Miêu tả trận bão lụt – Văn hay lớp 6
Miêu tả trận bão lụt – Văn hay lớp 6 Miêu tả trận bão lụt – Bài làm số 1 của một bạn học sinh giỏi văn tỉnh Thái Bình Từng ngày, từng ngày, đồng bào miền Trung đang phải gánh chịu hậu quả do bão lũ gây ra. Trận lũ năm hai nghìn là một trong những trận lũ có sức công phá mạnh mẽ ...
Miêu tả trận bão lụt – Văn hay lớp 6
Miêu tả trận bão lụt – Bài làm số 1 của một bạn học sinh giỏi văn tỉnh Thái Bình
Từng ngày, từng ngày, đồng bào miền Trung đang phải gánh chịu hậu quả do bão lũ gây ra. Trận lũ năm hai nghìn là một trong những trận lũ có sức công phá mạnh mẽ nhất trong thập kỷ qua.
Bầu trời tối sầm, mưa không ngớt, xung quanh toàn một màn nước trắng xóa. Đó là cảnh tượng của những nơi trận lũ diễn ra.
Tất cả những gì ở nơi đây bao trùm một thứ gì đó đơn điệu mà ẩn chứa bao nguy hiểm cùng với màn trắng của nước là màu xanh của ngọn cây, những cây cổ thụ dám dương đầu với dòng nước lũ và những mái ngói nhấp nhô – nơi duy nhất để người dân bám trụ. Mọi người từ cụ già đến trẻ em đều sống trong tâm trạng lo lắng, hoang mang, lo sợ, làn da xám đi vì lạnh. Có những đứa trẻ mới sinh ra mới vài tháng, cơ thể như không còn chút sinh lực. Họ sống trong tình trạng thiếu thốn không điện, không thức ăn, nước uống. Nhiều thanh niên đi mò trong biển nước những cây lúa còn sót lại một cách vô vọng.
Chính phủ đã kêu gọi tinh thần "lá lành đùm lá rách". Đâu đây, những chiếc xuồng cứu trợ màu da cam tươi cười đến với nhân dân. Rồi cả những chiếc trực thăng cũng được huy động, dù chỉ là những gói mì nhỏ bé nhưng trong đó chan chứa tất cả tình cảm của nhân dân khắp mọi miền hướng vồ miền Trung thân yêu. Màu áo xanh của bộ đội, cùa thanh niên tình nguyên; màu áo vàng của các chiến sĩ công an ngày đêm gắn bó với bà con vùng lũ. Nhân dân lấy lại tinh thần và sức lực, dũng cảm vượt qua những tháng ngày gian khổ. Trên những mái nhà ẩm ướt, khói đã bốc lên và nhờ những gói mì và hạt gạo ít ỏi đó mà đôi môi con trẻ trở lại hồng hào. Những chiếc bè đỏ dập dềnh chờ đợi một điều kỳ diệu.
Trận lũ đã đi qua nhưng nó để lại bao cảnh thương tâm. Người nông dân "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời", không quản ngại "một nắng hai sương" giờ lại tay trắng. Nhà cửa, ruộng vườn, trâu bò đất trôi theo dòng nước lũ. Chỉ mới tháng trước ở đây còn là mội khu dân cư đông đúc mà bây giờ đã là bãi đất bằng. Không chỉ có thế, trận lũ còn cướp đi bao sinh mạng người vô tội. Bao gia đình lâm vào cảnh "tan đàn sẻ nghé": đứa trẻ mắt đỏ hoe gọi cha, người vợ mất chồng, người mẹ mất con. Tôi có thể nhìn rõ gương mặt bạo tàn và nụ cười nham hiểm của Thủy Tinh độc ác. Hắn cười trên nỗi đau khổ của người khác, tiếng cười nghe thật ghê rợn. Những hòm ủng hộ đồng bào lũ lụt ngày ngày vẫn được ăn no để làm vơi đi phần nào đau khổ của người dân nhưng có một điều chắc chắn rằng: nỗi khổ mất đi một người thân là không gì bù đắp được.
