14/01/2018, 18:53

Nghị luận xã hội: Từ tác phẩm Số phận con người của nhà văn Sô-lô-khốp, hãy nêu suy nghĩ của anh/chị về nghị lực và tuổi trẻ

Nghị luận xã hội: Từ tác phẩm Số phận con người của nhà văn Sô-lô-khốp, hãy nêu suy nghĩ của anh/chị về nghị lực và tuổi trẻ Văn mẫu nghị luận xã hội về một tác tác phẩm văn học lớp 12 Trình bày suy nghĩ ...

Nghị luận xã hội: Từ tác phẩm Số phận con người của nhà văn Sô-lô-khốp, hãy nêu suy nghĩ của anh/chị về nghị lực và tuổi trẻ

Trình bày suy nghĩ của anh (chị) về nghị lực và tuổi trẻ thông qua tác phẩm Số phận con người

là tài liệu văn mẫu lớp 12 hay được VnDoc sưu tầm và đăng tải. Hi vọng, tài liệu này sẽ giúp ích cho quá trình dạy và học của quý thầy cô giáo và các em học sinh, giúp những tiết học Văn sinh động và hiệu quả hơn, từ đó giúp các em ôn thi THPT Quốc gia môn Văn hiệu quả. Mời các bạn tham khảo.

Nghị luận xã hội về ý chí, nghị lực sống của con người

Phân tích đoạn trích trong tác phẩm Số phận con người của A.Sô-lô-khốp

Nghị luận xã hội: Giữa một vùng sỏi đá khô cằn, cây hoa dại vẫn mọc lên và nở những chùm hoa thật đẹp

Đề bài: Từ tác phẩm Số phận con người của nhà văn Sô-lô-khốp,hãy nêu suy nghĩ của anh/chị về nghị lực và tuổi trẻ.

Bài văn mẫu 1

Chiến tranh đã đi qua thường để lại những mất mát không gì bù đắp được. Không có một nghị lực phi thường con người khó có thể vượt qua. Những nhân vật trong truyện ngắn "Số phận con người" của Sô-lô-khốp là tấm gương cho nghị lực vượt qua nỗi đau sau chiến tranh. Không ồn ào, câu chuyện kể về cuộc đời của một chiến sĩ Nga Xô viết Xô-cô-lốp trở về sau chiến tranh với mất mát không gì bù đắp nổi nhưng đã vượt lên tất cả để sống và thương yêu. Từ cuộc sống của chính anh, người đọc rút ra bài học quí báu về nghị lực. Điều này thực sự cần thiết và có ý nghĩa đối với những người trẻ tuổi.

Số phận con người”, là câu chuyện kể về anh lính Hồng quân mang tên Xô-cô-lốp. Cuộc đời anh là một chuỗi những mất mát không gì có thể bù đắp nổi. Những năm nội chiến, anh tham gia Hồng quân. Năm 1922, mất mát đầu tiên đến với anh khi cả nhà bị chết vì nạn đói, chỉ mình anh đi làm thuê cho cu-lắc nên sống sót. Xô-cô-lốp làm đủ nghề để sinh sống, anh lấy vợ, dần dần xây dựng được một gia đình hạnh phúc, có vợ hiền và ba đứa con xinh xắn. Mọi thứ tưởng như cứ thế bình lặng trôi cho đến khi Chiến tranh Thế giới lần thứ hai bùng nổ. Xô-cô-lốp từ giã vợ con để ra mặt trận. Anh bị bắt làm tù binh của phát xít, phải chịu biết bao sự hành hạ tra tấn dã man của kẻ thù. Đến khi trốn về đơn vị một thời gian thì anh nhận được tin đau đớn: một trái bom của máy bay phát xít đã chôn vùi tất cả nhà cửa cùng với vợ anh và hai đứa con gái. Còn nỗi đau nào lớn hơn thế? Cuộc sống tưởng chừng đã có thể công bằng hơn khi nhen nhóm lại trong anh hi vọng vào cuộc sống về người con trai duy nhất còn lại nay đã là một đại uý pháo binh, Xô-cô-lốp đã có thể tưởng tượng ra ngày cha con gặp nhau trên đường tiến quân về thành phố Béc-lin, tưởng tượng ra được hạnh phúc của người cha được ôm vào trong lòng giọt máu cuối cùng, niềm hi vọng cũng là niềm tự hào, động lực sống cuối cùng. Anh chờ đợi và khát khao giây phút ấy. Nhưng nghiệt ngã thay, ngày anh mong mỏi được gặp lại con cũng là ngày anh nhận được tin báo về sự hi sinh anh dũng của người con trai. Người con trai đã hi sinh đúng vào ngày mồng chín tháng năm, ngày chiến thắng. Cha con gặp lại nhau không phải để san sẻ và trao cho nhau những giọt nước mắt xúc động mà chỉ còn Xô-lô-cốp với nỗi đau không thể nào vơi cạn. Mọi hi vọng, mọi nguồn sống, mọi người thân, lần lượt rời xa anh. Chui đau khổ mất mát đến tận cùng có thể quật ngã con người mãi mãi. Và thực tế ấy đã xảy ra không chỉ với một người. Mọi liều thuốc tinh thần có thể để cho anh bấu víu lần lượt tuột mất khỏi tay.

