12/01/2018, 09:41

Miêu tả và biểu cảm trong văn tự sự

Miêu tả và biểu cảm trong văn tự sự I. KIẾN THỨC CƠ BẢN Ôn tập về miêu tả và biểu cảm trong văn tự sự, lưu ý những kiến thức sau : 1. Miêu tả là dùng ngôn ngữ (hay một phương tiện nghệ thuật khác) làm cho người nghe (người đọc, người xem) có thể thấy sự vật, hiện tượng, con người như đang hiện ...

Miêu tả và biểu cảm trong văn tự sự

I. KIẾN THỨC CƠ BẢN Ôn tập về miêu tả và biểu cảm trong văn tự sự, lưu ý những kiến thức sau : 1. Miêu tả là dùng ngôn ngữ (hay một phương tiện nghệ thuật khác) làm cho người nghe (người đọc, người xem) có thể thấy sự vật, hiện tượng, con người như đang hiện ra trước mắt.

Biểu cảm là bộc lộ những tình cảm, cảm xúc của bản thân trước sự vật, sự việc, hiện tượng con người trong đời sống.

2. Miêu tả trong văn miêu tả, biểu cảm trong văn biểu cảm so với miêu tả và biểu cảm trong văn tự sự không phải khác nhau ở số lượng câu văn mà là ở mục đích sử dụng. Yếu tố miêu tả trong văn miêu tả và trong văn tự sự tuy đều có tác dụng làm cho sự vật, sự việc, con người… trở nên rõ ràng sinh động. Thế nhưng miêu tả cho rõ, cho hay là mục đích của văn miêu tả. Trong khi đó, miêu tả chỉ là phương tiện để việc kể chuyện trong văn tự sự thêm cụ thể, sinh động và lí thú hơn. Cũng như vậy, nếu yếu tố biểu cảm làm cho bài văn biểu cảm dồi dào cảm xúc thì nó cũng chỉ là một phương tiện để biểu hiện và dẫn dắt câu chuyện trong văn tự sự mà thôi.

3. Để đánh giá sự thành công của việc miêu tả và biểu cảm trong văn tự sự, người ta thường phải xem xét các yếu tố này có phục vụ đắc lực cho mục đích tự sự hay không, hoặc đã phục vụ cho mục đích ấy ở mức độ nào.

4. Muốn miêu tả và biểu cảm thành công, người viết cần phải quan tâm tìm hiểu cuộc sống, con người và bản thân mình, đồng thời chú ý quan sát, liên tưởng, tưởng tượng và lắng nghe những lay động mà sự vật, sự việc khách quan gieo vào trong tâm trí mình.

II. RÈN KĨ NĂNG

1. Tìm hiểu kĩ năng miêu tả và biểu cảm trong văn tự sự qua đoạn trích Những vì sao của A. Đô-đê.

Đây là một trích đoạn tự sự bởi nó có các yếu tố như: nhân vật (chàng chăn cừu và cô gái), có sự việc (một cốt truyện nhỏ) và có cả người dẫn chuyện (nhân vật tôi – chàng chăn cừu).

- Đoạn trích này sử dụng khá nhiều các yếu tố miêu tả và biểu cảm để làm phương tiện cho việc “kể chuyện”. Các yếu tố miêu tả xuất hiện ở phần đầu đoạn văn (miêu tả hiện thực của cảnh ban đêm) và đoạn tả bầu trời ngàn sao ở phần cuối. Yếu tố biểu cảm trong đoạn văn là phần diễn tả những cảm xúc tinh tế của nhân vật tôi khi “đầu nàng nặng trĩu vì buồn ngủ đã ngả vào tôi với tiếng sột soạt êm ái của những dải đăng-ten và làn tóc mây gợn sóng”.

- Có thể nói, đây là một đoạn văn mà yếu tố miêu tả và biểu cảm đã đóng góp tích cực cho việc nâng cao hiệu quả tự sự. Hai yếu tố này chẳng những đã giúp chúng ta hình dung một cách sinh động về cảnh đêm sao thơ mộng mà còn có tác dụng thúc đẩy diễn biến của cốt truyện. Yếu tố miêu tả làm nền cho việc nảy sinh sự việc và từ đó mới có những rung động khẽ khàng, say sưa mà thanh khiết của chàng chăn cừu bên cô gái ngây thơ, xinh đẹp. Đêm sao thơ mộng cùng những rung động ngọt ngào làm cho đoạn văn trở nên hấp dẫn và lí thú hơn.

2. a) Liên tưởng : Từ sự việc, hiện tượng nào đó mà nghĩ đến sự việc, hiện tượng có liên quan.

b) Quan sát : Xem xét để nhìn rõ, biết rõ sự vật hay hiện tượng.

c) Tưởng tượng : Tạo ra trong tâm trí hình ảnh của cái không hề có ở trước mắt, hoặc chưa hề gặp.

