12/01/2018, 11:37

Mặt trận dân chủ Đông Dương và phong trào đấu tranh đòi tự do, dân chủ

Mặt trận dân chủ Đông Dương và phong trào đấu tranh đòi tự do, dân chủ Căn cứ vào tình hình trên và tiếp thu đường lối của Quốc tế Cộng sản. ...

Mặt trận dân chủ Đông Dương và phong trào đấu tranh đòi tự do, dân chủ

Căn cứ vào tình hình trên và tiếp thu đường lối của Quốc tế Cộng sản.

Căn cứ vào tình hình trên và tiếp thu đường lối của Quốc tế Cộng sản, Đảng Cộng sản Đông Dương nhận định rằng kẻ thù cụ thể trước mắt của nhân dân Đông Dương lúc này là bọn phản động Pháp cùng bè lũ tay sai không chịu thi hành chính sách của Mặt trận Nhân dân Pháp tại các thuộc địa. Từ đó, quyết định tạm thời hoãn các khẩu hiệu “Đánh đổ đế quốc Pháp, Đông Dương hoàn toàn độc lập”, “Tịch thu ruộng đất của địa chủ chia cho dân cày” và nêu những nhiệm vụ trước mắt của nhân dân Đông Dương là : “Chống phát xít, chống chiến tranh đế quốc, chống bọn phản động thuộc địa và tay sai, đòi tự do, dân chủ, cơm áo và hòa bình”.
Để thực hiện các nhiệm vụ đó, Đảng Cộng sản Đông Dương đề ra chủ trương lập Mặt trận Nhân dân phản đế Đông Dương vào mùa hè năm 1936 (đến tháng 3 - 1938, đổi thành Mặt trận Dân chủ Đông Dương), nhằm tập hợp mọi lực lượng yêu nước, dân chủ tiến bộ, đấu tranh chống chủ nghĩa phát xít và bảo vệ hòa bình thế giới. Về hình thức và phương pháp đấu tranh, những khả năng hợp pháp và nửa hợp pháp,công khai và nửa công khai được triệt để lợi dụng để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức, giáo dục và mở rộng phong trào đấu tranh của quần chúng.
Từ giữa năm 1936, được tin Chính phủ Mặt trận Nhân dân Pháp áp cử một phái đoàn sang điều tra tình hình thuộc địa ở Đông Dương, Đảng chủ trương phát động một phong trào đấu tranh công khai rộng lớn của quần chúng ; mở đầu là cuộc vận động lập ủy ban trù bị Đông Dương đại hội, nhằm thu thập nguyện vọng của quần chúng, tiến tới triệu tập Đông Dương đại hội.
Hưởng ứng chủ trương trên, các “ủy ban hành động” nối tiếp nhau ra đời ở nhiều địa phương trong cả nước. Quần chúng khắp nơi sôi nổi tổ chức các cuộc mít tinh, hội họp, diễn thuyết để thu thập “dân nguyện”, đưa yêu sách đòi Chính phủ Mặt trận Nhân dân Pháp phải trả tự do cho tù chính trị, thi hành luật lao động ngày làm 8 giờ và đảm bảo số ngày nghỉ có lương trong năm cho công nhân, cải thiện đời sống của nhân dân.
Đến đầu năm 1937, nhân dịp đón phái viên Chính phủ Pháp và Toàn quyền mới của xứ Đông Dương, nhiều cuộc mít tinh, biểu tình, đưa “dân nguyện” đã diễn ra, trong đó công nhân và nông dân là lực lượng đông đảo và hăng hái nhất.
Ngoài các yêu sách chung, mỗi giai cấp, mỗi tầng lớp còn đưa ra các yêu sách riêng của mình. Công nhân đòi tự do lập nghiệp đoàn, tăng lương, bớt giờ làm, thi hành luật lao động, thực hiện bảo hiểm xã hội, chống đuổi thợ, chống đánh đập, cúp phạt... Nông dân đòi chia lại ruộng công, chống sưu cao, thuế nặng, đòi giám tô, giảm tức... Công chức, học sinh, tiểu thương, tiểu chủ đòi đảm bảo quyền lợi lao động, ban bố các quyền tự do dân chủ, miễn giảm các thứ thuế...
Một phong trào đấu tranh của quần chúng với các cuộc bãi công, bãi thị, bãi khóa, mít tinh, biểu tình đã nổ ra mạnh mẽ, nhất là ở các thành phố, khu mỏ và đồn điền cao su trong Nam, ngoài Bắc.
Đặc biệt là phong trào công nhân với cuộc tổng bãi công của công nhân Công ti than Hòn Gai (11 - 1936) và cuộc bãi công của công nhân xe lửa Trường Thi (Vinh, thang 7 - 1937). Ngày Quốc tế Lao động 1 - 5 - 1938, tại Khu Đấu Xảo(Hà Nội), đã diễn ra cuộc mít tinh khổng lồ của 2,5 vạn người, hô vang các khẩu hiệu đòi tự do, lập hội ái hữu, nghiệp đoàn, đòi thi hành triệt để luật lao động, đòi giảm thuế, chống phát xít, chống chiến tranh đế quốc, ủng hộ hòa bình và chống nạn sinh hoạt đắt đỏ.

Nhiều tờ báo công khai của Đảng, của Mặt trận Dân chủ Đông Dương và các đoàn thể quần chúng đã ra đời (Tiền phong, Dân chúng, Lao động, Bạn dân, Tin tức, Nhành lúa, v.v...). Một số sách chính trị phổ thông giới thiệu chủ nghĩa Mác - Lê-nin và chính sách của Đảng cũng được lưu hành rộng rãi, trong đó có cuốn Vấn đề dân cày của Qua Ninh và Vân Đình .

Từ cuối năm 1938, Chính phủ Mặt trận Nhân dân Pháp do Đảng Xã hội Pháp đứng đầu ngày càng thiên về hữu. Theo đà, bọn thực dân phản động Pháp ngóc đầu dậy phản công lại Mặt trận Dân chủ Đông Dương, cấm những hoạt động cách mạng và khủng bố những chiến sĩ tham gia phong trào. Phong trào đấu tranh công khai bị thu hẹp dần và đến tháng 9 - 1939, khi Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ thì chấm dứt.

0