Đau khổ tưởng chừng đến gục ngã trước cái chết của vợ con lại được nhen nhóm lại trong người con trai còn sống sót và đang chiến đấu như ông. Và khi người con trai ấy cũng không còn nữa thì tất cả chỉ là nỗi tuyệt vọng. “Tôi đã chôn trên đất người, đất Đức, niềm vui sướng và niềm hi vọng cuối cùng của tôi; đại đội pháo đã nổ súng vĩnh biệt tiễn người chỉ huy của họ về nơi an nghỉ cuối cùng; trong người tôi như có cái gì đó vỡ tung ra... Tôi trở về đơn vị cũ như người mất hồn (...) về đâu bây giờ?”. Sức chịu đựng của con người chỉ có thể đến một giới hạn nhất định. Với Xô-cô-lốp, ta tưởng rằng giới hạn đó đã tới mức đỉnh điểm, không ai có thể đau khổ và mất mát nhiều hơn anh và anh cũng không thể đau khổ mất mát hơn chính bản thân anh nữa. Người ta tưởng rằng sau đó Xô-cô-lốp đã không thế nào có thể gượng dậy được. Sự thực là đã có lúc điều đó xảy đến với Xô-cô-lốp. Chút nghị lực còn lại chỉ đủ để cho anh sống qua ngày, không niềm vui, không mục đích. Sống chỉ như một sự tồn tại vì con người ta không thể tự dưng mà chết đi được. Thời gian biểu thường ngày của anh là sự lặp lại của chuỗi những ngày tháng vô nghĩa: “Thường cứ chạy xe xong trở về thành phố, việc đầu tiên, cũng dễ hiểu thôi, là tôi vào tiệm giải khát, nhấm nháp chút gì đó và tất nhiên có uống một li rượu lử người. Phải nói rằng tôi đã quá say mê cái món nguy hại ấy...”. Uống rượu không phải là một niềm ham thích mà như một thói quen để có thể quên đi những đau khổ trong cuộc đời.

Ta bắt gặp sự tương đồng số phận của anh với một nhân vật văn học Trung Quốc đương đại sau này trong tác phẩm của Dư Hoa. Phú Quí (Sống - Dư Hoa), nhân vật chính của tác phẩm cũng đã từng có một gia đình với vợ và hai đứa con, một trai một gái. Cuộc đời tưởng chừng cứ êm đềm trôi đi đến một ngày vợ ông vì bị bệnh mà qua đời. Rồi đến vợ chồng cô con gái câm. Đứa con trai ngoan ngoãn chết vì bị người ta rút hết máu cho người nhà của một vị quan chức. Đến đứa cháu trai, niềm an ủi, niềm hạnh phúc và hi vọng cuối cùng cũng bị số phận nghiệt ngã cướp mất: Chết vì nghẹn khi ăn đậu do quá đói. Lần lượt, từng người thân rời xa ông. Chỉ còn lại Phú Quí với con trâu già. Ông gọi tên nó bằng tên gọi của tất cả những người thân trong gia đình ông như thể đang có gắng lưu giữ những hình ảnh còn lại về họ. Nhưng Phú Quí vẫn sống, sống với thế giới hoài niệm của riêng mình. Nghị lực sống phi thường được Dư Hoa nâng lên thành một triết lí sâu sắc: “Con người ta sống không chỉ vì bản thân sự sống mà còn vì những gì ngoài sự sống nữa”. Nếu như không có nghị lực để sống vì những gì ngoài sự sống, sống vì là người duy nhất không thể chết trong gia đình, sống vì ông phải là người lưu giữ lại hình ảnh về những người thân trong gia đình thì có lẽ Phú Quí đã không thể tiếp tục tồn tại. Xô-cô-lốp cũng vậy.