Cơn lũ dữ rồi cũng qua đi. Cuộc sống của người dân dần trở lại nhịp thường ngày nhưng nỗi lo âu, phấp phỏng thì vẫn còn đó. Còn tôi, tôi nghĩ rằng trí thông minh do tạo hóa ban cho con ngườị, vậy chúng là sẽdùng nó để chế ngự thiên nhiên. Tuy nhiên, vẫn còn một câu hỏi mà tôi chưa trả lời được: "Đến khi nào nhân dân ta mới không phải chịu hậu quả của nước lũ, đến khi nào trận lũ như năm 2000 mới không tái diễn?".
Miêu tả trận bão lụt – Bài làm số 2
Miền Trung là nơi sảy ra bão lụt nhiều nhất trong tất cả các vùng trong cả nước. Mỗi trận lũ qua đi ở miền Trung đều để lại cảnh xơ xác tiêu điều, nhà cửa bị tàn phá, các phương tiện sinh sống của con người cũng bị cuốn trôi. Cứ đến mùa lũ về tôi lại có cảm giác sợ hãi trước những hậu quả nặng nề mà nó gây ra.
Khi bão đã ập đến bầu trời trở nên u tối. Gió quay cuồng, gào rít. Cây cối ngả nghiêng rồi nạp mình thành những cơn gió xoáy. Những cơn mừa ào ào đổ xuống, xối xả trên sân nhà, mái ngói, ngọn cây. Trận này chưa qua, trận khác lại kéo đến. Mưa ròng rã suốt ngày đêm. Thế rồi, nước ở sông bắt đầu dâng cao, màu nước đỏ ngầu. Nước tràn qua đê vào thôn xóm, làng mạc, thành phố. Nước ngập các con đường. Ruộng đồng chỉ một màu trắng xóa. Gió to kèm theo mưa lớn, chúng cứ tiếp nối nhau. Nước ồ ạt đổ vào các rãnh cống, kênh rạch. Nước sông sôi sục, chảy xiết, cuốn theo bao khúc gỗ từ miền ngược xa xôi. Cơn bão lũ vẫn diễn ra rất dữ dội, mọi tầng lớp nhân dân ở đây cùng các lực lương vũ trang ra sức chống đỡ. Hàng nghìn người dùng bao đất và cọc tre để chắn giữ đê, chắn giữ bờ sông, không cho sạt lở, ngăn dòng nước tràn vào thành phố, làng mạc. Tiếng rào rào bất tận của mưa, tiếng ào ào của nước chảy cùng tiếng gọi í ới của bao người đang chống lũ làm thính giác của người ta thêm mệt mỏi. Tuy vậy, họ vẫn cương quyết chống chọi với bão lũ. Nước vẫn dâng lên cao, tràn mênh mông. Từng chiếc thuyền lòa nhòa ẩn hiện trong cơn mưa bao phủ. Người dân ở gần bờ sông họ đều di dời tài sản đến nơi an toàn trước khi cơn lũ đến. Thanh niên cùng các lực lượng cứu hộ phải lênh đênh trong biển nước để làm nhiệm vụ. Từng chiếc thuyền dập dềnh sóng nước, mọi người tất bật, khẩn trương. Cơn bão lũ vẫn cứ tiếp tục, nước ở các sông ầm ầm đổ ra biển. Gió biển thổi mạnh vào đất liền, từng cơn bão dữ tiếp nhau đe dọa. Nhiều ngôi nhà bị tóc mái, bay loảng choảng. Hàng loạt ngôi nhà bị sạt móng, ngã vách. Có những ngôi nhà chỉ còn là đống gạch vụ, mặc dù nó là nơi mà mọi người phải làm từ lâu lắm mới có được. Tài sản bị bão lũ cướp đi, mạng người cũng không tránh khỏi. Trường học, bênh viện, nhà máy đều bị hư hại, khủng khiếp vô cùng đến mấy ngày liền.
