Mật ong cứng như đá không có gì lạ
Vừa qua, đã có thông tin một thầy thuốc ở Lào Cai, trong khi đi tìm thuốc tại rừng thuộc vùng Simacai đã phát hiện ra loại mật ong có độ khô tự nhiên và cứng như đá, các bánh mật to, để lâu nên bị dương xỉ mọc lên, ngoài ra, ong nhả ra mật khô liền. Nhiều bạn đọc muốn biết loài ong đó có phải ...
Vừa qua, đã có thông tin một thầy thuốc ở Lào Cai, trong khi đi tìm thuốc tại rừng thuộc vùng Simacai đã phát hiện ra loại mật ong có độ khô tự nhiên và cứng như đá, các bánh mật to, để lâu nên bị dương xỉ mọc lên, ngoài ra, ong nhả ra mật khô liền. Nhiều bạn đọc muốn biết loài ong đó có phải loài mới? Vì sao mật lại cứng được như đá, giá trị chữa bệnh đến đâu?
Hiện tượng mật ong hóa đá là hiện tượng hiếm xảy ra nhưng có thể dễ dàng giải thích. Bởi loài ong cho mật cứng như đá chính là loài ong đá, một trong 6 loài ong cho mật có tại Việt Nam. Loài ong đá (tên khoa học Apis laboriosa) là loài có kích thước cơ thể lớn nhất trong loài ong mật, cơ thể có màu đen và sọc trắng ở bụng. Chúng cũng chỉ xây một bánh tổ ở dưới các vách đá có độ cao 1.200m trở lên so với mực nước biển nên có thể cao tới 2.500 - 3.000m.
Đây là loài ong có tổ lớn nhất, quân đông nên dự trữ mật nhiều nhất, thường từ 40 - 60kg mật/ bánh tổ. Trên thế giới, ong đá được phát hiện ở các nước xung quanh dãy núi Himalaya như Nêpan, Ấn Độ, Butan, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.
Mật ong cứng như đá có gì lạ? Ảnh VTC
Ở nước ta ong đá được các cán bộ Trung tâm nghiên cứu phát triển ong phát hiện lần đầu tiên tại huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La năm 1996. Ong đá là loài ong có nguy cơ bị tuyệt chủng cao, trước đây người ta thấy trên một vách đá có tới 7 - 10 tổ ong, nhưng hiện nay ở các vách đá này chỉ thấy 1 tổ thậm chí không có tổ nào.
Về thông tin báo chí đưa, thợ săn quan sát thấy một hiện tượng lạ: Ong sinh ra mật đến đâu mật khô đến đó là không chính xác. Vì để chế biến mật hoa thành mật ong phải mất từ 7 - 10 ngày để ong loại bớt nước đi. Theo nguyên tắc, tỷ lệ nước trong mật hoa khoảng 70 - 80% nhưng trong mật ong chỉ còn 20%, đồng thời ong tiết thêm men vào để biến đổi đường sucuroz (đường đôi là loại đường chủ yếu trong mật hoa) thành đường đơn là glucoz và fructoz. Mặt khác tổ ong thường làm trên vách đá cao 30 - 40m nên người quan sát không thể thấy được các con ong có kích thước bé nhỏ chế mật như thế nào và không thể phân biệt rõ được mật khô hay ướt.
Hiện nay, tại một số nước trên thế giới như Nêpan và Ấn Độ cũng có bắt gặp hiện tượng mật ong hóa đá như vậy. Một công ty của Malaysia ở Kualalumper đang quảng cáo bán mật ong kết tinh cứng như đá của loài ong đá trên mạng Alibaba.com với giá 20 - 30 đô la/kg.
TS Phùng Hữu Chính (Nguyên giám đốc Trung tâm Nghiên cứu & Phát triển ong, Điều phối viên dự án "Bảo tồn và khai thác bền vững ong đá Apis laboriosa Smith tại các tỉnh Tây Bắc Việt Nam".