Nghị luận xã hội về câu nói: Văn hóa, đó là cái còn lại khi người ta đã quên hết tất cả – Văn mẫu lớp 12
Nghị luận xã hội về câu nói: Văn hóa, đó là cái còn lại khi người ta đã quên hết tất cả – Văn mẫu lớp 12 Nghị luận xã hội về câu nói: Văn hóa, đó là cái còn lại khi người ta đã quên hết tất cả – Bài số 1 I/ Mở bài : – Nêu vai ...
Nghị luận xã hội về câu nói: Văn hóa, đó là cái còn lại khi người ta đã quên hết tất cả – Văn mẫu lớp 12
Nghị luận xã hội về câu nói: Văn hóa, đó là cái còn lại khi người ta đã quên hết tất cả – Bài số 1
I/ Mở bài :
– Nêu vai trò to lớn của văn hóa trong đời sống con người.
– Giới thiệu câu nói của Herriot .
II/ Thân bài :
1/ Khái niệm về văn hóa:
– Theo từ điển Hán- Việt , “văn” là vẻ đẹp , “hóa” là biến đổi theo chiều hướng tốt hơn.
– “Văn hóa” là một hệ thống hữu cơ các giá trị vật chất,tinh thần do con người sáng tạo và tích lũy qua lao động thực tiễn trong sự tương tác của môi trường tự nhiên và xã hội của mình” ( Trần Ngọc Thêm).Theo đó, văn hóa bao hàm hai giá trị chính :
+ Văn hóa vật chất ( vật thể )
+ Văn hóa tinh thần ( phi vật thể) .
2/ “Văn hóa chính là cái còn lại khi người ta quên hết”:
– Khẳng định giá trị và chức năng của văn hóa , cả văn hóa tri thức lẫn văn hóa tinh thần.Văn hóa có sức bền vững , lan tỏa , trường tồn lâu dài và bền bỉ qua thời gian.Nó luôn là điều cốt lõi trong trong trí óc và suy nghĩ của con người.(d/c)
– Văn hóa là yếu tố đầu tiên, cơ bản và tối quan trọng trong việc hình thành nên phương diện tinh thần của con người, là thứ duy nhất ở lại với con người trên bước đường tương lai. ( d/c)
– Con người có thể đánh mất nhiều thứ nhưng còn văn hóa thì vẫn còn hi vọng . Có văn hóa, con người có thể dễ dàng tìm lại những thứ đã đánh mất, nhưng nếu mất luôn văn hóa thì có nghĩa là mất hết.
3/ Văn hóa chính là cái còn thiếu khi người ta đã học đủ cả”:
– Cho dù người ta được học rất nhiều điều trong cuộc sống, nhưng vốn văn hóa tri thức và tinh thần của nhân loại luôn là điều con người thiếu hụt và chắc chắn là không bao gìơ học hết được.
– Trong thực tế, có những người có trình độ cao chưa hẳn là những người có văn hóa. Nhắc nhở con người về hành trình hòan thiện văn hóa cũng là cách hòan thiện về nhân cách của mình.
4/ Ý nghĩa của câu nói :
– Khẳng định giá trị to lớn và vai trò của văn hóa trong tiến trình phát triển của nhân loại.
– Đặt ra những suy nghĩ mới về cách học tập và rèn luyện .Bác bỏ quan niệm trau dồi văn hóa một cách thụ động, khô khan và khẳng định quan niệm chủ động học tập và rèn luyện văn hóa.
Nhiệm vụ đặt ra cho mỗi người, đặc biệt là với những ai còn ngồi trên ghế nhà trường là : học tập và rèn luyện không ngừng để nâng cao trình độ học vấn và hòan thiện nhân cách.Có thể học trong sách vở, nhưng không đánh mất sự chủ động tích cực của người học.
III/ Kết bài:
– Đánh giá một con người thông qua trình độ văn hóa của họ à người có văn hóa là người có tri thức và nhân cách.
– Bản thân mỗi người phải tìm ra cho mình một cách học tập để trau dồi và tích lũy vốn văn hóa cho riêng mình và cho xã hội.
Nghị luận xã hội về câu nói: Văn hóa, đó là cái còn lại khi người ta đã quên hết tất cả – Bài số 2
Văn hóa có một nghĩa rất rộng, rất phức tạp, nhiều người đã viết hẳn một quyển sách để định nghĩa hai chữ ấy. Có thể hiểu một cách giản dị và sát nghĩa như sau: Văn là văn vẻ, văn nhã, trái lại với vũ phu, thô bỉ, dã man.