Cơn bão lũ qua đi, làng mạc, phố phường nơi đây một màu đơn điệu, quang cảnh thật lặng lẽ trầm buồn, mọi người nhìn cảnh mất mát mà nát cả lòng, thất vọng tràn trề.
Mùa lũ đến với quê tôi thật khủng khiếp, nó tàn phá làng mạc, trường học, tài sản của dân. Đã nhiều năm nay nhân dân miền trung phải hững chịu những đợt bão lũ lạ thường. Người miền Trung chịu đựng bao nhiêu khó khăn như vậy đấy. Chúng ta cần phảỉ đoàn kết để giúp đỡ mọi người
Miêu tả trận bão lụt – Bài làm số 3
Trong lúc nhân dân cả nước đang náo nức kỉ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội thì miền Trung oằn mình trong bão lũ. Người dân cả nước xót xa khi chứng kiến cảnh đó trên truyền hình.
Những ngày tháng chín, tháng mười, bão và áp thấp nhiệt đới thay nhau đổ bộ vào các tỉnh miền Trung gây nên mưa lớn kéo dài nhiều ngày. Mưa giăng trắng trời, trắng đất. Lũ từ trên núi cao ầm ập bất ngờ đổ xuống. Các đập thủy điện quá tải vì lượng nước không lồ, không kịp mở cửa xả lũ nên có nguy cơ bị vỡ. Hồ thủy lợi Khe Mơ thuộc huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, dung tích bảy trăm ngàn mét khối bị vỡ đập chính. Nước ở các dòng sông dâng cao vượt báo động nguy hiểm cấp ba. Các dòng sông vốn phẳng lặng, hiền hòa là thế, bỗng trở nên hung hãn. Dòng nước đục ngầu, giận dữ cuốn phăng tất cả những gì nó gặp trên đường. Chao ôi, nước ở đâu ra mà nhiều đến thế. Xóm làng trù phú xanh tươi giờ đây biến mất, chỉ còn những ngọn cây cao, những nóc nhà nhô lên, ngấp ngoái giữa một vùng mênh mông, trắng xóa. Gió mưa mù mịt, thi nhau quất roi xuống mặt đất. Cơn thịnh nộ của thiên nhiên mới khủng khiếp làm sao!
Lòng người nhói đau khi chứng kiến tình cảm điêu đứng của nhân dân miền Trung trong trận đại hồng thủy. Người dân chạy đến trường học, trụ sở ủy ban, trạm y tế xã để tá túc. Hàng nghìn người chen chúc, thiếu lương thực, thiếu nước sạch, thiếu cả những vật dụng sinh hoạt tối thiểu. Lũ ập đến bất ngờ, không ai kịp mang theo tài sản chạy lũ. Họ ngồi nhìn ra ngoài trời, mặt tím tai, bơ phờ vì đói khát, vì lo lắng và hoảng sợ. Xót xa nhất là tình cảnh của những người còn mắc lại trong những ngôi nhà ngập sâu trong nước. Họ dỡ ngói chui lên nóc nhà. Những bàn tay chới với, khẩn thiết vẫy gọi người cứu tế. Đã có nhiều người chết và mất tích.
Trong hoạn nạn, tình người tỏa sáng. Dưới trời mưa tầm tả, các cán bộ, chiến sĩ, dân quân tự vệ khẩn trương ứng cứu, sơ tán dân ra khỏi vùng ngập sâu an toàn. Mọi người ấm lòng khi thấy các anh thoăn thoắt bế những em nhỏ, dìu những cụ già, đỡ mọi người lên xuồng chạy lũ. Những thùng mì tôm, những chai nước sạch được chuyển đến tận tay người dân vùng lũ. Phong trào quyên góp ủng hộ đồng bào miền Trung dấy lên trong cả nước. Lương thực, thuốc men, quần áo … được đưa đén tận tay từng gia đình. Sự động viên, chia sẻ cả về vật chất và tinh thần đó mới đang quý làm sao!
