28/02/2018, 07:35

Mó nước “hiểu” tiếng người

Anh Hưởng và nhiều người đã thử: cứ có tiếng vỗ tay hoặc gọi là nước tại mó nước Rằng Phặt dâng lên, không cứ gì phải đọc đúng "tý Xằm, tý Sỏi, tý Mỏi..." bằng tiếng Nùng, tức là: hễ có sự cộng hưởng âm thanh, là nước tuôn ra. Chuyện khó tin nhưng có thật. Ở xã miền núi Hồng Quang, huyện ...

Anh Hưởng và nhiều người đã thử: cứ có tiếng vỗ tay hoặc gọi là nước tại mó nước Rằng Phặt dâng lên, không cứ gì phải đọc đúng "tý Xằm, tý Sỏi, tý Mỏi..." bằng tiếng Nùng, tức là: hễ có sự cộng hưởng âm thanh, là nước tuôn ra.

Chuyện khó tin nhưng có thật. Ở xã miền núi Hồng Quang, huyện Quảng Uyên, tỉnh Cao Bằng, có một mó (mỏ, hố, vũng, giếng) nước khiến bà con và khách vãng lai từng có mặt đều vô cùng sửng sốt: dù cạn khô kiệt quệ, nhưng, hễ người Nùng sống quanh mó nước mà đọc "thần chú", vỗ tay nhè nhẹ là nước từ trong khe cứ thế dâng lên. Chứa chan.

"Tý Xằm, tý Sỏi, tý Mỏi. Rằng Phặt!..."

Nằm cách thị trấn miền rừng Quảng Uyên gần 20km, mó nước Rằng Phặt, từ nhiều đời đã được nhuộm đẫm bao nhiêu là huyền thoại. Ai là người đầu tiên kể câu chuyện ly kỳ đó, thật khó đoán định; câu chuyện đó có thật hay không, càng khó đưa ra câu trả lời "cưa đứt đục suốt". Song, có một điều chắc chắn rằng: bất kỳ người dân nào ở xã Hồng Quang, dù nam phụ lão ấu, cơ bản, ai cũng biết câu chuyện ly kỳ và sự thật ngỡ ngàng về mó nước Rằng Phặt. Ai cũng đọc được câu thần chú gọi nước dâng lên. 

Ông Trần Văn Hải, Bí thư Đảng ủy xã Hồng Quang trực tiếp đến mó nước, vỗ tay, đọc

Ông Trần Văn Hải, Bí thư Đảng ủy xã Hồng Quang trực tiếp đến mó nước, vỗ tay, đọc "thần chú" gọi nước về.


Thú thật, kể từ khi bà con Quảng Uyên và các nhà báo ở Cao Bằng điện báo rồi rủ tôi đi điền dã để "thực mực sở thị" những điều quanh mó nước lạ, đã 500 ngày trôi qua, lúc nào tôi cũng có cảm giác mơ hồ, ngài ngại.

Anh Đàm Văn Trình, người tổ chức chuyến đi, là cán bộ của Đài Phát thanh - Truyền hình Cao Bằng, quê gốc nằm ở cách mó nước Rằng Phặt trên 7km, người mà với tư cách nhà báo, đã mục sở thị cái "mó nước biết vâng lời người" từ lâu; lại thêm, vừa đến Ủy ban đã thấy cả Bí thư, cả Chủ tịch UBND xã trịnh trọng ra thề thốt: sẽ đích thân đưa nhà báo đi rồi gọi nước lên cho mà xem... Hai chi tiết đó đã khiến tôi bớt thấy mơ hồ, hoài nghi. Bụng bảo dạ: yên tâm, yên tâm, cái gì nó cũng phải có lý của nó. Cứ chờ "hạ hồi phân giải"!

