Lo ngày tận thế, giới tỷ phú vung tiền mua hầm trú ẩn
Nhắc đến “hầm tránh ngày tận thế”, đa phần người nghe sẽ nghĩ tới những căn phòng bê tông chứa đầy đồ hộp chế biến sẵn. Thực hư câu chuyện này ra sao? Theo CNN, mối hiểm họa về sự hủy diệt toàn cầu ngày nay hiển hiện rõ ràng không kém gì thời Chiến tranh Lạnh, nhưng những nơi trú ...
Nhắc đến “hầm tránh ngày tận thế”, đa phần người nghe sẽ nghĩ tới những căn phòng bê tông chứa đầy đồ hộp chế biến sẵn. Thực hư câu chuyện này ra sao?
Theo CNN, mối hiểm họa về sự hủy diệt toàn cầu ngày nay hiển hiện rõ ràng không kém gì thời Chiến tranh Lạnh, nhưng những nơi trú ẩn với hàng rao an ninh tối tân đã khác xa thế kỷ trước.
Một số công ty trên thế giới đang cố gắng đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về những công trình có thể chống lại mọi hiểm họa, từ đại dịch toàn cầu, va chạm tiểu hành tinh, hay chiến tranh thế giới thứ 3 đi liền các dịch vụ tiện nghi sang trọng.
“Hầm trú ẩn của cha ông bạn đã không còn phù hợp nữa” - Robert Vicino, nhà kinh doanh bất động sản, CEO của công ty xây dựng quản lý nhà cao cấp Vivos, nhận xét.
“Chúng là những miếng kim loại xám xịt, trông như những con tàu chiến quân sự. Và sự thật là chúng ta không thể sống mãi trong một môi trường ảm đạm như vậy".
Bên trong hầm trú ẩn của người giàu đặt tại CH Séc.
Nhu cầu cho ngày tận thế
Giới thượng lưu trên toàn thế giới, từ các nhà quản lý quỹ phòng hộ, vận động viên thể thao đến giám đốc công nghệ (Bill Gates được đồn sở hữu hầm trú ẩn riêng trong những biệt thự của mình) đã lựa chọn thiết kế những hầm trú ẩn đặc biệt cho gia đình và nhân viên của họ.
Gary Lynch, Tổng giám đốc công ty Rising S, tại bang Texas, Mỹ, cho biết doanh thu năm 2016 từ sản phẩm hầm trú ẩn ngầm đã tăng 700% so với năm 2015, trong khi tổng doanh thu tăng 300% chỉ tính từ thời điểm cuộc bầu cử tổng thống Mỹ hồi tháng 11.
Những căn hầm thép của công ty, vốn được thiết kế để sử dụng qua nhiều thế hệ, có sức chứa tối thiểu lương thực trong vòng một năm và khả năng chống chịu động đất đáng kinh ngạc.
Có những tỷ phú muốn trú ẩn một mình, trong khi một số khác, lại muốn được “trải nghiệm tận thế” mà vẫn gần gũi với cộng đồng.
Các nhà phát triển loại hầm trú công cộng như vậy thường tận dụng boong-ke quân sự và silo tên lửa (khoang chứa nguyên liệu, thiết bị) của Mỹ hoặc Liên Xô – công trình có thể tốn tới hàng trăm triệu USD để xây dựng lại từ đầu.
Những công trình kiên cố này được thiết kế để chống chịu các cuộc tấn công hạt nhân với trang bị tiên tiến hệ thống điện, nước sạch, lọc khí “Phóng xạ - Sinh học - Hóa học" (NBC) và thậm chí cả vườn thủy sinh.
Vicino cho biết Vivos nhận được sự quan tâm khổng lồ về hầm trú ẩn trong khoảng thời gian bầu cứ Mỹ 2016 từ cả Đảng Bảo thủ và Đảng Tự do, và đã bán hết “suất” trú công cộng vài tuần trước.
Thiết kế “khoang”
Một trong những công trình trên, Vivos xPoint, ở bang Nam Dakota - Mỹ bao gồm 575 boong-ke quân sự, với sức chứa tới 5000 người. Nội thất của từng boong-ke có giá thành dao động từ 25.000 USD tới 200.000 USD, với nhiều dịch vụ phù hợp từ không gian tối thiểu tới “ngôi biệt thự” hạng sang.
Đặc biệt, khu phức hợp sẽ được trang bị tất cả những nhu cầu tiện nghi như một thị trấn thu nhỏ với rạp chiếu phim công cộng, vườn thủy sinh, phòng khám y tế, trung tâm thể hình và spa.
Vivos Europa 1 tại Đức. (Ảnh: Youtube.com).
Để phục vụ nhu cầu gia tăng của các tỷ phú, công ty giới thiệu mẫu Vivos Europa 1, được ví như “con tàu Noah’s Ark của kỷ nguyên công nghệ”, trong một kho chứa đạn dược tại Đức giai đoạn Chiến tranh Lạnh. Công trình được xây dựng trên nền đá cứng, bao gồm 34 căn hộ riêng biệt, với diện tích từ 232 m2 đến 464 m2.
Khu phức hợp rộng lớn được trang bị hệ thống xe điện nhằm đưa người dân quanh “khu trú ẩn”, ghé thăm các nhà hàng, nhà hát, quán cà phê, hồ bơi và các khu vực vui chơi giải trí.
Vicino nhấn mạnh: "Chúng tôi không những cung cấp mọi tiện nghi trong nhà, mà còn cả những tiện nghi bạn mong đợi khi rời khỏi nhà".
“Lô cốt” chống vũ khi hạt nhân
Chủ dự án Larry Hall của Survival Condo tại Kansas đã tận dụng lại hai silo tên lửa được đội ngũ kỹ sư quân đội Mỹ xây dựng để chứa đầu đạn hạt nhân vào đầu những năm 1960.
Ông nói: "Khách hàng của chúng tôi bị thu hút bởi lợi thế độc đáo của việc sở hữu ngôi nhà sang trọng thứ hai mà đồng thời cũng là một hầm trú ẩn vững trãi".
Survival Condo tại Đức. (Ảnh Survival Condo).
Survival Condo gợi ý cho khách hàng nhiều tùy chọn khác nhau, từ những căn hộ nửa sàn rộng hơn 80 m2 đến những penthouse rộng 330 m2 vuông, với mức giá lên tới 4,5 triệu USD.
Trong khi đó, hầm Oppidum ở Cộng hòa Séc, sự lựa chọn được giới tỷ phú đánh giá là "hầm trú tận thế lớn nhất thế giới", từng là một cơ sở bí mật được xây dựng bởi Liên Xô và Tiệp Khắc (nay là Cộng hòa Séc và Slovakia), trong vòng 10 năm liên tục kể từ 1984.
Công trình này bao gồm một phần trên mặt đất và thành phố ngầm rộng 7,1 ha. Trong khi sản phẩm hoàn thành cuối cùng sẽ được xây dựng theo yêu cầu của chủ sở hữu, các bản phác thảo ban đầu bao gồm một khu vườn dưới đất, bể bơi, spa, rạp chiếu phim và hầm rượu vang.
"Những hầm trú ẩn này là công trình được sử dụng dài hạn, một năm, cũng có thể lâu hơn”, Vicino nói. “vậy nên sự thoải mái chắc chắn là một yếu tố đặc biệt không thể thiếu”.