12/06/2018, 18:19

Mật ngữ rừng xanh

Nghe tin nhà văn trẻ Lê Hữu Nam với tập truyện dài được Hội Nhà văn TPHCM trao Giải thưởng Nhà văn trẻ 2015, nhiều người đã xúc động. Một chàng trai trẻ nghị lực chống chọi với bệnh tim hiểm nghèo, một tấm lòng luôn chia sẻ với cộng đồng trong lúc bản thân rất khó khăn, một cây bút có tài biết ...

Nghe tin nhà văn trẻ Lê Hữu Nam với tập truyện dài được Hội Nhà văn TPHCM trao Giải thưởng Nhà văn trẻ 2015, nhiều người đã xúc động. Một chàng trai trẻ nghị lực chống chọi với bệnh tim hiểm nghèo, một tấm lòng luôn chia sẻ với cộng đồng trong lúc bản thân rất khó khăn, một cây bút có tài biết phát đi thông điệp cảnh báo những nguy cơ đe dọa môi trường sống, Lê Hữu Nam đã làm được những điều đáng quý khác thường trong nghịch cảnh. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với anh.

 Phóng viên: Giải thưởng Nhà văn trẻ 2015 là một sự ghi nhận xứng đáng, cảm xúc của anh lúc này ra sao?

– Nhà văn Lê Hữu Nam: Thật sự tôi rất vui mừng. là tác phẩm mà tôi dành nhiêu tâm huyết, viết bằng tình yêu sáng tạo văn chương cùng những rung động trước tình yêu thiên nhiên, sự lo sợ về một môi trường xanh vĩnh viễn chỉ là giấc mơ của con trẻ. Tôi khao khát muốn gửi đi thông điệp của mình bằng nghệ thuật con chữ, để rồi được độc giả đón nhận khi tác phẩm ra mắt và bây giờ được những nhà chuyên môn đánh giá nó bằng đôi mắt nghề nghiệp. Tôi tin giải thưởng này khích lệ không chỉ với riêng mình mà còn với các bạn trẻ theo đuổi con đường văn chương.

  Anh có thể nói rõ hơn về thông điệp anh muốn gửi gắm từ ?

 – Tôi luôn trăn trở trước thảm cảnh mà những con người biết trân trọng thiên nhiên nhưng không thể thốt lên lời. Tại sao những cánh rừng bị hủy diệt, những con thú vô tội bị săn giết đến tuyệt chủng, chỉ vì sự thỏa mãn của một số người? Đó cũng là lời thú tội với thế hệ sau, để nhắc nhớ rằng con người chúng ta sinh ra từ thiên nhiên, được bảo bọc bởi nhiên nhiên nên không thể nào tàn nhẫn với thiên nhiên như thế được.

Cuộc chiến bảo vệ rừng xanh trong tác phẩm của anh xuất hiện những nhân vật người nước ngoài sát cánh với người Việt. Từ tâm thế sáng tạo cá nhân, anh nhận thấy tác phẩm của mình có gì khác biệt về kết cấu, hình ảnh so với những tác phẩm khác?

– Đầu tiên tôi đã cố gắng sắp xếp các tuyến nhân vật, những đứa trẻ và ông bố với các ông lão cùng bảo vệ một khu rừng, cho thấy cuộc chiến này không chỉ có một thế hệ hay một bộ phận nào đó nhân danh mà là nhiều thế hệ, nhiều thân phận cùng nhau chiến đấu bảo vệ thiên nhiên. Thứ hai, tôi đã phát huy được tính sáng tạo dù còn hạn hẹp của mình khi viết , với hình ảnh các nhân vật như Miên, Lâm, Jo hay Susan đều có trong hiện thực cuộc sống nhưng lại bí ẩn, hội tụ từ tính cách của các đứa trẻ Đông – Tây. Chúng còn là kết tinh của kiểu giáo dục khai sáng, không giáo điều máy móc, điều mà những đứa trẻ cần được hưởng. Thứ ba, có yếu tố nước ngoài trong truyện mang ý nghĩa rằng, cuộc chiến bảo vệ thiên nhiên không có biên giới, không ngôn ngữ, không sắc tộc. Họ có thể là cô bé người Mỹ học lớp một, cậu bé Việt Nam thích ở trong rừng, ông già tu sĩ ở ẩn trên núi hay một chuyên gia lâm nghiệp đã hy sinh mạng sống của mình vì một con voi. Họ cũng có thể là vị giáo sư già nào đó đến từ châu Âu có tấm tình yêu trong sáng với thiên nhiên và họ nói chung một thứ ngôn ngữ: Ngôn ngữ của tình yêu thương, ngôn ngữ của sự công bằng.

Bìa tập truyện vừa được tái bản

Sau , anh đang ấp ủ dự định sáng tác gì?

– Tôi đã viết thêm một vài đầu sách và sắp xuất bản vào dịp Hội sách TPHCM năm 2016 sắp tới. Đó là tập tản văn Xứ mộng hồn hoa do Phương Nam Book ấn hành, tập truyện ngắn Những gam màu hồi sinh ở NXB Trẻ và Sài Gòn cà phê ngọt đắng viết cùng tác giả trẻ Lưu Quang Minh cũng do NXB Trẻ ấn hành. Ngoài ra, tôi cũng đang gấp rút hoàn thành bản thảo tiểu thuyết đầu tiên được khởi viết cùng thời điểm bắt đầu với …

 Sức khỏe của anh vốn không tốt lắm, nhưng sức làm việc như vậy thật đáng nể. Hiện nay cuộc sống đời thường của anh ra sao?

l Hiện tại tôi vẫn đang viết báo để mưu sinh, toàn tâm sáng tác và làm những việc mình ấp ủ. Tôi có nhiều mặt hạn chế về thể chất, dẫn đến nhiều việc mình còn thiếu sót nhưng nói chung đời sống của tôi ổn về mặt tư tưởng, điều đó giúp tôi vượt qua những khó khăn.

 Từ trải nghiệm hiếm có của bản thân, anh nhìn nhận ra sao về vai trò của văn học đối với đời sống con người?

– Dường như mỗi người trong chúng ta vô tình bị cuốn vào guồng quay mỗi lúc một nhanh của đời sống, có lúc ta vui vẻ đón nhận và hào hứng với nó, nhưng có những lúc chúng ta chơi vơi không biết mình đang đi về đâu, làm gì hay sẽ phải làm gì, dù chúng ta đang hiến thân cho cái vòng quay ấy một cách mãnh liệt. Dưới cái nhìn của người viết trẻ, người trẻ thích đọc, tôi nhận thấy văn học là thứ truyền nạp một tinh thần trong trẻo, minh triết và không bị gò bó ở mọi khía cạnh đời sống con người. Dĩ nhiên văn chương, văn học đích thực sẽ hướng con người đến cái đẹp, khơi gợi cái đẹp trước những xói mòn của những tư tưởng hẹp hòi, ích kỷ đang đe dọa môi trường sống chúng ta.

HOÀNG THỦY (thực hiện)

0