Chủ tịch UBND xã Hồng Quang, anh Nông Bình Phương, sinh năm 1961, đang hỉ hả tiếp nhà báo Hà Nội, khi được hỏi về mó nước Rằng Phặt thì bất ngờ chuyển sang... bức xúc: Việc bao đời nay bà con dùng "thần chú" gọi là nước dâng lên ngập ngụa là sự thật, bao nhiêu người vào thăm thú, cả bọn trộm cắp đánh xe Ben, đem xôi gà vào cúng lễ rồi phá hang nước tơi bời hòng tìm vàng bạc, thế mà không một ai nhiệt tình quay lại giải thích cho chúng tôi biết "nguyên do" của chuyện lạ.

Bí thư Đảng ủy xã Trần Văn Hải cũng lo lắng: bao nhiêu đoàn đến "ngó", chụp ảnh rồi họ bỏ về, tịnh không một "hồi âm". "Xã Hồng Quang có 108 đảng viên, với 12 khu hành chính (xóm, bản), 100% bà con người Nùng, ai cũng biết chuyện mó nước không phải vấn đề tuyên truyền "ma tà" gì, nó là sự thật từ nhiều đời. Ông tôi, bố tôi đã kể lại cho tôi câu chuyện ấy, tất cả người già người trẻ đều được truyền dạy một "sự tích" như vậy" - anh Hải nhấn mạnh.

Mó nước nằm cách Ủy ban khoảng 2km, ở bản Lũng Sạng, tên Rằng Phặt, tức là cái hố sâu (Rằng) đặt tên là Phặt. Mó nước nằm dưới một thung lũng bạt ngàn hoa màu, xanh mướt mát quanh các bờ rào đá xám ngoét, trâu bò thoải mái đằm ở ven các mạch nước ngầm mà hễ cứ ai đọc thần chú là phun lên ào ạt. Xung quanh là núi đá cao chất ngất, các vách đá rỗng rốp, thăn thớ, đua ra từ đỉnh trời đủ hình thù kỳ dị tầm như Quỷ Môn Quan (cửa đá hình mặt quỷ) ở Lạng Sơn. Chưa bao giờ, thời nào, có một ai nhìn thấy mó bị cạn nước hoàn toàn. Cùng lắm, nó chỉ cạn đến mức lộ ra cái cửa hang để kẻ tò mò chui vào; hễ cứ chui vào vài bước là nước dâng lên, ai không chạy ra nhanh sẽ mất xác trong lòng sông ngầm bí ẩn hơn cả ngục A Tỳ kia. Nước, với sức mạnh của mình, thật sự là một vị thần giữ cho những bí ẩn của hang tối càng trở nên bí ẩn hơn.

Hang đá thông lên mặt đất theo phương thẳng đứng (địa hình karst) với rất nhiều "địa đạo" bí ẩn; các hố tròn há miệng lên trời cứ nghe "thần chú" là phun nước ra cũng đổ nước vào muôn vàn cái cửa hang ngầm trong lòng núi, lòng gò đồi, lòng ruộng rẫy xung quanh. Toàn bộ khu vực chi chít các "dòng sông ngầm", các mạch nước ngầm. Bà con thì đọc câu thần chú "cha truyền con nối" để dụ nước ra cho trâu bò uống, cho các máy công suất lớn suốt ngày đêm bơm nước mó lên làm ngói ống, ngói vảy trong các lò nung, lấy nước tưới cho các ruộng ngô đỗ xung quanh xã. 

Biên tập viên và quay phim của Đài Phát thanh Truyền hình Cao Bằng cũng có mặt để ghi lại hình ảnh

Biên tập viên và quay phim của Đài Phát thanh Truyền hình Cao Bằng cũng có mặt để ghi lại hình ảnh "khó tin" ở mó nước biết vâng lời người .


