Mẫu quy định về công tác an toàn, vệ sinh lao động
Mẫu quy định về công tác an toàn, vệ sinh lao động Mẫu nội quy an toàn vệ sinh lao động Mẫu nội quy công tác an toàn, vệ sinh lao động được VnDoc.com sưu tầm và đăng tải, là mẫu nội quy an toàn vệ sinh ...
Mẫu quy định về công tác an toàn, vệ sinh lao động
Mẫu nội quy công tác an toàn, vệ sinh lao động
được VnDoc.com sưu tầm và đăng tải, là mẫu nội quy an toàn vệ sinh lao động được dùng trong các doanh nghiệp, công ty. Nội quy có các nội dung: những quy định chung; tổ chức bộ máy và phân định trách nhiệm về công tác an toàn, vệ sinh lao động trong công ty; trách nhiệm của các bộ phận quản lý và chuyên môn của công ty trong công tác an toàn, vệ sinh lao động; trách nhiệm và quyền hạn của tổ chức công đoàn và người lao động... Mời các bạn tham khảo.
Luật an toàn, vệ sinh lao động 2015 số 84/2015/QH13
Nghị định 39/2016/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của luật an toàn, vệ sinh lao động
Thông tư liên tịch về thực hiện công tác an toàn vệ sinh lao động số 01/2011/TTLT-BLĐTBXH-BYT
CÔNG TY .................................
Số: ...../Qđ - TMN |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ............................, ngày ..... tháng ..... năm 20..... |
QUY ĐỊNH
VỀ CÔNG TÁC AN TOÀN – VỆ SINH LAO ĐỘNG
GIÁM ĐỐC CÔNG TY
...........................................................................
Căn cứ Thông tư số 01/2011/TTLT – BLĐTBXH – BYT ngày 10 tháng 01 năm 2011 về việc hướng dẫn tổ chức thực hiện công tác an toàn - vệ sinh lao động trong cơ sở lao động;
Căn cứ Quyết định số ............/QĐ-HĐTV, ngày ..... tháng ..... năm 20.... của Hội đồng thành viên Tổng Công ty ................................................ về việc phê duyệt Điều lệ tổ chức và hoạt động của Công ty .........................................;
Công ty Ban hành Quy định an toàn - vệ sinh lao động trong Công ty với các điều khoản sau:
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Bản quy định này quy định tổ chức bộ máy, phân định trách nhiệm công tác an toàn - vệ sinh lao động trong Công ty.
Điều 2. Kinh phí để thực hiện công tác an toàn - vệ sinh lao động được hạch toán vào chi phí sản xuất kinh doanh của Công ty và là chi phí hợp lý khi tính thuế, nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định hiện hành của pháp luật về luật thuế thu nhập doanh nghiệp.
Điều 3. Tổ chức bộ máy an toàn - vệ sinh lao động của Công ty gồm:
1. Bộ phận an toàn - vệ sinh lao động
2. Bộ phận y tế
3. Mạng lưới an toàn vệ sinh viên
4. Hội đồng Bảo hộ lao động Công ty
Chương II
TỔ CHỨC BỘ MÁY VÀ PHÂN ĐỊNH TRÁCH NHIỆM
VỀ CÔNG TÁC AN TOÀN - VỆ SINH LAO ĐỘNG TRONG CÔNG TY
Điều 4. Cơ cấu tổ chức của Hội đồng Bảo hộ Lao động và Mạng lưới An toàn - Vệ sinh viên
1. Cơ cấu tổ chức của Hội đồng Bảo hộ Lao động:
a. Hội đồng bảo hộ lao động là tổ chức phối hợp, tư vấn về các hoạt động an toàn - vệ sinh lao động ở Công ty và để đảm bảo quyền được tham gia và kiểm tra giám sát về công tác bảo hộ lao động, an toàn - vệ sinh lao động của tổ chức công đoàn.
b. Số lượng thành viên Hội đồng bảo hộ lao động phải đảm bảo các quy định sau.
- Đại diện người sử dụng lao động làm Chủ tịch Hội đồng.
- Đại diện Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở làm Phó Chủ tịch Hội đồng.
- Đại diện lãnh đạo phòng Tổ chức – Nhân sự làm Uỷ viên thường trực, kiêm Thư ký Hội đồng.
- Các Uỷ viên khác là cán bộ Phụ trách y tế, cán bộ kỹ thuật, cán bộ lao động - tiền lương hoặc các thành viên khác có liên quan nhưng số lượng không được vượt quá 9 người.