Hóa là biến đổi, nhuốm theo. Con người khi còn ở trạng thái dã man có những cách thức sinh hoạt (ăn ở, ăn mặc, nói năng, yêu thương… không ở trên con vật mấy, nhưng lần theo lịch sử, dần dà thay đổi, tiến lên, đạt tới văn hóa. Văn hóa là tổng thể những thành tích cố gắng của con người đã từ trạng thái con vật mà vươn lên, hóa đi, tiến tới trạng thái tiến bộ văn vẻ ngày nay (nghĩa này chính ra là nghĩa của từ kutur trong tiếng Đức, gần đồng nghĩa với văn minh). Thành tích của văn hóa thể hiện ở những công trình về mọi mặt, nhất là những công trình về tinh thần: văn chương, mĩ thuật, triết học, khoa học… Cho nên người ta thường hiểu văn hóa gần như học thức. Người học rộng biết nhưng là người có văn hóa.
Văn hóa trong câu danh ngôn là dịch từ tiếng Pháp culture, nghĩa đen là sự trồng trọt, vun xới. Tiếng Pháp nói terre cultivée: đất trồng trọt, đối lập với terre inculte: đất bỏ hoang, plante cultivée: cây vun trồng, đối lập với plante sauvage: cây dại. Cũng vậy người ta hiểu homme cultivée: là người có đầu óc được chăm bón, vun xới, dưỡng dục cho nên trong từ culture Pháp ta thấy ngoài ý học thức khách quan và cộng đồng của văn hóa, còn có giải thiết sự cố gắng riêng của cá nhân để tự trao đổi, tự rèn luyện về các phương diện tri thức và tình cảm, ngõ hầu đạt tới một trình độ nẩy nở, điều hòa của con người tinh thần.
Câu ra trong đề nguyên là lời nói của cố nghị trưởng Pháp Edouard Herriot: “La culture, c'est ce qui reste quand on a tout oublié, c’est ce qui manque quand on a tout appris”. Nhưng hình như ông chỉ nói có nửa trên và sau người ta thêm vào nửa dưới, có lẽ để cho nghĩa được thêm sáng, thêm đầy đủ và cũng để cho bớt tính cách nghịch lí. Câu nói ấy là một lộng ngữ, nối một điều mới nghe tưởng như nói giỡn, nhưng suy ra thấy bên trong có sự sâu sắc và xác đáng.
Nói văn hóa là cái còn lại khi người ta đã quên hết, cái vẫn thiếu khi người ta đã học đủ, chúng ta có thể đi đến suy diễn: con người có văn hóa là con người chẳng cần học, chẳng cần nhớ một điều gì cả. Cách giải thích ấy máy móc và ngoài chủ ý của tác giả. Thật ra câu nói này chỉ nêu lên tính chất tiêu cực của văn hóa: không tùy thuộc cái gì nhớ được, không tùy thuộc cái gì học được. Còn phần tích cực là cái còn lại, cái vẫn thiếu, là những cái gì không nói ra, nhưng chúng ta phải tìm hiểu và đó mới là cái chủ điểm của vấn đề.
Để nêu rõ sự sai lầm của nhiều người thường quan niệm rằng văn hóa chỉ là cái học tích trữ trong trí nhớ, cái học nhồi sọ, cái học lặp lại như con vẹt, thường chỉ là công việc ghi nhớ giỏi. Ai có kí ức mạnh (chữ Hán gọi là cường kí) người ấy sẽ thành công. Học trước quên sau thi còn gì mong đỗ đạt. Cho lên bậc đại học, đến việc đào luyện các chuyên gia cũng vậy. Một kĩ thuật gia là người thuộc lòng kĩ thuật của mình và áp dụng như một cái máy. Một học giả, một giáo sư cũng thuộc lòng những lí thuyết trong khu vực mình để nếu cần đọc ra vanh vách, nói thao thao.
Lối học ấy không ích lợi cho sự trau dồi cá nhân. Học thức chỉ phù phiếm như một nước sơn bên ngoài, không ảnh hưởng đến tư tưởng chân thành, đến tình cảm sâu xa, không hóa được con người theo những khuynh hướng tận tụy tận thiện. Không những vô ích mà còn có hại. Sự tích trữ quá nhiều trong trí nhớ có thể làm cho con người loạn trí, cuồng chữ, hay ngu xuẩn đi. Người chuyên gia dù về kĩ thuật hay học thuyết có thể là một con người lệch lạc. Sự học ấy lại còn dễ làm người ta kiêu ngạo vô lí. Tưởng cứ nhớ được nhiều lặp lại giỏi là có giá trị hơn người, là làm cho đời phải kính phục, nhưng thật ra cử chỉ ngôn ngữ.
