Não chúng ta phân biệt thật và ảo như thế nào?
Hầu hết chúng ta đều dễ dàng phân biệt được thật và ảo. Chúng ta biết rằng các nhân vật trong tiểu thuyết và phim ảnh chỉ là hư cấu, chúng ta cũng hiểu được rằng các nhân vật lịch sử, dù chúng ta chưa gặp trực tiếp bao giờ, là những con người thật. Tuy nhiên có vẻ như sự khác biệt này thật hiển ...
Hầu hết chúng ta đều dễ dàng phân biệt được thật và ảo. Chúng ta biết rằng các nhân vật trong tiểu thuyết và phim ảnh chỉ là hư cấu, chúng ta cũng hiểu được rằng các nhân vật lịch sử, dù chúng ta chưa gặp trực tiếp bao giờ, là những con người thật. Tuy nhiên có vẻ như sự khác biệt này thật hiển nhiên, các nhà khoa học lại biết rất ít về cơ chế đặc biệt của bộ não chịu trách nhiệm phân biệt giữa các sự kiện thật và không thật.
Mới đây nghiên cứu đã nhận diện được hai vùng của não đặc biệt tích cực hơn khi chúng ta nhìn thấy các nhân vật thật so với khi chúng ta quan sát các nhân vật hư cấu. Hai vùng này – amPFC và PCC – có liên quan đến khả năng phục hồi ký ức tự truyện và suy nghĩ tự tham khảo. Dựa trên phát hiện này, các nhà khoa học đã đưa ra giả thuyết rằng não của chúng ta có thể phân biệt giữa thật và ảo do sự vật thật thường có mức độ liên quan cá nhân nhiều hơn so với các vật ảo.
Một nghiên cứu mới khác đã kiếm chứng giả thuyết cho rằng sự liên quan cá nhân là nhân tố quyết định khả năng phân biệt thật ảo bằng cách sử dụng hình ảnh cộng hưởng nam châm chức năng (fMRI) để so sánh phản ứng của não bộ khi xử lý thông tin về các nhân vật thật và hư cấu. Anna Abraham thuộc Viện khoa học nhận thức và não bộ con người Max Planck tại Leipzig, Đức, cùng với Đại học Giessen tại Giessen, Đức, và D. Yves von Cramon thuộc Viện khoa học nhận thức và não bộ con người Max Planck và Viện khoa học thần kinh tại Cologne, Đức, mới đây đã đăng tải kết quả nghiên cứu của họ trên số ra mới nhất tạp chí PLoS ONE.
Abraham cho biết: “Có lẽ ý nghĩa quan trọng nhất của nghiên cứu chính là việc nó cho phép chúng ta bước gần hơn để hiểu được cái mà tính thực tại giữ lại. Sự khác biệt rõ ràng giữa hiện thực và hư cấu mà chúng ta sử dụng trong cuộc sống thường ngày dường như đã trở nên quá giả dị, không mang tính điển hình trong các kinh nghiệm mang tính hiện tượng của chúng ta. Bản thân từ “thực” đã không mang nhiều khả năng giải thích, bởi nó quy định những thứ tồn tại một cách khách quan”.
Thí nghiệm của các nhà khoa học đã giúp họ hiểu được “tính thực tại” là cái gì bởi chính bộ não đã định nghĩa nó. Hai tuần trước khi tiến hành thí nghiệm, 19 người tình nguyện được yêu cầu nêu tên của các thành viên trong gia đình và bạn thân, đồng thời họ cũng phải đọc một danh sách tên của những người nổi tiếng và tên của các nhân vật hư cấu để khẳng định rằng họ quen thuộc với những cái tên đó. Trong quá trình tiến hành thí nghiệm, những người tham gia được xem tên của các cá nhân, đó có thể là bạn hoặc người thân trong gia đình (sự liên quan cá nhân cao), những người nổi tiếng (sự liên quan cá nhân trung bình), hoặc các nhân vật hư cấu (sự liên quan cá nhân thấp). Những người tham gia phải trả lời các câu hỏi, ví dụ như họ có thể nói chuyện với một trong số những người hoặc những nhân vật nêu trên hay không (sự tương tác giữa người thật và nhân vật hư cấu được coi là không thể).
Đúng như dự đoán của các nhà nghiên cứu, kết quả cho thấy khi những người tham gia trả lời các câu hỏi về bạn bè và người thân (sự liên quan cá nhân cao), có hoạt động mạnh mẽ hơn trong vùng amPFC và PCC, so với những câu hỏi về người nổi tiếng (hoạt động vừa phải) và các nhân vật hư cấu (hoạt động kém). Các nhà khoa học giải thích rằng kiến thức nhận thức của chúng ta về người thật lớn hơn nhiều kiến thức của chúng ta về những người nổi tiếng, và lớn hơn rất nhiều so với kiến thức về các nhân vật hư cấu. Nhưng kết quả này cũng đồng thời là nảy sinh ra các câu hỏi khác.