Sau trận lũ, nhà cửa hoang tàn, đồng ruộng xác xơ, cuộc sống của người dân khốn khó trăm bề. Mọi người không chỉ thấm thía về ý nghĩa của tình thương trong hoạn mà còn thấm thía ý nghĩa của việc bảo vệ môi trường bên vững của con người.
Miêu tả trận bão lụt – Bài làm số 4
Miền Trung – có lẽ là mảnh đất hứng chịu nhiều thiên tai nhất của cả dải đất hình chữ S nước ta. Một năm không biết mảnh đất này đã phải hứng chịu bao nhiêu những trận bão lụt khủng khiếp.
Gia đình em thuộc vùng núi nên khả năng bị ngập lụt là rất thấp, thế nhưng miền trung là vùng đồng bằng, chịu tác động trực tiếp của biển Đông nên thường xuyên chịu hậu quả của loại thiên tai này. Đã mấy hôm nay, ngày nào gia đình em cũng mở ti vi để theo dõi tình hình cơn bão đang đổ bộ trực tiếp vào nước ta. Mưa khắp cả nước nhưng khu vực chỗ em lượng mưa không lớn lắm vì xa tâm bão, còn các tỉnh thuộc khu vực miền Trung chịu hậu quả nặng nề nhất. Thời sự, báo đài và các phương tiện thông tin đại chúng khác luôn cập nhật hoạt động của cơn bão và các khu vực chịu ảnh hưởng của nó.
Có lẽ khi xem những cảnh này trên ti vi ai cũng không khỏi xúc động và cảm thương. Cả một vùng đâu đâu cũng chỉ thấy nước và nước, họa chăng chỉ thấy một vài cái nóc nhà còn ngoi lên. Cây cối bị bão làm bật gốc đổ ngang dọc, cột điện đổ, dây điện đứt chằng chịt khắp mọi nơi. Đồ đạc nổi lềnh bềnh trên mặt nước, biết bao nhiêu công sức của người dân nơi đây đã bị cuốn trôi theo dòng nước lũ, biết bao ngôi nhà, trường học giờ đây đã ngập trong nước. Mọi người dân đã được lực lượng cứu hộ sơ tán đến nơi an toàn, những nét khắc khổ, đau thương hằn sâu trên khuôn mặt của mỗi người, trẻ con chỉ biết khóc, biết kêu, mọi người dường như cố cứu vãn lấy đồ đạc của mình nhưng tất cả đều vô ích.
Nhìn cảnh những bàn tay giơ cao từ trong mái nhà ngói chờ cứu trợ, hay cảnh người mẹ hai tay bế hai đứa con chạy lũ vẫn còn kẹp thêm được ít đồ đạc trong gia đình khiến ai cũng phải rớt nước mắt, bão lũ còn khiến không ít người thiệt mạng hay mất tích, còn gì đau thương hơn là sự mất mát về người, của cải mất đi có thể làm lại được nhưng nỗi đau mất mát người thân thì không bao giờ nguôi ngoai. Những chiếc thuyền chở đầy những thùng mì tôm cứu trợ cho người dân, dường như cả nước đang hướng về miền Trung ruột thịt. Ở khắp các khu vực, những nơi không bị ảnh hưởng của bão, ở trường học, công xưởng… đều thấy những hoạt động kêu gọi khuyên góp, ủng hộ tiền, quần áo, sách vở…với khẩu hiệu: “Hướng về miền Trung ruột thịt, Cứu trợ đồng bào lũ lụt” để giúp người dân nơi đây khắc phục hậu quả sau bão.
Thiên tai đã để lại những hậu quả nặng nề, thiệt hại to lớn về người, của. Có những nỗi đau mất mát mà không thể nào bù đắp được. Cả nước cần chung tay, góp sức để giúp đỡ đồng bào nơi đây, đây chính là thay lời động viên, khích lệ tinh thần giúp họ thoát khỏi khó khăn.
