03/06/2017, 23:30

Nét riêng của Nguyên Đình Thi trong cảm nhận về đất nước và mùa thu qua bài thơ Đất nước.

Đất nước của Nguyễn Đình Thi ra đời khá đặc biệt. Đó là sự ghép nối các mảng tâm trạng khác nhau, mảng nọ đặt cạnh mảng kia trong một trường cảm xúc đồng nhất về đất nước. Nguyễn Đình Thi, bằng những cảm nhận riêng của mình đã đóng góp vào đề tài đất nước những nét riêng, độc đáo cả về hình tượng ...

Đất nước của Nguyễn Đình Thi ra đời khá đặc biệt. Đó là sự ghép nối các mảng tâm trạng khác nhau, mảng nọ đặt cạnh mảng kia trong một trường cảm xúc đồng nhất về đất nước. Nguyễn Đình Thi, bằng những cảm nhận riêng của mình đã đóng góp vào đề tài đất nước những nét riêng, độc đáo cả về hình tượng đất nước và mùa thu đất nước.

Mảng đầu bài thơ là cảm xúc từ một buổi sáng mùa thu gợi nhớ những ngày thu đã xa của Hà Nội. Mảng thứ hai là tâm trạng trước hiện thực của mùa thu Việt Bắc. Mảng thứ ba là hình ảnh đất nước trong đau thương và bất khuất. Cái nhất quán của ba mảng sáng tác là luồng sinh khí chuyển động rõ rệt trong “cơ thể” bài thơ. Nó biểu hiện khi ở con người, khi tràn sang cảnh vật tạo nên chỉnh thể đất nước. Cái mạch luồng chuyển động ấy sôi trào qua những từ ngữ chỉ động thái: rì rầm – vọng nói về – nung nấu – bồn chồn – ngời lên – bật lên – cuộn lên – văng vẳng – đứng lên – người lên như nước vỡ bờ và cuối cùng là một sức mạnh quật khởi: 
 
“Nước Việt Nam từ máu lửa 
Rũ bùn đứng dậy sáng lòa”
 
Điệu hồn của nhà thơ là điệu hồn của một người chiến sĩ đã đi dọc chiều dài của cuộc kháng chiến chống Pháp “từ những năm đau thương chiến đấu” đến ngày chiến thắng huy hoàng. Chính điều này đã làm nên phần hồn của bài thơ.
 
Ta đã từng gặp trong thơ rất nhiều cảnh sắc mùa thu. Đó là những bức tranh thu tĩnh lặng nơi đồng bằng Bắc Bộ trong thơ Nguyễn Khuyến (Thu điếu, Thu vịnh, Thu ẩm). Đó là một mùa thu tàn phai, mất mát, chia lìa, rét mướt trong thơ Xuân Diệu (Đây mùa thu tới). Đó là bức tranh miền trung du trong khoảnh khắc giao mùa trong thơ Hữu Thỉnh (Sang thu)… Nếu nhà thơ Hữu Thỉnh cảm nhận thời điểm thu sang ở tín hiệu “hương ổi” “phả vào trong gió se” thì Nguyễn Đình Thi lại cảm nhận mùa thu ở cảm giác mát trong, ở gió heo may và nhất là “hương cốm mới”:  
 
“Sáng mát trong như sáng năm xưa 
Gió thổi mùa thu hương cốm mới”.
 
Thơ thu của Nguyễn Đình Thi mang vẻ đẹp có tính trường cửu của mùa thu xứ sở là ở cảm giác “mát trong” thấm thía vào hồn. Hồn thơ Nguyễn Đình Thi gắn bó sâu nặng với  đất trời Thăng Long, Đông  Đô, với Hồ Gươm, Bút Tháp, với năm cửa ô và ba mươi sáu phố phường. Ngay cả một buổi sáng “mát trong” cũng phảng phất một chút hồn Hà Nội. Với bài thơ Đất nước, lần đầu tiên, Nguyễn Đình Thi đưa vào thơ Việt Nam một mùa thu đô thành vừa quen vừa lạ: tiết thu “mát trong”, khí thu “chớm lạnh”, thoảng hương cốm trong gió heo may. Những chi tiết gợi nhiều hơn tả cứ có cái gì như nhớ nhung xa vắng. Không sống ở Hà Nội nhiều, không yêu Hà Nội lắm chắc không dễ nắm bắt được cái không gian ấy, cái khoảnh khắc của ngàn đời ấy. Thơ Nguyễn Đình Thi có dáng trí thức thành phố chính là ở những chi tiết như thế: 
 
“Những phố dài xao xác hơi may”
 
Gió thổi rất nhẹ trên những phố dài cổ kính, chưa phải là “heo may” mà mới chỉ là “hơi may” – cái hơi thở dịu dàng làm xao xuyến tâm hồn của mùa thu. Âm điệu buồn của câu thơ gợi cho người đọc cảm giác các đường phố như dài thêm và đượm vẻ u trầm đặc biệt, thích hợp cho hình ảnh “người ra đi” xuất hiện: 
 