Não đã sử dụng tiêu chí nào để phân biệt giữa người thật ví dụ như George W. Bush và những nhân vật hư cấu như nàng Cinderella? Nghiên cứu mới đây cho rằng sự liên quan cá nhân có thể là một nhân tố chính, mặc dù cũng có những ngoại lệ. |
Abraham cho biết: “Tôi trải nghiệm được mẹ tôi và cựu tổng thống George Bush thật hơn so với Cinderella, nhưng tại sao tôi lại thấy George Bush ít thật hơn so với mẹ tôi? Rốt cuộc, cả hai người đều tồn tại một cách khách quan. Liệu có phải bởi vì tôi chưa bao giờ tiếp xúc với ông ấy? Liệu có phải vì tôi biết ít hơn về ông ấy? Đó là những câu hỏi mở chỉ có thể được trả lời khi chúng ta định nghĩa được cái gì tạo nên tính thực tại. Trong nghiên cứu này chúng tôi đã chứng minh được rằng một nhân tố ảnh hưởng đến mức độ thực mà chúng ta cảm nhận được ở một người nào đó được điều chỉnh bởi sự liên quan cá nhân của chúng ta với người đó".
Các nhà nghiên cứu giải thích thêm rằng sự liên quan cá nhân rõ ràng có liên quan đến những cái gì có thực, do một số cá nhân trải nghiệm điều này trong lĩnh vực hư cấu nhất định ví dụ như trò chơi máy tính hay tôn giáo. Ví dụ, với một người chơi game trên máy tính, một nhân vật trong game World of Warcraft có thể khiến vùng amPFC và PCC hoạt động mạnh hơn so với một người thật có sự liên quan cá nhân ít hơn. Abraham thêm rằng, mặc dù nghiên cứu hiện tại không cung cấp thông tin về sự liên hệ giữa tính bạo lực hư cấu và bạo lực thực tế, các nghiên cứu trong tương lai cần phải tìm hiểu về mối liên hệ này.
Bà cho biết: “Còn rất nhiều việc cần phải làm trước khi chúng ta đánh giá các mối liên hệ phức tạp đó. Đầu tiên, chúng ta cần định nghĩa bạo lực hư cấu nghĩa chính xác là gì, có phải nó chỉ giới hạn trong bạo lực được trải nghiệm khi chơi trò chơi máy tính hay nó mở rộng đến cả việc xem phim bạo lực, thậm chí cả những ảo tưởng của chúng ta về việc thực hiện các hành động bạo lực. Điều quan trọng nhất khi nghiên cứu các quan điểm đó chính là hướng đến nét đặc trưng (tránh sự chung chung thái quá)."
Ngoài việc hỗ trợ hiểu biết về cách mà não bộ phân biệt giữa thực và ảo, nghiên cứu này cũng đồng thời giúp các nhà khoa học hiểu được mạng lưới mặc định của não bộ, nơi mà amPFC và PCC phụ thuộc. Mạng lưới mặc định là một nhóm các vùng của não nhìn chung gắn kết với nhau bền chặt hơn trong các quá trình bị động, ví dụ như khi đang nghỉ ngơi hay khi thực hiện các việc dễ dàng. Trong những quá trình này, bộ não có xu hướng thực hiện đa chức năng, ví dụ như phản xạ các sự kiện trong quá khứ, dự kiến các sự kiến trong tương lai, hoặc suy nghĩ có ý thức.
Nghiên cứu này cho thấy hai vùng của não bộ trong mạng lưới mặc định được gắn kết tự động khi một cá nhân nhìn tên của một người nào đó, ngay cả khi cá nhân đó không suy nghĩ đến mối liên hệ cá nhân của mình với người đó. Nói cách khác, sự liên quan cá nhân không có liên quan gì đến công việc này, nhưng nó có thể được giải thích bằng bản chất của bộ não. Mạng lưới mặc định có thể đóng vai trò trong các mối liên hệ đa dạng tự động với các kích thích nhằm phản ứng nhanh nếu cần thiết. Phát hiện này giúp các nhà nghiên cứu hiểu được sâu hơn về cách thức hoạt động của mạng lưới mặc định trong não bộ.
Abraham cho biết: “Các kế hoạch tiếp theo của chúng tôi là làm rõ phát hiện của mình bằng cách khám phá sự điều chỉnh mối liên quan cá nhân giữa phạm vi thực và hư cấu. Ví dụ về nghiên cứu vùng hư cấu sẽ là nghiên cứu những người nghiện game kinh niên với những người mới chơi về các thông tin liên quan đến nhóm và các thông tin không liên quan đến nhóm. Ví dụ về nghiên cứu thuộc vùng thực tại sẽ là nghiên cứu về các nhóm với các sở thích và thiên hướng khác nhau – ví dụ như phóng viên chính trị sẽ có xu hướng tìm kiếm các thông tin liên quan đến chính trị gia có liên quan hơn là những người nổi tiếng, trong khi đó tình huống được dự đoán sẽ là ngược lại đối với những tay săn ảnh. Trên là một vài xu hướng sẽ được khai thác. Một khi các phát hiện được làm rõ đối với những tình huống khác nhau, chúng ta sẽ có được một vị thể tốt hơn nhằm khám phá bộ não của chúng ta mã hóa và ghi lại các thông tin phân loại lần đầu như thế nào, sự khác biệt giữa thực tại và hư cấu linh hoạt như thế nào, và các câu hỏi khác nữa”.
Tham khảo:
Anna Abraham and D. Yves von Cramon. “Reality = Relevance? Insights from Spontaneous Modulations of the Brain’s Default Network when Telling Apart Reality from Fiction.” PLoS ONE, March 2009, Volume 4, Issue 3, e4741.