Nam Cực - "địa ngục lửa" giữa trần gian ở nơi lạnh lẽo nhất thế giới
Nam Cực là nơi có khí hậu khắc nghiệt nhất thế giới. Nhưng hóa ra, nơi đây "nóng bỏng" hơn chúng ta tưởng. Nam Cực chính là nơi lạnh lẽo và khô hạn bậc nhất. Nhưng bên dưới cái sự lạnh lẽo ấy, khó có thể ngờ rằng lại tồn tại các cụm núi lửa với mật độ tập trung lớn nhất thế giới. Đó chính ...
Nam Cực là nơi có khí hậu khắc nghiệt nhất thế giới. Nhưng hóa ra, nơi đây "nóng bỏng" hơn chúng ta tưởng.
Nam Cực chính là nơi lạnh lẽo và khô hạn bậc nhất. Nhưng bên dưới cái sự lạnh lẽo ấy, khó có thể ngờ rằng lại tồn tại các cụm núi lửa với mật độ tập trung lớn nhất thế giới.
Đó chính là những gì được các chuyên gia từ ĐH Edinburgh (Anh) kết luận sau một nghiên cứu mới đây.
Chim cánh cụt là động vật đặc hữu ở Nam Cực.
Theo đó, nhóm chuyên gia đã tìm thấy thêm 91 ngọn núi lửa vùi lấp dưới lớp băng vĩnh cửu. Cộng thêm 47 ngọn núi đã biết, Nam Cực trở thành nơi có mật độ núi lửa lớn nhất, một "địa ngục lửa" giữa thế giới băng giá.
Cụ thể hơn, các chuyên gia công bố rằng những ngọn núi lửa ở đây được phân bổ dọc theo phía Tây Nam Cực. Chúng tập trung và hướng về trục trung tâm dài 3.000km về rãnh nứt phía Tây. Để có được kết luận, họ đã sử dụng các tính toán từ vệ tinh và công nghệ radar siêu nhạy, qua đó xác định được "hướng đi" của những ngọn núi này.
Mật độ núi lửa đáng sợ tại Nam Cực.
Nhóm chuyên gia cho biết, hầu hết núi lửa ở đây đều có hình nón, chứng tỏ chúng chưa bị băng giá làm xói mòn, và nhiều khả năng đây là những ngọn núi còn khá trẻ.
Kích cỡ của chúng cũng khá đa dạng - một số chỉ như những ngọn đồi, số khác cao đến hàng cây số, thậm chí ngang ngửa núi Phú Sĩ của Nhật Bản.
Trên thực tế, Nam Cực vốn là nơi tập trung khá nhiều núi lửa đang hoạt động - trong đó núi lửa Erebus là thành viên hoạt động mạnh nhất. Lý do chúng bị chôn vùi có lẽ bắt nguồn từ 100 triệu năm trước - thời điểm Nam Cực chưa bị băng giá bao phủ. Khi mùa đông kéo dài ở Kỷ Phấn trắng xuất hiện, cũng là lúc tất cả biến mất - cả khủng long, cây cối, và núi lửa.
Hầu hết núi lửa ở đây đều có hình nón.
Hiện tại, các chuyên gia chưa thể xác định được mức độ nguy hiểm của gần 100 ngọn núi mới, nhưng rõ ràng khoa học cần phải đề phòng. Theo các chuyên gia, đây là một phát hiện rất ấn tượng, nhưng cũng là tín hiệu đáng lo ngại.
Nguyên do là vì quá trình biến đổi khí hậu ngày nay đang bào mòn dần lớp băng vĩnh cửu của Nam Cực. Nếu như một trong những ngọn núi này hoạt động, tình hình có thể trở nên thực sự nghiêm trọng. Trong khi đó, việc lớp băng bị bào mòn cũng khiến cho viễn cảnh này dễ xảy ra hơn.