Miêu tả trận bão lụt – Bài làm số 5
Năm nay, giữa tháng bảy Âm lịch, nước từ thượng nguồn sông Hồng đổ về, gây ra cảnh ngập lụt kéo dài. Ruộng vườn, nhà cửa, trường học, trạm y tế… của bao làng xóm ven sông bị nhấn chìm trong biển nước.
Xã Cẩm Đình, huyện Phúc Thọ quê em là một vùng đất bãi nằm ngoài đê cho nên thường phải hứng trọn những hậu quả ghê gớm của mùa lũ. Từ trên đê
nhìn xuống, sông Hồng ngầu đỏ phù sa, cuồn cuộn chảy, cuốn theo vô số thứ, từ những cây rừng bật gốc, những mảnh thuyền vỡ nát, đến những căn nhà làm bằng tre nứa cũng bị cuốn trôi vùn vụt cùng với những bè lau sậy… Mặt sông lúc này trông thật đáng sợ. Bờ bãi bên kia sông bị đẩy lùi ra xa tít tắp.
Gần một tuần nay, mưa tầm tã. Bầu trời xám xịt, chớp rạch nhoang nhoáng, sấm sét đì đùng. Gió quật tơi tả những vườn chuối, vườn ngô xanh tốt. Nước lũ dâng cao đã đến mức báo động số 3. Tình hình rất nguy cấp. Chính quyền xã đã kịp thời sơ tán dân chúng vào phía trong đê. Mấy chục dãy lán dựng tạm cho bà con có chỗ trú thân. Trâu bò cũng được tập trung trên gò đất cao ở gần điếm canh. Đội thanh niên xung kích đi tuần liên tục Đềphát hiện những chỗ rò rỉ ở thân đê. Dân làng đành bó tay đứng nhìn những ngôi nhà ngập trong nước và thành quả lao động suốt mấy tháng trời giờ bị lũ cướp trắng mà lòng xót xa, lo lắng.
Trong những ngày này, tình nghĩa xóm giềng gắn bó hơn bao giờ hết. Mọi người san sẻ cho nhau từng cân gạo, bát ngô, mớ củi, bó rau, con cá…
Sau khi tình hình ngập lụt ở xã em được chiếu trên tivi, có rất nhiều cd quan, đoàn thể và những người hảo tâm đã mang hàng cứu trợ đến tận nơi. Quần áo, sách vở, lương thực, thuốc men… được đưa đến tận tay từng người, từng nhà. Do đó sinh hoạt hằng ngày cũng đỡ khó khăn. Bác Đức Bí thư Đảng uỷ xã, bác Dương Chủ tịch xã thay mặt bà con địa phương cảm ơn sự quan tâm thiết thực của mọi người.
Trong hoàn cảnh thiên tai gian nan, khốn khó như thế này, em càng thấm thìa ý nghĩa của những câu tục ngữ: Lá lành đùm lá rách, Một miếng khi đói bằng một gói khi no. Tình cảm đoàn kết, yêu thương, sẵn sàng giúp đỡ nhau lúc hiểm nguy, hoạn nạn đã trở thành một truyền thống tốt đẹp từ bao đời của dân tộc Việt Nam ta.
Hồng Loan tổng hợp
Từ khóa tìm kiếm:
- bài văn hay nhất kể về trận lũ quê em
Bài viết liên quan
- Miêu tả vẻ đẹp tiêu biểu của quê hương em – Văn hay lớp 6
- Tả con đường quen thuộc từ nhà em đến trường – Văn hay lớp 5
- Tả con đường làng thân thuộc của em – Văn hay lớp 2
- Nghị luận xã hội về biển Đông – Văn hay lớp 12
- Thuyết minh về một cảnh quan của đất nước – Văn hay lớp 9
- Kể lại một câu chuyện về lòng kiên trì – Văn hay lớp 12
- Sức mạnh nào giúp con người bớt đi những lo âu, sợ hãi và đau khổ? – Văn hay lớp 12
- Nghị luận xã hội về câu nói: Nơi lạnh nhất không phải là Bắc Cực, mà là nơi không có tình thương – Văn hay lớp 12