13/04/2018, 00:08

MS230 – Vẻ đẹp của ngôn ngữ thơ là vẻ đẹp của hình thức nghệ thuật. Nhưng hình thức nghệ thuật ấy chỉ đẹp khi được nhà thơ sáng tạo ra để chuyển tải một nội dung tư tưởng sâu sắc

Đề bài: "Vẻ đẹp của ngôn ngữ thơ là vẻ đẹp của hình thức nghệ thuật. Nhưng hình thức nghệ thuật ấy chỉ đẹp khi được nhà thơ sáng tạo ra để chuyển tải một nội dung tư tưởng sâu sắc". Hãy làm sáng tỏ nhận định trên qua các tác phẩm thơ mới. Bài làm Trong suốt con đường sự nghiệp văn ...

Đề bài: "Vẻ đẹp của ngôn ngữ thơ là vẻ đẹp của hình thức nghệ thuật. Nhưng hình thức nghệ thuật ấy chỉ đẹp khi được nhà thơ sáng tạo ra để chuyển tải một nội dung tư tưởng sâu sắc". Hãy làm sáng tỏ nhận định trên qua các tác phẩm thơ mới.

Bài làm

Trong suốt con đường sự nghiệp văn chương của mình, nhà văn Nga Leonit Leonop luôn tâm đắc một quan điểm mới mẻ: “Mỗi tác phẩm phải là một phát minh về hình thức và khám phá về nội dung”. Sự thống nhất hài hòa giữa nội dung và hình thức là một trong những yếu tố quyết định nên giá trị bất hủ của tác phẩm nghệ thuật. Đó là kết quả chứa đựng tài năng, tâm huyết và sức sáng tạo không ngừng nghỉ của người nghệ sĩ. Không chỉ đem đến sự độc đáo trong văn chương, mối quan hệ giữa nội dung và hình thức cũng góp phần tạo nên vẻ đẹp cho thơ ca. Bởi lẽ đó, có ý kiến cho rằng: “Vẻ đẹp của ngôn ngữ thơ là vẻ đẹp của hình thức nghệ thuật nhưng hình thức nghệ thuật ấy chỉ đẹp khi được nhà thơ sáng tạo ra để chuyển tải một nội dung tư tưởng sâu sắc”.

“Ngôn ngữ thơ là ngôn từ, câu chữ được người nghệ sĩ mã hóa, chắt lọc từ đời sống, tạo nên tinh hoa nghệ thuật đặc sắc ; là phương tiện bật lên sức sống mãnh liệt của bài thơ. “Vẻ đẹp của ngôn ngữ thơ là vẻ đẹp của hình thức nghệ thuật” tức là nhà thơ bằng việc khám phá, sáng tạo những hình tượng, thể thơ ,cú pháp, từ ngữ, biện pháp tu từ,… sẽ khoác thêm tấm áo mới đẹp đẽ,hấp dẫn và sinh động cho tác phẩm của mình. Nếu “hình thức nghệ thuật” được biểu hiện qua sức gợi ngôn từ thì “nội dung tư tưởng” chứa đựng những quan điểm mĩ học, cảm hứng, tâm hồn thi nhân về con người và cuộc đời; dược đúc kết từ quá trình sáng tạo của nhà thơ. Nhận định trên khẳng định vai trò của nội dung và hình thức đối với văn chương nói chung và thơ ca nói riêng: Một tác phẩm thơ giá trị phải có sự kết hợp hài hòa giữa nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật; đồng thời đề cập đến yêu cầu đối với người nghệ sĩ là phải sáng tạo và có phong cách riêng.

