Mata Hari: Vũ nữ hay điệp viên quyến rũ nhất thời đại?
Nguồn: Nicholas Barber, “Who was the real Mata Hari?“, BBC Culture, 24/10/2017 Biên dịch: BBC Tiếng Việt Nàng vũ nữ chuyển sang làm điệp viên bí mật – dù cho 100 năm đã trôi qua sau khi bị xử tử – cho đến nay vẫn là một bí ẩn. Cô đem đến cho chúng ta một khái niệm ...
Nguồn:
Biên dịch: BBC Tiếng Việt
Nàng vũ nữ chuyển sang làm điệp viên bí mật – dù cho 100 năm đã trôi qua sau khi bị xử tử – cho đến nay vẫn là một bí ẩn. Cô đem đến cho chúng ta một khái niệm mới: điệp viên quyến rũ, mà sau này ta được thấy trong nhân vật 007, Nicholas Barber viết.
Đã tròn một thế kỷ trôi qua kể từ khi Mata Hari bị đội xử bắn Pháp hành hình với tội làm gián điệp cho Đức. Nói theo cách khác, thì đã tròn một thế kỷ kể từ khi vũ nữ đồng thời là gái điếm cao cấp người Hà Lan tái sinh và trở thành huyền thoại.
Cuốn tiểu sử đầu tiên về bà được xuất bản năm 1917, chỉ vài tuần sau khi bà chết, và kể từ đó, bà đã trở thành chủ đề cho 250 cuốn tiểu sử, tiểu thuyết, bên cạnh rất nhiều các vở kịch, các loạt phim truyền hình và các phim truyện, mà đáng chú ý nhất là phim ra hồi 1931 do Greta Garbo đóng.
Và đó chỉ là những cuốn sách, những bộ phim, những vở kịch chính thức về Mata Hari. Còn có rất nhiều những tác phẩm về những điệp viên quyến rũ khác rõ ràng là chịu ảnh hưởng từ người phụ nữ này, thậm chí cả khi được mang những tên khác.
Chẳng hạn như phim Dishonored (1931) với Marlene Dietrich thể hiện phong cách Mata Hari. Một bài báo mang tính học thuật gần đây đã xếp phim Notorious and North by Northwest vào nhóm “các phim Mata Hari kiểu Hitchcock” do có đưa vào các nhân vật nữ điệp viên chuyên dùng tình dục để đạt mục đích công việc.
Và đoạn trailer giới thiệu phim sẽ ra trong năm 2018, phim Red Arrow với Jennifer Lawrence vào vai một nữ điệp viên Nga được “đào tạo để quyến rũ và mồi chài” chỉ là một sản phẩm nữa kể lại câu chuyện huyền bí đó.
Hầu hết các câu chuyện này đều thiếu chính xác một cách quá đáng, nhưng có những lý do nhất định khiến cho câu chuyện cuộc đời của Mata Hari bị thay đổi, thêm thắt. Đó là bởi chính cô đã làm một số thứ dẫn tới việc thay đổi, thêm thắt đó.
“Cô ấy là một sản phẩm được tạo ra từ đầu đến cuối, một nhân vật trong vở kịch mà cô ấy liên tục viết lại kịch bản,” Pat Shipman viết trong cuốn tiểu sử Mata Hari, cuốn Femme Fatale.
Việc cô buộc phải tạo ra những bí hiểm về bản thân khiến cô trở thành một biểu tượng: hiện thân độc đáo của tình dục, sự hào nhoáng, quan hệ gian díu, và mối nguy hiểm. Nhưng đó cũng là điều dẫn tới cái chết của cô vào 10/1917, ở tuổi 41.
Sự bắt buộc đó xuất phát từ cha cô, Adam Zelle, một chủ cửa hàng làm mũ tại thị trấn Leeuwardne của Hà Lan, người rất hoan hỉ với tên lóng đầy phô trương: Ngài Nam tước. Ông khuyến khích con gái Margaretha phải trở nên hào nhoáng như mình, nhưng tuổi thơ được chiều chuộng của cô đã kết thúc đột ngột khi cô bé mới bước vào tuổi teen, khi cha mẹ cô ly hôn và người mẹ qua đời.
Sống nhờ họ hàng, Margaretha đăng ký vào học trường cao đẳng sư phạm, nhưng bị đồn là có quan hệ tình ái với hiệu trưởng trường. Cô bị đuổi học, còn ông hiệu trưởng thì tiếp tục tại vị.
Bán tình
Cần tiền và muốn được tôn trọng, cô đã trả lời một mẩu quảng cáo kết bạn trên báo, là mẩu tin của một người lính từ vùng Đông Ấn thuộc Hà Lan (nay là Indonesia) về nhà nghỉ phép.
