02/06/2018, 11:26

Năm nay bạn có muốn ăn Tết kiểu xưa

Mâm cỗ ngày Tết không thể thiếu những chiếc bánh chưng hay đòn bánh tét được gói cẩn thận, tỉ mỉ. Ảnh: Thủy Nguyễn Cái không khí chộn rộn, vui tươi thơm mùi Tết sao có thể thiếu những món cổ truyền dưới đây. Tết cũng là dịp duy nhất trong năm mà mọi món ăn ngon lành ...

 1

Mâm cỗ ngày Tết không thể thiếu những chiếc bánh chưng hay đòn bánh tét được gói cẩn thận, tỉ mỉ. Ảnh: Thủy Nguyễn

 
Cái không khí chộn rộn, vui tươi thơm mùi Tết sao có thể thiếu những món cổ truyền dưới đây. Tết cũng là dịp duy nhất trong năm mà mọi món ăn ngon lành này cùng nhau xuất hiện. Sẽ là tuyệt vời nhất nếu chúng được tạo ra từ chính bàn tay của những thành viên trong gia đình, những người ta yêu thương nhất.
 
Bánh chưng, bánh tét cúng gia tiên

Dù nhịp sống đô thị có hối hả tới đâu thì bàn thờ gia tiên của mỗi nhà đều phải có cặp bánh chưng, đòn bánh tét mỗi độ Xuân về. Nói về dinh dưỡng, hai thứ bánh này mang đến một lượng lớn vitamin, chất béo, protein, chất xơ, tinh bột.

Để có những chiếc bánh chưng đẹp cúng gia tiên, bạn nên dùng khuôn để gói hoặc nhờ những người có kinh nghiệm gói bánh. Bạn cũng có thể mua bánh gói sẵn về nấu. Sẽ thật ấm cúng khi chiều 29 Tết cả nhà cùng sum vầy bên nồi bánh chưng, bánh tét và ôn lại những chuyện của năm qua.

Củ kiệu, dưa hành nồng nàn hương Tết

Mỗi khi nhìn thấy hình ảnh các bà, các mẹ lom khom, tỉ mẩn xắt từng lát cà rốt, đu đủ hay đang chăm chút cho nong kiệu sao cho được nắng, là biết Tết đã ngập ngừng trước ngõ.

Củ kiệu, dưa hành là món không thể thiếu để ăn kèm với bánh chưng, bánh tét. Chỉ cần làm trước tết chừng mười ngày là bạn có thêm một món giúp bữa ăn thêm đậm đà, giàu hương vị. Có thể mỗi vùng miền có những cách chế biến khác nhau nhưng thành phần chủ yếu vẫn là củ hành, thêm đu đủ, cà rốt, ớt trái. Nếu đảm bảo được tính chua, cay nồng, ngọt thì món ăn coi như đạt. Nếu không có thời gian làm món ăn này, bạn vẫn có thể mua chúng tại các cửa hàng thực phẩm sạch hoặc siêu thị.

Giò thủ gói ghém yêu thương

Nguyên liệu không quá cầu kỳ như  tai heo, thịt đầu heo, nấm mèo... cách làm cũng đơn giản nhưng giò thủ luôn được các thực khách đem ra đánh giá tài bếp núc của gia chủ. Với một số gia đình, người đàn ông luôn là bếp chính chế biến món này. Bấy nhiêu cũng cho thấy tầm quan trọng của món ăn này khi được xếp vào vị trí thứ 2 so với bánh chưng, bánh dày trong ngày Tết của người miền Bắc.

Giò thủ có thể ăn kèm với dưa chua, dưa hành và nhiều món khác. Món ngon này lại có thể lưu trữ trong tủ lạnh hàng tuần liền nên bạn và gia đình, bạn bè có thể tha hồ thưởng thức.

Canh khổ qua nhồi thịt mát lành đầu năm

Ngày Tết thường uống bia rượu, vui chơi, ăn uống nhiều gấp 2-3 bình thường nên cơ thể dễ tích tụ nhiều chất độc. Vì vậy, khúc khổ qua đăng đắng, cùng vị ngò, thịt nhồi thơm lừng ngọt mát không chỉ giúp giải nhiệt mà còn tạo cảm giác thèm ăn bởi cái vị “khác” của nó so với những món của ngày Tết. Ăn khổ qua còn giúp bổ sung nhiều dinh dưỡng như vitamin A, B1, B2, C, ma-giê, sắt, kẽm...

“Phở” xuân

Tết về, nhà nào cũng luộc gà làm mâm cơm cúng gia tiên và nước luộc có thể dùng để nấu món miến thơm ngon khó cưỡng. Chỉ cần xào lòng gà với gia vị thơm lừng, một ít miến cho vào nước sôi, thêm mộc nhĩ, ít thịt gà luộc và vài cọng rau ngò thơm là đã có một tô miến tuyệt hảo cho bữa sáng. Còn gì tuyệt bằng trong ba ngày Xuân được thưởng thức món “phở” tại gia trong không khí ấm cúng, sum vầy.
 
Lên thực đơn món xào
 
Khi đã “đụng đũa” qua hầu hết các món mà Sức Khỏe vừa kể, bạn hãy thử thêm các món xào nhé. Những món như: bún xào thịt, rau củ xào thật cẩm, bắp cải xào thịt heo, tôm xào nấm rơm… sẽ giúp bữa ăn của gia đình bạn phong phú. Chúng cũng giúp cung cấp rất nhiều chất xơ, vitamin và đặc biệt sẽ giúp bạn ngon miệng hơn.

Nhắn Nhủ: Tết là niềm vui đoàn viên, nếu cả gia đình cùng nhau làm những món ăn ngày Tết, cùng chia sẻ, tận hưởng không khí xuân ngập tràn trong ngôi nhà mình sẽ thật hạnh phúc, ấm áp. Do đó, các bà nội trợ đừng viện cớ bận rộn rồi xách giỏ ra siêu thị chọn những thứ đã sẵn có.
 
Trần Thị Kiều
0