Tác phẩm văn học là một hệ thống chỉnh thể được biểu hiện qua mối quan hệ mật thiết giữa nội dung và hình thức. Nội dung là những mảnh ghép vụn vỡ lấy chất liệu từ hiện thưc cuộc sống, khai thác bằng nghệ thuật nhằm bộc lộ tư tưởng, quan điểm người viết muốn gửi gắm. Hình thức được xây dựng nên bằng hệ thống phương tiện diễn đạt tổ chức bên ngoài cũng như nội dung bên trong tác phẩm. Nội dung bao giờ cũng quyết định hình thức còn hình thức là cách thể hiện nội dung, phù hợp với nội dung. Sự thống nhất cao độ giữa nội dung và hình thức thể hiện ở mọi phương diện trong thơ ca: ngữ âm, cú pháp,thể loại, nhạc điệu…tạo nên tác phẩm thơ giá trị.Nội dung nào- hình thức ấy. Một hình thức độc đáo,hấp dẫn sẽ phát huy tối đa chức năng bộc lộ sâu sắc nội dung nó biểu hiện, hướng người đọc đến bầu trời Chân-thiện-mĩ; ngược lại, tác phẩm chứa đựng nội dung mới mẻ, ý nghĩa sẽ lôi cuốn độc giả khám phá vẻ đẹp của hình thức, ngôn từ. Nội dung và hình thức luôn gắn liền, hỗ trợ và bổ sung cho nhau; không thể tách rời. Như câu nói của Bielinxki: “Nội dung và hình thức gắn bó như tâm hồn với thể xác”. Để tạo nên mối quan hệ chặt chẽ, thống nhất giữa hai yếu tố: hình thức, nội dung đòi hỏi nhà thơ phải có sự tìm tòi sáng tạo, có cá tính, phong cách và tiếng nói riêng. Quá trình lao động nghệ thuật là quá trình công phu, ghi nhận toàn bộ những đóng góp, hy sinh của người nghệ sĩ trên con đường hoạt động của mình. Sự sáng tạo trong thơ ca không cho phép bất cứ nhà thơ nào được dẫm lên lối mòn của người khác và đặc biệt là con đường mình đã tạo ra. Nếu chỉ biết sao chép thực tại một cách nguyên si, không thể hiện được những điều mới mẻ trong tác phẩm của mình thì đó sẽ là một sự tự sát trong văn học. Bởi “Văn chương không cần đến những người thợ khéo tay, làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho; văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những gì chưa có” (Nam Cao). Chỉ có như thế, họ mới sáng tạo ra những đứa con tinh thần bất hủ, những tác phẩm thơ hay, đặc sắc, có sự hài hòa thống nhất giữa “nội dung tư tưởng sâu sắc” và ‘hình thức nghệ thuật” độc đáo.

Thơ ca là tiếng nói chân thành của con người, bộc lộ tâm tư xúc cảm mãnh liệt của thi sĩ khi bắt gặp những phút giây giao cảm, rung động trước cuộc đời. Ngôn ngữ thơ chính là phương tiện biểu hiện cụ thể nhất đặc trưng của thơ ca. Chính vì vậy, vẻ đẹp của ngôn ngữ thơ luôn giữ vai trò quyết định nên vẻ đẹp cho tác phẩm. Với “Ông hoàng thơ tình” Xuân Diệu mỗi từ ngữ, chất liệu làm nên hình thức, vỏ bọc bên  ngoài luôn được ông trau chuốt, mài giũa; đồng thời tình cảm, tư tưởng về con người, thiên nhiên cũng được ông bộc lộ đầy đủ, chân thực và sâu sắc qua tác phẩm của mình. Trong kiệt tác Vội vàng, từng câu, từng chữ đều chở nặng ý vị tuyên ngôn, mang đậm tư tưởng mới mẻ và tràn  đầy chất Xuân Diệu. Mở đầu bài thơ, thể ngũ ngôn truyền thống đã làm bật lên cái khát khao sống mãnh liệt, điên cuồng của thi sĩ:

“Tôi muốn tắt nắng đi

Cho màu đừng nhạt mất

Tôi muốn buộc gió lại

Cho hương đừng bay đi”

Thật kì lạ, thi vị biết bao! Cái ước muốn, khát khao của Xuân Diệu là những ước muốn hết sức phi lý, ngông cuồng: tước đoạt quyền của tạo hóa, cưỡng lại quy luật tự nhiên. Không phải vì ghét mùa xuân, cũng chẳng bởi ghét “màu nắng” hay “hương gió” mà là nhà thơ muốn “tắt, buộc” tất cả. Đơn giản chỉ vì ông khát khao giữ cho vẻ đẹp mãi mãi lên hương, tỏa sắc giữa cuộc đời, bất tử hóa cái đẹp của vạn vật thiên nhiên. Mong  muốn ấy càng trở nên tha thiết hơn bao giờ hết bởi nhà thơ sử dụng liên tiếp hai chữ ‘đừng” chứa đựng một nguyện vọng sâu sắc. Có lẽ vì quá đỗi say mê, ham sống đến tột cùng, đến vô biên mà thi nhân trở nên tham lam, ích kỷ, muốn giữ lại vẻ dẹp, sự sống của tạo vật cho riêng mình. Thế nên  mới có cảm giác âu lo, sợ hãi, nuối tiếc thể hiện trong từng câu chữ. Tư tưởng ấy còn thể hiện cả trong nhịp thơ đang năm chữ bỗng chuyển xuống thể tám chữ. Một sự chuyển đổi rất đẹp, rất lạ và rất thơ.  Phải chăng hình thức sắc sảo đã nâng nội dung tư tưởng thêm phần sâu sắc:

“Của ong bướm này đây tuần tháng mật

Này đây hoa của đồng nội xanh rì

Này đây lá của cành tơ phơ phất

Của yến anh này đây khúc tình si

Và này đây ánh sáng chớp hàng mi”

Trước mắt người đọc như trải ra một bức tranh xuân tuyệt sắc, một mâm cỗ đầy, bữa tiệc lớn với thực đơn vô cùng quyến rũ. Có sự góp mặt đủ đầy vạn vật đang trong mùa yêu, độ xuân thì với “ong bướm” đắm say “tuần trăng mật”; “hoa lá, cành tơ” nở trên cỏ “đồng nội xanh rì” tràn đầy sức sống, chim yến anh ngân vang khúc nhạc “tình si”. Qua cặp mắt “xanh non, biếc rờn” và lăng kính tình yêu đầy sắc xuân như thế, Xuân Diệu như đắm đuối, miên man trong niềm hạnh phúc nơi trần thế. Nói như Hoài Thanh : “Xuân Diệu đốt cảnh bồng lai để xua ai nấy về hạ giới”, quả thật chí lý! Trong  bốn dòng thơ đầy ắp điệp ngữ “này đây” vừa trùng điệp, vừa biến hóa. Đến câu thơ thứ chín, xuất hiện cụm từ “và này đây” như thể con người chưa thỏa, chưa đã;một cảm xúc tiếc nuối, muốn ôm trọn, tận hưởng tất cả niềm vui, sức sống đang căng tràn nhựa xuân. Nhưng đây không còn là những hình sắc cụ thể “hoa, lá, bướm, ong” mà trừu tượng hơn là ánh sáng, niềm vui, Tháng Giêng – những vật thể vô hình. Đối với thi nhân, thiên nhiên đã thôi không là chuẩn mực của cái đẹp, theo quan điểm của ông, vẻ đẹp con người mới thực sự là điểm tựa, là chuẩn mực cho thiên nhiên:

“Và này đây ánh sáng chớp hàng mi

Mỗi buổi sớm thần vui hằng gõ cửa

Tháng Giêng ngon như một cặp môi gần.”

Con người làm chuẩn mực thẩm mĩ, mang vẻ đẹp cao quý, giá trị nhân văn sâu sắc. Ánh sáng đẹp gợi ra liên tưởng về “hàng mi” thiếu nữ đang yêu, niềm vui được mang đến bởi một vị thần. Và hơn hết là cách so sánh táo bạo, độc đáo “tháng giêng” mùa đầu tiên trong năm, “ngon” như “cặp môi gần”. Cho thấy khát khao, tận hưởng tình yêu, giao cảm mãnh liệt đến tận thể nào. Chỉ có sự so sánh ấy thì thời gian trừu tượng mới trở nên gần gũi, tươi đẹp, con người và cảnh vật thiên nhiên mới có cơ hội giao hòa, gắn kết. Bằng tài năng văn học, “nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới” Xuân Diệu đã bộc lộ đủ đầy, trọn vẹn tình yêu trần thế, khao khát tận hưởng cùng quan niệm mĩ học mới mẻ của mình. Xuân Diệu là nhân vật khiến cho phong trào Thơ mới như lên hương, rực rỡ,tỏa sắc giữa rừng hoa văn học nghệ thuật. Thơ mới là thơ của cái Tôi, cá nhân; khác với thơ xưa không đề cao bản ngã,cá thể. Chính bởi đặc trưng ấy, Xuân Diệu đã tạo nên một “Vội vàng” bất hủ, độc đáo với hình thức nghệ thuật đầy mới lạ, hấp dẫn: thể thơ cách tân,nhịp điệu biến đổi linh hoạt theo mạch cảm xúc nhà thơ, câu chữ phóng khoáng,âm hưởng mới mẻ không bị gò bó theo lối niêm luật,bằng trắc cuả tứ thơ Đường luật,cú pháp,đề tài tinh tế, khoa học…Nhờ đó nội dung như được đẩy lên đến tuyệt đỉnh sâu sắc. “Vội vàng” đã khẳng định phong cách sáng tạo và cái nhìn mới mẻ của Xuân Diệu về con người, tình yêu và cuộc sống. Qủa thật “Vội vàng” là một sự kết hợp hoàn hảo giữa vẻ đẹp của “hình thức nghệ thuật” độc đáo và “nội dung tư tưởng” mới mẻ,sâu sắc.