Sau nỗi đau đớn tột cùng về cái chết của cậu con trai đúng vào ngày chiến thắng, nỗi đau tưởng không thể gượng dậy cuối cùng cũng đã tìm được cho nó một chiếc phao cứu sinh. Nghị lực không chỉ giúp cho Xô-cô-lốp tiếp tục tồn tại mà nó còn khiến anh có thể mở rộng lòng mình để yêu thương, san sẻ với nỗi đau của người khác. “Không thể để mình và nó chìm nghỉm riêng rẽ như vậy được. Mình sẽ nhận nó làm con”. Cùng với quyết định ấy, một cuộc hồi sinh nữa trong anh được bắt đầu. Tình cảm nồng nhiệt mà cậu bé Va-ni-a giành cho anh như cơn mưa tưới ướt mảnh đất tâm hồn hạn hán, mang lại sức sống cho nó. Xô-cô-lốp tìm lại được cảm giác của một người được che chở, chăm sóc cho người khác, yêu thương và được yêu thương. “Đêm đêm, khi thì nhìn nó ngủ, khi thì thơm mớ tóc xù của nó, trái tim tôi đã suy kiệt, đã bị chai sạn vì đau khổ nay trở nên êm dịu hơn...”. Nghị lực đã làm cho Xô-cô-lốp có thể tiếp tục sống. Nghị lực và tình yêu thương khiến cho anh có thể mở rộng lòng mình cho một số phận bất hạnh khác. Và tình yêu thương thì lại làm cho tâm hồn anh hồi sinh. Xô-cô-lốp đang sống không phải vì “bản thân sự sống” mà đang sống vì “những gì ngoài sự sống nữa”. Tương lai đang mở ra phía trước: sống vì “cậu con trai mới” nhưng quá khứ thì vẫn không thể khép lại. “... quả tim của tôi đã rệu rã lắm rồi, nó phải thay pít-tông thôi (...) hầu như đêm nào tôi cũng mơ thấy những người thân đã quá cố. Và lúc nào cũng thế, tôi ở bên này, sau hàng rào dây thép gai, còn vợ con thì tự do ở bên kia... Tôi nói đủ chuyện với I-ri-na, với các con nhưng chỉ vừa mới toan lấy tay đẩy dây thép gai ra, thì vợ con lai rời bỏ tôi, cứ như là vụt tan biến mất (...) ban ngày bao giờ tôi cũng trầm tĩnh được, không hớ ra một tiếng thở dài, một lời than vãn, nhưng ban đêm thức giấc thì gối đẫm nước mắt”. Mất mát không thể nguôi ngoai cũng như nỗi đau khổ không bao giờ có thể hết nhưng điều đáng quí ở Xô-cô-lốp chính là nghị lực phi thường để tạm quên đi nỗi đau của mình mà sống vì một người khác.

Đứng bên cạnh Xô-cô-lp, Va-ni-a cũng là một số phận bất hạnh. Còn nhỏ tuổi, cậu bé đã mất mẹ. Cậu bé sống lang thang với hi vọng và niềm tin mãnh liệt một ngày nào đó tìm lại người cha trên thực tế đã hi sinh. Được Xô-cô-lốp nhận là cha cậu bé đã xúc động đến nỗi nước mắt giàn giụa: “Con biết mà. Con biết bố thế nào cũng tìm thấy con mà! Con chờ mãi mong được gặp bố”. Nghị lực sống tiềm tàng như một thứ bản năng trong những con người Nga Xô Viết kiên cường. Nó đã được đền đáp xứng đáng. Trở thành con của Xô-cô-lốp, cậu bé gắn bó với anh như hình với bóng. Hai số phận bất hạnh đã tìm đến nhau, mở rộng lòng mình để yêu thương nhau, để xoa dịu những vết thương đang ngày đêm làm họ nhức nhối. “Hai con người côi cút, hai hạt cát bị sức mạnh phũ phàng của bão tố chiến tranh thổi bạt tới những miền xa lạ... Cái gì đang chờ họ ở phía trước? Thiết nghĩ rằng con người Nga đó - con người có ý chí kiên cường, sẽ đứng vững và sống bên cạnh bố, chú bé kia một khi đã lớn lên sẽ có thể đương đầu với mọi thử thách, sẽ vượt qua mọi chướng ngại trên dường, nếu như Tổ quốc kêu gọi...”.

