13/01/2018, 16:38

Nghị luận xã hội về câu nói: Tập quán xấu ban đầu là khách qua đường, sau trở thành ngựời bạn thân ở chung nhà và cuối cùng trở thành ông chủ nhà khó tính- Văn hay lớp 12

Nghị luận xã hội về câu nói: Tập quán xấu ban đầu là khách qua đường, sau trở thành ngựời bạn thân ở chung nhà và cuối cùng trở thành ông chủ nhà khó tính- Văn hay lớp 12 Nghị luận xã hội về câu nói: Tập quán xấu ban đầu là khách qua đường, sau trở thành ngựời bạn thân ở chung nhà và cuối cùng ...

Nghị luận xã hội về câu nói: Tập quán xấu ban đầu là khách qua đường, sau trở thành ngựời bạn thân ở chung nhà và cuối cùng trở thành ông chủ nhà khó tính- Văn hay lớp 12

Nghị luận xã hội về câu nói: Tập quán xấu ban đầu là khách qua đường, sau trở thành ngựời bạn thân ở chung nhà và cuối cùng trở thành ông chủ nhà khó tính – Bài làm số 1 của một bạn học sinh giỏi văn tỉnh Cà Mau

Trong cuộc sống xô bồ, đầy bon chen, những thói hư, tật xấu vẫn diễn ra hàng ngày trước mắt và nhiều lúc, chúng ta vẫn bị ảnh hưởng, lôi cuốn, mê hoặc, tạo điều kiện cho nó xâm nhập khi nào không hay biết.

Những thói hư, tật xấu có ảnh hưởng rất lớn đến tư cách đạo đức, cuộc sống của bản thân, gia đình và xã hội, nó có thể đẩy con người đến bờ sâu của vực thẳm, vùi ta vào bóng đêm của tâm hồn. Chẳng vậy mà có ý kiến cho rằng: "tập quán xấu ban đầu là người khách qua đường, sau trở thành người bạn thân ở chung nhà và kết cục biến thành một ông chủ nhà khó tính".

Tập quán là những thói quen thường ngày, diễn ra thường xuyên, tự nhiên và được mọi người công nhận, nó gắn bó thân thiết với con người và là một phần không thể thiếu trong đời sống xã hội. Tuy nhiên, tập quán cũng có hai mặt, có những tập quán tốt và cũng có nhiều tập quán xấu. Tập quán tốt mang đến những lợi ích về vật chất và tinh thần, mang đến niềm vui, sức khỏe và hạnh phúc. Ngược lại, tập quán xấu đẩy ta vào cuộc sống tăm tối và mang đến nhiều thương đau. Những lời nói tục, chửi thề, cờ bạc,…. có một ma lực vô hình vô cùng lớn, nó đến và xâm nhập vào chúng ta lúc nào không ai ngờ. Ban đầu những thói hư, tật xấu, chỉ là những người khách qua đường, đến một lần rồi đi, rất tự nhiên, vô tình, không có mối quan hệ thân thiết và không để lại chút dấu ấn nào. Nhưng một lần, hai lần rồi ba lần, những thói xấu ấy cứ ghé thăm chúng ta, nó đến từ từ, nhẹ nhàng, không ồn ào nhưng nó lại có sức tấn công mãnh liệt, nó trói buộc chúng ta thành một người bạn thân chung nhà không thể nào xa rời. Bởi những thói xấu ấy có một sức hấp dẫn không thể cưỡng lại được đối với những cá nhân suy nghĩ bồng bột, nông cạn, tầm thường, thậm chí bệnh hoạn. Nó ngày càng lớn lên một cách mạnh mẽ trong tâm hồn ta, nó chế ngự, điều khiển ta, bắt ta phải làm theo và không thể nào chống cự và cuối cùng, nó trở thành "một ông chủ nhà khó tính." Càng chìm sâu vào nó là càng chìm sau vào những dục vọng  tối tăm trong tâm hồn mà khó có thể cưỡng lại. Tất cả những tiến trình của thói xấu, từ khách qua đường, bạn thân cho đến ông chủ nhà khó tính dường như đã trở thành một quy luật và hầu như không thể thay đổi.