“Người ra đi đầu không ngoảnh lại 
Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy”
 
Mùa thu của Nguyễn Đình Thi khác xa với mùa thu “khuôn vàng thước ngọc” của thơ xưa, cũng không giống cái buồn tê tái của một cái tôi cô đơn trong Đây mùa thu tới của Xuân Diệu. Cũng là cảnh đượm buồn nhưng đó là cái buồn của những con người ra đi vì nghĩa lớn mà nặng lòng với mùa thu Hà Nội. “Đó là nỗi buồn của một sự đoạn tuyệt lặng lẽ, tự chủ” (Vũ Quần Phương).
 
Trong bài thơ còn có một cảnh thu khác – thu của thực tại – thu ở chiến khu Việt Bắc. Giọng thơ vui, câu thơ ngắn như những tiếng reo náo nức. Cái phấn chấn hồ hởi tràn ngập không gian. Tâm thế của nhân vật trữ tình là “đứng vui nghe giữa núi đồi”. Trong tâm thế đó, thi nhân cảm nhận bao điều đổi khác của mùa thu: “phấp phới”, “thu thay áo mới”, “trong biếc”, “thiết tha”… thiên nhiên cùng tâm hồn con người hòa điệu lên tiếng ngân nga, vang vọng. Cách cảm nhận này bộc lộ nét tính tế trong một tâm hồn thơ tài hoa. Mùa thu đẹp, trời thu trong sáng bởi đôi mắt và tấm lòng người thu đầy vui vẻ, phấn khởi, tin tưởng.
 
Từ cảm hứng về mùa thu đất nước, bài thơ bắt mạch vào cảm hứng về đất nước một cách tự nhiên. Thật ra, cảm hứng về mùa thu cũng chính là một nét trong cảm nhận về đất nước. Từ mùa thu, đến đây, tác giả bộc lộ trực tiếp những suy ngẫm về đất nước.
 
Cảm hứng về đất nước là nguồn cảm hứng bất tận của muôn đời, nhất là trong những năm tháng đất nước chống giặc ngoại xâm. Từ xưa đến nay đã có không ít những định nghĩa về đất nước. Với Lý Thường Kiệt, đất nước là định phận rành rành, là “vua”. 
 
“Nam quốc sơn hà Nam đế cư 
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư”  
(Sông núi nước Nam vua Nam ở 
Rành rành định phận ở sách trời)
(Lý Thường Kiệt – Nam quốc sơn hà)
 
Với Nguyễn Trãi, đất nước là văn hiến, núi sông, phong tục:
 
“Như nước Đại Việt ta từ trước 
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu  
Núi sông bờ cõi đã chia 
Phong tục Bắc, Nam cũng khác”.
(Nguyễn Trãi – Bình Ngô đại cáo)
 
Với Nguyễn Khoa Điềm, một nhà thơ trẻ trưởng thành trong kháng chiến chống Mĩ thì đất nước là muôn mặt đời thường (cái kèo, cái cột, hạt gạo, miếng trầu,…) là những gì quanh ta và trong ta (Trong anh và em hôm nay đều có một phần đất nước), là không gian (địa lí), thời gian (lịch sử) vừa cụ thể hữu hình vừa trừu tượng vô hình, và bao trùm lên hết thảy là một “đất nước của nhân dân, đất nước của ca dao thần thoại”.
 
Trong tâm thế làm chủ đất nước, Nguyễn  Đình Thi đã cảm nhận một hình tượng đất nước thật độc đáo, mới mẻ. Nhà thơ đã rọi vào hình tượng đất nước một cái nhìn đầy phát hiện với những hình ảnh, ngôn ngữ mới lạ: 
 
“Trời xanh đây là của chúng ta 
Núi rừng đây là của chúng ta 
Những cánh đồng thơm mát 
Những ngả đường bát ngát 
Những dòng sông đỏ nặng phù sa”.
 
Bằng cái nhìn thị giác, thi nhân đã phát hiện đất nước qua “trời xanh”, “núi rừng”, “ngả đường”, “cánh đồng”, “dòng sông”, tức là những đường nét, hình khối, màu sắc cụ thể. Sự cảm nhận này đưa đến một đất nước hữu hình.
 