Câu chuyện vừa là một bản bi ca về số phận con người lại vừa là một bản anh hùng ca về nghị lực phi thường vượt lên trên hoàn cảnh và số phận. Nó để lại trong lòng mỗi chúng ta sự đồng cảm, xót thương nhưng nhiều hơn cả vẫn là sự khâm phục, trân trọng; mang đến cho mỗi chúng ta, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ suy nghĩ về nghị lực trong cuộc sống. Cuộc sống luôn đầy rẫy những khó khăn, thứ thách. Có những nỗi đau sẽ vẫn là nỗi đau nếu như con người không thể tự thoát ra khỏi chúng nhưng nhờ có nó mà con người trưởng thành hơn lên. Cuộc sống chính là môi trường tốt nhất để con người tự rèn luyện. Nếu như bản thân mỗi người không tự rèn luyện cho mình có một nghị lực, một sức mạnh tiềm tàng thì sẽ khó có thể đương đầu với tất cả những khó khăn phía trước. Điều này đáng suy nghĩ nhất đối với những người trẻ tuổi. Là những người đang bước vào cuộc đời, còn nhiều những bỡ ngỡ, mỗi khó khăn đối với một người từng trải là bình thường thì với người chưa có kinh nghiệm trong cuộc sống có thể trở nên vô cùng phức tạp. Nếu như không tự rèn luyện nghị lực cho mình thì người đó sẽ dễ dàng bị gục ngã và có thể không bao giờ có thể gượng dậy được nữa. Ta nhớ đến tấm gương của một người thầy giáo tật nguyền mang tên Nguyễn Ngọc Kí. Tạo hoá đã tỏ ra bất công khi trao cho ông một thân thể không toàn vẹn. Khát khao đi học để trở thành người có ích nhưng đôi tay lại bị tật nguyền, bằng nghị lực, ông đã không chỉ vượt qua mặc cảm tự ti về chính bản thân mình, mà còn vượt qua nổi đau đớn về thể xác cũng như những khó khăn trong suốt thời gian học tập để rèn luyện cho đôi chân có thể cầm bút, viết nên những dòng chữ run rẩy đầu tiên. Cứ thế, cố gắng, từng ngày, từng ngày một, Nguyễn Ngọc Kí không chỉ viết thành thạo mà còn có thể làm mọi việc bằng đôi chân khéo léo. Và trở thành người thầy giáo được quí trọng đó là phần thưởng xứng đáng cho con người có nghị lực phi thường. Đó sẽ là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo, đủ nghị lực để tránh xa những cám dỗ, để vượt qua những khó khăn trong cuộc sống, trong học tập của chính bản thân mình. Trong hoàn cảnh đất nước ngày càng phát triển, vai trò của thế hệ trẻ không chỉ là góp tay vào xây dựng đất nước mà còn phải đưa đất nước sánh vai cùng với các nước trên thế giới. Khi ấy, mỗi người trẻ tuổi không chỉ phải nỗ lực học tập, nâng cao hiểu biết, trình độ học vấn mà càng cẩn phải hình thành và bồi dưỡng ở bản thân nghị lực lớn, trở thành người có ích cho xã hội.

Số phận con người” là bản anh hùng ca của con người trước sự phũ phàng của số phận, bản anh hùng ca tôn vinh nghị lực phi thường vượt lên trên hoàn cảnh. Thông qua hình tượng nhân vật trung tâm Xô-cô-lốp, tác phẩm mang đến cho chúng ta bài hoc lớn về nghị lực trong cuộc sống. Điều này đặc biệt có ý nghĩa đối với thế hệ trẻ, những con người sẽ là chủ nhân tương lai của đất nước. Có nghị lực, chúng ta sẽ có sức mạnh để vượt qua tất cả bởi “Trên đời này làm gì có con đường cùng mà chỉ có những ranh giới. Điều quan trọng là phải có đủ sức mạnh để vượt qua những ranh giới ấy” (Nguyễn Khải).