Con người muốn trở thành người tốt và có ích cho xã hội cần phải rèn luyện cho mình một bản lĩnh vững vàng trước những thói hư, tật xấu. Thói hư, tật xấu đến với chúng ta rất lặng lẽ, nhẹ nhàng nhưng lại mang trong mình một mãnh lực ghê gớm. Chỉ một lần buộc miệng chửi thề, một lần quay cóp trong giờ kiểm tra, một li rượu thách đố bạn bè, một ván bài vui chơi, chỉ một lần đơn giản thế thôi nhưng lại là sự khởi đầu cho biết bao lần tiếp theo, ai cũng nghĩ thật bình thường nên không để tâm đến tác hại sâu xa của nó. Một lần trót lọt, một lần thử sẽ mang đến cho chúng ta cảm giác sung sướng đầy khoái trá, một cảm giác nhung nhớ đến thèm thuồng khi cần giải quyết vấn đề tương tự. Để tránh điểm kém,để không bị bố mẹ la mắng, ta sẽ tiếp tục quay cóp. Để tỏ ra anh hùng, quân tử, ta sẽ chạm đến chén rượu lần thứ hai. Một, hai rồi nhiều lần, những thói quen ấy không còn là người khách qua đường mà đã trở thành thói quen thường ngày, một người bạn thân thiết, không thể nào dứt bỏ. Ngày đến đêm qua, những thói quen ấy vẫn tiếp tục diễn ra và điều gì sẽ xảy ra? Kết quả ta nhận được lâu nay đều là giả dối và những kì thi tốt nghiệp, đại học được tổ chức một cách nghiêm túc sẽ vạch trần tất cả  và những chén rượu vui chơi kia sẽ biến ta thành một kẻ bê bết, một con sâu nghiện rượu, phá hoại xã hội. Ông chủ vô hình nhưng khắc nghiệt, tàn bạo, làm ta đau đớn và khổ sở. Nó chi phối toàn bộ tình cảm và hành động của ta và ta khó có thể thoát được nanh vuốt của nó. Một kẻ nghiện ngập sẽ luôn sống trong cảnh thèm thuồng, khát thuốc, mỗi khi lên cơn, con nghiện sẽ bị hành hạ, dày vò và sẽ bất chấp tất cả, sẽ dùng mọi thủ đoạn, dù là đê tiện, hèn hạ nhất để có tiền mua thuốc. Ban đầu, chỉ là bán đồ đạc trong nhà, sau là cướp giật, thậm chí là giết người và từ đó, con đường tội lỗi đầy tăm tối cũng bắt đầu.

Các thói xấu thường có sự hấp dẫn, lôi cuốn đến ghê người, nó mang đến cho ta sự khoái cảm, sung sướng, nó làm con người mụ mị, không còn tỉnh táo và chìm đắm trong ảo giác. Dần dần, các thói xấu trở thành những thói quen không thể nào cưỡng lại và chính nó sẽ là thủ phạm đẩy chúng ta vào vòng đen tối của cuộc đời, biến ta thành nô lệ cho những tập quán xấu, ta sẽ không thể nào dứt bỏ được nếu thiếu nghị lực và lòng kiên trì.

Con người chỉ được tôn trọng khi có đạo đức và hành động theo chân, thiện, mỹ. Nhưng để gây dựng được nó là một điều cực kì khó khăn, đôi khi còn phải trả giá bằng cả mạng sống của chính mình. Chỉ một phút sai lầm, một chút dao động, ta vô tình trở thành nô lệ cho những thói quen xấu, làm ảnh hưởng lớn đến tư cách đạo đức và đánh mất giá trị của bản thân. Thói hư tật xấu dễ dàng bị tiêm nhiễm và cũng dễ dàng lấy đi của ta tất cả, nó có một sức hủy hoại khủng khiếp làm con người ta khiếp sợ nhưng không thể thoát ra được. Ở trung quốc thời xưa, vua Trụ chỉ say mê sắc đẹp, xem thường các chư hầu nên mất nước, đẩy nhân dân vào cảnh khốn khổ lầm than. Lê Long Đỉnh chỉ vì thói trác táng, trụy lạc mà hủy hoại tiền đồ của Thập đạo tướng quân. Đã có bao nhiêu người chỉ vì những ham muốn vô bổ, những thói xấu thường ngày mà gây ra bao cảnh đau thương, nước mất nhà tan, nhân dân khốn cùng, lấy đi máu và nước mắt của bao người vô tội.

Ngày ta làm quen với những thói hư, tật xấu, ai cũng cho đó chỉ là những trò "tập làm người lớn" hoặc thích chơi nổi hơn trước mặt bạn bè, ngoài ra hoàn toàn không biết, thậm chí là không muốn biết đến những tác hại vô cùng to lớn của nó. Gia đình bạn sẽ ra sao? Bạn bè bạn sẽ nghĩ gì? Xã hội sẽ như thế nào? Và quan trọng hơn cả là chính bạn, chính bạn đã mặc cho mình tấm áo luôn luôn nhận được sự coi khinh của mọi người. Đáng thương thay! Và điều đó chính là một hồi chuông cảnh báo chúng ta không nên xem thường, ngược lại phải luôn cảnh giác với những tập quán xấu ấy. Không được dù chỉ là một giây phút nào để cho nó chế ngự bản thân chúng ta. Hiện nay có một số bộ phận thanh niên không chăm lo học hành mà chỉ biết ăn chơi, đua đòi, sa ngã vào những trò cờ bạc đỏ đen, đua xe, đánh nhau gây rối trật tự an ninh xã hội. Những thanh niên ấy dường như đã bị các thói xấu thống trị, đạo đức, nhân cách đã dần suy thoái. Để có thể chống đỡ với những tập quán sống đang tồn tại và trấn động hàng ngày, chúng ta cần phải có ý chí, nghị lực, đấu tranh bản thân, luôn cố gắng rèn luyện và nâng cao nhận thức cá nhân để kiên quyết dứt bỏ, quyết tâm không bao giờ tái phạm.

