói của ông đề cập đến bản chất của văn học – một vân đề mà nhiều người đã nêu lên và sau này Thạch Lam, Nam Cao hay Nguyễn Khải cũng từng đề cập. Xét theo một khía cạnh nào đó, M. Goóc-ki đã đề cập tới nhân vật trong phát biểu của mình. Văn học giúp con người tốt hơn thông qua nghệ thuật thể hiện nhân vật chứ không phải là ở những khái niệm lí lẽ thuần giáo huấn. Như vậy, giữa con người trong tác phẩm và con người trong cuộc đời có gì giống và khác nhau? Và sức sống của nhân vật điển hình mạnh như thế nào?
Tác phẩm là sự thể hiện cuộc đời vì thế con người của tác phẩm cũng là sự thể hiện của con người trong cuộc đời. Cũng yêu thương, cũng hờn ghét, cũng hình hài xấu đẹp. Nhưng sự phản ánh đó không phải là cái sao chép nguyên xi. Nhà văn mượn nguyên màu trong cuộc sống rồi sáng tạo tưởng tượng thêm để tạo ra nhân vật của mình. Chị Ràng – rmười nữ liệt sĩ trung kiên ở vùng đất Ràng không đẹp bằng chị Sứ và cũng không có tình mẫu tử xúc động như chị Sứ. Mối quan hệ giữa chị Ràng và chị Sứ cũng là mối quan hệ giữa cuộc đời và văn học. Cuộc đời là nơi khởi đầu cũng là hướng đi tới của văn học. Văn học viết về cuộc đời và đồng thời cũng là tập hợp từ cuộc đời. Chính vì thế nhân vật mà mỗi tác giả nhào nặn hư cấu nên thường có giá trị điển hình cho con người của một xã hội, một thời đại. Đó chính là nét khác biệt giữa con người trong tác phẩm và trong cuộc đời. Sức sống của nhân vật điển hình – một con người này mà cũng nhiều người kia – chính là sức sống của một tác phẩm văn học. Và nhiều lúc nó còn thật hơn cả người thật nữa nó quyết định sự trường tồn của tác phẩm truyện và của tên tuổi tác giả. Mỗi nhà văn chỉ mong muốn để lại cho đời một, hai nhân vật điển hình mức độ cao nhằm làm trong sạch hơn tâm hồn con người theo đúng bản chất và chức năng của văn học: "văn học là nhân học".
Cái điều tưởng là dễ hiểu ấy cứ sống mãi trong mỗi người như sự trường tồn của cuộc đời, của văn học. Mỗi trang văn là mỗi trang đời. Và mỗi trang đời ấy, được viết từ những mẫu, những mảnh con người. Vạt áo của triệu nhà thơ không bọc hết bạc vàng mà đời rơi vãi (Chế Lan Viên) cũng như mãi mãi không có thứ văn chương nào nằm ngoài qui luật của sự sáng tạo: nghệ thuật vị nhân sinh và văn học là nhân học.
Nghị luận xã hội về câu nói: Văn học là nhân học – Bài số 2
Mối quan giữa nhân học và văn học không phải bỗng nhiên mà thành và trong quá trình tạo dựng sự nối kết hai lĩnh vực cũng đã có không ít những bất đồng về quan điểm. Ngay trong khái niệm nhân học, theo nghĩa hẹp nhất, là khoa học về con người, đã kéo theo một lịch sử lâu dài nhiều hoạt động và lĩnh vực liên quan. Ngay từ buổi sơ khai, văn học đã không thể tách rời khỏi nhân học, hình thành nên bản chất cốt lõi của văn học ngày nay.
Văn học là gì? Văn học là khoa học về cái đẹp (văn) trong cuộc sống được biểu đạt bằng ngôn ngữ nghệ thuật. Phương thức sáng tạo của văn học được thông qua sự hư cấu, cách thể hiện nội dung các đề tài được biểu hiện qua ngôn ngữ. Ngôn ngữ văn học có tính hình tượng, được sắp xếp theo một tổ chức nhất định để ngôn từ phát huy giá trị của nó, đồng thời có tính chuẩn mực cao (hàm súc và cô đọng, đa nghĩa, biểu cảm ). Văn học biểu đạt nhận thức, lí giải và thái độ đối với toàn bộ của con người trước cuộc sống, cũng như những vấn đề nhân sinh được đặt ra ở trong đó.
“Nhân học” là gì? Nhân học là một lĩnh vực nhận thức khoa học, trong đó nghiên cứu các vấn đề nền tảng của tồn tại con người trong môi trường tự nhiên và nghệ thuật. Theo nghĩa chung nhất “Nhân học” là khoa học về con người.
