Nghị luận về hiện tượng xã hội qua câu”Được sinh ra trên đời đã là một niềm hạnh phúc”
Đề bài:Nghị luận về hiện tượng xã hội qua câu”Được sinh ra trên đời đã là một niềm hạnh phúc” Bài làm Bữa cơm hôm ấy, tôi chẳng nhớ nổi điều gì đã khơi mào câu chuyện, chỉ biết mẹ kể về những ngày xưa khó nghèo, bố phải đi làm xa. Đang mùa mưa bão mà nhà thì dột, bí quá, mẹ đánh liều vác cả bụng to ...
Đề bài:Nghị luận về hiện tượng xã hội qua câu”Được sinh ra trên đời đã là một niềm hạnh phúc” Bài làm Bữa cơm hôm ấy, tôi chẳng nhớ nổi điều gì đã khơi mào câu chuyện, chỉ biết mẹ kể về những ngày xưa khó nghèo, bố phải đi làm xa. Đang mùa mưa bão mà nhà thì dột, bí quá, mẹ đánh liều vác cả bụng to trèo lên sửa mái. Mẹ chép miệng: “nghĩ lại kể cũng liều, lần ấy mà ngã thì đi ...
Đề bài:Nghị luận về hiện tượng xã hội qua câu”Được sinh ra trên đời đã là một niềm hạnh phúc”
Bài làm
Bữa cơm hôm ấy, tôi chẳng nhớ nổi điều gì đã khơi mào câu chuyện, chỉ biết mẹ kể về những ngày xưa khó nghèo, bố phải đi làm xa. Đang mùa mưa bão mà nhà thì dột, bí quá, mẹ đánh liều vác cả bụng to trèo lên sửa mái. Mẹ chép miệng: “nghĩ lại kể cũng liều, lần ấy mà ngã thì đi cả mẹ lẫn con”. Tôi hỏi:
– Thế lúc ấy mẹ đang mang đứa nào?
– Con chứ ai!
Nghe thế, tôi chợt thấy vui kì lạ, như thể phát hiện ra điều gì. Hóa ra mình phúc lớn mệnh lớn, từ bé đã cùng mẹ trèo mái nhà mà không sao. Hóa ra tôi, ngay từ đầu đã có duyên với cuộc sống này đến thế. Được sinh ra đúng là một niềm hạnh phúc.
Hạnh phúc lắm chứ, bởi có ai được sinh ra một cách dễ dàng đâu. Mỗi người mẹ mang nặng đẻ đau 9 tháng 10 ngày, ấp ủ trong lòng đứa con dần khôn lớn. Trong cõi lòng ấm áp của người mẹ, một tế bào lớn dần lên thành một sinh linh. Kì diệu thay quá trình ấy. Tôi có cảm giác nó xảy ra như một phép màu. Mà hình như cũng cần thêm chút cơ duyên. Như tôi đã bắt duyên với cuộc đời này. Như hàng triệu con người đã bắt duyên và sinh ra trên cuộc đời này. Nhưng cũng có hàng triệu thai nhi, có lẽ vì không nắm được sợi tơ ấy mà bị tước đi quyền sống. Ở Việt Nam có những nơi người ta gọi là ngọn đồi của những thiên thần, nhưng là thiên thần bị cha mẹ – vì một lí do nào đó – nhẫn tâm bỏ rơi. Hàng ngàn nấm mồ tí xíu trắng toát nằm lạnh lẽo với chút khói nhang vương vất và tấm lòng xót thương từ những người hảo tâm không ruột rà máu mủ. Không thể thống kê hết mỗi năm có bao nhiêu hài nhi bị phá bỏ, chỉ biết một phần trong số đó đã được đưa về nghĩa trang này, kín những đồi rộng. Thế nên, được sinh ra là đã là một sự may mắn, là hạnh phúc hơn biết bao đứa trẻ chưa từng một lần chạm tới cuộc đời.
Niềm hạnh phúc ấy không của riêng ai. Khi đứa trẻ cất tiêng khóc chào đời là khi cả bố mẹ, ông bà… mỉm cười hạnh phúc. Mỗi đứa trẻ mang trong nó sự sống tiếp nối của cả gia đình, là kết tinh của yêu thương, là mảnh ghép cho tròn tổ ấm. Bạn có để ý không, bàn tay trẻ sơ sinh nắm rất chặt. Ấy là để níu giữ yêu thương dành cho bé. Lớn dần lên, bàn tay ấy mở ra, để nắm lấy, để đan vào một bàn tay khác, để không chỉ nhận mà còn biết trao đi yêu thương. Bàn tay ấy cùng cha mẹ vun đắp gia đình. Tôi chợt nghĩ làm cha làm mẹ có lẽ là một ngưỡng cửa trưởng thành nữa trong đời người. Mỗi đứa trẻ trong sáng như một tấm gương mà soi vào đó, cha mẹ chú trọng hơn tới lời nói và việc làm. Có không ít trường hợp cha mẹ vì con mà tiếp tục gắn bó hoặc chí ít là vì con mà bình tâm hơn, nhẫn nại hơn khi giải quyết mâu thuẫn gia đình. Một người sinh ra có lẽ còn là để làm đầy thêm, ý nghĩa thêm cuộc sống của nhiều người khác.