Bài văn mẫu 2

Số phận con người là một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất của nhà văn Nga Sô-lô-khốp. Tác phẩm nói về cuộc đời và số phận của những con người nhỏ bé, những hạt cát vô danh trong cuộc đời rộng lớn, thông qua câu chuyện ta không chỉ đồng cảm với số phận của những con người nhỏ bé bị dòng đời vùi dập, che lấp mà còn tìm thấy cho riêng mình những bài học vô cùng quý giá, mà một trong số đó chính là bài học về nghị lực và tuổi trẻ.

Tác phẩm “Số phận con người” xoay quanh hai nhân vật chính, đó là Sô-cô-lốp và bé Va-ni-a. Đó đều là những con người nhỏ bé có số phận bất hạnh, nhưng họ cũng là những con người có tình thương sâu sắc, có nghị lực mạnh mẽ để vượt lên mọi nghịch cảnh, những đau khổ, khắc nghiệt mà cuộc sống mang lại cho họ. Sô-cô-lốp và Va-ni-a là hai con người, hai số phận hoàn toàn khác nhau, điểm chung duy nhất của họ là họ đều đơn độc, đều khao khát tình thương. Chính sợi dây tình thương đã gắn kết hai con người nhỏ bé ấy lại với nhau. Những nỗ lực vươn lên cuộc sống của họ khiến cho chúng ta cảm phục và tôn trọng.

Sô-cô-lốp từng là một người lính trong đội quân Hồng quân Liên Xô, từng hết mình chiến đấu chống phát xít Đức, giải phóng cho đất nước của mình. Sô- cô- lốp có gia đình gồm vợ và một người con trai và con gái, nhưng trong một trận tấn công của quân phát xít thì vợ và con gái của Sô-cô-lốp bị bom đạn chiến tranh làm cho mất mạng. Sô-cô-lốp chỉ còn một người con trai, đó cũng chính là người con thương yêu, niềm tự hào và mục đích sống của Sô-cô-lốp. Nhưng số phận trớ trêu thay, vào ngày Hồng quân Liên Xô giải phóng thủ đô Matxcova cũng là khi người con trai bị bắn chết.

Hòa bình lập lại nhưng Sô-cô-lốp lại trở thành một con người vô cùng đáng thương, ông đơn độc, lẻ loi và mất hết ý nghĩa của cuộc sống. Sự tồn tại của Sô-cô-lốp giờ đây chỉ đơn thuần là duy trì sự sự sống mà không còn bất cứ một mục đích, một ý nghĩa sống nào. Ông làm nghề lái xe làm công việc kiếm ăn qua ngày, trong một lần lái xe ông đã vô tình gặp cậu bé Va-ni-a, cuộc gặp gỡ định mệnh này cũng đã thay đổi hoàn toàn cuộc sống của ông, làm cho cuộc sống vốn vô vị ấy trở nên có ý nghĩa hơn.

Cậu bé Va-ni-a là một cậu bé mồ côi cả cha lẫn mẹ, cậu bé một mình sống côi cút, leo lắt qua ngày, cậu sống bằng những đồ ăn thừa mà mình kiếm được trên đường. Cuộc sống đáng thương, nghèo khổ nhưng cậu bé vẫn mạnh mẽ sống, mạnh mẽ tồn tại, chính sự kiên cường của cậu bé đã khiến cho Sô- cô- lốp cảm động và quyết định nhận nuôi Va- ni- a. Ấn tượng đầu tiên của Sô- cô- lốp về Va- ni- a đó chính là một cậu bé chừng năm, sáu tuổi, quần áo rách tướp, mặt dính đầy nước dưa hấu.

Cảm động trước hoàn cảnh đơn độc của cậu bé, nhận thấy cậu bé Va-ni-a cũng giống mình, là những con người bị số phận vùi dập nên Sô- cô- lốp đã quyết định nhận nuôi Va-ni-a. Giây phút Va-ni-a cất tiếng gọi cha là khi ta rơi nước mắt vì cảm động, hai con người bất hạnh đã tìm kiếm được sự đồng cảm và nguồn động lực ở đối phương. Nếu như Va- ni-a tìm được một người cha, một gia đình mà cậu bé hằng mơ ước thì Sô-cô-lốp lại tìm lại được ý nghĩa của cuộc sống, bởi giờ đây đã có người để anh yêu thương, có người cùng anh vượt qua những trái ngang của số phận.