Cuộc sống ngày càng đi lên, xã hội ngày càng văn minh thì những thói hư, tật xấu, những cạm bẫy xuất hiện ngày càng nhiều và là mối lo ngại rất lớn đối với mỗi chúng ta. Câu nói: "Tập quán xấu ban đầu là người khách qua đường, sau trở thành một người bạn thân ở chung nhà và kết cục thành ông chủ nhà khó tính" là một bài học vô cùng quý giá và thiết thực cho cuộc sống. Đó là những lời khuyên, những lời thức tỉnh, những thói hư tật xấu và đừng bao giờ để nó tồn tại nơi ta.

Nghị luận xã hội về câu nói: Tập quán xấu ban đầu là khách qua đường, sau trở thành ngựời bạn thân ở chung nhà và cuối cùng trở thành ông chủ nhà khó tính – Bài làm số 2

Hôm qua, ngày nay và mai sau, việc hoàn thiện “cái nhân ”, “cái đức ” trong con người luôn là vấn đề chưa có cách giải quyết, là câu hỏi khó chưa có câu trả lời đầy đủ và chính xác. Nói về thói quen xấu của con người trong nhiều môi trường khác nhau, trong hoàn cảnh tác động của xã hội, có ý kiến cho rằng:

Tập quán xấu ban đầu là khách qua đường, sau trở thành người bạn ở chung nhà và cuối cùng trở thành ông chủ nhà khó tính"

Ý kiến ấy phải chăng là kinh nghiệm, là nhận định của người trước đối với cái xấu trong thực tại, và phải chăng, đó cũng là lời báo hiệu để con người cảnh giác trước những điều không tốt có thể dần len lỏi trong tâm hồn và phá đi những nét đẹp vốn ngự trị đã lâu?

Nói đến vẻ đẹp của con người, đó là một đề tài phong phú khó diễn tả hết được. Nhưng bàn về khía cạnh đối lập, mặt phản diện, cái chưa tốt, chưa hoàn thiện của con người lại càng khó nói một cách thẳng thắn, rõ ràng hơn gấp bội. Có lẽ vì cái xấu thấm vào một cách quá êm dịu, con người không cảm thấy được nó từ đâu đến và đến như thế nào? Ý kiến trên đã nêu lên như một lời giải thích “Tập quán xấu ban đầu là khách qua đường… Tập quán, ấy là những thói quen, những cách sống sẵn có hoặc được hình thành qua một quá trình lâu dài. Vậy “tập quán xấu” có thể hiểu là những thói quen không tốt, là cách sống không lành mạnh, là những thói ích kỷ, đố kỵ, tham lam, đua đòi, lười biếng… Những thói xấu ban đầu là khách qua đường tức là chỉ thoáng qua chốc lát, không có gì liên hệ chặt chẽ. Sau nó thành người bạn thân ở chung nhà nghĩa là đã trở nên gắn bó thân thiết, khó thể thiếu. Ở hai thời điểm này con người vẫn làm chủ được mình. Đến khi nào đó, thói quen xấu trở thành ông chủ nhà khó tính chi phối, điều hành bản thân ta, bắt ta lệ thuộc hoàn toàn vào nó. Nói chung, cả câu tục ngữ đã nêu trên là: Những thói quen xấu ban đầu chỉ thoáng qua, sau trở thành quen thuộc, tồn tại bên cạnh mình, sống cùng với mình và cuối cùng chi phối, quyết định mọi hoạt động, suy nghĩ của con người một cách rất gay gắt. Thật vậy, những tính cách xấu ban đầu chỉ là do một hoàn cảnh, một điều kiện tác động đến, nhưng càng về sau, càng không thể dứt bỏ được và từ đó, ngấm sâu vào tâm trí và hành động. Có thể lấy ví dụ như một bạn trẻ lúc đầu chỉ thử chơi game một chút. Rồi thích thú, ngày nào cũng ngồi trước máy. Bị cấm thì chơi lén hoặc ra dịch vụ internet. Thời gian dán mắt vào màn hình tăng lên. Cuối cùng bạn đó trở nên nghiện, bỏ cả học hành. Hoặc có người trở thành nô lệ mù quáng cho tham vọng, mới đầu chỉ là việc ước muốn những thứ nhỏ nhặt, bình thường… nhưng những mong muốn đó mãi không dừng lại, đi từ những hành động có thể chấp nhận đến những việc làm phi pháp, không thể tha thứ. Tiêu biểu là Hít-le muốn thâu tóm cả thế giới và muốn cuộc sống cả vũ trụ. Con người, mới sinh ra không phải có bản chất xấu xa, nhưng tập quán xấu sẽ xâm chiếm toàn bộ tâm hồn, lấn át cả những cái đẹp trong tính cách. Ý kiến này đã nêu lên một nhận xét đúng về đường đi và hướng phát triển của những tập quán xấu.