“Văn học là nhân học” nghĩa là: Thông qua các tác phẩm, văn học phản ánh toàn diện đời sống tinh thần, vật chất và các quy luật vận động của xã hội loài người. Theo câu nói của M.Gorki thì “nhân học” ở đây trọng tâm tập trung phản ánh tính xã hội của con người, tức lòng nhân ái của con người.
Như vậy, “Văn học là nhân học” có thể hiểu văn học đã phản ánh, đề cao tình yêu thương con người trong mỗi tác phẩm văn chương. Văn học lấy con người làm đối tượng phản ánh và hướng đến phục vụ đời sống con người.
* Tại sao “Văn học” có thể là “nhân học”?
Lúc ban đầu, văn học chỉ là một hình thức nghệ thuật ghi lại những suy nghĩ, cảm nhận và rung động của con người về hiệu thực cuộc sống. Trải qua thời gian, văn học trở thành phương tiện giúp con người phản ánh sâu sắc đời sống hiện thực, đời sống tinh thần và là công cụ dùng để đấu tranh cho lẽ phải, sự công bình. Thế nhưng, chức năng này không phải nhà văn nào cũng tôn trọng và vận dụng.
Câu nói của Gorki dường như đã được hun đúc lại từ chính cuộc đời cầm bút của ông – một nhà văn hiện thực vĩ đại. Đó là phát hiện mới mà lại không mới, được tinh kết trong một câu nói ngắn gọn mà không ngắn gọn. Đối với những người chỉ coi văn chương là một thứ phù phiếm thì câu nói ấy gần như vô nghĩa lí, không có gì đáng suy nghĩ. Nhưng ở đây, M.Gorki thực sự đã đặt ra một mệnh đề đòi hỏi chúng ta phải suy ngẫm.
Cũng như hội họa, ca nhạc, điêu khắc… trước hết văn học là một bộ môn nghệ thuật. văn học tuân thủ các nguyên tắc của một bộ môn nghệ thuật ngôn ngữ với kết cấu phức tạp và chặt chẽ của nó. Vai trò của nghệ thuật là hướng đến chức năng giải trí, làm thỏa mãn nhu cầu cảm nghiệm của con người.
Nhưng đối với văn học, nó vượt lên trên điều đó khi tồn tại và phát triển. Đối tượng chủ đạo của văn học là con người và hiện thực cuộc sống được soi chiếu qua mọi góc độ trong sự tương quan phức tạp, đa chiều.
Nói văn học là nhân học là một nhận định hoàn toàn đúng đắn và giàu tính nhân văn. Văn học không chỉ phản ánh đời sống con người mà còn phải nhận thức con người và đời sống con người, nói lên những ước mơ, khát vọng, những tâm tư, tình cảm của con người trong chiều sâu tâm hồn với sự đa dạng, phong phú.
Chỉ đến lúc nào đó văn học mới là văn học đích thực khi văn học thể hiện được sự khám phá và sáng tạo, có những kiến giải hay và đẹp về con người và đời sống con người. Với văn học, chất liệu đầu tiên để cấu thành tác phẩm là ngôn từ. Nhưng yếu tố cuối cùng quyết định sự sống còn của tác phẩm lại không phải là ngôn từ. Đó chính là hình tượng nhân vật. Nhân vật văn học không ai khác chính là những con người trong cuộc sống. Trở thành đối tượng phản ánh của văn học, con người hiện ra sinh động, chân thực trong mỗi tác phẩm. Đọc tác phẩm ta nhận ra mình qua mỗi nhân vật ở từng ngóc ngách nội tâm, từng biểu hiện tình cảm, hiểu đúng hơn và nhiều hơn về cái thế giới tinh thần phong phú và bí ẩn vốn bị cái bề ngoài bao phủ. Và chính cái “thế giới tinh thần phong phú và bí ẩn” ấy thể hiện rõ nhất cái “nhân học” của văn chương.
Đến với “Chí Phèo”, ta nhận ra một con người của thời đại một cổ máy, trong khi ấy, một kẻ tha hóa phẩm chất nhưng đồng thời cũng là những tâm trạng, những nghĩ suy số phận của cả một lớp người nông dân nghèo thời Pháp thuộc. Đau khổ, độc ác, nghèo hèn, nhục nhã, hỗn hào chửi cả làng… và cao hơn hết là nỗi khát vọng được làm người, nỗi ao ước được trở về với cuộc sống đời thường. Chính văn học đã phát hiện và tôn vinh những phẩm chất quý báu ở con người vốn bị cuộc đời trần trụi che phủ. Sự thấu nhận từ thực tế đôi khi bị sai lệch nhưng trong tác phẩm, người đọc có thể bình tĩnh thấu suốt điều đó một cách rõ ràng.