Chiến tranh tuy đi qua nhưng những đau thương của chiến tranh để lại thì vẫn còn mãi, vẫn mãi day dứt trong tâm hồn của con người, cả Sô-cô-lốp và Va-ni-a đều là nạn nhân đáng thương nhất, họ mất đi tất cả những người thân, sống một cuộc đời cô độc đến khi họ vô tình gặp mặt nhau. Sự kiên cường, mạnh mẽ vươn lên số phận của Sô- cô- lốp và Va-ni-a khiến cho chúng ta cảm phục bởi họ đã mạnh mẽ, kiên trì vượt lên tất cả, học chiến thắng số phận bằng chính tình thương yêu và nghị lực mạnh mẽ của mình.

Sô-cô-lốp dù mất đi tất cả những người mà anh thương yêu, ngay cả người con trai mà anh ta coi là mục đích sống của đời mình cũng hi sinh vào giây phút chiến thắng cuối cùng. Sô-cô-lốp vẫn mạnh mẽ sống, khát khao yêu thương vẫn luôn tồn tại nên khi gặp Va-ni-a anh mới có quyết định nhanh chóng và dứt khoát như vậy. Va-ni-a là một đứa trẻ ngây thơ, trong sáng, em luôn khao khát tình yêu của cha mẹ, khi được Sô-cô-lốp nhận nuôi em đã vui mừng chấp nhận và còn nói ra những lời khiến chúng ta cảm thấy đau lòng “Sao bây giờ ba mới tìm con”.

Qua cuộc sống và số phận của hai nhân vật Sô-cô-lốp ta có thêm những bài học quý giá về nghị lực và tuổi trẻ. Đó chính là những yếu tố làm cho con người trở nên mạnh mẽ, giúp con người khẳng định vai trò và sự tồn tại của mình trong xã hội. “Nghị lực” là nguồn nội lực từ bên trong, đó là những quyết tâm, những nguồn sức mạnh khiến cho con người có thể vượt qua mọi khó khăn của cuộc sống, vươn lên số phận để khẳng định mình.

Nghị lực giúp cho con người thực hiện được những điều mà mình mong muốn, tiếp cho con người thêm sức mạnh, niềm tin và sự kiên trì để vượt qua mọi thử thách, biến cố mà cuộc sống đặt ra cho mỗi người. Có nghị lực, con người sẽ có điều kiện phát huy mọi năng lực vốn có trong con người của mình, hiệu quả của công việc do đó cũng sẽ được phát huy một cách tối đa. Hơn nữa, có nghị lực cũng khiến cho con người có niềm tin mạnh mẽ vào cuộc sống, khi đã có niềm tin và nghị lực thì dù bất cứ khó khăn nào cũng không thể làm khó được con người.

Nói về nghị lực của con người cũng như vai trò của nó trong cuộc sống, chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã nhấn mạnh qua bài thơ sau:

Không có việc gì khó

Chỉ sợ lòng không bền

Đào núi và lấp biển

Quyết chí ắt làm nên”

“Tuổi trẻ” lại chính là phần đời đẹp nhất của con người, đó là khoảng thời gian con người có nguồn năng lượng dồi dào, mạnh mẽ nhất. Tuổi trẻ gắn liền với những thử thách, với những đỉnh cao cần chinh phục. Tuổi trẻ khiến cho con người có nguồn sức mạnh để thực hiện những mục đích tưởng chừng như là không thể thực hiện, có nguồn năng lượng dồi dào để chinh phục mọi thử thách trong cuộc sống của con người. Nghị lực luôn gắn liền với tuổi trẻ, chúng luôn song hành và bổ trợ cho nhau.

Bởi vậy, con người trong hiện tại muốn thành công và chinh phục những ước mơ, hoài bão mà mình đặt ra hãy nỗ lực hết sức lực, không chỉ tận dụng những yếu tố cơ hội khách quan mà hãy phát huy cả những yếu tố chủ quan trong chính con người của mình, như vậy thành công ắt sẽ đạt được và ta sẽ trở thành những người chinh phục mạnh mẽ nhất.

0