Khác với Xuân Diệu, tác phẩm của Huy Cận luôn vương vấn nét “ mang trang thiên cổ sầu”, đậm chất nhà thơ trước Cách mạng tháng tám. Nhưng sau giai đoạn ấy, nguồn thơ ông trở nên lạc quan yêu đời hơn, vơi bớt đi nỗi ưu tư, sầu não,muộn phiền. Trích trong tập Lửa thiêng, “Tràng Giang” xứng đáng là tác phẩm độc đáo,vừa đượm nét cổ điển lại đậm chất hiện đại của Huy Cận. “Tràng Giang” là cách nói đầy sáng tạo, gợi cho người đọc con sông không chỉ dài, mà còn rộng mênh mông  và sâu tận thăm thẳm. Vần “ang” như mở rộng thêm không gian cả về bề rộng lẫn chiều sâu tạo âm hưởng dư ba cho nhan đề bài thơ. Trước cảnh bao la, rộng lớn của thiên nhiên đất trời, nổi niềm bâng khuâng, buồn bã từ cõi lòng thi nhân càng được khơi gợi mãnh liệt. Lời đề từ giản dị ấy phải chăng đã thâu tóm cảm xúc chủ đạo của cả bài: “Bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài”. Ngay từ nhan đề ta đã thấy đậm chất cổ kính, Đường thi, đến cách sử dụng từ cũng đầy vẻ cổ điển:

“Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp

Con thuyền xuôi mái nước song song”

Từ láy “điệp điệp”, “song song” ở cuối hai câu thơ mang đậm sắc thái cổ kính và đượm nét buồn. Cách sử dụng từ láy giàu sức gợi hình, gợi tả đã bộc lộ vẻ đẹp tâm hồn con người ẩn chìm sâu dưới thiên nhiên bao la, rộng lớn.Ngoại cảnh phải chăng đã ngập tràn tâm cảnh nhân vật trữ tình? Trong cảnh có sự chuyển động lững lờ, nhẹ nhàng, vô tận khiến nỗi buồn của con người cũng đầy ắp trong lòng:

“Thuyền về nước lại sâu trăm ngả

Củi một cành khô lạc mấy dòng”

Hình ảnh đối lập “thuyền” – “nước” gợi lên sự chia lìa, xa cách khiến nỗi sầu như lan tỏa ra tận trăm ngả đất trời. Từ chỉ số nhiều “trăm” hô ứng cùng từ chỉ số “ mấy” đã thổi vào câu thơ một nỗi buồn vô hạn,khó tả. Độc đáo, sáng tạo ở tại hình ảnh “củi một cành khô”. Bởi không phải là bèo, gỗ hay một vật liệu nào khác, Huy Cận đã đặc tả hình ảnh củi khô “lạc mấy dòng” mà ai nấy đều xuýt xoa ngợi khen hết lời. Trên dòng tràng giang đầy màu sắc cổ điển ấy, thi nhân đã thả một chi tiết sống sít, chân thật đến mức chỉ có ở thơ hiện đại mà thôi! Nhà thơ đã đẩy cao tuyệt đối sự nhỏ nhoi, cô độc, cạn kiệt sức sống của “cành củi khô” – như nhấn mạnh thêm thân phận nổi trôi vô định của những kiếp người nhỏ bé,lẻ loi,tội nghiệp. Cái tôi sầu muộn, cô đơn đã tìm thấy tình yêu dạt dào,tấm lòng luôn hướng về quê hương, đất nước. Khổ cuối cùng khắc họa cảnh tượng rực rỡ, hùng vĩ khi mặt trời xuống thấp, bắt ánh sáng lên các lớp mây cuồn cuộn đùn ra như những núi bạc:

“Lớp lớp mây cao đùn núi bạc

Chim nghiêng cánh nhỏ,bóng chiều sa”