Hay thông qua “Truyện Kiều” và cuộc đời gian truân, trắc trở, tủi nhục củaThúy Kiều, đại văn hào Nguyễn Du muốn thể hiện sự nhận thức sâu sắc về tình đời, tình người trong xã hội phong kiến đương thời và thái độ trân trọng, bênh vực, đề cao con người của ông. Đó là một tấm lòng đầy tính nhân văn. Có thể trong cuộc đời Nguyễn Du đã không làm được điều đó, nhưng với văn học, ông đã đi rất xa, vượt lên trên mọi sự thấp hèn, vươn đến hoài vọng, ước mơ, cho người đọc một tầm nhìn bao quát và toàn diện về bức tranh xã hội đương thời và con đường đi tìm lẽ sống của nhân vật. Có những điều chỉ có văn học mới làm được. Sản phẩm tạo ra trong quá trình tương tác đó chính là “nhân học” – tình yêu thương con người và cuộc sống.
Văn học là sự thể hiện tinh tế tư tưởng và tình cảm, ước mơ và khát vọng, quan điểm và lý tưởng thẩm mĩ của nhà văn đối với con người và cuộc sống. Mỗi trang văn, mỗi bài thơ (đích thực) dù nói về gì, đề tài gì rộng lớn hay bé nhỏ đều thể hiện lòng yêu, sự ghét của tác giả, thể hiện một quan điểm nhân sinh hoặc lên án cái ác, hoặc ca ngợi tình yêu, đưa tới sự hướng thiện, cái cao cả, cái đẹp của thiên nhiên và con người. Đọc “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi ta không thể không nghĩ đến một thời đại đau thương mà đầy khí phách , hào hùng của dân tộc ta trong cuộc chiến đấu với kẻ thù xâm lược. Dù đứng ở vị trí một dân tộc nô lệ hay một dân tộc chiến thắng, dân tộc ấy đều thể hiện tinh thần nhân đạo cao cả, ngay cả đối với kẻ thù của mình. Trên bình diện tâm lí, thật lòng khó có thể tha thứ cho những tội ác khủng khiếp mà kẻ thù đã gây ra cho ta. Thực tế trên thế giới, sau chiến thắng của một đội quân là những cuộc tàn sát đẫm máu khủng khiếp không khác gì kẻ thù đã gây ra cho họ. Và ai cũng cho rằng đó là lẽ phải, là chân chân lí, là tình yêu thương. Nhưng đó lại là một sai lầm, thể hiện bản chất ích kỉ, sự thù ghét của con người. Lần đầu tiên trong lịch sử, dân tộc ta đã minh chứng điều ngược lại mới là lẽ phải, mới là chân lí, tha thứ mới là nhân văn. Tư tưởng ấy còn được tiếp tục duy trì và phát huy đạt đến đỉnh cao trong thời đại Hồ Chí Minh thế kỉ XX.
“Văn học là nhân học” là một ẩn ý súc tích như bản chất của văn học. Văn học là khoa học về con người. Không phải là cái con người sinh học với đầy đủ chân, tay, mắt, mũi, tim, gan…mà đó là những con người với cuộc sống tinh thần phong phú và đa dạng của họ. Tư tưởng ấy không chỉ là lí thuyết suông mà nó biến thành hành động, trở thành động lực thúc đẩy hành động. Học văn là để hiểu sâu hơn tâm hồn con người, và đồng thời cũng là để học cách làm người. Phải chăng đó chính là điều Gorki muốn nói với chúng ta – những người đã phần nào đặt chân vào ngưỡng cửa văn học?
Đến với văn chương là bước vào thế giới của tình người. Tác phẩm chính là điểm gặp gỡ đầu tiên giữa nhà văn và đọc giả thông qua thế giới nhân vật sinh đông, phong phú. Để văn học là nhân học thì cả nhà văn và người đọc đều phải “kết dính” trong tình yêu thương con người vô hạn và vĩnh hằng.
Nghị luận xã hội về câu nói: Văn học là nhân học – Bài số 3
“Văn học là nhân học”, Mác – xim Gooc – ki, đại văn hào của nước Nga Xô viết đã từng nhận định như thế. Thật vậy, mỗi chúng ta, ai ai cũng phải học để tiếp thu tri thức và để làm người. Văn học lại chính là chiếc chìa khoá vàng mở rộng lòng nhân ái trong tâm hồn, phát triển nhân cách tốt đẹp. Một tác phẩm ra đời không chỉ phản ánh cuộc sống phong phú, muôn vẻ quanh ta mà còn thể hiện sự đồng cảm sâu sắc của tác giả với vạn vật. Nhờ thế, văn học không chỉ dừng lại ở giá trị văn chương mà còn được mở rộng thành những viên gạch đầu tiên xây đắp tình yêu thương giữa con người với con người trong xã hội.