3. Để miêu tả cho tốt, cho hay, chúng ta không thể “chỉ cần quan sát đối tượng một cách kĩ càng” mà còn phải phát huy tích cực khả năng tưởng tượng và liên tưởng nữa. Ví như, chúng ta sẽ không thể cảm nhận được các hình ảnh, âm thanh rất đặc sắc, rất thơ mộng trong đoạn văn của A. Đô-đê nếu không có sự quan sát tinh tế để thấy: trong đêm, tiếng suối reo nghe rõ hơn, đầm ao nhen lên những đốm lửa nhỏ, những tiếng sột soạt văng vẳng trong không gian… Hay hình ảnh “Cô gái nom như một chú mục đồng nhà trời, nơi có những đám cưới sao…” là sản phẩm của trí tưởng tượng. Và nếu không có sự liên tưởng phong phú thì không thể có được cảnh “cuộc hành trình trầm lặng, ngoan ngoãn của ngàn sao gợi nghĩ đến đàn cừu lớn”.

4. Chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy, tình cảm, cảm xúc của nhân vật “tôi” trong đoạn trích Những vì sao nảy sinh từ việc quan sát kĩ càng, chăm chú cảnh đêm. Một đêm sao huyền ảo và thơ mộng, hơn nữa vẻ đẹp hồn nhiên và ngây thơ của cô gái chắc chắn đã làm lay động trái tim giàu cảm xúc và dễ rung động của chàng trai. Và rõ ràng chính những tình ý ấy đã làm cho đoạn văn thêm mượt mà và hấp dẫn hơn. Cho nên, không thể nói để biểu cảm khi tự sự, chỉ tìm những cảm xúc, những rung động trong tâm hồn người kể.

5. Đoạn văn kể lại cuộc chiến đấu giữa Đam Săn với Mtao Mxây trong sử thi Đam Săn là một đoạn văn có sử dụng nhiều yếu tố miêu tả và biểu cảm. Có thể nói nhờ các yếu tố này mà khung cảnh cũng như diễn biến của cuộc chiến hiện ra cụ thể sinh động tới từng chi tiết trong sự hình dung của người đọc. Các yếu tố miêu tả (những hình ảnh so sánh ví von) và biểu cảm (cảm xúc của các nhân vật cũng như của cộng đồng) đã làm cho cuộc chiến đấu trở nên hoành tráng và dữ dội. Cũng từ đó mà hình ảnh người anh hùng cũng được nâng bổng hơn lên.

6. Trong đoạn văn trích từ truyện ngắn Lẵng quả thông của C. Pau-tôp-xki, người kể đã “kể chuyện” bằng quan sát, tưởng tượng và suy ngẫm. Để giúp người đọc hình dung rõ rệt hơn, cảm nhận thích thú hơn vẻ đẹp của mùa thu, nhà văn đã không miêu tả trực tiếp mà tưởng tượng “nếu như có thể lấy hết đồng và vàng trên trái đất đem đánh thành muôn vàn lá cây rất mực tinh xảo”; và suy ngẫm “những chiếc lá nhân tạo nọ sẽ rất thô kệch…”. Những câu văn ấy cũng là nhấn mạnh vẻ đẹp tự nhiên của mùa thu nhưng yếu tố miêu tả và biểu cảm đã mang đến cho chúng ta một cách cảm nhận khác lạ lẫm và lí thú hơn.

7. Viết bài văn tự sự có sử dụng các yếu tố biểu cảm và miêu tả kể về một chuyến đi đã đem lại cho anh (chị) nhiều cảm xúc (một lần về quê, một chuyến tham quan du lịch…).

Tham khảo bài viết dưới dây (kể về một lần về quê nội).

Quê hương tôi cũng đẹp và đáng yêu như quê hương của Tế Hanh. Cũng có con sông xanh biếc và những hàng tre rợp mát những buổi trưa hè. Chỉ tiếc tôi sống ở quê không nhiều lắm. Mỗi  năm tôi chỉ được về quê có một lần và thường là những ngày hè oi bức. Hè năm nay cũng vậy, tôi cũng theo bố mẹ về thăm quê nội. Thế nhưng chuyến đi năm  nay buồn  man mác và nhói đau hơn.

 Chả là cách cái ngày tôi về quê tròn hai tháng, nội tôi đã vĩnh viễn ra đi khỏi trái đất này. Mới nghe cái tin dữ ấy, tôi đã khóc  suốt buổi trưa và nằng nặc đòi bố mẹ cho về quê để nhìn mặt ông lần cuối. Thế nhưng bố an ủi: “Nội ra đi là một mất mát lớn đối với tất cả chúng ta. Lúc nội còn  sống, nội đã rất tin vào sức học của các con. Bây giờ con lại sắp phải thi chuyển cấp. Vì thế con hãy cố gắng ôn và thi cho tốt để làm an lòng linh hồn của nội”. Tôi ngoan ngoãn và ngậm ngùi nghe theo lời dạy bảo của bố tôi. Nỗi đau và niềm nhớ thương ông nội  nén lại trong tim tôi nghẹn ngào và da diết.