Chữ “đùn” đặc tả một sức đẩy, nội lực căng tràn mãnh liệt ở bên trong những lớp núi cứ trồi lên hết lớp này đến lớp khác. “Chim nghiêng cánh nhỏ” giữa không gian mênh mông, hùng vĩ của đất trời càng be nhỏ, đơn độc.Lòng thương nhớ quê hương cứ dợn mãi lên trong tâm hồn thi sĩ trước cảnh sông nước đìu hiu,vắng vẻ,trống trải buộc Huy Cận phải bộc bạch tâm tư thầm kín của mình:

“Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà”

Âm hưởng thơ Đường triền miên trong câu thơ cuối,mượn niềm nhung nhớ quê hương của Thôi Hiệu trong bài Hoàng Lạc Lâu:

“Nhật mộ hương quan hà xứ thị

Yên ba giang thượng sử nhân sầu”

Thi sĩ bộc lộ tình quê đậm đà,sâu sắc hơn nhà thơ Đường bởi Thôi Hiệu phải có ‘khói sóng”trên sông mới khơi gợi được niềm thương nhớ quê nhà, còn Huy Cận chẳng cần ngoại cảnh vẫn dạt dào tình yêu ngay khi đang đứng trên quê hương. Đó có lẽ là nỗi buồn thầm kín của cả một thế hể trong cảnh nước mất nhà ta…Ta bất chợt nhớ đến câu thơ trong Nam hành biệt đệ:

“Đạm đạm trường giang thủy

Du du viễn khách tình”

(Nước Trường Giang lặng lẽ

Tình viễn khách triền miên)

Với lối thơ thất ngôn niêm vận chặt chẽ như thể Đường luật dồi dào nhạc điệu,ngôn từ hàm súc,tinh vi.Đặc biệt là cách sử dụng điêu luyện hình ảnh mang âm hưởng cổ kính,từ láy giàu sức gợi và điển tích thơ Đường đã chuyển tải được nội dung tư tưởng sâu sắc của thi nhân: tình yêu thiên,yêu quê hương đất nước thầm kín, thiết tha. “Tràng giang”là bài thơ tiêu biểu cho sự hài hòa giữa nội dung và hình thức:Hình thức phù hợp nội dung, nội dung gắn liền hình thức.

Nhận định trên về vẻ đẹp của ngôn ngữ thơ ca là hoàn toàn đúng đắn, xác đáng, mang ý nghĩa sâu sắc đối với nhà thơ và việc sáng tạo nghệ thuật. Một tác phẩm thơ ca giá trị, đích thực và bất hủ khi hội tụ đủ hai yếu tố nội dung sâu sắc ý nghĩa và hình thức trau chuốt,mới lạ,độc đáo. Đối với thi nhân, đòi hỏi rất nhiều cái tâm và cái tài thể hiện qua tác phẩm – đứa con tinh thần quý báu . Đồng thời đề cao cá tính sáng tạo, giọng nói riêng đối với người nghệ sĩ. Về phần độc giả cần có cái nhìn khách quan, toàn diện của thi phẩm ở hai phương diện nội dung và hình thức. Có như thế mới tạo được sự đồng điệu, gắn kết giữa người cầm bút và người tiếp nhận. Bởi “Thơ là điệu hồnđi tìm những hồn đồng điệu”.

“Vẻ đẹp của ngôn ngữ thơ là vẻ đẹp của hình thức nghệ thuật. Nhưng hình thức nghệ thuật chỉ đẹp khi được nhà thơ sáng tạo ra để chuyển tải một nội dung tư tưởng sâu sắc” Quan điểm nghệ thuật về thơ ca nói trên đã để lại nhiều liên tưởng,suy ngẫm cho người tiếp nhận cũng như người cầm bút. Như Đinh Gia Trinh từng nhận định: “Nội dung và hình thức liên lạc với nhau như máu cùng huyết quản”. Những tác phẩm thơ có hình thức hấp dẫn hòa quyện trong nội dung sâu sắc chắc chắn sẽ bất tử hòa trong lòng người đọc và đánh dấu một dấu mốc quan trọng cho sự nghiệp sáng tác của người nghệ sĩ.

Nguyễn Thị Hoa

Lớp 11B6 – Trường THPT ChâuThành, Tp Bà Rịa


Từ khóa tìm kiếm:

  • Viết bài văn cảm nhận vẻ đẹp ngôn ngữ thơ ca trong tác phẩm khi con tư hú
0