03/06/2017, 18:08
Nghị luận về câu tục ngữ: “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”
Trong cuộc sống hàng ngày, để đánh giá một đồ vật, một con người đạt mức độ chính xác, chúng ta nên dựa trên nguyên tắc hay cách thức nào? Đây cũng là vấn đề xưa nay được nhiều người quan tâm. Cha ông cũng từng có ý kiến hướng dẫn việc ấy trong câu tục ngữ: “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”. Ta nên hiểu ...
Trong cuộc sống hàng ngày, để đánh giá một đồ vật, một con người đạt mức độ chính xác, chúng ta nên dựa trên nguyên tắc hay cách thức nào? Đây cũng là vấn đề xưa nay được nhiều người quan tâm. Cha ông cũng từng có ý kiến hướng dẫn việc ấy trong câu tục ngữ: “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”.
Ta nên hiểu câu này như thế nào và đánh giá nó ra sao? Phải chăng đây chính là kinh nghiệm quý báu mà ông cha của chúng ta từ nghìn xưa đã để lại cho con cháu suy ngẫm và học hỏi. Câu tục ngữ dung hai sự vật “gỗ” và “nước sơn” để làm một phép so sánh. “Gỗ” là chất liệu để làm đồ dùng như tủ, giường, bàn,ghế… Còn “nước sơn” là chất liệu để quét lên lớp bên ngoài cho các đồ dung ấy thêm đẹp thêm bền. Nhiều người chỉ chú ý đến lớp nước sơn bong nhoáng bề ngoài mà đã mua phải một đồ dung bằng gỗ xấu hoặc gỗ mọt. Ông cha ta với kinh nghiệm sống của mình đã kết luận: “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”. Đó là hiểu theo nghĩa đen. Còn nghĩa bóng của câu tục ngữ thì rộng hơn rất nhiều. Nó bao hàm một lời khuyên về cách nhìn nhận, đánh giá một sự vật, một con người đừng nên để cái vỏ hình thức hào nhoáng bên ngoài mê hoặc mà phải coi trọng cái thực chất bên trong. Ngoài ra, câu này còn bao hàm một lời khuyên về cách sống; hãy sống chân thật bằng thực chất của mình, chân thành trong cách đối nhân xử thế, đừng ba hoa, khoác lác, lòe đời bằng cái vỏ hình thức giả tạo, “ chớ khéo đem cái mã bề ngoài để che đậy cái sơ sài bên trong”.
Như mọi câu tục ngữ khác, câu tục ngữ này cũng là đúc rút kinh nghiệm của cha ông chúng ta, trải qua biết bao thế hệ, với bao thành bại, nên hư, vấp váp mới đúc rút thành chân lí : “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”. Khi nhìn nhận đánh giá một sự vật, ta phải thấy rằng giữa hình thức bên ngoài và nội dung bên trong , không phải lúc nào cũng thống nhất mà thông thường thì những sự vật có thực chất kém cỏi lại thường mang một hình thức lôi cuốn hấp dẫn. Một vật dụng như chiếc tủ, chiếc giường, chiếc bàn bằng gỗ tạp lại được sơn phết, tô điểm với nước sơn bóng nhoáng, màu mè. Kẻ vô tài thường làm ra vẻ lịch thiệp, hiểu biết. Những kẻ “miệng nam mô bụng một bồ dao găm” vẫn tồn tại phổ biến trong xã hội. Do đó, trong tiếp xúc thường ngày với mọi sự vật, mọi con người phải chú trọng vào chất lượng bên trong của sự vật, vào vẻ đẹp tâm hồn của con người chứ đừng vì bóng sắc hấp dẫn bên ngoài mà quên đi cái mục rỗng, thối nát, xấu xa và vô vị bên trong. Bởi vì nghĩ cho kỹ,suy cho cùng, nếu chân giá trị của vật dụng là chất gốc thì chân giá trị của con người chính là đạo đức, tài năng và trí tuệ.
Nhưng cũng không thể chỉ xem trọng nội dung mà lãng quên đi mặt hình thức. Một vật dụng, một món hàng đã có chất lượng tốt, gỗ tốt gỗ quý lại có bao bì hay nước sơn xinh xắn tô điểm, trang trí đẹp đẽ thì giá trị vật dụng ấy, món hàng ấy càng được nâng thêm. Hình thức bên ngoài như thế đã góp phần làm tăng thêm cho giá trị bên trong. Một cái tủ, một chiếc bàn làm bằng gỗ đỏ hay bằng lăng mà lại còn được sơn bóng nhoáng hẳn sẽ vừa ý vừa lòng người mua. Một con người cũng vậy, có học vấn, đạo đức lại nói năng lịch sự thanh nhã, ăn mặc gọn gàng, sạch đẹp dễ làm ta thêm quý trọng hơn hẳn người tuy cũng có tài năng, đạo đức nhưng ăn nói thô lỗ, cọc cằn, áo quần xộc xệch. Đúng là cái đẹp lí tưởng phải là hài hòa giữa nội dung và hình thức.
Vậy để đánh giá và nhận xét một vật dụng, một con người, chúng ta phải dựa trên cơ sở nội dung lẫn hình thức. Hai mặt này kết hợp và bổ sung cho nhau làm nên giá trị của vật dụng ấy, con người ấy, trong đó nội dung giữ vai trò quyết định. Tóm lại, “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn” không những chỉ giúp ta một phương châm trong cách đối nhân xử thế. Không nên dựa dẫm vào cái hình thức bề ngoài vay mượn, không phải của mình để vênh vang tự phụ với mọi người rồi không chịu tu dưỡng rèn luyện. Cũng đừng nên quá chú trọng hình thức bên ngoài, trang điểm mặt mày, chưng diện quần áo mà quên đi chân giá trị của con người là đạo đức, trí tuệ và tài năng. Bài học mà câu tục ngữ này dạy ta thật đúng đắn và sâu sắc.