24/02/2018, 12:24

“Mọi phẩm chất của đức hạnh là ở trong hành động”. Ý kiến trên của M. Xi-xê-rông (nhà triết học La Mã cổ đại) gợi cho anh (chị) những suy nghĩ gì về việc tu dưỡng và học tập của bản thân?

"Mọi phẩm chất của đức hạnh là ở trong hành động". Ý kiến trên của M. Xi-xê-rông (nhà triết học La Mã cổ đại) gợi cho anh (chị) những suy nghĩ gì về việc tu dưỡng và học tập của bản thân? – Gợi ý Trọng tâm cần bàn luận là vai trò của hành động trong việc thể hiện ...

"Mọi phẩm chất của đức hạnh là ở trong hành động". Ý kiến trên của M. Xi-xê-rông (nhà triết học La Mã cổ đại) gợi cho anh (chị) những suy nghĩ gì về việc tu dưỡng và học tập của bản thân? – Gợi ý

Trọng tâm cần bàn luận là vai trò của hành động trong việc thể hiện và khẳng định những phẩm chất của con ngưòi. Có thể tham khảo gợi ý sau:

–   Giải thích ngắn gọn các khái niêm và khái quát nội dung cần bàn luận:

+ "Đức hạnh" là khái niệm biểu đạt "đạo đức và tính nết tốt (thường chỉ dùng để nói về phụ nữ)". (Theo Từ điển tiếng Việt, Viện Ngôn ngữ học, NXB Đà Nẵng, 2002, tr. 355). Trono câu nói của M. Xi-xê-rông, khái niệm này được dùng để chỉ "đạo đức và tính nết tốt" của con người nói chung.

+ "Hành động" là "làm việc cụ thể nào đó, ít nhiều quan trọng, một cách có ý thức, có mục đích". (Theo Từ điển tiếng Việt, Sđd, tr. 422)

+ Khi nói "Mọi phẩm chất của đức hạnh là ở trong hành động", nhà triết học cổ đại muốn khẳng định rằng, cái làm nên giá trị của một con người là những việc làm có ý thức cụ thể. Chún? có thể xuất phát từ những mục đích tốt đẹp khác nhau và gắn với những quy mô lớn, nhỏ…

–   Phân tích, chứng minh:

+ Mỗi con người có cách tự bộc lộ, tự khẳng định mình khác nhau song cách tự bộc lộ, tự khẳng định mình ngắn nhất, thuyết phục nhất là thông qua hành động và bằng hành động.

+ Và hành độna cũng là thước đo tin cậy nhất để nhận biết, đánh giá bản chất, giá trị tốt đẹp của một con người.

–   Bàn luận, mở rộng vấn đề:

+ Câu nói của M. Xi-xê-rông thể hiện một quan niệm đúng đắn về một trong những thước đo bản chất tốt đẹp của con người là hành động. Bởi vì, suy nghĩ, nhận thức đúng đắn là biểu hiện bản chất, giá trị con người ở dạng tiềm ẩn, trừu tượng, khó nhận biết. Lời nói tuy cũng biểu hiện trực tiếp bản chất ấy nhưng không có độ tin cậy cao: "Đừng nghe anh ta nói, hãy xem anh ta làm". Chỉ hành động mới biểu hiện rõ nhất, có sức thuyết phục hơn cả về giá trị, bản chất con người: "Câu trả lời ngắn nhất là hành động" (Héc-béc, Anh).

+ Trên thực tế, "đức hạnh" trong lĩnh vực tu dưỡng, học tập mà bản thân mỗi con người cần trau dồi là gì? Với tuổi trẻ học đường, đặt trong bối cảnh xã hội, xu thế thời đại, "đức hạnh" cần trau dồi trong quá trình tu dưỡng, học tập là "Rèn đức – luyện tài vì ngày mai lập nghiệp". Cụ thể là: Xác định được lí tưởng, mục đích sống cao đẹp, góp phần tích cực để xây dựng đất nước "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh". Tự giác, thường xuyên rèn luyện thể chất, chăm lo sức khoẻ bản thân. Xây dựng cho mình một lối sống đẹp: nhân ái, năng động, tự tin, có trách nhiệm với tương lai tốt đẹp của chính mình, của đất nước. Có ý chí, quyết tâm vượt khó, say mê, sáng tạo, xác định được phương pháp học khoa học trong học tập để tích luỹ, làm giàu tri thức; biết vận dụng hiệu quả những tri thức, hiểu biết ấy vào cuộc sống…

–   Từ những phẩm chất đạo đức cần thiết ấy, mỗi người cần hành động ra sao để phù hợp với tiêu chuẩn đạo đức mà mình theo đuổi? Ví dụ:

+ Quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ người thân những công việc trong gia đình.