“Thương người như thể thương thân”, đạo lý ấy từ lâu đã trở thành nền tảng đạo đức của người dân Việt Nam . Ta vẫn luôn thấy được rất rõ tình thương yêu, sự cảm thông to lớn ẩn hiện trong văn chương, dù được truyền miệng như văn học dân gian hay thông qua các thể loại văn học viết với những văn bản truyền lại đến mai sau. Trong các truyện cổ dân gian, ta bắt gặp không ít những số phận nghiệt ngã, đau đớn. Những con người ấy hoàn toàn bị các thế lực xấu xa chi phối. Có những lúc, ta tưởng chừng như cuộc sống của họ đã lịm tắt trước sự bất công của xã hội phong kiến, trước cái tàn nhẫn, hiểm độc của không ít người đời. Không! Không thật sự mất hết hi vọng đâu! Vì nếu kết cục chỉ dừng lại như thế thì còn đâu là cái hay và sự đặc trưng muôn đời của văn chương? Từng tình tiết trong câu chuyện là một nốt nhạc nhỏ nhiệm mầu, đánh lên bài ca vĩ đại của tình yêu thương.Ngược lại, những kẻ gian manh, độc ác, xấu xa phải gánh chịu hậu quả thích đáng với hành vi tội lỗi của mình. Chẳng phải tên Lí Thông gian ngoa, xảo trá đã bị Trời đánh chế, giáng làm bọ hung, suốt đời suốt kiếp phải chui rúc trong phân trong đất và mẹ con Cám cũng đã phải đền tội bằng cái chết tức tưởi đó sao?
Trước nhất là tình cảm gia đình. Vì gia đình là cái nôi quan trọng của xã hội, có thật sự hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, đùm bọc anh chị em, ta mới có được những hành vi đúng đắn, chuẩn mực về đạo đức. Qua đó, tình yêu thương càng được nhân rộng. Ông bà tổ tiên ta ngày xưa thường mượn những hình ảnh ví von, bóng bẩy để lồng vào đấy những lời răn dạy về kinh nghiệm sống, về bài học rèn luyện nhân cách ở đời. Trong đó, bài học “lá lành đùm lá rách” luôn được người xưa đề cao ca ngợi.
Ý nghĩa duy nhất cần đạt được là chúng ta phải biết yêu thương, sẻ chia, giúp đỡ lẫn nhau, nhất là trong những lúc khó khăn, hoạn nạn. Dù không cùng chung huyết thống nhưng chúng ta đều mang trong tim sự sục sôi nhiệt huyết của dòng giống Lạc Hồng. Nhờ các bài học về tình thương, lòng nhân ái mà dân tộc Việt đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách của thời đại để tồn tại và phát triển đến ngày hôm nay.Tính nhân đạo của văn học còn được thể hiện khá sâu sắc qua các tác phẩm viết.
Khi người đọc đã thật sự hoà mình vào tâm trạng, cảm xúc của nhân vật, thì cũng là lúc thông điệp của tình yêu thương đã được chuyển đến mọi người. Giá trị nhân văn của tác phẩm đã lên cao đến tận cùng. Trước những biến động lớn của xã hội Việt Nam những năm 1930 tới năm 1945, Nam Cao, Ngô Tất Tố, Nguyên Hồng,… – các ngòi bút hiện thực tiêu biểu của dân tộc ta – đã cho ra đời một số tác phẩm có giá trị như: “Lão Hạc”, “Tắt đèn” và “Những ngày thơ ấu”. Với mục đích chính là truyền thụ tình yêu thương, sự cảm thông và phê phán sâu sắc những hủ tục cùng sự giả dối của bọn cường hào ác bá và quan lại thực dân. Các nhà văn đã khéo léo lồng ghép nhiều chi tiết gợi lên cuộc sống đầy gian lao, nghiệt ngã của nhân vật. Qua đó thể hiện nổi bật vẻ đẹp tâm hồn của những người cùng khổ trong xã hội đương thời. Đấy là sự đùm bọc, che chở để chung tay giúp nhau vượt qua hoàn cảnh khó khăn hiện tại.Nhờ các tác phẩm văn chương từ cổ chí kim, chúng ta ngày càng thấu hiểu sâu sắc bao khổ cực mà nhiều người bất hạnh quanh ta phải gánh chịu. Ta thêm yêu thương, quý trọng họ và thực sự căm ghét mọi điều xấu xa, cám dỗ. Đấu tranh, phê phán những kẻ thờ ơ, máu lạnh, dửng dưng trước người gặp hoạn nạn là cách duy nhất mà ta có thể hiểu rõ các tác phẩm đượm tình người. Nói cho cùng, văn học và tình thương luôn gắn kết mật thiết với nhau. Đây là tấm gương soi diệu kỳ giúp ta ngẫm lại mình, lọc bỏ hết những tật xấu đồng thời hướng ta tìm thấy chân lí đích thực của cuộc sống. Không tình yêu thương, nghĩa là chết!
Vũ Hường tổng hợp
Từ khóa tìm kiếm
- văn học là nhân học