Loài hoa chuyên “đánh” côn trùng
37- Loài hoa chuyên “đánh” côn trùng Hoa tiểu bá. Cây dâu để cho tằm ăn lá mà không than nửa lời. Cây sồi cũng chịu để con người đốn trong im lặng… Vậy có khi nào thực vật giữ thế chủ động không? Có đấy, cây hoa tiểu bá sẽ giương nhị đực lên và thẳng cánh ...
Cây dâu để cho tằm ăn lá mà không than nửa lời. Cây sồi cũng chịu để con người đốn trong im lặng… Vậy có khi nào thực vật giữ thế chủ động không? Có đấy, cây hoa tiểu bá sẽ giương nhị đực lên và thẳng cánh “choảng” côn trùng khi cần thiết.
Hãy quan sát hoa tiểu bá (berberis amurensis) khi nở, nếu bạn lấy đầu bút chì đụng vào cuống nhị đực của nó, khi ấy, hoa tưởng là côn trùng đến, lập tức giương bao phấn ra đánh. Giải thích như thế nào về hiện tượng này?
Hoa của cây Berberis có đường kính chỉ khoảng 1-2 cm. Trên mỗi bông có cả nhị đực và nhụy cái. Ở cuống mỗi cánh hoa đều có một cặp tuyến mật. Khi hoa nở, 6 chiếc nhị đực dính sát vào mặt trong cánh hoa, ở giữa là một nhụy cái. Khi côn trùng lấy mật, những nhị hoa bị đụng chạm sẽ bật vào giữa như những chiếc roi, phấn hoa trong túi phấn lúc đó được rắc lên cơ thể côn trùng. Do mỗi bông hoa có 6 tuyến mật nên trong quá trình làm việc, côn trùng thường bị “quất” liên tiếp, cho đến khi hút hết mật thì đã khoác một bộ áo phấn hoa mới vui vẻ ra đi. Tới bông hoa thứ hai, phấn hoa trên cơ thể côn trùng sẽ dính vào vòi nhụy, nhờ đó việc thụ phấn giữa các bông hoa khác nhau được thực hiện.
Sự vận động nhạy cảm của nhị đực vốn không phải có ác ý, mà là một kiểu thích ứng để truyền phấn giữa các bông hoa khác nhau. Qua đó, hạt giống cây Berbesis amurensis có sức sống khá mãnh liệt.
Tác phẩm, tác giả, nguồn
- Tác phẩm: 10 vạn câu hỏi vì sao
- Nhà xuất bản: NXB Khoa học và Kỹ thuật, năm 2002
- Nguồn: vnexpress, vietsciences