+ Tham gia một cách tự nguyện, tự giác, nhiệt tình các hoạt động xã hội, từ thiện được tổ chức, phát động ở địa phương cư trú hay nơi công tác, học tập.

+ Không chỉ tránh xa mà còn phải tích cực đấu tranh chống lại những tệ nạn xã hội có sức cám dỗ tuổi trẻ: nghiện hút, trộm cắp, đua xe… và những thói quen xấu giới trẻ thường mắc phải: sống tự do, buông thả, đua đòi, lười biếng, lãng phí thời gian, cẩu thả, vô tâm, ích kỉ, chỉ biết hưởng thụ mà không nghĩ đến trách nhiệm; lối ứng xử thiếu văn hoá nơi công cộng…

–   Liên hệ bản thân:

+ Đây là nội dung người viết cần thể hiện chân thành nhất những suy nghĩ của bản thân, thể hiện khả năng tự đánh giá về chính mình (Có thể xoáy vào những nội dung cơ bản như: đã xác định cho mình lí tưởng, mục đích sống đúng đắn chưa? Có kiên trì theo đuổi lí tưởng, mục đích đó không? Trong lối sống của mình có gì cần phát huy, có gì cần khắc phục, thay đổi? Cần từ bỏ dứt khoát thói quen xấu nào?…).

+ Trong quá trình chuyển nhận thức thành hành động, chúng ta thấy xuất hiện những khó khăn, trở ngại như: lối tư duy còn máy móc, giáo điều; thiếu quyết tâm; thiếu bản lĩnh, thiếu tự chủ hoặc bị chi phối bởi dư luận; tâm lí mặc cảm, tự ti…

"Mọi phẩm chất của đức hạnh là ở trong hành động". Ý kiến trên của M. Xi-xê-rông (nhà triết học La Mã cổ đại) gợi cho anh (chị) những suy nghĩ gì về việc tu dưỡng và học tập của bản thân? – Bài làm 1

Danh ngôn có câu: 

"Ý nghĩa là nụ hoa 

Lời nói là bông hoa 

Việc làm là quả ngọt".

Thật đúng như vậy, cuộc sống của chúng ta có ý nghĩa như thế nào là tùy thuộc vào cách thể hiện của mỗi con người. Một quan niệm có nội dung tương tự: " Mọi phẩm chất của đức hạnh là ở trong hành động".Vậy "đức hạnh" là gì? Và tại sao hành động lại là nơi chứa đựng mọi phẩm chất của đức hạnh? 

Trước hết cần phải hiểu " đức hạnh" là những đức tính tốt đẹp của con người. "Phẩm chất" có thể hiểu nôm na là những tính cách, tính chất bên trong của con người. Nó có ý nghĩa trái ngược hoàn toàn với "hành động", là những cử chỉ việc làm bên ngoài. Như vậy, ta có thể hiểu nói trên như là một lời nhân xét, một kinh nghiệm của M. Xi-xê-rông: những đức tính tốt đẹp của con người đều được thể hiện qua hành động. Nếu những cử chỉ và hành động của bạn là đúng, điều đó đồng nghĩa với việc bạn là người có nhân cách tốt, có đức hạnh. Ngược lại, nếu bạn có những cử chỉ, hành động không đẹp, thì có thể lắm bạn là một người chưa hoàn thiện về nhân cách, bạn còn cái lối sông ích kỉ, chỉ nghĩ cho riêng mình. 

Nhiều người đã tự hỏi làm thế nào để có thể làm được như câu nói trên. Thật ra câu trả lời rất đơn giản. Bạn không cần phải làm những việc lớn lao hay hy sinh những thứ quí giá của mình thì mới gọi là nhưng cử chỉ, hành động đẹp. Mỗi buổi sáng đi học, bạn không sợ trễ học mà dắt một cụ già qua đường. Mỗi tháng, bạn gom góp báo cũ đem bán để ủng hộ "Quỹ vì người nghèo". 

Ở nhà, bạn quan tâm, giúp đỡ và chăm sóc cho những người thân của mình. Khi đến trường, bạn cố gắng học tập và cư xử lễ phép với thầy cô, quan tâm đến bạn bè. Tất cả những điều đó thể hiện bạn là một người có những đức tính tốt và cao đẹp. 