Câu thần chú được Bí thư Đảng ủy xã Trần Văn Hải ghi nguyên văn vào sổ tay của tôi như sau: "Tý Xằm, tý Sỏi, tý Mỏi Rằng Phặt. Sặc sìn sặc ngằn, lố!" (theo tiếng Nùng, đại ý: tý là bé, là cô gái, đây là lời gọi các cô Xằm, cô Sỏi, cô Mỏi ơi; Rằng Phặt là tên mó nước; Sặc sìn sặc ngằn, là nó ăn trộm vàng ăn trộm bạc; lố là một hư từ, một từ gióng lên như một tiếng tri hô. Tóm lại, câu thần chú là lời hô hoán, thông báo của bà con với 3 cô gái được coi là "thần giữ của" dưới mó nước từ bao đời nay, hãy dâng nước lên để chống lại bọn ăn trộm các quan tài mà bà con được truyền tụng là có xếp tầng tầng lớp lớp trong các hang sâu).

Hiện tượng kỳ thú cần lời giải

Tay lăm lăm máy ảnh, máy quay phim, dò dẫm ra gần mó nước Rằng Phặt, ngũ lục giác quan của tôi và các đồng nghiệp ở Đài Phát thanh - Truyền hình Cao Bằng cùng căng như dây đàn. Bí thư Trần Văn Hải đọc "Tý Xằm, tý Sỏi, tý Mỏi..." xong, sau tiếng "lố", từ dưới lòng một khe đá hình tròn có diện tích chỉ bằng cái mâm ăn cơm, nước bắt đầu đùn ra ào ạt. Nước sủi tăm, nước cuồn cuộn nhè nhẹ, giống như một nồi nước lúc bắt đầu nổi tăm mắt cua để sủi. Toàn bộ mó nước có diện tích bằng độ hai cái gian nhà xanh thăm thẳm chợt sôi động hẳn lên. Nước phun từ mó ra, tràn ra các khoang chứa đầy bùn đất, lúp súp cỏ dại; nước rút ở khu này thì nước lại dâng lên ở khu khác; nước chạy vào hai cái hang sâu vô tận ở chân vách đá vôi.

Ngay tại cái miệng chính của mó nước Rằng Phặt, lúc thì nước đùn ra, lúc thì nước lại bị hút vào, khiến những người có mặt cứ liên tục gào lên hào hứng: "Nó đang ra!"; "Nó lại đang bị hút vào!"... Thả một ít vỏ trấu, một ít lá cây tươi nổi trên mặt mó nước, chúng tôi quan sát rất rõ đường đi của vỏ trấu và lá cây, nó chạy vòng quanh, nó chui vào các hang tối rồi có khi lại ùn ùn chạy ra như có một bàn tay vô hình nào đó đang bày binh bố trận...

"Thần chú" gọi nước bằng tiếng Nùng văng vẳng, "Tý Xằm, tý Sỏi, tý Mỏi...", núi đá cao dựng trời, các triền đồi hoang vắng đen sẫm toàn cây cổ thụ đã khiến cho không gian của mó nước thêm phần Liêu Trai. Anh Trần Văn Hải, leo lên vách núi, bẻ một cây sắn lớn về cắm ở rìa mó nước, dùng dao đánh dấu lên thân cây, rồi cất tiếng gọi 3 cô Xằm, Sọi, Mỏi ra giữ vàng bạc, để chúng tôi quay phim chụp ảnh cái cảnh nước dâng lên theo "tiếng gọi" như thế nào.

Anh Hải bảo, nửa đêm, có những kẻ nghe lời đồn, đánh cả ôtô "leo núi" vào bản, dùng lễ vật là gà, xôi, bánh kẹo, thắp nhang rồi đeo dây an toàn, cầm đèn pin, tụt xuống hang tìm... báu vật. Ở trên mặt ruộng của bà con, toàn các khối đá lớn, có một lỗ nhỏ thông với mó nước, bà con đã phải dùng các tảng đá lớn lấp lại kẻo sợ con người và súc vật sa xuống đó mất xác. Thế mà, cánh "trộm đêm" đã hò nhau dọn sạch các tảng đá rồi chui xuống lòng hang tối. Không ngờ, kẻ ở trên, người cầm dây an toàn lần xuống dưới, nước dâng lên, họ sợ quá, kéo nhau bỏ chạy cả. Cách đây chưa lâu, có nhóm thanh niên ở Nam Định, cũng kéo 5 người lên Rằng Phặt tìm vàng, sau khi bị "ba cô" dâng nước dằn mặt, đám "đạo tặc" bỏ chạy tán loạn, sáng ra, ở miệng mó nước chỉ còn xôi, gà và 5 đôi dép lê cũ rách.