 Con tàu ngày xưa vẫn chạy rất nhanh sao hôm nay nó ì ạch và nặng nề biết mấy. Bò ngang qua mấy con đê và không biết đến bao nhiêu cánh đồng mênh mông bát ngát, con tàu dừng lại ngay phía đầu ngôi làng nhỏ của nội tôi. Vừa đặt chân lên mảnh đất của làng, tôi  bỗng giật mình nhận ra người bạn xưa quen thuộc- những bụi tre làng. Quê nội tôi có rất nhiều tre, tre đã gắn với bố, với tôi bao kỉ niệm. Những ngày nắng, những đêm mưa, những đêm trăng cùng  bạn bè trong xóm với  bao trò chơi thú vị, tôi đều đã gửi gắm ở nơi đây. Nhưng hôm nay trời không nắng và không có gió. Những đám trẻ âm thầm, lạnh lẽo và dường như cũng buồn như tâm hồn của chính tôi.

 Bố nắm chặt tay tôi khi cả nhà đứng trước hai cánh cổng đầy rêu xanh nhà nội. Tôi bắt đầu không cầm được nước mắt. Tôi chạy thẳng vào sân, và vào lòng bà và nức nở. Các cô, các bác và các chị em xúm lại an ủi tôi. Bà nội dắt tôi đến trước bàn thờ ông nội. Tôi thắp nhang trong khi hai mắt vẫn cay xè.Tôi cố gượng để nhìn sâu vào tôi mắt sáng và rất hiền hoà của nội tôi rồi lại oà lên khóc.

 Tôi thương nội rất nhiều. Qua lời kể của bố tôi, tôi biết ông bà nội đã phải lam lũ  suốt cuộc đời để nuôi dạy con cái cho thành đạt. Lúc còn sống, nội thường nói; “nội rất vui vì con cháu đều ngoan ngoãn cả”.Nhưng quả thực nội đã hy sinh trọn cuộc đời mà chưa có được một ngày thảnh thơi vui sướng.

 Hôm ấy sau khi viếng mộ ông, tôi xin phép bố mẹ một mình ra thăm bờ sông. Nơi ấy xưa nội thường đưa tôi ra hóng mát. Ông dạy tôi cách vót diều và cũng có hôm tôi được ông cho thả diều trên bờ con sông quê ấy.

Dòng sông bắt đầu nhô ra trước mắt tôi, uốn khúc bao quanh ngôi làng nhỏ như một dải lụa trắng khổng lồ. Mặt sông hôm nay lăn tăn gợn sóng như đang nói, đang cười, như tâm sự… Tôi đứng lặng trên bờ sông, nhắm mắt và nghe gió thổi vi vu. Hình như trong tiếng gió thổi nghe được tiếng thì thầm đó đây của nội.

 Tối hôm đó tôi  có cảm thấy vui hơn vì được các anh chị đưa ra với đám thiếu niên ngoài xóm. Thế nhưng cuộc vui tàn rất nhanh, tôI ra về lòng không được tươi mới như những lần vui chơi ngày trước.

Buổi sáng hôm sau tôi phải theo bố mẹ về ngay thành phố. Bố tôi phải đi công tác gấp, còn tôi năm nay cũng bận hơn với chuyện học hè. Vả lại tôi không dũng cảm để mà ở lại. Tôi muốn nhớ về ông nhưng không phải  ngày nào cũng cứ nhìn thấy ông rồi khóc.

 Bà nội chu đáo chuẩn bị cho bố con tôi rất nhiều quà, trong đó có cả một con diều nhỏ. Tôi nín thở để kìm nén cảm xúc trong lòng. Tôi ôm chặt và thầm cảm ơn ông bà về tất cả.

Trời hôm nay nắng và nắng rất to. Bố mẹ và tôi bước ra khỏi đám tre làng uể oải và mệt mỏi. Con đường trước mắt tôi rộng và xa tít. Nhưng không được đi dưới những tán tre làng đôi mắt tôi hình như cứ mỗi lúc hoa lên…

Nhìn chung, đây là một bài tập mà ta có thể chủ động viết một cách sáng tạo, linh hoạt, không nên tuân theo một khuôn mẫu nào. Điều đáng lưu ý là không được sa vào kể chuyện “suông” (câu chuyện chỉ gồm các sự việc, chi tiết tiếp nối nhau) hoặc lạc sang kiểu bài thuần biểu cảm.

 soanbailop6.com
0