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt phải còn có những mặt trái của vấn đề. Đôi lúc, những hành động, cử chỉ đẹp lại không chứa đựng những đức tính tốt đẹp. Có những người làm những điều đó vì những mục đích không tốt, để qua mặt người khác. Lại cũng có những người không hề có những đức tính tốt đẹp, nhưng họ giả vờ có những cử chỉ hành động cao đẹp để chiếm lấy trái tim của người khác. Những việc làm của họ không nói lên họ là những người có đức tính tốt mà ngược lại họ còn làm cho người khác cảm thấy khinh bỉ và ghê tởm. Những con người đó rất đáng bị phê phán vì nếu cứ để họ tồn tại như vậy sẽ gây nên những tổn hại không đáng có cho người khác và cho xã hội. 

Tóm lại, mỗi học sinh chúng ta phải cố gắng rèn luyện đạo đức và trau dồi kiến thức. Hãy nhìn mọi người bằng con mắt yêu thương, trìu mến. Bạn sẽ thấy cuộc sống tươi đẹp hơn và muốn hành động, cư xử đẹp hơn. Qua đó, bạn sẽ cảm nhận được những đức tính tốt đẹp của mình.

"Mọi phẩm chất của đức hạnh là ở trong hành động". Ý kiến trên của M. Xi-xê-rông (nhà triết học La Mã cổ đại) gợi cho anh (chị) những suy nghĩ gì về việc tu dưỡng và học tập của bản thân? – Bài làm 2

Những phẩm chất cao quí trong tâm hồn con người luôn là một mục tiêu mà chúng ta vươn tới. Đó chính là đức hạnh. Những phẩm chất đó tô điểm cho tâm hồn chúng ta, làm chúng ta luôn hoàn thiện bản thân mình. Muốn thế, chúng ta phải thể hiện qua hành động, qua hành vi cử chỉ hằng ngày của chúng ta. Và vì vậy,"mọi phẩm chất của đức hạnh là ở trong hành động". 

Đức hạnh là gì? Đức hạnh là những gì cao quí nhất, trong sáng nhất trong tâm hồn của mỗi con người chúng ta. Hành động là gì? Hành động là những gì biểu hiện ra bên ngoài, qua đó thể hiện những tính cách của mỗi người. Những phẩm chất và hành động của con người là khác nhau, tạo nên sự khác biệt trong tính cách của mỗi thành phần trong xã hội. 

Vậy chúng ta phải làm gì để có được những phẩm chất cao quí và trong sáng mà chúng ta gọi là đức hạnh? Thật ra, đức hạnh là một điều không khó để vươn tới. Nó không quá cao siêu, chỉ là những gì nhỏ nhất đủ để đánh giá một con người. Giúp một bà cụ qua đường, tìm mẹ cho một em nhỏ bị lạc, hay đơn giản chỉ là một nụ cười khi ta gặp môt người quen ngoài đường, tất cả đã góp phần xây dựng và hoàn thiện nhân cách của mỗi con người chúng ta. Như thế, cuộc sống sẽ dễ dàng hơn với mọi người, làm cho quan hệ giữa người với người càng trở nên tươi đẹp và góp phần biến xã hội chúng ta thành một nơi "tốt hơn cho bạn và cho tôi". 

Đức hạnh chỉ đơn giản, không cầu kì, phức tạp để đạt được. Nhưng chúng ta không nên quá đơn giản nó đi. Đừng chỉ nghĩ mà không làm rồi sau đó ru ngủ bản thân rằng: "những gì mình làm đã là tốt nhất". Nghĩ phải đi đôi với hành động, và những phẩm chất đó cũng cần hành động để thể hiện chúng ta. Bây giờ, mở lòng mình ra với thế giới bên ngoài, nhìn xung quanh và hãy bắt đầu hành động. Không khó để xây dựng đức hạnh trong mỗi con người chúng ta.

Bây giờ, chúng ta là thanh niên, là thế hệ tương lai và kế cận của xã hội sau này. Hãy xây dựng một hình ảnh, một tính cách bằng những hành động của chúng ta, bắt đầu bằng những hành vi nhỏ nhất, để xã hội ngày càng tươi đẹp và tốt hơn. "Cho bạn và cho tôi, cho tất cả mọi người.". Và hãy nhớ rằng, "mọi phẩm chất của đức hạnh là ở trong hành động".

0