Tuy nhiên, trong hoàn cảnh đất nước phát triển và xã hội văn minh ngày nay, ý kiến trên vẫn có mặt còn khá hạn chế. Bản chất xấu chỉ thật sự “trở thành người bạn thân ở chung nhà” khi con người mất đi khả năng đề kháng, khi con người tự cho phép buông lỏng, trôi xuôi theo lối sống thiếu lành mạnh. Bởi lẽ, một người “khách qua đường ” chỉ có thể dừng chân khi được sự chấp nhận của “chủ nhà”. Một khi đã “chấp nhận” những “tập quán xấu ” thì đó là thái độ yếu hèn, dần dần đầu hàng cái xấu, làm mất đi nét đẹp trong con người. Tuy vậy, nếu đã có nhiều trường hợp thờ ơ chấp nhận cúi đầu thì cũng có nhiều trường hợp biết đấu tranh chống lại thói xấu. Lấy ví dụ như một số người trong xã hội cũ, suy sụp, sa vào việc hút sách, bê tha cờ bạc rượu chè hoặc đua đòi dẫn đến sử dụng ma túy, đã gây ra nhiều hậu quả tai hại to lớn. Ma túy như một mũi kim sắc nhọn, lạnh lùng xuyên thủng con người, tàn phá không thương tiếc cuộc sống vật chất và tinh thần của họ. Ma túy sẽ làm cho đất nước suy tàn, xã hội rối loạn. Ban đầu, ma túy đến với con người chỉ là một thứ kích thích mói mẻ, thú vị, họ chỉ thử cho biết. Nhưng liệu có thể thử một lần mà không tìm đến làn thứ hai. Thật vậy, nó dần dần “trở thành người bạn thân ở chung nhà và cuối cùng trở thành ông chủ nhà khó tính”. Để có thuốc sử dụng, không ít người đã bán hết tài sản, đánh đổi sự nghiệp với biết bao công sức lao động. Càng ngày, ma túy càng “khó tính ” và con người càng bị lệ thuộc. Thế nhưng, không phải không có cách giải quyết, nếu con người đừng sa đà, đua đòi, buông thả hoặc can đảm chịu đựng những đau đớn, dằn vặt khi cai nghiện để rồi nhìn lại mình sống tốt đẹp hơn sau những cơn vật vã đó. Nếu con người biết tìm đến người thân, tìm đến xã hội để tự tu sửa, hoàn thiện mình thì cái xấu không thể còn chỗ đứng. Nếu con người kiên quyết từ bỏ thì những tập quán xấu sao có thể “trở thành ông chủ nhà khó tính” được. Tóm lại, nhân cách tốt hay xấu là tùy thuộc vào ý chí, quyết tâm và cách suy nghĩ của con người. Không có cái xấu nào có thể có cơ hội ngự trị trong lòng ta nếu ta biết duy trì, giữ vững những nét đẹp, những tính cách, phẩm chất thực sự đẹp của mình. Ý kiến đúc kết rất đúng, rất sâu sắc, đã cho ta một bài học về sự làm chủ bản thân, làm chủ thói quen, cảnh giác và chống trả lại cái xấu và một chân lí về sự phát huy cái đẹp. Khi đã biết được đường đi và hướng đi của cái xấu thì có lẽ, việc khắc phục chúng không phải là điều khó thực hiện.

Ý kiến rất hay này đã mở ra cho em một cách nhìn đúng đắn và chính xác hơn về phẩm chất con người, đặc biệt là về mặt phản diện, về mặt xấu. Điều quan trọng là mình có đủ hiểu biết và nghị lực để vượt qua những thử thách, những ham muốn, để tự hoàn thiện mình hay không.