Ông Nông Văn Sẻn, gần 60 tuổi, tình cờ cầm roi, rong đàn trâu no phưỡn bụng về mó Rằng Phặt uống nước, chúng tôi làm trắc nghiệm: tiếp tục hỏi sự tích mó nước, ông Sẻn đã nói giống hệt như tất cả bà con mà chúng tôi từng gặp.

Ông Sẻn bảo, cuối những năm 70, cái lò làm ngói máng, ngói ống ở bên cạnh Rằng Phặt, cánh thợ ngày đêm bơm nước của mó này lên để hành nghề, có ông chủ lò ngói tên là Triệu Văn Phín, từng cả gan thám thính cái hang nước bí ẩn. Mục đích của ông Phín là đi tìm kho vàng, kho bạc, với hy vọng có ngày giàu có, không bao giờ phải nhào đất và nước vào... khuôn khổ nữa! Tay cầm một cái túi rết, một thẻ nhang, một đèn 3 pin con thỏ, một cái bật lửa, ông Phín lặng lẽ, thận trọng, rón rén đi vào hang như một con mèo khôn ngoan.

Xuống độ 30 mét, giữa tối om, vừa sờ vào vách đá thì nghe tiếng ào ào, ầm ầm, nước cuộn xiết dâng lên. Nhờ sợi dây buộc ngang lưng có một số kẻ "tay chân" kéo ở phía trên, nhờ tài bơi lội như rái cá, ông Phín mới thoát chết. Cả làng ra xem "tai họa", thì thấy ông Phín ngồi bần thần bên cửa hang, mặt tái xanh tái tử, ai hỏi gì cũng ậm ừ. Ông dường như quên cả tiếng nói trong suốt mấy ngày.

Anh Phan Văn Hưởng, 40 tuổi, sống gần mó nước Rằng Phặt, người chứng kiến tất cả những kẻ tấn công hang tối từ lâu nay, kể: có lần tôi thấy nhóm người tự xưng là "nghiên cứu địa chất của tỉnh" đến tìm cách vào hang, vần đá, có khi họ làm việc giữa đêm tối, chúng tôi rất nghi ngờ, bà con kéo ra càng đông. Họ có vẻ sợ sệt rồi bỏ đi, khi đến và khi đi, họ tuyệt nhiên không liên lạc gì với chính quyền xã. Nhờ tìm tòi, anh Hưởng dần phát hiện ra: bà con ai cũng đọc thần chú gọi ba cô khi họ cần đến nước của Rằng Phặt. Nhưng thật ra, anh Hưởng và nhiều người cũng đã thử: cứ có tiếng vỗ tay hoặc gọi là nước lên, không cứ gì phải đọc đúng "tý Xằm, tý Sỏi, tý Mỏi..." bằng tiếng Nùng.

Vậy là, bài toán được gợi mở: cứ có tiếng hô hoán, tiếng động là nước dâng lên hoặc nước bị hút đi, một sự thật mà khoa học hoàn toàn có thể lý giải được, tức là: hễ có sự cộng hưởng âm thanh, là nước tuôn ra.

Chiều sậm dần, bà con tiễn đoàn nhà báo chúng tôi ở dưới chân vách núi Mặt Quỷ mơ màng, bí ẩn, chỉ với một lời nhắn nhủ: nhớ tìm người giải thích, nhớ trở lại với bản làng chúng tôi nhé. Gã trai 34 tuổi, tay xăm trổ xanh lè vừa gọi các cô dưới mó nước, giờ đây thở dài: "Có khi bọn tôi phải tính một kế được ăn cả ngã về không, bác ạ; chúng tôi thuê máy xúc đào toàn bộ khu vực mó nước và các hang ngầm lên, mất độ 50 triệu đồng. Nếu tìm được các quan tài vàng thì chia nhau, giàu kếch sù, nếu không tìm được thì cùng chịu lỗ. Cái "được" quan trọng hơn là lý giải được câu chuyện "tý Xằm, tý Sỏi, tý Mỏi" lạ lùng từ nhiều đời qua".