Nhưng hơn hết, được sinh ra – đó là món quà ý nghĩa nhất đối với bản thân mỗi người. Vì khi bạn chào đời, cả thế giới mở ra. Hãy suy ngẫm một chút về những gì bạn từng trải qua, những gì đang có và những gì bạn có thể đạt được, cả yêu thương, cả hạnh phúc… Nếu bạn chưa từng ra đời, tất cả chỉ là con số 0. Hoặc giả như món quà sự sống bị tước mất. BÙM! Tối đen, và bạn mất tất cả. Niềm hạnh phúc ấy quý giá lắm nên con người luôn gắng sức giữ gìn. Y học phát triển để làm gì nếu không phải vì kéo dài món quà sự sống?
Được sinh ra là một niềm hạnh phúc nhưng không phải tất cả. Đó chỉ là khởi đầu để chúng ta bắt tay xây dựng hạnh phúc cho riêng mình. Cuộc sống có bao giờ là dễ dàng? Cái gì cũng có giá của nó. Phải trải qua khó khăn sóng gió, bạn mới có thể trưởng thành hơn, cứng cáp hơn để tìm kiếm và bảo vệ hạnh phúc. Nhiều người than thân trách cứ số phận họ không may mắn, rằng cuộc đời bất công. Xin hãy nghe Dave Pelzer kể lại cuộc đời – câu chuyện về một vụ bạo hành trẻ em khủng khiếp nhất trong lịch sử nước Mĩ. Dave Pelzer đã bị bạo hành dã man bởi chính người mẹ ruột – cũng từng là một nạn nhân của bạo hành gia đình. Lớn lên, Dave đã gắng hết sức để thoát khỏi bóng đen quá khứ, không đi lại con đường của người mẹ, sống một cuộc đời khác, trở thành phi công như mơ ước, rồi viết tự truyện và tích cực tham gia vào các chiến dịch chống bạo hành gia đình. Cùng một hoàn cảnh nhưng người mẹ và đứa con đã hành xử khác nhau và rồi cuộc đời họ cũng khác biệt. Hãy nắm chặt tay lại, bạn sẽ thấy nhìn một nửa đường sống nằm gọn trong bàn tay. Nghĩa là cuộc đời chỉ có thể quyết định được một nửa. Nửa còn lại là do chính bạn, phụ thuộc vào cách bạn hành động.
Một bộ phận không nhỏ trong giới trẻ hiện nay dường như đã quên mất điều này. Vấp váp một chút, không vừa ý một chút, họ lại gầm lên “Tại sao tôi lại sinh ra trên đời này?”, “giá như tôi chưa từng sinh ra”, “giá như tôi biến mất”… Đó là những con người lành lặn về thể xác mà què cụt về tâm hồn. Những chàng trai, cô gái hễ không vừa lòng là đã có ý định từ bỏ cuộc sống, vì nhu cầu cá nhân mà sẵn sàng ra tay hủy hoại tất cả: học sinh lớp 8 tự tử vì tình; hai mươi tuổi giết bạn gái vì bị từ chối tình yêu… có quá nhiều con người nhẫn tâm chối bỏ cuộc đời mình, kéo theo nhiều số phận khác. Họ không biết hay cố tình không biết có rất nhiều người đang phải đấu tranh từng giây phút để được sống dù khó khăn đến mấy? Như hiệp sĩ công nghệ thông tin Nguyễn Công Hùng – một nạn nhân chất độc da cam – đã vượt qua mặc cảm cá nhân, góp phần tạo công ăn việc làm cho biết bao người khuyết tật. Họ mang trên mình những thua thiệt, những đớn đau nhưng họ lại đang sống một cách mạnh mẽ và có ý nghĩa nhất. Với họ, được sinh ra thực sự là một niềm hạnh phúc để bắt đầu cho hạnh phúc được sinh sôi.
Đừng tự vứt bỏ cuộc sống của mình vì một khi bạn đã quay lưng, cuộc sống cũng sẽ quay lưng với bạn. Cái chết khi ấy không phải sự giải thoát mà đường cùng, vì nó đặt dấu chấm hết cho khó khăn nhưng cũng là chấm hết cho tất cả. Mà chết đâu phải là hết. Đằng sau cái chết còn lại nỗi đau. Một người ra đi sẽ để lại khoảng trống không thể lấp đầy trong lòng người ở lại. Hãy cố gắng sống dù có những khi cuộc sống trở nên không thể chịu đựng nổi. Và đồng thời hãy nhớ trân trọng sự sống của người khác. Đừng tự cho mình quyền phán quyết sự sống của bất kì ai.
Được sinh ra là một niềm hạnh phúc nhưng hạnh phúc ấy không kéo dài mãi mãi. Đời người hữu hạn, sinh lão bệnh tử là chuyện đương nhiên. Mỗi giây mỗi phút đều là đáng quý. Hãy sẵn sàng đương đầu với thử thách, sống sao cho ý nghĩa. Nhưng cuộc sống chỉ thực sự trọn vẹn khi bạn trao đi yêu thương. Để chính bạn trở thành một phần ý nghĩa trong cuộc sống của người khác. Vì tất cả chúng ta đều liên quan đến nhau. Vì ngay từ khi chào đời, bạn đã được kết nối trong những mối quan hệ xã hội ngày càng rộng mở.
Hãy sống sao cho khi bạn chào đời, bạn khóc, mọi người cười; còn khi bạn ra đi, bạn cười còn mọi người khóc.