Microsoft có vi phạm tính riêng tư?
Microsoft lại trở thành mục tiêu của một vụ kiện dân sự mới sau khi một người đàn ông sống tại California cáo buộc hãng này đã vi phạm các quy định về phần mềm gián điệp. Vụ kiện đã chính thức được đệ trình lên toà án quận Seattle hôm thứ 2 vừa qua. Vụ kiện xoay quanh chức năng "gọi về nhà" ...
Microsoft lại trở thành mục tiêu của một vụ kiện dân sự mới sau khi một người đàn ông sống tại California cáo buộc hãng này đã vi phạm các quy định về phần mềm gián điệp. Vụ kiện đã chính thức được đệ trình lên toà án quận Seattle hôm thứ 2 vừa qua.
Vụ kiện xoay quanh chức năng "gọi về nhà" của chương trình chống vi phạm bản quyền Windows Genuine Advantage của Microsoft. Chức năng này cho phép các hệ thống máy tính có cài đặt phần mềm này hàng ngày kết nối với máy chủ của Microsoft để kiểm tra cập nhật các tệp tin cấu hình.
Những người ủng hộ vấn đề quyền riêng tư đã lên án phương thức mới của Microsoft. Chính vì thế mà nhà phát triển phần mềm đã quyết định loại bỏ tính năng này trong phần mềm bắt đầu từ hôm thứ 3 vừa qua. Nhưng đáng tiếc quyết định của Microsoft lại đến sau khi Brian Johnson khởi kiện hãng.
Theo hồ sơ vụ kiện này, Brian cho rằng chức năng "gọi về nhà" của phần mềm Windows Genuine Advantage đã vi phạm cả luật chống phần mềm gián điệp của bang California lẫn bang Washington - nơi có trụ sở chính của Microsoft. Luật chống phần mềm gián điệp quy định người dùng đều phải được cảnh báo trước về các tiến trình liên kết thông báo về cho nhà cung cấp phần mềm.
Vụ kiện không đòi hỏi Microsoft phải bồi thường thiệt hại mà chỉ nhằm mục đích ngăn cản việc sử dụng tính năng này trong các phiên bản tương lai phần mềm Windows Genuine Advantage. Nếu Microsoft bị kết án là đã vi phạm các điều quy định của luật, hãng này có thể sẽ phải nộp phạt.
Microsoft đã bác bỏ những cáo buộc của Brian và cho rằng như thế là đã bóp méo mục đích thật sự của Windows Genuine Advantage. Tuy nhiên, người phát ngôn của Microsoft cũng cho biết hãng sẽ tiếp tục chỉnh sửa phần mềm theo những phản hồi của khách hàng.
Hoàng Dũng