2. Cơ cấu tổ chức của Mạng lưới an toàn - vệ sinh viên:
a. Mạng lưới an toàn - vệ sinh viên gồm những người lao động trực tiếp, có am hiểu về nghiệp vụ, nhiệt tình, gương mẫu trong việc chấp hành các quy định về công tác an toàn - vệ sinh lao động và được người lao động trong tổ bầu ra. Để đảm bảo tính khách quan trong hoạt động, an toàn vệ sinh viên không được là tổ trưởng.
b. Mỗi phòng, tổ sản xuất phải bố trí ít nhất một an toàn - vệ sinh viên.
c. An toàn - vệ sinh viên hoạt động dưới sự quản lý và hướng dẫn của Ban chấp hành công đoàn cơ sở, trên cơ sở "Quy chế hoạt động của mạng lưới an toàn - vệ sinh viên".
Điều 5. Chức năng và nhiệm vụ của bộ phận an toàn – vệ sinh lao động.
1. Chức năng:
Bộ phận an toàn - vệ sinh lao động có chức năng tham mưu, giúp việc cho người sử dụng lao động trong việc tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các hoạt động an toàn - vệ sinh lao động.
2. Nhiệm vụ:
a. Phối hợp với các bộ phận có liên quan trong Công ty tiến hành các công việc sau:
- Xây dựng nội quy, quy chế, quy trình, biện pháp bảo đảm an toàn - vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ trong Công ty;
- Quản lý theo dõi việc đăng ký, kiểm định các máy, thiết bị, vật tư và các chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn - vệ sinh lao động;
- Xây dựng kế hoạch an toàn - vệ sinh lao động hàng năm và đôn đốc, giám sát việc thực hiện kế hoạch; đánh giá rủi ro và xây dựng kế hoạch ứng phó khẩn cấp;
- Tổ chức thực hiện các hoạt động tuyên truyền, phổ biến các quy định về an toàn - vệ sinh lao động của Nhà nước, của Công ty trong phạm vi Công ty;
- Tổ chức huấn luyện về an toàn - vệ sinh lao động cho người lao động;
- Kiểm tra về an toàn - vệ sinh lao động theo định kỳ ít nhất 6 tháng 1 lần các đơn vị sản xuất trực thuộc;
- Kiểm tra môi trường lao động, theo dõi tình hình thương tật, bệnh tật phát sinh do nghề nghiệp; đề xuất với Giám đốc Công ty các biện pháp quản lý, chăm sóc sức khỏe lao động;
b. Đề xuất tham gia kiểm tra việc chấp hành các quy định về an toàn - vệ sinh lao động;
c. Đề xuất với người sử dụng lao động biện pháp khắc phục các tồn tại về an toàn - vệ sinh lao động;
Điều 6. Quyền hạn của bộ phận an toàn – vệ sinh lao động:
1. Yêu cầu người phụ trách bộ phận sản xuất ra lệnh đình chỉ công việc hoặc có thể quyết định việc tạm đình chỉ công việc (trong trường hợp khẩn cấp) khi phát hiện các nguy cơ xẩy ra tai nạn lao động để thi hành các biện pháp bảo đảm an toàn lao động, đồng thời phải báo cáo người sử dụng lao động về tình trạng này.
2. Đình chỉ hoạt động của máy, thiết bị không đảm bảo an toàn hoặc đã hết hạn sử dụng.
3. Tham gia điều tra, thống kê, báo cáo và quản lý các vụ tai nạn lao động theo quy định pháp luật hiện hành.
4. Tham dự các buổi họp giao ban sản xuất, sơ kết, tổng kết tình hình sản xuất kinh doanh và kiểm điểm việc thực hiện kế hoạch an toàn - vệ sinh lao động.
5. Tham gia góp ý về lĩnh vực an toàn - vệ sinh lao động tại các cuộc họp xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh, trong việc lập và duyệt các đề án thiết kế, thi công, nghiệm thu, trong việc tổ chức tiếp nhận và đưa vào sử dụng nhà xưởng, máy, thiết bị.
6. Tổng hợp và đề xuất với Giám đốc Công ty giải quyết các đề xuất, kiến nghị của các đoàn thanh tra, kiểm tra của các đơn vị cấp dưới hoặc của người lao động.
7. Tham gia ý kiến vào việc thi đua, khen thưởng; tổng hợp, đề xuất khen thưởng, xử lý kỹ luật đối với tập thể, cá nhân trong công tác bảo hộ lao động, an toàn - vệ sinh lao động.
Điều 7. Chức năng và nhiệm vụ của Bộ phận y tế.
1. Chức năng:
Bộ phận y tế có chức năng tham mưu, giúp việc cho Giám đốc Công ty và trực tiếp thực hiện việc quản lý sức khỏe của người lao động.