Bằng cái nhìn tâm linh, thi nhân dẫn dắt người đọc tới một phương diện khác: 
 
“Nước chúng ta 
Nước những người chưa bao giờ khuất  
Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất 
Những buổi ngày xưa vọng nói về”
 
Một định nghĩa vô hình chỉ về một đất nước vô hình. Điều này không phải ai cũng cảm nhận được. Chỉ có tình yêu, sự gắn bó với con sông đất nước cùng chiều sâu của xúc cảm, suy tư mới cảm nhận được chiều sau, bề dày trong lịch sử đất nước. Như vậy, cảm nhận về  đất nước của Nguyễn Đình Thi không chỉ hữu hình mà còn vô hình, một đất nước vừa quen trong truyền thống cha ông vừa mới lạ trong cách biểu  đạt. “Đêm  đêm rì rầm trong tiếng đất / Những buổi ngày xưa vọng nói về”, cái trừu tượng trong tiếng nói cha ông bỗng hiện ra thật rõ ràng và không ngừng gây ấn tượng thẩm mĩ cho người đọc. Ta như nghe tiếng đồng vọng của hơi thở đất đai trong hơi thở con người, tiếng quá khứ và tiếng hiện tại khiến mảnh đất ta đang sống bỗng thiêng liêng, thân thiết bội phần.
 
Linh hồn đất nước là những con người. Thoạt đầu là: “Người ra đi đầu không ngoảnh lại” – những con người đang bước tiếp truyền thống nghìn đời của cha ông. Tiếp đến là: “những người chưa bao giờ khuất”, rồi những người chiến sĩ “Những  đêm dài hành quân nung nấu”. Khái quát hơn là “Ôm đất nước những người áo vải / Đã đứng lên thành những anh hùng” – những con người bình dị của đất nước xung trận với sức mạnh bất khuất. Chính họ đã tạo nên dáng hình đẹp đẽ, rực rỡ của đất nước.
 
Cuối cùng, hình tượng con người đất nước quy tụ, hòa vào hình ảnh tổng quát tạo thành một khối người: “Người lên như nước vỡ bờ”. Đó là hình tượng tổng thể của một nhân dân anh hùng, một đất nước anh hùng.
 
Gương mặt Đất nước trong thơ Nguyễn Đình Thi được tỏa sáng bằng vẻ đẹp của thời đại. Đó là một đất nước hiện đại trong thế kỉ XX – đất nước từ sau cuộc Cách mạng tháng Tám 1945 đi suốt chiều dài cuộc kháng chiến chống Pháp chín năm anh hùng, bất khuất. Một đất nước từ đau thương đến chói sáng huy hoàng.
 
Một đất nước được hình dung như một cơ thể mà trên thân mình mang đầy những vết thương chiến tranh: 
 
“Ôi những cánh đồng quê chảy máu  
Dây thép gai đâm nát trời chiều”
 
Những câu thơ giàu giá trị tạo hình. Tác giả dùng thủ pháp ngược sáng của điện ảnh để gây tượng mạnh về một đất nước đau thương trong chiến tranh.
 
Một  đất nước anh hùng bất khuất trong sức sống bất diệt hiện ra với những hình ảnh vừa cụ thể vừa đầy tính khái quát: 
 
“Xiềng xích chúng bay không khóa được 
Trời đầy chim và đất đầy hoa 
Súng đạn chúng bay không bắn được  
Lòng dân ta yêu nước thương nhà”
 
Cứ như thế, tác giả phát triển ý thơ:  đất nước  đau thương mà anh hùng bằng các hình ảnh giàu sức biểu đạt để rồi cuối cùng, một tượng đài đất nước của thời hiện đại bất ngờ sừng sững hiện ra ở khổ thơ độc đáo cuối bài: 
 
“Súng nổ rung trời giận dữ 
Người lên như nước vỡ bờ 
Nước Việt Nam từ máu lửa 
Rũ bùn đứng dậy sáng lòa”
 
Đây là đỉnh cao của cảm xúc, của suy tư về đất nước. Bức chân dung đất nước vừa cụ thể vừa âm vang chiến trận vươn tới hình tượng sử thi hoành tráng giàu sức khái quát. Khổ thơ là một khám phá về chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Nước Việt Nam từ bùn lầy của nô lệ, từ đau thương của lửa máu bứt dậy mạnh mẽ làm nên thiên thần thoại lịch sử chói sáng chiến thắng huy hoàng. Đó chính là chân dung một nước Việt Nam mới chói ngời trên nền của lửa máu, bùn lầy và khói đạn. Một đất nước sừng sững kiêu hãnh giữa thế kỉ XX trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại.
 
Cùng với những bức họa vẽ nên hình tượng đất nước, cùng với những ca khúc hát về đất nước, Đất nước của Nguyễn  Đình Thi đã hoàn chỉnh cái nhìn của một họa sĩ, một nhạc sĩ và một thi sĩ về Đất nước. Đó là những cái nhìn mang tính khám phá, phát hiện, làm giàu cho dòng thơ ca viết về đất nước và làm giàu thêm cho tâm hồn những người con của đất nước.

Gregoryquary

0 chủ đề

23832 bài viết

Có thể bạn quan tâm
0