Ở tuổi 18, Margaretha gặp Rudolf MacLeod, 39 tuổi, tại bảo tàng Rijksmuseum tại Amsterdam vào năm 1895.
Chỉ sáu ngày sau, họ tuyên bố đính hôn. Thế nhưng làm một người vợ biết vâng lời là điều mà cô thấy mình không thể đảm đương được. Sau khi hai người chuyển tới đảo Java, nơi MacLeod tiếp tục nhiệm vụ trong quân ngũ, ông đã nổi đóa về mối đam mê của cô vợ trẻ với thời trang và thói tán gẫu buôn chuyện – dẫu cho cuộc hôn nhân không làm ông bỏ đi thói quen uống rượu và tán tỉnh phụ nữ.
Ông yêu thương vô bờ bến cậu con trai chung, Norman, và cô con gái Non, nhưng hành hạ Margaretha cả bằng lời nói lẫn vũ lực. Khi Norman chết, cuộc hôn nhân ngắn ngủi của họ cũng chết theo đứa con trai.
Quay trở lại Hà Lan, hai vợ chồng ly hôn vào năm 1902. Margaretha được trao quyền nuôi Non, nhưng không có tiền, cô không còn cách nào khác là phải để con gái sống với chồng cũ và đi tìm cho mình một vai trò mới. Lại một lần nữa, cô phải dùng đến sự nhanh trí, vẻ ngoài hấp dẫn với cặp mắt đen và khả năng tình dục tuyệt đỉnh của mình để tồn tại.
Chuyển tới Paris, cô làm người mẫu cho các họa sỹ và làm kỵ sĩ trong gánh xiếc trước khi có một người bạn gợi ý cô thử khiêu vũ ở một salon trước các khán giả muốn thử nét văn hóa gì đó mới. Một người bạn khác chọn cho cái tên Mata Hari, mà trong tiếng Malay có nghĩa là ‘con mắt trong ngày’, ‘mặt trời mọc’, hoặc ‘bình minh’ – và một ngày mới bắt đầu đến với cô.
Mata Hari ngay lập tức tạo nên cơn sốt, mà không phải chỉ bởi cô dám nhảy một cách đầy nhục dục, gồm cả việc cởi bỏ hết những món đồ mặc trên người, lần lượt từng thứ một, cho tới khi hoàn toàn khỏa thân và chỉ còn đồ trang sức trên đầu và miếng che ngực nhỏ xíu.
Màn trình diễn này, cô nói, là vũ điệu đền thờ của người Java, cho nên khán giả có thể tự nhủ rằng họ không phải đang xem màn vũ thoát y mà chỉ là nét thoáng qua đầy chất giáo dục về một nghi lễ tôn giáo từ ‘phương Đông huyền bí’.
“Cô ấy được coi là khoả thân nghệ thuật, chứ không phải khỏa thân vì tiền,” Julie Wheelwright, tác giả cuốn Người tình Chết người: Mata Hari và Sự bí hiểm của những phụ nữ làm gián điệp, nói.
“Bởi cô ấy bắt đầu trình diễn từ những salon tư chứ không phải trong các rạp hát, cô ấy được tôn trọng. Và bởi Isadora Duncan cùng những người khác tái tạo lại các vũ điệu bằng cách vay mượn không chỉ từ các vũ điệu cổ điển mà cả các vũ điệu dân gian, truyền thống nữa, cho nên các buổi diễn của cô ấy được coi như sự kiện văn hóa.”
Điều quan trọng là cô đóng vai diễn Mata Hari cả ở ngoài đời nữa. Cô nói với một số phóng viên rằng cô được sinh ra tại Java, nhưng bố mẹ là người châu Âu, rồi nói với một số người khác rằng cô là con gái của một vũ công đền thờ Ấn Độ.
“Mata Hari tượng trưng cho thơ ca Ấn Độ”, một bài báo trên tạp chí Le Journal viết, “cho chủ nghĩa huyền bí, sức quyến rũ, sự phiêu lãng, nét quyến rũ thôi miên của nó.”
Bên cạnh việc biểu diễn ở Belle Époque Paris, cô có các chuyến biểu diễn tại Berlin, Vienna, Monte Carlo và Milan. Cô không thiếu gì những người tình đầy uy thế trong xã hội, cung phụng để cô có thể duy trì được lối sống xa hoa.
Khi chiến tranh nổ ra, không có gì là phi lý khi viên lãnh sự Đức tại Amsterdam ra mức giá 20 ngàn francs để cô đánh cắp các bí mật của Pháp. Rốt cuộc thì cô nói được nhiều thứ ngôn ngữ, đi lại trên khắp châu Âu và ăn nằm với rất nhiều các sỹ quan, chính trị gia, các nhà quý tộc, và các nhà tư bản công nghiệp. Còn ai có thể tốt hơn trong việc nghe được những câu chuyện này khác phía sau những cánh cửa đóng kín?