2. Nhiệm vụ:
a. Thực hiện công tác khám chữa bệnh thông thường tại cơ sở lao động;
b. Quản lý tình hình sức khỏe của người lao động, bao gồm: Tổ chức khám sức khỏe định kỳ; khám bệnh nghề nghiệp, lưu giữ và theo dõi hồ sơ sức khỏe tuyển dụng, hồ sơ khám sức khỏe định kỳ, hồ sơ bệnh nghề nghiệp (nếu có);
c. Quản lý cơ số trang thiết bị thuốc men phục vụ sơ cấp cứu trong công ty;
d. Xây dựng các nội quy về vệ sinh lao động, các yếu tố nguy cơ gây bệnh nghề nghiệp và các biện pháp dự phòng để người lao động tham gia phòng tránh;
đ. Xây dựng các tình huống sơ cấp cứu thực tế tại cơ sở; chuẩn bị sẵn sàng các phương án và tình huống cấp cứu tai nạn lao động nhằm đảm bảo sơ cấp cứu có hiệu quả trong trường hợp xảy ra sự cố tai nạn lao động;
e. Kiểm tra việc chấp hành điều lệ vệ sinh, phòng chống dịch bệnh; phối hợp với bộ phận an toàn - vệ sinh lao động để triển khai thực hiện đo kiểm tra, giám sát các yếu tố nguy cơ trong môi trường lao động, hướng dẫn các đơn vị và người lao động thực hiện các biện pháp vệ sinh lao động;
g. Xây dựng kế họach điều dưỡng và phục hồi chức năng cho người lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại hoặc có kết quả khám sức khỏe định kỳ loại IV, loại V hoặc mắc bệnh nghề nghiệp;
h. Định kỳ hàng năm tổ chức huấn luyện cho người lao động về ảnh hưởng của các yếu tố có hại phát sinh trong môi trường lao động đến sức khỏe và các biện pháp dự phòng các bệnh liên quan đến yếu tố nghề nghiệp; các biện pháp sơ cứu, cấp cứu tai nạn lao động thông thường tại nơi làm việc;
i. Hàng năm kiểm tra, giám sát môi trường lao động; quản lý hồ sơ vệ sinh lao động của cơ sở; đề xuất các khuyến nghị và biện pháp cải thiện điều kiện lao động và nâng cao sức khỏe người lao động;
k. Hướng dẫn và tổ chức thực hiện chế độ bồi dưỡng (cơ cấu định lượng hiện vật, cách thức tổ chức bồi dưỡng) cho những người lao động làm việc có hại đến sức khỏe;
l. Tham gia hoàn chỉnh các thủ tục để giám định tổn hại sức khỏe, thương tật cho người lao động bị bệnh nghề nghiệp, tai nạn lao động;
m. phối hợp và nhận sự chỉ đạo của cơ quan y tế địa phương hoặc y tế Bộ, ngành (nếu có) để quản lý sức khỏe của người lao động; tiếp nhận và thực hiện đầy đủ chỉ đạo về chuyên môn nghiệp vụ của y tế địa phương và y tế Bộ, ngành;
n. Thực hiện các báo cáo định kỳ về quản lý sức khỏe, bệnh nghề nghiệp của người lao động đối với cơ quan y tế địa phương và y tế Bộ, ngành.
Điều 8. Quyền hạn của Bộ phận y tế.
1. Tham dự các cuộc họp giao ban sản xuất, sơ kết, tổng kết tình hình sản xuất kinh doanh và kiểm điểm việc thực hiện kế hoạch an toàn - vệ sinh lao động;
2. Tham dự các cuộc họp về xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh, lập và duyệt các đề án thiết kế, thi công, nghiệm thu và tiếp nhận đưa vào sử dụng nhà xưởng, máy, thiết bị để tham gia ý kiến về lĩnh vực an toàn - vệ sinh lao động;
3. Yêu cầu người phụ trách bộ phận sản xuất ra lệnh đình chỉ công việc hoặc có thể quyết định việc tạm đình chỉ công việc (trong trường hợp khẩn cấp) khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm hoặc các nguy cơ gây ảnh hưởng sức khỏe, bệnh tật, ốm đau cho người lao động, đồng thời phải báo cáo Giám đốc Công ty về tình trạng này;
4. Đình chỉ việc sử dụng các chất không bảo đảm quy định về vệ sinh lao động;
5. Tham gia việc tổng hợp, đề xuất khen thưởng, xử lý kỷ luật đối với tập thể, cá nhân trong công tác an toàn - vệ sinh lao động;
6. Tham gia các cuộc họp, hội nghị và giao dịch với cơ quan y tế địa phương hoặc y tế Bộ, ngành để nâng cao nghiệp vụ và phối hợp công tác.