Nghị luận xã hội về câu nói: Tập quán xấu ban đầu là khách qua đường, sau trở thành ngựời bạn thân ở chung nhà và cuối cùng trở thành ông chủ nhà khó tính – Bài làm số 3

 Khi mà những thành tựu khoa học kĩ thuật ngày càng nhiều, khi mà xã hội phát triển vượt bậc, con người khám phá ra nhiều điều mới lạ thì vai trò của đời sống đạo đức tinh thần, tính nhân văn của con người ngày càng được coi trọng. Chống lại những thói quen xấu là điều hết sức cần thiết, bởi vì: “Tập quán xấu ban đầu là khách qua đường, sau trở thành người bạn thân ở chung nhà và cuối cùng trở thành ông chủ nhà khó tính

Ý kiến trên là một lời nhận định hết sức đúng đắn cho cuộc sống và đáng để chúng ta tìm hiểu, bàn luận.

Trước hết, về mặt nội dung ý nghĩa, nó chứa đựng một hàm ý hết sức sâu xa mà càng đọc lâu, càng suy ngẫm kĩ ta càng nhận ra cái hay của nó. Chỉ với ba từ ngắn gọn súc tích “tập quán xấu", đã nói lên tât cả những thói quen xấu, những hành vi cử chỉ không tốt đã thành nếp của con người. Những “tập quán xấu" ấy lúc “ban đầu" chỉ đơn thuần là “khách qua đường" là "người” mà trong lúc tình cờ, trong một khoảnh khắc vô tình, tự nhiên gặp, không hề hẹn ước. Vị khách ấy đến và đi nhanh chóng cũng như một vài tính xấu, đôi lời nói dối, vài ba hành động lầm lỗi mà nhiều khi vô tình hay cố ý ta đã làm. Tuy nhiên, tai hại không chỉ dừng lại mà thường thì nó còn tiến triển, và nhân rộng ra hơn. Từ chỗ lạ, nó (tật xấu của con người) dần dần "trở thành người bạn ở chung nhà”, trở nên quá gần gũi và quen thuộc với chúng ta. Chúng ta xem điều đó như là một việc bình thường, những thói hư tật xấu ấy lập đi lập lại trở thành quá quen, thành một nếp sống tự nhiên bám chặt lấy ta. Để rồi đến "cuối cùng trở thành ông chủ nhà khó tính". Từ địa vị một người “bạn thân" cùng sống chung với nhau, cùng gắn bó không rời, rồi đã trở thành "ông chủ nhà khó tính". Nội dung lời nhận định thật sâu sắc. Với lối so sánh ngầm sử dụng những hình ảnh ngôn từ gần gũi thân thuộc, vị trí của "tập quán xấu" dần đưực nâng lên thật cao, chiếm vị trí độc quyền trong ngôi nhà hay nói rộng ra là trong con người, trong suy nghĩ nhận thức và hành động của chúng ta. Nó “khó tính", ra lệnh cho chúng ta, bắt phải phục theo ý muốn của nó, làm những việc xấu hoặc đồng lõa cùng nó và tội lỗi mà nó gây ra. Với từ ngữ thân quen, dễ hiểu cùng cách diễn đạt khéo léo mà không kém phần sâu sắc, lời nhận định trên tạo một chuỗi hình ảnh liên quan chặt chẽ với nhau, thành một chuỗi móc xích những tình huống diễn ra hằng ngày, thật sự đã phản ánh được hiện thực của cuộc sống hết sức khách quan.

Thật vậy, trong thực tế, xã hội ngày nay có biết bao nhiêu điều hay điều tốt nhưng tồn tại song song với nó vẫn còn vô số những tệ nạn xã hội đang diễn ra hằng ngày. Đó thật sự cũng là kết quả của quá trình tiếp cận với cái xấu lâu ngày và dần dần không những không bài trừ được mà còn chịu ảnh hưởng để rồi tiếp nhận nó như những chuyện rất bình thường, không có gì phải lưu tâm. Không phải sinh ra, ai cũng có thói xấu, có tội lỗi. Ban đầu cái xấu ở bên ngoài, ở xa như người qua đường thôi. Khi đã nhiễm phải rồi thì nó dần dần kết với ta, ra lệnh cho ta, biến ta thành đầy tớ của một ông chủ nhà khó tính, xấu tính. Nếu ta đủ bản lĩnh, khôn ngoan thì kẻ qua đường nguy hại kia sẽ không bao giờ vào được nhà ta. Cụ thể một số thực tế cho ta thấy những điều trên. Nạn ma túy đang được xã hội quan tâm chống lại mỗi ngày, đối với ai đó bắt đầu một cuộc vui đua đòi, ham chơi thử một lần cho biết. Lúc ban đầu chỉ là một vài điếu thuốc, một mũi chích, chứng tỏ mình là người từng trải, đó chính là lúc đã gặp “khách qua đường" tai hại rồi. Thế nhưng, sự việc đâu chỉ đơn giản là ngừng lại tại đây, cái xấu thường có sức quyến rũ, nó còn trở lại, trở thành “người bạn thân" cho đến lúc kẻ nghiện hút trở thành nạn nhân của nó, mặc sức cho nó hoành hành thì từ cái giới hạn “người bạn thân", nó đã chuyển sang ông chủ nhà khó tính.