Thú thật, suốt từ lúc vào xã, lội chân xuống mó nước "thần bí", lặn lội ở các triền núi hoang vu của Hồng Quang, tôi chưa rùng mình một lần nào; nhưng khi gã trai xăm trổ "táo gan" đưa ra ý tưởng bất ngờ kia, tôi đã có cảm giác mình đang tái mặt đi. Một mó nước biết "vâng lời" người, một huyền thoại nghìn đời cha ông người Quảng Uyên để lại, một hiện tượng tự nhiên kỳ thú... - liệu có thể được ứng xử như thế sao?

 

Chúng ta vẫn nợ bà con người Nùng ở Hồng Quang một câu trả lời

 

Tiến sĩ khoa học (TSKH) Vũ Cao Minh (Viện Địa chất) là một chuyên gia nhiều năm nghiên cứu về địa hình karst, về các nguồn nước ngầm rồi đúc kết trong một đề tài khoa học lớn; từng nổi tiếng khi thành công trong dự án tìm nước và xây cả hệ thống hồ treo chứa nước "cứu" cao nguyên đá Hà Giang, vùng núi Sơn La vơi cơn khát từ ngàn đời. Sau khi tiếp cận với các tài liệu bài viết và hình ảnh sinh động về mó nước ở Quảng Uyên mà người viết bài này cung cấp, TSKH Vũ Cao Minh đã nhận xét:

 

Thứ nhất, trên thế giới, hiện tượng các mó nước (nguồn nước) khi đầy, khi vơi, lúc cạn, lúc chảy, lúc chảy ra nhiều lúc chảy ra ít là khá phổ biến. Là có nguyên lý khoa học, hoàn toàn có thể giải thích được. Tuy nhiên, một mó nước biết "vâng lời" người, nước có thể chảy ra sau tiếng vỗ tay, sau tiếng gọi (đọc thần chú) là hiện tượng lạ, kỳ thú. Bản thân ông Minh chưa từng nghe thấy, ông lục tìm nhiều "văn liệu" về địa chất cũng chưa thấy "ghi" một câu chuyện nào tương tự. Nếu đúng như mô tả của bà con, thì đây là một hiện tượng vô cùng kỳ thú, kỳ thú cả trong khoa học lẫn trong đời sống thường nhật. Ông Minh muốn sớm lên đó để nghiên cứu.

 

Thứ hai, chúng ta có thể phỏng đoán về các cái "bẫy không khí" trong khu vực có mó nước Rằng Phặt. Tức là từ sự tích tụ không khí, khi có âm thanh, kết hợp với nhiều yếu tố khác, năng lượng từ khối không khí đó được giải phóng, nó đẩy nước ra. Chuyện kiểu này đã từng diễn ra ở những khu vực, do bẫy không khí, bùn lỏng phun ra khỏi vách núi khi có tiếng động mạnh. Tương tự, ở một số khu vực khai thác dầu khí, do "bẫy không khí", có lúc dầu ra nhiều, có lúc dầu ra ít.

 

Theo tư duy của ông Minh, nếu có hiện tượng nước phun ra mỗi khi xuất hiện "cộng hưởng âm thanh", thì chắc chắn lượng nước phun ra đó phải được "gọi" đến từ các vách núi, các khe nứt, các "dòng sông ngầm", chứ không thể là nước dưới lòng đất sâu hàng chục mét phun lên. Trước đây, nhờ tìm ra "nguyên tắc" nước vách núi này, mà ông Minh và các cộng sự đã sáng tạo ra hệ thống hồ treo nổi tiếng trên cao nguyên đá Đồng Văn.

0