Ta làm cho người ta khó chịu, thậm chí có thể bị khinh thường. Một tai nạn nữa là kẻ cho rằng học là nhớ cái học, chỉ biết cái học và sinh ra nô lệ sách không biết tự mình suy xét nữa.
Vậy thế nào là văn hóa chân chính? Là những gì còn lại khi đã quên hết và vẫn thiếu khi đã học đầy đủ; hay nói cách khác, theo nhà văn hóa trên thì học vấn phải có mục đích đào tạo nơi con người ta những thành quả gì? Tiếng Pháp hay dùng chữ former, formation. Nó giá thiết sự hoán cải và khuôn đúc con người theo một mẫu mực lí tưởng. Sự học chính phải làm sao hoán cải con người, nâng cao giá trị của nó về mọi mặt. Học thức không nên nhồi nhét vào để đó mà phải tiêu đi, biến hóa đi để nuôi dưỡng trí thức của con người. Sự học trước hết phải luyện cho con người biết suy xét, có óc phán đoán tự lập, nhận định được phải trái, hơn kém. Lại cần đào luyện và khai thác trí tưởng tượng, sự thông minh, óc sáng chế. Lại cần mài nhọn giác quan, làm giàu cảm xúc, mở rộng khả năng thông cảm với đời. Người có văn hóa không phải là cái máy đóng kín ở ngoài đời mà phải là con người thông minh, uyển chuyển, tế nhị, luôn luôn mở rộng ra ngoại giới để phát kiến ra vô số tài nguyên làm giàu cho cá nhân mình. Lí tưởng ấy chính là lí tưởng truyền thống của các nhà giáo dục Pháp: “Một bộ óc biết sáng tạo hơn là một bộ óc đầy hiểu biết”, Pascal. Chúng ta làm việc hơn là suy tư
Do đó ta thấy sáng tỏ ý nghĩa của câu nói. Người ta có thể quên hết mọi điều đã học, cũng như vứt bỏ những hành lí kềnh càng nặng nề. Nhưng đối với người biết học thì vẫn còn lại một cái gì: đó là khuôn nhận thức, nếp suy tư, khuynh hướng mở rộng trí não và giác quan ra để tìm hiểu thông cảm, như một cái vốn vẫn còn lại mãi mãi để sinh lợi không thôi. Và người ta có thể học đủ hết cả nhưng đối với người không biết học thì vẫn thiếu, thiếu cái khuôn nếp hay, đẹp thành hình, thiếu cái vốn ấy để cho mình đứng vững ở đời và chinh phục ngoại giới. Thí dụ rõ hơn: một người đi học rồi ra đời có thể quên hết mọi bài thơ đã học nhưng gặp bất kì một bài thơ nào đó, vẫn có thể đọc được, bình được, rung động, thưởng thức được có thể quên hết mọi bài toán, mọi định lí, công thức nhưng ra đời đặt trước một việc phải tìm hiểu, phải giải quyết vẫn có thể đem óc phân tích, óc suy diễn đã luyện được trong những giờ toán học để tìm hiểu và giải quyết.
Do đó, tóm lại ta có thể kết luận: văn hóa chân chính, cái học đạt đích, không tùy thuộc vào cái người ta biết, cái người ta có (cequ’ on est) mà tùy thuộc cái người ta thành, cái người ta là (cequ’ on est), cái này còn lại mãi, cái kia có thể mất hết.
Tuy đề không đòi hỏi phê bình, nhưng để tìm hiểu được đầy đủ, để đề phòng mọi hiểu lầm hoặc suy diễn lệch lạc cũng cần cảm nhận thêm rằng câu nói trên không hoàn toàn chê bai cái học mà chỉ chỉ trích cách học. Sự học nhất là sự học trong sách vẫn là một phương tiện vô song, để trau dồi cá nhân, bồi đắp văn hóa.
Nói rằng: "… khi người ta đã quên hết ấy là giả thuyết người ta đã phải học nhiều lắm. Điều cốt yếu là làm sao khi quên hết mà vẫn còn một cái gì. Ta có thể nói thêm: Cái gì còn lại đó chỉ có thể có khi người ta đã học nhiều. Hay nói cách khác, văn hóa chỉ có thể nhờ phương tiện trau dồi băng học thức, bằng sách vở.
Vũ Hường tổng hợp