27/02/2018, 23:10
Muốn quyết định việc lớn, hãy gác qua một đêm
Có người cứ đắn đo mãi mua chiếc ô tô nào là thích hợp nhất, người khác lại mướn ngay tức khắc căn hộ mới gặp lần đầu. Có những phán quyết theo bản năng là tốt nhất, nhưng cái khác lại không. Mua bán cổ phiếu có cần phải cân nhắc quá kỹ không? Ảnh: ...
Có người cứ đắn đo mãi mua chiếc ô tô nào là thích hợp nhất, người khác lại mướn ngay tức khắc căn hộ mới gặp lần đầu. Có những phán quyết theo bản năng là tốt nhất, nhưng cái khác lại không.
Mua bán cổ phiếu có cần phải cân nhắc quá kỹ không? Ảnh: iStockphoto. |
Ủng hộ cho điều này là nghiên cứu của Gerd Gigerenzer từ Viện Max Planck (Đức). Ông đã có thể chứng minh rằng chính việc có quá nhiều thông tin và suy nghĩ quá lâu thường không dẫn đến kết quả tốt nhất.
Thí dụ như trong việc mua bán cổ phiếu hay trong thi đấu thể thao: Các quyết định nhanh chóng và tự phát thường mang lại cho người không chuyên thành tựu lớn hơn là sự cân nhắc có nhiều kiến thức của giới chuyên nghiệp.
Nhưng người ta có phải vì thế mà nên tin tưởng vào bản năng nhiều hơn là đầu óc?
Từ vài năm nay, nhóm khoa học của Đại học Nijmegen, Hà Lan đang tìm trả lời cho câu hỏi này. Và kết quả của họ rất đáng chú ý.
Trong thí nghiệm, họ giới thiệu cho các tình nguyện viên 4 căn hộ không có thực ở Amsterdam, với 12 thuộc tính khác nhau, như diện tích và vị trí. Trong đó có một căn hộ mang rất nhiều đặc điểm tốt và một có rất nhiều đặc điểm xấu.
Sau khi đọc xong thông tin, một vài người tham gia thí nghiệm phải ra quyết định ngay tức khắc – theo bản năng – cho căn hộ tốt nhất. Nhóm thứ hai được phép suy nghĩ có ý thức về việc này trong vòng 3 phút. Và nhóm thứ ba cũng phải phát biểu sau 3 phút, nhưng cùng thời gian đó họ đã bị đánh lạc hướng bởi nhiều câu đố.
Thành công của những người "suy nghĩ tiềm thức"
Dijksterhuis và đồng nghiệp gọi nhóm cuối cùng là "những người suy nghĩ tiềm thức". Những người này thường nhận ra được căn hộ nào là tốt nhất nhiều hơn nhóm quyết định theo bản năng (nhóm 1) hay những người cân nhắc có ý thức (nhóm 2).
Điều đó tựa như việc có một quá trình lựa chọn diễn ra trong đầu họ, nhưng ở sau hậu trường, trong khi não còn bận rộn với trò chơi đố chữ. Điều đó chứng tỏ quá trình quyết định trong tiền thức mang lại kết quả tốt hơn là suy nghĩ có ý thức.
Ví dụ này chứng tỏ chúng ta cần chơi vài lần trò Sudoku trước khi đưa ra một phán quyết? Không đơn giản như vậy, như nhóm khoa học xác định trong nhiều thí nghiệm tiếp theo.
Được gợi ý từ thí nghiệm căn hộ, họ đặt ra trước những người tham gia sự lựa chọn 1 trong số 4 chiếc ô tô ảo được trang bị tốt xấu khác nhau. Trong thí nghiệm đầu tiên các chiếc xe có 4 đặc điểm tốt hay xấu, còn trong thử nghiệm thứ hai chúng có đến 12 đặc tính.
Kết quả là: những người được phép suy nghĩ có ý thức 4 phút thường chọn chiếc ô tô tốt nhất nhiều hơn – nếu như họ chỉ phải lưu tâm đến 4 đặc điểm. Còn khi có 12 thuộc tính, dẫn đầu lại là những người ở nhóm dùng tiềm thức (những người bị đánh lạc hướng nên không thể suy nghĩ nhiều về sự lựa chọn của mình).
Tốt hơn là nên gác qua một đêm
Như thế, kết quả từ phòng thí nghiệm của các nhà khoa học Hà Lan cũng được xác nhận qua cuộc thăm dò người tiêu thụ: Những người hay suy nghĩ lâu (có nhận thức) thường quyết định mua món hàng đúng đắn nhất khi đó là một sản phẩm đơn giản. Còn những người suy nghĩ trong tiềm thức lại có thể lựa chọn cái tốt nhất khi đó là những sản phẩm phức tạp.
Ông Dijksterhuis và đồng nghiệp cho rằng cái được gọi là "suy nghĩ trong tiềm thức" cũng có thể có ảnh hưởng ngay đến các chính trị gia hay giám đốc khi họ đưa ra một quyết định quan trọng chứ không phải đơn giản chỉ là lúc mua hàng.
Vấn đề là chúng ta đã đánh giá thấp khả năng của tiềm thức. Nó không những tạo khả năng cho chúng ta lái ô tô mà không cần phải liên tục suy nghĩ về việc sử dụng nhiều cần đạp và công tắc điện khác nhau. Nó có khả năng nhiều hơn thế. Chỉ là chúng ta không nhận biết được nhiều về điều này thôi.
Chẳng hạn thỉnh thoảng chúng ta được một "gợi ý", hay nửa giờ sau một cuộc nói chuyện, bất chợt chúng ta lại sực nhớ đến từ mà đã cố nghĩ ra trước đó. Các nhà khoa học và phát minh cũng thường tường thuật lại rằng họ chỉ sực nghĩ ra được giải pháp cho một vấn đề sau khi đã quay sang việc khác. Tất nhiên là cũng không nên quá tin cậy vào việc này.
Dù sao đi nữa thì nhận biết của các nhà tâm lý học và nghiên cứu não cũng đã xác nhận một lời khuyên xưa nay: Những ai đang đứng trước một quyết định khó khăn và không phải đưa ra ngay lập tức thì nên gác qua một đêm đã.