Quay trở lại với cuộc sống của tuổi trẻ. Lứa tuổi học sinh là lứa tuổi mà hầu hết ai cũng năng động, cũng tích cực hăng hái đồng thời cũng dễ bồng bột lao đầu vào những cuộc vui một cách mù quáng. Ban đầu chỉ là lời nói dối cha mẹ, thầy cô trốn học xem phim, đi chơi cùng bạn bè, sau tham gia vào những cuộc vui quá giới hạn của tuổi học sinh và dần dần sa sút về mặt học tập, đạo đức cũng xuống thấp trầm trọng. Tới lúc đó “ông chủ nhà khó tính" ấy liệu buông tha cho không? Không đâu, những thói hư tật xâu ấy ngày càng gia tăng và lấn át những phẩm chất tốt đẹp từng được trau dồi trước đấy của ta. Để rồi kết quả là một ngày nào đó ta không còn là người con ngoan, trò tốt hữu dụng cho đất nước, không là người mà xã hội đang cần. Ta chỉ là những người xấu bị phê bình chỉ trích, đôi khi bước ra khỏi ngưỡng cửa tốt đẹp của cuộc sống. Chỉ một lần tò mò, thử cho biết có thể ta đã mở toang cánh cửa ngăn cách bản chất con người mình với thế giới của muôn ngàn tệ nạn đang chực chờ, là chính ta đã tự hủy hoại con người mình và gián tiếp hủy hoại những mầm xanh của cuộc sống. Đừng tự cho rằng mình có thể lúc nào cũng tỉnh táo trước cám dỗ, đừng nghĩ rằng đối với mình "tập quán xấu" chỉ là “khách qua đường" và duy chỉ như vậy mà thôi. Không đâu, ông bà ta đã chẳng từng dạy:

“Gần mực thì đen gần đèn thì sáng” hay sao? Nếu không biết cách loại trừ, kiên quyết từ bỏ những cái xấu đã và đang dần hình thành trong con người của mình thì trước hay sau, sớm hay muộn ta sẽ trở thành tên nô lệ, thuộc dưới quyền sai khiến của tội lỗi, của tập quán xấu mà thôi. Không ai là người hoàn thiện, không ai từ lúc bé cho đến lớn lên mà không có lầm lỗi, tuy nhiên đối diện với những mặt yếu đó của con người mình, chúng ta phải mạnh dạn quyết định khai trừ cái xấu, không để nó ăn sâu vào tiềm thức, không để nó trở thành thói quen thành bản chất của con người và về sau rất khó sửa đổi. Đương đầu với thói hư tật xấu với những tâm tư không tốt luôn có sẵn trong mỗi con người, chúng ta cần lên án, phê bình những hành động những biểu hiện trái ngược với cái thiện, với mặt tốt của nhân cách và cần khuyến khích học tập những điển hình những cá nhân đóng góp tích cực trong việc bài trừ tính độc hại của những tội lỗi, các tệ nạn của xã hội diễn ra hằng ngày. Để “ông chủ nhà khó tính” sẽ là chúng ta, khó tính trong việc rèn luyện, trau dồi phẩm hạnh của mình, khó tính để không cho phép mình thua trong trận chiến gay gắt giữa cái thiện và cái ác.

Tóm lại, trong cuộc sống hằng ngày có biết bao chuyện diễn ra xung quanh ta. Vui có, buồn có, và đó không phải là vấn đề then chốt, quan trọng. Cái quan trọng là chúng ta cần thẳng thắn trực diện để đối mặt và tìm ra phương hướng giải quyết cho những rắc rối. Lời nhận định trên thật sự rất đúng và rất sát hợp với thực tiễn cuộc sống con người. Dù tật xấu là “ông chủ khó tính", “người bạn thân ở chung nhà" hay là “khách qua đường” đi chăng nữa thì chúng ta không được phép chấp nhận mà cần phải quyết tâm thật cao để loại trừ cái xấu ra khỏi cuộc sống nhằm vun trồng, xây đắp cho mình cũng như những người xung quanh những điều tốt lành và hạnh phúc.

Chỉ bằng vài dòng ngắn với lối thể hiện đặc sắc, lời nhận định “Tập quán xấu ban đầu là khách qua đường, sau trở thành người bạn thân ở chung một nhà và cuối cùng trở thành ông chủ nhà khó tính" thật sự là một lời nhận định hết sức đúng đắn cho mọi người và cho mọi thời đại. Ngày nay, ta cần tiếp nhận nó như một câu châm ngôn, một lời cảnh báo sống cho mình trong việc hoàn thiện nhân cách cũng như làm vũ khí sắc bén đâu tranh cho việc chống cái xấu, cái ác, bảo vệ cái đẹp, cái thiện và vươn lên. Đó cũng chính là điều mà chúng ta hôm nay và mai sau cần đạt đến: "Đối diện với cái tốt anh hãy là người tốt và đối diện với cái xấu anh buộc phải là người tốt”.