Người phụ nữ của những mối quan hệ tình ái
Georges Ladoux, người đứng đầu sở phản gián Pháp, đồng ý như vậy. Ông đề nghị Mata Hari làm gián điệp cho Pháp, và cô chấp nhận, nhưng lại không nhắc đến việc cô đã nhận lời làm công việc tương tự cho kẻ thù.
Cô hoặc là vô cùng thông minh, xảo quyệt, hoặc ngây thơ tới mức ngu ngốc. Hầu hết những người nghiên cứu về Mata Hari tin rằng cô là người ngây thơ.
“Cô luôn rất giỏi trong việc làm mới bản thân,” Julie Wheelwright nói. “Cô đã bứt phá, tạo cuộc đảo chính ngoạn mục để làm mới mình thành Mata Hari. Nhưng điều cô ấy không hiểu là nếu lại tự làm mới mình trong Thế chiến và vào vai điệp viên thì cái giá phải trả sẽ cao hơn nhiều. Đó không phải là cuộc chơi và màn trình diễn như cô ấy nghĩ.”
Cô không làm mấy việc theo cách các điệp viên thực sự làm, và điều đó khiến cho một số người viết tiểu sử nghi ngờ về việc liệu có nên xếp cô vào dạng điệp viên hay không.
“Nếu như cô ấy thực sự là một điệp viên,” Pat Shipman viết trong cuốn Femme Fatale, “thì Mata Hari rõ ràng là nằm trong nhóm các điệp viên ngớ ngẩn nhất thế giới… Cô gửi những lá thư không được mã hóa cho Ladoux bằng đường thư tín thông thường; cô công khai gửi điện tín cho ông, cô liên tục gọi điện tới văn phòng ông… cô bị nhận diện ở khắp mọi nơi, được biết đến ở khắp mọi nơi, và rõ ràng là nằm ở tâm điểm chú ý… Làm gì có cơ hội để một người phụ nữ như thế trở thành một điệp viên thành công, chứ đừng nói gì tới việc làm điệp viên nhị trùng?”
Thế nào nào một điệp viên nổi tiếng – điều này luôn gây tranh cãi. Nhưng sự kết hợp của Mata Hari với những người nổi tiếng khác giải thích lý do vì sao có rất nhiều nhân vật tình báo hư cấu mắc nợ cô. James Bond về bản chất là một Mata Hari, chỉ khác về giới tính, không chỉ bởi chàng là một kẻ quyến rũ phụ nữ khét tiếng, phong cách sống xa xỉ, đi lại khắp nơi trên thế giới, mà còn bởi chàng hớ hênh tới mức luôn nói rõ tên mình.
Các nhân vật ‘điệp viên gợi tình’ dùng mưu mẹo thường được cho là chịu ảnh hưởng từ Mata Hari, chẳng hạn như điệp viên James Bond của AnhQuá nhiều hư cấu. Trên thực tế, không ai coi nghề gián điệp là một thứ hoạt động giải trí đầy hào nhoáng lại có thể tồn tại được lâu.
Mata Hari bị bắt với các buộc làm gián điệp nhị trùng vào tháng 2/1917. Giới chức Pháp không có mấy bằng chứng trong tay, nhưng những tổn thất của nước này trong thời chiến thì quá lớn, cho nên để vực dậy tinh thần đất nước thì cần phải có ai đó để đổ trách nhiệm.
Viên công tố buộc tội Mata Hari trước tòa án binh, Pierre Bouchardo đã không tập trung vào những hành động, mà vào tính cách của cô: cô là một người thoát khỏi những khuôn phép xã hội, phóng túng, hoạt động tầm quốc tế, luôn viết lại quá khứ của bản thân. Và thế là những thứ vốn đưa cô trở thành một ngôi sao trong thời bình đã được coi là đủ để lên án cô trong thời chiến.
Trong hàng thập niên tiếp sau đó, Mata Hari được coi như hình mẫu một người phụ nữ đầy quyến rũ: một người đàn bà ma quỷ điển hình để cho thấy rõ rằng những người phụ nữ đầy tự tin về khả năng quyến rũ tình dục đáng bị trừng phạt.
Nhưng những nhà phê bình nữ quyền thì nói rằng cô là người đã làm phong phú thế giới đàn ông với việc sáng tạo và đủ quyết tâm để tự tạo ra bản thân mình.
Cho dù đã trải qua cả 100 năm và đã có hơn 250 cuốn sách viết về cô, chúng ta vẫn không biết được đầy đủ về những hành động, những động cơ của cô. Những tấm màn đã được kéo lên, nhưng những lời giải thì vẫn chưa được đưa ra.
15/10/1917: Mata Hari bị xử tử
Nguồn: BBC Tiếng Việt