NATO là gì?
Trong chúng ta, chắc ai cũng đã từng nghe đến cái tên NATO một lần trong đời, nhưng liệu bạn có biết NATO là gì không? Bài viết dưới đây sẽ giải đáp thắc mắc về NATO, mời các bạn cùng tham khảo. NATO là tên tắt của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (tiếng Anh: North Atlantic Treaty ...
Trong chúng ta, chắc ai cũng đã từng nghe đến cái tên NATO một lần trong đời, nhưng liệu bạn có biết NATO là gì không? Bài viết dưới đây sẽ giải đáp thắc mắc về NATO, mời các bạn cùng tham khảo.
NATO là tên tắt của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (tiếng Anh: North Atlantic Treaty Organization; tiếng Pháp: Organisation du Traité de l'Atlantique Nord và viết tắt là OTAN) là một liên minh quân sự thành lập năm 1949 bao gồm Mỹ và một số nước ở châu Âu. Trụ sở chính đặt tại Brussels, Bỉ, và tổ chức thiết lập một liên minh phòng thủ trong đó các nước thành viên thực hiện phòng thủ chung khi bị tấn công bởi bên ngoài.
Logo của NATO.
Mục đích thành lập của NATO
Mục đích thành lập của NATO là để ngăn chặn sự phát triển ảnh hưởng của chủ nghĩa cộng sản và Liên Xô lúc đó đang trên đà phát triển rất mạnh ở châu Âu có thể gây phương hại đến an ninh của các nước thành viên. Việc thành lập NATO dẫn đến việc các nước cộng sản thành lập khối Warszawa để làm đối trọng. Sự kình địch và chạy đua vũ trang của hai khối quân sự đối địch này là cuộc đối đầu chính của Chiến tranh Lạnh trong nửa cuối thế kỷ 20.
Những năm đầu tiên thành lập, NATO chỉ là một liên minh chính trị. Tuy nhiên, do cuộc chiến tranh Triều Tiên tác động, một tổ chức quân sự hợp nhất đã được thành lập. Nghi ngờ rằng liên kết của các nước châu Âu và Mỹ yếu đi cũng như khả năng phòng thủ của NATO trước khả năng mở rộng của Liên Xô, Pháp rút khỏi NATO năm 1966. Năm 2009, với số phiếu áp đảo của quốc hội dưới sự lãnh đạo của chính phủ của tổng thống Nicolas Sarkozy, Pháp quay trở lại NATO.
Sau khi bức tường Berlin sụp đổ năm 1989, tổ chức bị lôi cuốn vào cuộc phân chia nước Nam Tư và lần đầu tiên tham dự quân sự tại Bosna và Hercegovina từ 1992 tới 1995. Sau đó đã thả bom Serbia vào năm 1999 trong cuộc nội chiến ở Kosovo. Tổ chức ngoài ra có những quan hệ tốt đẹp hơn với những nước thuộc khối đối đầu trước đây trong đó nhiều nước từng thuộc khối Warszawa đã gia nhập NATO từ năm 1999 đến 2004.
Ngày 1 tháng 4 năm 2009, số thành viên lên đến 28 với sự gia nhập của Albania và Croatia. Từ sau sự kiện 11 tháng 9 năm 2001, NATO tập trung vào những thử thách mới trong đó có đưa quân đến Afghanistan và Iraq.
Các nước khối NATO được tô màu xanh lá cây.
Chi phí quân sự của NATO chiếm 70% chi phí quân sự thế giới, riêng Mỹ chiếm khoảng 50%, Anh, Pháp, Đức và Ý gộp lại chiếm 15% chi phí quân sự thế giới.
Các thành viên NATO
Thành viên sáng lập
- Anh
- Bỉ
- Bồ Đào Nha
- Canada
- Đan Mạch
- Hà Lan
- Mỹ
- Iceland
- Luxembourg
- Na Uy
- Pháp
- Ý
Thành viên trong chiến tranh Lạnh
- Hy Lạp (18 tháng 2 năm 1952)
- Thổ Nhĩ Kỳ (18 tháng 2 năm 1952)
- CHLB Đức (9 tháng 5 năm 1955)
- Tây Ban Nha (30 tháng 5 năm 1982)
Thành viên Đông Âu sau Chiến tranh Lạnh
- Ba Lan (27 tháng 5 năm 1999)
- Cộng hoà Séc (27 tháng 5 năm 1999)
- Hungary (27 tháng 5 năm 1999)
- Bulgaria (29 tháng 3 năm 2004)
- Estonia (29 tháng 3 năm 2004)
- Latvia (29 tháng 3 năm 2004)
- Litva (29 tháng 3 năm 2004)
- Romania (29 tháng 3 năm 2004)
- Slovakia (29 tháng 3 năm 2004)
- Slovenia (29 tháng 3 năm 2004)
- Croatia (1 tháng 4 năm 2009)
- Albania (1 tháng 4 năm 2009)
NATO ở Châu Âu.
Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập tổ chức vào tháng 2 năm 1952. Năm 1955 Cộng hoà Liên bang Đức (lúc đó chỉ có phần Tây Đức) gia nhập, năm 1990 nước Đức thống nhất mở rộng tư cách thành viên cho vùng lãnh thổ Đông Đức tức Cộng hoà Dân chủ Đức cũ. Tây Ban Nha gia nhập ngày 30 tháng 5 năm 1982. Năm 1999, 3 nước thành viên khối Warszawa cũ gia nhập NATO là Ba Lan, Cộng hoà Séc và Hungary.
Pháp là một thành viên NATO, nhưng năm 1966 đã rút khỏi bộ chỉ huy quân sự. Sau đó tổng hành dinh NATO chuyển từ Paris đến Bruxelles. Tháng 4 năm 2009, Pháp quay trở lại bộ chỉ huy quân sự NATO, trở thành thành viên đầy đủ, chấm dứt 43 năm vắng bóng. Iceland là thành viên duy nhất của NATO không có quân đội riêng vì thế lực lượng quân đội Hoa Kỳ thường trực tại Iceland đảm nhiệm vai trò Lực lượng Phòng vệ Iceland.
Ngày 29 tháng 3 năm 2004, Slovenia, Slovakia, các nước khối Warszawa cũ gồm Bulgaria, Romania, các nước vùng Baltic thuộc Liên Xô trước đây là Estonia, Latvia và Litva chính thức gia nhập NATO. Tháng 4 cùng năm, các nước này lần đầu tiên dự họp hội đồng NATO.
Ngày 1 tháng 4 năm 2009, Croatia và Albania chính thức được kết nạp vào NATO sau 1 năm nộp đơn xin gia nhập.