Nghị luận xã hội về câu nói: Tập quán xấu ban đầu là khách qua đường, sau trở thành ngựời bạn thân ở chung nhà và cuối cùng trở thành ông chủ nhà khó tính – Bài làm số 4

Tập quán là thói quen đã ăn sâu thành nếp trong sinh hoạt thường ngày của đời sống xã hội, được mọi người hoặc một tầng lớp công nhận và làm theo một cách tự nhiên.

Có tập quán tốt, tập quán xấu. Tập quán tốt như tập thể dục buổi sáng, rửa tay trước khi ăn, vệ sinh răng miệng trước khi đi ngủ; uống trà, cà phê, đọc báo buổi sáng, xem bóng đá, nghe nhạc, đi hội, đi chùa… Mỗi người có một sở thích, thói quen riêng về những nhu cầu vật chất và tinh thần.

Bên cạnh nhiều tập quán tốt còn có những tập quán xấu có hại cho con người. Không ít người đã rơi vào cạm bẫy của nó bởi nó có sức cuốn hút ghê gớm. Đó là những thói xấu như mê tín dị đoan, nói tục, chửi thề, hút thuốc lá, uống rượu, đánh bạc, nghiện ma túy…

Thói hư tật xấu ban đầu chỉ là những người khách qua đường, nghĩa là nó đến một cách tự nhiên, vô tình, không có quan hệ quen biết gì với ta cả, gặp rồi quên ngay. Nhưng rồi thỉnh thoảng nó quay lại và dần dần trở thành người bạn thân thiết ở chung nhà. Khi đã gắn bó thì không thể xa nhau và khó mà quên được nhau. Đến một lúc nào đó, thói xấu sẽ trở thành ông chủ nhà khó tính và biến ta thành kẻ phụ thuộc. Ông chủ nhà khó tính ấy sai khiến điều gì ta cũng phải làm theo, không cưỡng lại được. Đó là nghĩa hiển ngôn của ý kiến trên.

Thói quen xấu là người bạn đồng hành của chủ nghĩa cá nhân ích kỉ. Trong mỗi con người, thường có cả hai mặt tốt và xấu. Lối sống buông thả là mảnh đất màu mỡ cho những thói quen xấu nảy nở và phát triển. Lúc đầu, thói quen xấu không đến với ta ngay một lúc mà đến rất tình cờ, ngẫu nhiên khiến ta không để ý. Một lần nói dối cha mẹ để gỡ thế bí; một lần quay cóp, giở sách khi làm bài kiểm tra để tránh điểm kém; một điếu thuốc bạn mời, một lần ham vui tham gia đánh bài ăn tiền… ta thấy trót lọt, mà có ngờ đâu đến tác hại ngấm ngầm của nó, bởi nó mới chỉ là người khách qua đường mà thôi. Xong việc, bạn có thể không còn nhớ gì đến nó.

Nhưng sự thực không phải như vậy. Một tình huống hoặc những tình huống tương tự có thể diễn ra, lặp lại nhiều lần trong cuộc sống. Lúc ấy, ta sẽ sực nhớ đến người khách qua đường kia (tức thói xấu mà ta đã mắc phải một đôi lần) và cảm thấy cần đến nó để giải quyết tình huống gay cấn. Cứ thế, dần dần, thói xấu sẽ trở thành nhu cầu bức thiết khó có thể dứt bỏ. Thói xấu đã nhiễm vào đời sống sinh, hoạt của ta và nghiễm nhiên trở thành người bạn thân ở chung nhà với ta từ lúc nào không hay.

Đã là bạn thân thì nó gắn bó với ta như hình với bóng. Thiếu nó ta cảm thấy chống chếnh, buồn bã và lại tìm đến nó như tìm đến một nguồn vui, một sự an ủi, dù có một lúc nào đó ta đã nhận ra là nó không lành mạnh. Ví dụ, khi đã tập tành hút thuốc lá rồi thì từ thích đến cần, từ cần đến nghiện chẳng bao xa. Trong học tập, thói quen quay cóp sẽ biến ta thành kẻ lười biếng, dối trá, muốn ăn mà không muốn làm.

Thế rồi, đến một ngày nào đó, ta đã bị biến thành nô lệ của thói xấu. Nó là ông chủ vô hình nhưng khắc nghiệt và tàn bạo, chi phối toàn bộ tư tưởng, tình cảm và hành động của ta. Ta khó mà thoát khỏi nanh vuốt ghê gớm của nó.

Đơn cử một việc sau đây: nghiện ngập, hút chích xì ke, ma túy. Mỗi khi tới cữ, cơn nghiện hành hạ thân xác người nghiện đến mức khó có thể chịu đựng nổi. Muốn hút chích cho thỏa cơn nghiện thì phải có tiền. Không có tiền thì phải xoay sở mọi cách. Thế là trước thì lấy đồ nhà đem cầm, đem bán, sau thì đi lừa đảo, ăn cắp, cướp giật, thậm chí giết người… Như vậy hỏi làm sao có thể tránh khỏi con đường tội lỗi!

Chúng ta đi học là để tiếp thu ý kiến, nâng cao hiểu biết và học đạo lí, nhân nghĩa để có khả năng làm việc, tạo dựng sự nghiệp lâu dài. Học thuộc một bài thơ, giải được bài toán khó… phải tốn biết bao công sức nhưng công sức ấy sẽ đem lại lợi ích cho chúng ta sau này. Còn nếu lười biếng, dối trá trong học tập thì hậu quả tất yếu là ta sẽ trở thành kẻ bất tài vô dụng. Khi bước vào đời, kiến thức không có, năng lực cũng không, liệu ta có kiếm nổi một việc làm, một chỗ đứng vững vàng? Con người vô dụng sẽ bị coi là gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Đó là sự thực. Một sự thực hiển nhiên mà chúng ta được chứng kiến hằng ngày. Hiện nay, một số thanh thiếu niên, học sinh hư hỏng, không lo tu chí học hành mà đua đòi ăn chơi sa đọa, rủ nhau tham gia vào những trò cờ bạc đỏ đen, hút chích ma túy, xem phim có nội dung xấu, chuyền tay nhau những cuốn sách có nội dung độc hại. Rồi đàn đúm đánh nhau, đua xe gây rối an ninh trật tự công cộng, gây ra tai nạn giao thông… Tất cả những thói xấu đó nhanh chóng đẩy con người vào vực thẳm của sự suy đồi đạo đức, nhân cách. Đám người hư hỏng này sẵn sàng làm mọi việc bỉ ổi như trộm cắp, cướp giật, lừa đảo, thậm chí giết người để có tiền thỏa mãn những thú vui điên rồ. Đến lúc này, quả nhiên thói xấu – ông chủ nhà khó tính đã hoàn toàn chi phối và ràng buộc đám nô lệ mù quáng của nó.

Ngày xưa, ông cha ta đã dạy: Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng. Có thể coi những tập quán, thói quen xấu là mực, gần nó sẽ bị vấy bẩn. Vì vậy, chúng ta cần phải tránh xa cạm bẫy của thói hư tật xấu để trước hết là bảo vệ phẩm cách được trong sáng, sau đó là góp phần bảo vệ gia đình, xã hội và giữ gìn truyền thông đạo đức tốt đẹp của dân tộc.

Như trên đã nói, tập quán, thói quen xấu có ma lực cuốn hút con người. Bởi vậy, để không bị biến thành nạn nhân của nó, mỗi người phải có sự rèn luyện, tu dưỡng không ngừng về đạo đức, ý chí, phải nâng cao nhận thức của bản thân và bạn bè về tác hại của thói hư tật xấu; phải khuyên bảo nhau biết kiềm chế trước những thú vui không lành mạnh và chung tay góp phần đẩy lùi, tiêu diệt những tập quán xấu.

Câu nói: Tập quán xấu ban đầu là người khách qua đường, sau trở thành người bạn thân ở chung nhà và kết cục biến thành một ông chủ nhà khó tính là bài học thiết thực cho mỗi chúng ta. Đó là lời cảnh tỉnh đối với những ai có lối sống buông thả, dễ dãi, lười biếng, ham thú vui lạ, nhất là những thanh thiếu niên mới bắt đầu bước vào đời.

Hồng Loan tổng hợp

Bài viết liên quan

  • Giải thích và bình luận ý kiến “Tập quán xấu ban đầu là người khách qua đường …” – Văn hay lớp 7
  • Nghị luận xã hội về câu nói: Điều tốt đẹp nhất bạn có thể làm cho người khác không phải chia sẻ sự giàu có của mình mà là giúp anh ấy nhận ra sự giàu có của bản thân – Văn hay lớp 12
  • Tả lớp học của em – Văn hay lớp 4
  • Cảm nghĩ về đêm trăng Trung Thu – Văn hay lớp 7
  • Nghị luận xã hội về kĩ năng sống – Văn hay lớp 12
  • Nghị luận xã hội về câu nói: Sự sống nảy sinh từ trong cái chết, hạnh phúc hiện hình từ những hi sinh gian khổ, ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để bước qua những ranh giới ấy – Văn hay lớp 12
  • Nghị luận xã hội về sự nhường nhịn – Văn hay lớp 11
  • Phân tích tác phẩm Ông đồ – Văn hay lớp 8
0